Những người có được một số hiểu biết và kỹ năng vượt trội hơn người khác, được gọi là có đẳng cấp “pro”, làm thần tượng cho giới trẻ, những người đam mê trong nghề nghiệp như ca sĩ, diễn viên điện ảnh, người mẫu, huấn luyện viên, cầu thủ bóng đá… được ca ngợi trên báo, đài, phim ảnh, tiểu thuyết… vô tình làm cho nhiều bạn trẻ dễ hiểu lầm đó là điều trọng yếu. Khi bàn luận, các giá trị phụ này làm cho những thanh niên không có những hiểu biết đó cảm thấy mình phải được hiểu biết như những người khác, có như vậy, họ mới tự tin. Đó là nguyên nhân gần làm cho giới trẻ mất định hướng, và muốn tự tin họ đã chứng tỏ bằng nhiều cách khác nhau như hút thuốc lá, thuốc lắc, nhậu nhẹt… Cuộc sống ngày nay được đề cập qua rất nhiều “giá trị” như: danh tiếng, tiền bạc, tri thức, điện thoại di động đời mới… Trong hàng loạt “giá trị” đó thì cái nào là chính, cái nào là phụ, cái gì có thể bỏ qua và cái gì không thể bỏ qua? Đấy thực sự là những câu hỏi căn bản và có tính cách định hướng cho cuộc đời con người. Điều này đã được trả lời trong kinh Phật hơn 2500 năm về trước. Chúng ta hãy xem đoạn đối thoại bổ ích của Bà la môn Sonadanda và Đức Phật trongTrường Bộ kinh.
Khi thấy có nhiều người Campà đến tại hồ nước Gaggara, nơi Đức Phật tạm nghỉ, để yết kiến Ngài, Bà la môn Sonadanda nửa muốn yết kiến Đức Phật, nửa không muốn. Ông ở vào vị trí quan trọng về tinh thần tại vùng đó, nên khi những người Campà đến Gaggara, ông không thể xem mình là người không biết gì về sự kiện đó. Vị trí cao trong xã hội có thể dẫn ông tới việc phải miễn cưỡng làm các điều không mong muốn. Nhưng khi được hội chúng khuyên nên không đi, ông lại cố ra sức chứng tỏ rằng việc đến yết kiến Đức Phật là cần thiết. Hiện tượng không muốn gặp gỡ một người đầy đủ về đạo đức và trí tuệ, người mà khi tiếp xúc họ có thể dễ dàng thấy được các nhược điểm của mình, trong kinh Phật gọi là tâm lý không muốn yết kiến người có trí. Và đây cũng là một tâm lý phổ biến trong xã hội chúng ta hôm nay.
Thế là ông Sonadanda đi yết kiến Đức Phật cùng với những người khác. Ta hãy theo dòng suy nghĩ của ông: “Nếu sa môn Gotama hỏi ta một câu, câu trả lời của ta có thể không làm cho tâm trí Ngài được thỏa mãn; và nếu Sa môn Gotama nói với ta như sau: Này Bà La Môn, câu hỏi ấy nên trả lời như thế này, thời như vậy, hội chúng này sẽ khinh miệt ta: Bà la môn Sonadanda là ngu si bất tài không thể làm cho tâm trí Sa môn Gotama thỏa mãn câu trả lời ấy”. Ông tiếp tục lo lắng. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi tất cả tiếng tăm mà ông có, được xem là nguyên nhân trực tiếp để ông có được thu nhập dồi dào. Câu chuyện xảy ra cách đây 2.500 năm xem ra không khác gì câu chuyện thời hiện đại. Ông Sonadanda đã lo lắng đến độ muốn quay về. Nhưng vì sợ mang tiếng, sợ giảm thu nhập, ông lại tiếp tục đi theo đoàn người.
Khi đến nơi, ông chào hỏi Đức Phật và ngồi xuống, nhưng những nỗi lo sợ của ông lại tiếp tục nổi lên. Đức Phật biết như vậy nên đã tìm cách gỡ rối cho ông Sonadanda. Ngài hỏi một câu thuộc về phần kinh điển của giai cấp tăng lữ: “Này Bà La Môn, những vị Bà la môn phải đầy đủ bao nhiêu đức tính mới được gọi là Bà La Môn, và để có khi nói: tôi là Bà La Môn, lời nói ấy là chân chính, không phải lời nói dối”. Quả thật đây là một câu hỏi “chuyên môn” mà ông Sonadanda có thể trả lời được. Đức Phật đang nói về tiêu chuẩn để một con người công dân tốt có thể nói về mình mà không thấy ngượng. Bạn có cần phải là người sành điệu hay không, bạn có cần phải là người trí thức cao cho thời đại phát triển vũ bão của công nghệ không, bạn có cần phải ăn nói có duyên, dẫn dắt các câu chuyện thiện nghệ không, có cần ăn mặc theo mốt không?…
Ông nêu ra năm tiêu chuẩn:
1. Có truyền thống gia đình, không bị một gièm pha nào về cả phụ hệ và mẫu hệ cho đến bảy đời về trước,
2. Có các hiểu biết về mặt chú, về kinh Vệ đà, về khoa học tự nhiên và nhân tướng học,
3. Đẹp trai, khả ái, cử chỉ trang nhã, dáng điệu cao thượng,
4. Có đức hạnh, đầy đủ giới hạnh cao dày.
5. Học rộng, sáng suốt.
Mặc dù có đầy đủ tất cả những tiêu chuẩn trên, ông vẫn không tự tin. Đây chính là điều mà chúng ta cần phải chú ý tới, bởi vì các vấn đề của con người hiện đại ngày nay cũng vẫn tương tự như xưa, và người ta cứ nghĩ rằng phải có thêm gì đó thì mới tự tin… Để hướng dẫn ông Sonadanda, Đức Phật hỏi tiếp: “Này Bà La Môn, trong năm đức tính này, có thể bỏ qua một đức tính nào, chỉ có bốn đức tính thôi, mà vẫn có thể khi nói: tôi là Bà La Môn, lời nói ấy là chân chính, không phải là giả dối”. Đây là một kỹ thuật đặc trưng của tất cả các quan điểm về cái tôi. Tên của nó là kỹ thuật từ bỏ, buông bỏ hay đoạn giảm. Nó sử dụng để làm rõ những điều cốt yếu, định hướng và điều chỉnh hành động. Cách đây nhiều năm, tôi đã đọc cuốn sách nổi tiếng của Dale Carmegie, Quẳng gánh lo đi mà vui sống. Thật đáng ngạc nhiên, kỹ thuật từ bỏ rất hữu ích này lại không được nhắc tới, ngoại trừ một đoạn rất mờ nhạt nói tới ý Emerson: “Trừ ta ra, không có cái gì làm cho ta bình tĩnh được hết”.
Sông Sonadanda trả lời như sau: “Tôn giả Gotama, có thể được. Tôn giả Gotama, trong năm đức tính này, chúng tôi có thể bỏ dung sắc”. Như vậy, ông đã bỏ tiêu chuẩn thứ ba. Đây là một điều cực kỳ cơ bản mà giới trẻ cần được giáo dục cẩn thận. Cùng với dáng vẻ bên ngoài, các thứ phụ tùng như nước hoa C, dầu gội đầu R, điện thoại di động N, sự xăm hình… đang tạo thành sự “sành điệu” và “niềm tự hào” của không ít người. Gần đây, tôi có đọc một bài viết về một cô gái bị hỏng hôn nhân vì chú rễ nhìn thấy các hình ảnh xăm trên ngực cô gái. Hẳn là khi cô xăm hình ảnh, cô không nghĩ đến được cái hậu quả “kỳ lạ” như thế.
Đức Phật hỏi tiếp: “Này Bà La Môn, trong bốn đức tính này, có thể bỏ qua một đức tính nào, chỉ có ba đức tính thôi, mà vãn có thể gọi là Bà La Môn, và để có thể khi nói: tôi là Bà La Môn, lời nói ấy là chân chính, không phải lời nói dối”. Bây giờ đã thấy định hướng vấn đề, ông trả lời: “Tôn giả Gotama, có thể được. Tôn giả Gotama, trong bốn đức tính này, chúng tôi có thể bỏ mật chú”. Ta cần nên biết sự thực hành mật chú có thể dẫn đến sự phát triển những năng lực thần thông. Hiện nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ta thường thấy nói đến những người có khả năng đặc biệt như nhìn thấy những thông tin về những người chết đã lâu hay những ảnh tượng mà người bình thường chúng ta không thấy được.
Thể hiện thông thường của tiêu chuẩn này nằm ở lòng tự hào do có được một số hiểu biết và kỹ năng ở một lĩnh vực nào đó vượt trội hơn những người khác, đó là những người có tính cách chuyên nghiệp được gọi là có đẳng cấp “pro”…, làm thần tượng cho giới trẻ. Những người đam mê trong một nghề nghiệp như ca sĩ, diễn viên điện ảnh, người mẫu, huấn luyện viên, cầu thủ bóng đá… được ca ngợi trên báo, đài, phim ảnh, tiểu thuyết… vô tình làm cho nhiều bạn trẻ dễ hiểu lầm đó là điều trọng yếu. Các chương trình truyền hình tôn vinh những người nắm được nhiều thông tin về các đội bóng ở tận bên kia trời Tây, những người nghe được nhiều bài hát, biết được chuyện của các ca sĩ thời danh… Khi bàn luận, các giá trị phụ này làm cho những thanh niên không có những hiểu biết đó cảm thấy mình vô giá trị và mình phải được hiểu biết như những người khác, có như vậy, họ mới cảm thấy tự tin. Đó là nguyên nhân gần làm cho giới trẻ mất định hướng, và muốn tự tin, họ đã chứng tỏ bằng nhiều cách khác nhau như hút thuốc lá, thuốc lắc, bài bạc, nhậu… Qua đó ta thấy ngay cả sự giỏi về học vấn, về nghề nghiệp chuyên môn… nhưng được dùng để chê bai người khác cũng là loại kiến thức vô ích. Cũng cần phải nói thêm, các tiêu chuẩn hiểu biết về xã hội như ông Sonadanda đề cập là các vấn đề về ngôn ngữ, lịch sự, lễ nghi, xem tướng… vốn là những kiến thức mà có nhiều người trong chúng ta vẫn còn mong ước được biết.
Câu chuyện được tiếp tục, Đức Phật lại hỏi: “Này Bà La Môn, trong ba đức tính này, có thể bỏ qua một đức tính nào, chỉ có hai đức tính thôi, mà vẫn có thể gọi là Bà La Môn, và để có thể khi nói: tôi là Bà La Môn, lời nói ấy là chân chính, không phải là lời nói giả dối”. Ông trả lời tự tin: “Tôn giả Gotama, có thể được. Tôn giả Gotama, trong ba đức tính này, chúng tôi có thể bỏ thọ sinh”. Ông đã bỏ luôn tiêu chuẩn thứ nhất. Khi đề cập đến thân thế, ta thấy đây là quả thực là vấn đề khó bỏ qua. Lúc đó, mọi người đi theo ông Sonadanda nhao nhao lên phản đối. Chúng ta phải biết, thân thế trong sạch mà mọi người đang đề cập đến ở đây là sự trong sạch của gia tộc trong bảy đời liên tiếp chứ không giống như sự tự hào đơn giản của những người ngày nay có nguồn gốc gia đình giàu sang hay có truyền thống hơn những người khác chỉ trong hiện tại. Ông Sonadanda đã chỉ vào Ankara, người cháu của mình, vốn đầy đủ các tiêu chuẩn mà ông đã nêu: “Này các hiền giả, nếu thanh niên Ankara giết hại các loại hữu tình, lấy của không cho, đi tư thông với vợ người, nói láo, ụống rượu, như vậy các hiền giả, nay dung sắc làm được cái gì, thọ sinh làm được cái gì?”.
