Minh
Nam, 18 tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội) mang trên ngực một bông hoa màu trắng.
Cả buổi lễ cậu chỉ cúi gằm mặt lau nước mắt. Tháng sau là giỗ đầu của
mẹ Nam, mẹ cậu mất vì bệnh ung thư gan khi bà mới 42 tuổi.
“Mỗi
buổi sáng mẹ đều dậy rất sớm nấu cơm cho cả nhà rồi lên phòng gọi em
dậy đi học. Hầu như lần nào bị gọi em cũng gắt gỏng với mẹ. Có lần mẹ đi
chợ về thấy em vẫn còn ngủ, bát chén nhà cửa không dọn nên đã mắng.
Chẳng hiểu sao lúc ấy em lại nông nổi bỏ về nhà bác ở Nam Định một tuần.
Mẹ gọi điện, em tắt máy. Lúc bác đưa về nhà dù hối hận nhưng em vẫn
không nói với mẹ câu nào", Nam kể.
|
Đại
lễ Vu Lan báo hiếu ở chùa Bằng A thu hút hàng nghìn người. Trước đó,
nhiều bạn trẻ đã tham gia khóa tu Vu Lan báo hiếu trong hai ngày tại
chùa, được giảng dạy về "tình cha, nghĩa mẹ". Ảnh: Phan Dương. |
Trước
lúc mất 5 tháng (khi mà cả nhà vẫn chưa ai biết mẹ mắc bệnh ung thư)
thì đột nhiên mẹ cậu rủ “từ nay buổi chiều 2 mẹ con đi công viên nhé!”.
"Em
chỉ đi với mẹ được một buổi rồi tìm cớ thoái thác để đi tụ tập bạn bè.
Bây giờ mẹ không còn nữa, muốn có một khoảnh khắc được gặp mẹ cũng không
thể”, Nam co rúm người trong tiếng kinh Vu Lan ca ngợi tình yêu thương
vô bờ của người mẹ.
Từ
ngày mẹ mất, Nam cố gắng sửa đổi tính. "Bạn bè em cũng có nhiều người
hay bỏ đi chơi bời, còn đánh chửi bố mẹ. Trước đây em cũng là đứa con
gần như thế nhưng mẹ mất, em chững chạc lên nhiều. Em thấy rằng là một
người con có sai thì phải sửa. Còn nếu thấy mình đúng, bố mẹ sai thì
cũng nên lựa thời cơ để bố mẹ và con cái cùng nói chuyện với nhau, đi
đến hiểu nhau chứ không phải vùng vằng cãi lại, bỏ đi", Nam chia sẻ.
Mái
tóc đốm bạc, khuôn mặt phúc hậu nhưng nặng trĩu nỗi đau lớn, bà đứng
giữa bao người, bên ngực đeo hai bông hoa một đỏ một trắng, vang lên
những tiếng nấc lớn rồi vỡ òa trong dòng nước mắt. Bà quỳ sụp xuống,
chắp hai tay thổn thức: "Mẹ! Mẹ ơi".
Người
phụ nữ ấy tên Nguyên, 58 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội. Bà kể rằng đã gần 50
năm đi qua nhưng chỉ vì sai lầm ngày còn trẻ vẫn khiến bà thấy tội lỗi
với mẹ.
"Tôi
còn nhớ ngày học lớp 7, mẹ mua cho một chiếc áo len mấy chị em mặc
chung nhưng vì áo đã cũ rách nên tôi tháo ra lấy len đan lại thành áo
mới. Chị gái tôi biết chuyện tức giận, vứt chiếc áo đó xuống rãnh nước.
Tôi ức quá, khóc chạy vào buồng không ăn uống một ngày một đêm", bà
Nguyên kể.
Lúc
mẹ đi chợ về, biết được chuyện đó đã dỗ dành cả buổi nhưng chỉ làm tâm
hồn đứa trẻ càng được thể hờn dỗi hơn. Cô bé Nguyên khi đó nói những lời
không hay với mẹ, đóng cửa không ra ngoài. Mẹ không nói gì, ngoảnh mặt
đi khóc.
|
Không ít người đã là bà, là mẹ vẫn không kìm được nước mắt khi nhớ về công ơn của đấng sinh thành. Ảnh: Phan Dương. |
Khi
lớn lên, đứa trẻ ương ngạnh ngày nào đã sửa đổi tính nết. Bà Nguyên kể:
"Vào năm 1993, mẹ ốm nặng. Tôi không biết cách nào giúp mẹ nên quỳ bên
giường, đọc một bài kinh cầu cho mẹ nhanh khỏi. Không hiểu sao một lúc
sau, mẹ tôi tỉnh dậy mấp máy môi, đòi ăn. Qua lần ấy, mẹ sống được thêm
10 năm nữa".
"Mẹ
tôi vất vả cả cuộc đời, quanh năm đi chợ kiếm từng hào lẻ để nuôi một
lũ con. Đến khi chúng tôi lớn lên thì người công tác xa, người lấy chồng
nên chẳng có thời gian chăm sóc mẹ. Lúc mẹ lâm chung, tôi cũng không
kịp về gặp mẹ", bà Nguyên lại khóc.
Năm
15 tuổi, bà Nguyên xin đi bộ đội học y, sau này là bác sĩ quân y 108.
Trong một lần chữa bệnh kiết lị cho một cậu bé, bà bị lây bệnh.
"Mẹ
của cậu bé đó đã chăm sóc tôi như con. Tôi cảm nhận được tình yêu của
bà như người mẹ từ kiếp trước nên nhận làm bố mẹ nuôi. Mẹ đẻ tôi không
có con trai nên cũng nhận cậu bé trên làm con. Hai gia đình chúng tôi
qua lại, không có phân biệt đâu là mẹ đẻ, mẹ nuôi".
Vậy
nên, trong ngày lễ Vu Lan, bà Nguyên đã đeo hai bông hoa trên ngực, màu
trắng nhớ về cha mẹ đã mất, màu đỏ ghi nhớ công ơn của bố mẹ nuôi.
Bà
Nguyên cho biết."Ai cũng có hoa, bởi ai cũng có cha mẹ. Nhưng màu của
bông hoa không phải ai cũng như ai, bởi: Hoa màu vàng trịnh trọng cài
cho các chư tôn – nhà sư, hoa màu đỏ dành cho những ai còn cha mẹ... và
bông hoa màu trắng dành cho những ai đã mất đi cha mẹ - nguồn vốn thiêng
liêng của cuộc đời".
Còn với bà Thân, 70 tuổi, dù cho trên ngực đeo một bông hoa đỏ nhưng bà vẫn khóc nức nở suốt buổi lễ Vu Lan.
"Bố
mẹ tôi vẫn còn nhưng đã yếu lắm rồi. Mