Hôm nay là ngày rằm tháng bảy, ngày
báo hiếu, cũng là một trong những ngày lễ trọng đại nhất của giới Phật
tử chúng ta. Nói đến hiếu đạo là nói đến đạo sống của con người. Dù là
tôn giáo nào, ai ai cũng phải lấy hiếu đạo làm gốc.
Hôm nay là ngày mọi người con Phật
dâng hết lòng thành của mình lên đấng sinh thành như cha, mẹ, ông, bà
v.v… là những người đã tạo ra chúng ta. Cha mẹ đã dày công sinh thành
nuôi dưỡng gầy dựng cho chúng ta một cuộc đời, một sự sống.
Tâm trạng lo lắng đó không biết đến đâu là cùng. Cho nên người xưa nói
“Giọt nước luôn chảy xuống”. Cha mẹ trăm tuổi, con cái tám mươi hay hơn
nữa, cha mẹ cũng vẫn lo lắng. Không bao giờ cha mẹ bỏ quên chúng ta.
Luôn muốn chúng ta trưởng thành, ấm no, sung túc. Thấy con người học
giỏi cũng muốn con mình học giỏi. Thấy con người phát đạt cũng muốn con
mình phát đạt. Muốn con luôn luôn là người tốt, người hiếu đạo. Đó là
ước nguyện của cha mẹ.
Vì vậy để tỏ lòng hiếu kính với các bậc sinh thành, ta phải
làm gì?
Nếu cha mẹ đã quá vãng, chúng ta nên tu tạo công đức, hồi hướng cho các
vị. Nếu cha mẹ vì nghiệp dữ phải đọa vào ác đạo, chúng ta cần thành tâm
thiết lễ trai nghi cúng dường Tam Bảo và phúng tụng kinh kệ để chuyển
hóa nghiệp dữ cho cha mẹ.
Trong kinh Địa Tạng, Bồ tát Địa Tạng đã phát nguyện, nếu còn một chúng
sinh khổ thì ngài nguyện không thành Phật. Còn một chúng sinh ở địa ngục
thì ngài còn ở đó cứu vớt. Chỉ khi chúng sinh hết khổ, ngài mới lên
ngôi vị chánh giác. Với lời nguyện to lớn đó, ngài là vị đại Bồ tát
thường thị hiện trong cuộc đời, ở những chốn khổ đau để cứu vớt chúng
sinh. Trong đó có cha mẹ nhiều đời của chúng ta.
Đức Phật luôn dặn dò các vị Bồ tát phải luôn giúp đỡ chúng sinh khi họ
gặp hoạn nạn hay bị đọa trong ba đường ác. Phật dạy Bồ tát Địa Tạng rằng
“Nếu có người nam người nữ nào trồng chút ít căn lành trong Phật pháp,
ông nên dùng đạo lực của ông ủng hộ người đó tu tập lần lần, để họ được
đạo vô thượng. Chớ để họ thoái thất. Nếu có kẻ mới được chút ít căn lành
mà phải đọa lạc trong các đường khổ, ông nên khiến người ấy nhớ nghĩ
danh hiệu Phật, và dùng thần lực khiến họ không bị đọa vào địa ngục, ngạ
quỉ, súc sanh.
Sỡ dĩ có những cảnh khổ đau là do chúng sinh tạo nghiệp không tốt mà
chiêu cảm nên. Nghiệp không tốt ấy do thân, khẩu, ý tạo ra. Ta bị các
thứ tham lam, sân hận, si mê, điên đảo kéo lôi. Điều này tự nghiệm lấy
là có thể biết. Giả như có người chọc giận mình, mình giận người đó thì
tâm không yên. Địa ngục liền hiện tiền trong lòng mình. Địa ngục hiện ra
thì thân bức xúc, miệng chửi mắng, rồi những ý niệm xấu xa hay những
hành động hại người xuất hiện. Làm và nghĩ như thế thì tâm mất sự an
lạc. Đó không phải địa ngục là gì? Địa ngục hiện tiền là do chúng sinh
tự gây tạo rồi chiêu cảm lấy, kêu cầu ai bây giờ? Cầu Phật, Phật cứu
được không? Nhất định là không. Tự mình phải cứu mình. Vì vậy Phật dạy
ngài Địa Tạng phải giúp người có chút ít căn lành tự hoàn thiện bản thân
họ. Bản thân họ được hoàn thiện rồi thì ba đường ác cũng không còn.
Phật dạy tiếp “Nghiệp lực chúng sinh rất lớn. có thể sánh với núi Tu
di, sâu dường biển cả, có thể ngăn đạo thánh. Vì thế chúng sinh chớ
khinh điều nhỏ cho là không tội. Sau khi chết đều có quả báo, dù chỉ mảy
mún đều phải chịu lấy”. Vì nghiệp lực lớn và sâu như thế, nên ta
tu hoài mà chưa thành Phật. Nghiệp sâu dày quá thì thường không có điều
kiện làm thứ gì cho có công đức và có trí tuệ. Phật tử chúng ta phải chú
ý đến điều này. Cố gắng chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp không tốt thành
nghiệp tốt. Chuyển ra sao? Những gì không tốt đã lỡ gây tạo thì không
gây tạo nữa. Những gì chưa gây tạo, dù chỉ là một ý niệm cũng phải nhớ
lời Phật dạy “Dù chỉ mảy may đều phải chịu lấy”, nên phải cẩn thận không
gây tạo nữa.
Nghiệp một khi tạo rồi, thì dù chí thân như cha với con cũng không gánh
dùm nhau được, thành đừng ỷ lại, cho rằng quí thầy cô tụng kinh thì
chúng ta siêu độ. Bản thân quí thầy cô nếu không tu hành cho ra hồn thì
tự thân quí vị còn không độ được cho mình nói là cứu chúng ta. Cho nên,
chúng ta phải tự lo, không nên ỷ lại vào ai. Không ai cứu mình bằng mình
tự chuyển hóa lấy mình. Đó là lý do Phật dạy chư vị Bồ tát phải giúp
chúng sinh phát triển nhân thiện của chính họ, chứ không phải dùng khả
năng của mình theo kiểu ban phước giáng họa.
Tóm lại, chủ trương của đạo Phật là phải tự nơi chính mình chuyển hóa
mình. Phật, Bồ tát, Tăng Ni v.v… chỉ là những trợ duyên bên ngoài giúp
ta tu hành. Muốn giúp người đuợc tốt thì đầu tiên chúng ta phải tốt.
Muốn hướng dẫn người đúng chánh pháp thì đầu tiên chúng ta phải tu đúng
chánh pháp.
Đừng nghĩ niệm Phật thì được Phật cứu. Niệm Phật là nhờ uy lực Phật giúp
mình chuyển hóa tâm thức của mình. Nhờ sự chuyển hóa đó mà mình thoát
khỏi kiếp khổ. Như vậy, tự mình phải tu, phải cố gắng, phải nổ lực, cộng
với sự gia trì của chư Phật thì mới thành tựu các ước nguyện. Làm việc
thiện mà tâm được thanh tịnh nữa thì công đức mới tròn đầy viên mãn.
Có một tiền kiếp, Phật là người con bất hiếu. Khi chết ngài đọa vào địa
ngục. Ở đó, ngài thấy những chúng sinh kêu la thảm thiết, thân như cây
lửa, đầu đội vòng lửa. Ngài hỏi cai ngục “Những kẻ ấy tạo tội gì mà bị
hình phạt ghê gớm đó?”. Quỉ ngục đáp “Tội bất hiếu”. Ngài rúng động, hỏi
tiếp “Bao giờ những người đó mới hết bị tội báo”. “Chừng nào có một
người con bất hiếu khác xuống thay thì nó sẽ hết”. Nói rồi, vòng lửa
liền bay chụp lên đầu ngài. Ngài đau đớn và phát đại nguyện “Tôi nguyện
chịu thay tất cả những thống khổ này. Nguyện trên đời này đừng ai bất
hiếu để phải đọa vào đây nữa”.Vừa phát đại nguyện xong thì vòng lửa cũng
vừa mất. Cảnh địa ngục cũng mất.
Phật dạy chúng ta phải nổ lực tu tập để độ mình và độ cha mẹ, thân bằng,
quyến thuộc. Phật dù có muốn kéo chúng ta, mà ta không đưa tay cho Phật
nắm thì cũng chịu. Đưa tay bằng cách nào? Niệm Phật chứ đừng niệm danh
lợi ở thế gian. Phải giác ngộ sáng suốt thì Phật mới kéo chúng ta lên
được. Chưa làm được việc đó thì không ai kéo lên được. Tu thiền hay tu
tịnh gì cũng vậy. Dù ở chùa bao nhiêu năm mà không định tỉnh, không sáng
suốt, không tự tu tập để khắc phục những khuyết điểm của mình thì cũng
chẳng được gì.
Trong đạo Phật có nói về cứu khổ, nhưng tinh thần của việc cứu khổ là tự
mình phải có công đức. Chúng ta có quyền cầu nguyện nhưng chủ yếu vẫn
là tự mình tu tập. Do tu tập mà lời nguyện được đáp ứng. Nếu chỉ nguyện
xuông mà không tu tập thì không có kết quả.
Kinh Địa Tạng kể rằng : Có một nữ Bà la môn rất kính tin Tam bảo, nhưng
mẹ cô lại không chấp nhận. Bà sinh tâm hủy báng và chống đối việc tu học
của con. Ba nghiệp của bà ngày càng xấu ác. Khuyên không xong, cô chỉ
biết nỗ lực tu tập hồi hướng công đức cho mẹ, mong bà hồi tâm chuyển
hóa. Song vì nhân bất thiện đã đủ duyên nên bà đọa địa ngục. Biết mẹ
không tránh được đường ác nên trong suốt thời gian 49 ngày, cô thiết tha
tu hành và cúng dường Tam Bảo, lấy đó hồi hướng cho bà. Mong sao bà
thoát cảnh khổ ngục.
Một hôm cô nằm mộng thấy mình đi đến một bờ biển, nước sôi sùng sục,
cọp, beo đồng, sắt, lửa đỏ v.v… Chúng sinh thì bị quăng xuống đó trông
rất thê thảm. Cô mới hỏi quỉ ngục “Tội nghiệp gì mà rớt xuống đây?”. Quỉ
ngục trả lời “Không kính tin Tam bảo, sát hại chúng sinh, làm những
việc bất nhân thất đức”. Quỉ sứ lại hỏi “Cô đến đây để làm gì?”. “Tôi
đến đây để tìm mẹ”. Quỉ hỏi “Mẹ cô tên gì?”. Cô nói tên họ cha mẹ cho
quỉ nghe. Quỉ chấp tay cung kính thưa rằng “Những tội nhân ấy cách đây
ba ngày đã được thác sinh về thế giới an lành rồi”. Cô gái mừng rỡ phát
nguyện “Tôi nguyện đời đời tu theo chánh pháp. Đời đời thay chúng sinh
chịu mọi khổ đau. Nguyện cho tất cả chúng sinh không còn tâm hủy báng
Tam Bảo, cũng đừng tạo nghiệp bất thiện để phải rơi vào địa ngục khổ
đau”.
Tinh thần cứu khổ của đạo Phật là như vậy. Phải tự tu tập để
cứu mình và cứu người.
Tu thế nào? Đừng nghĩ bậy. Đừng nói bậy. Đừng làm bậy. Dù là ở nhà, ở
chùa hay ở chợ đều tu dược. Có điều kiện thì đi chùa sắm nhan đèn cúng
kính. Không có điều kiện thì ở nhà. Nhưng nhớ ai chửi đừng chửi lại mà
gắng nhịn đi. Đó là tu. Dân gian còn nói “Một sự nhịn chín sự lành”,
huống là đạo Phật, luôn dạy mình nhẫn nhục. Đừng nghĩ nhẫn là nhục. Nhẫn
được thì có đại hùng đại lực. Nhẫn không được thì cải nhau. Cải rồi tới
đánh. Đánh rồi vô nhà thương, công an, tòa án. Đủ thứ rắc rối, chỉ vì
ngay niệm đầu mình không nhẫn được. Thành tu gì không bằng nhẫn. Cách
này ai cũng tu được. Giàu nghèo gì tu cũng được. Quan trọng là có chịu
tu hay không.
Một việc cần thiết nữa trong vấn đề tu hành là phát tâm bồ đề, tức là
phát cái tâm giác ngộ. Chúng ta ai cũng có sẵn tâm đó hết. Phật dạy “Tâm
bồ đề là con đường dẫn đến trí tuệ, là suối thiêng có thể gột rửa tất
cả, là cổ xe chuyên chở các Bồ tát, là cánh cửa mở ra bồ tát hạnh”,
thành phải phát cho được tâm này. Nghĩa là, Phật tử chúng ta, sau khi
hiểu đạo, tu tập rồi, phải phát tâm bồ đề. Chư Phật ra đời cũng vì muốn
chỉ cho ta nhận ra tâm đó. Song muốn phát tâm đó thì phải làm sao? Phải
loại bỏ tất cả vọng tưởng lăng xăng đắm trước. Phải loại hết các thứ đó
thì tâm bồ đề mới hiện. Cho nên, chúng ta phải tĩnh giác soi chiếu lại
mình. Không hướng ra bên ngoài mà tìm cầu. Ai có rủ uống một viên linh
đơn sống ngàn tuổi v.v… chúng ta cũng xin thôi. Chỉ cần tỉnh giác mọi
lúc mọi nơi với mọi tâm niệm của mình, không để chúng dẫn chạy tạo
nghiệp là được.
Kinh nói “Tâm bồ đề là nơi trú ngụ của tam muội, là khu vườn hưởng
thụ pháp lạc, là chỗ an ổn của thế gian, là chỗ nương tựa của các vị Bồ
tát”. Chúng ta muốn gần gũi chư Phật chúng ta phải có tam muội. Tam
muội là chỉ cho sự định tỉnh của mình. Như đang ngồi mà nghe ai nói gì
đó, rồi nổi sùng lên, là không có định tỉnh. Nghe thì nghe và vẫn bình
ổn yên lắng, không bị âm thanh dẫn chạy, là mình đang có định tỉnh. Ttâm
định tỉnh này là nhân duyên giúp người tu ngộ đạo.
Một nhà sư tu khổ hạnh, chỉ ngồi không nằm. Thị giả là một người khá
thông minh lanh lợi. Có điều chú ít chịu nghe lời thầy. Thầy ngồi liên
tục, nhưng chú lại nằm trường kỳ. Thấy chú còn nhỏ nên thầy cũng cho chú
nằm. Có điều, chú nằm hoài mà không thấy ngồi. Thấy vậy, thầy nhắc nhỡ
“Chú mày nằm hoài, chết không sợ thành rắn à”. Chú trả lời “Sư phụ ngồi
hoài chết sẽ thành cóc”. Ngay câu nói đó, ông thầy ngộ đạo. Đó là do
công phu được huân tập lâu ngày, nên chỉ cần một duyên nhỏ là ngài ngộ
đạo. Thầy trò thành tựu cho nhau kể cũng đặc biệt. Cho nên, trong nhà
thiền, quí ở chỗ tâm định tỉnh.
Tóm lại dù là xuất gia hay tại gia, chúng ta đều phải để tâm vào việc tu
tập. Trước là tự lợi cho mình. Sau là để đền trả thâm ân cao trọng của
cha mẹ. Đem công đức tu tập đó hồi hướng nguyện cho cha mẹ chưa kính tin
Tam bảo thì phát tâm kính tin Tam bảo. Phát tâm kính tin Tam bảo rồi
thì biết bỏ ác làm lành, đời đời sanh trong nhà Phật pháp.
Nhân mùa Vu lan báo hiếu, chúng tôi xin chúc toàn thể quí Phật tử luôn
nhớ chúng ta đều có Phật tánh, có tri kiến Phật. Chúng ta là Phật sẽ
thành. Chủ yếu là phải làm sao phát huy cho được cái tri kiến Phật đó.
Chúc quí vị thành Phật, chúng tôi cũng thành Phật. Tất cả chúng ta đều
thành Phật