Đến đây vấn đề đã được giản lược rất nhiều. Tuy nhiên, Đức Phật vẫn nói tiếp: “Này Bà La Môn, trong hai đức tính này, có thể bỏ qua một đức tính nào, chỉ có một đức tính thôi, và để có thể nói: tôi là Bà La Môn, lời nói ấy là chân chính, không phải là lời nói dối”. Đức Phật đã cố ý gợi mở cho ông Sonadanda để ông có thể đi đến sự buông bỏ toàn diện. Khi đọc tới đoạn này, tôi lại nhớ đến đoạn kinh Đức Phật ví dụ các hiểu biết như là chiếc bè, khi dùng nó qua sông rồi thì nên để lại bờ sông, để mà “Hành đáo thủy cung xứ, Tọa khán vân khởi thời”. Thi sĩ Bùi Giáng đã bình luận như sau:
Thưa rằng hỏi nữa là sai,
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào.
Tuy không biểu hết dị ý của câu hỏi, ông cũng có câu trả lời như sau: “Tôn giả Gotama, không thể được. Tôn giả Gotama, trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh; người có giới hạnh nhất định người ấy có trí tuệ, người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời”. Sự khác biệt giữa các kiến thức học tập được (tiêu chuẩn 2) và trí tuệ (tiêu chuẩn 5) là điều mà nhiều người ngày nay vẫn chưa rõ. Thực ra trí tuệ là loại hiểu biết đặc biệt nhằm nhận ra việc thiện, việc bất thiện và nhân quả của hành động, tức là về các vấn đề căn bản của cuộc sống. Nếu không nắm được các vấn đề này, Đức Phật nói rằng con người ta sẽ “như một vật mất gốc, tự làm mình bị thương tích, tự làm mất nhiều phước đức”. Chúng ta suy nghĩ gì về đối thoại trên, trong khi giáo dục của chúng ta hiện nay, trình độ văn hóa thường được hiểu nhầm là mức độ trí tuệ.
Câu trả lời của ông Sonadanda cho thấy đây là vấn đề căn bản của cuộc sống, và là phương cách tạo ra sự tự tin mạnh mẽ. Emerson và cả Camegie cũng không phân tích sâu xa được vấn đề như vậy. Đức Phật có đặt ra thêm một cau hỏi nữa: “Nhưng này, Bà la môn, thế nào là giới hạnh và thế nào là trí tuệ” và được trả lời như sau: “Tôn giả Gotama, chúng tôi chỉ biết có như vậy là tột bực của vấn dề “… Chúng ta tạm dừng lại ở đây, chỉ có một lời kèm theo nho nhỏ, như đã nói ở trên, các giá trị phụ, bên ngoài, khác với đạo đức và trí tuệ thì có thể bỏ qua. Nhưng câu hỏi đặt ra là tất cả các giá trị phụ có thể sử dụng được không, nó hoàn toàn vô ích hay là ích lợi gì? Tôi cũng xin dẫn đoạn đối thoại trong bộTăng Chi:
- Này Anada, mọi giới cấm (nguyên tắc, điều luật, lễ nghi), sinh sống (làm việc, thụ hưởng, vui chơi), phạm hạnh (đạo đức), sự hầu hạ căn bản (sự phục vụ cho cá nhân và xã hội đều có quả (có ích lợi) phải không?
- Ở đây, bạch Thế tôn, không thể trả lời một chiều được!
- Vậy, này Ananda, hãy phân tích thêm!
- Bạch Thế tôn, mọi giới cấm, sinh sống, phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản nào được áp dụng, khiến điều không thiện phát triển, điều thiện bị đứt mất, thời giới cấm, sinh sống, phạm hanh, sự hầu hạ căn bản như vậy không có kết quả. Và bạch Thế tôn, mọi giới cấm, sinh sống, phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản nào được áp dụng, khiến điều thiện phát triển, điều không thiện bị đứt mất, thời giới cấm, sinh sống, phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản như vậy có kết quả.
Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo số 5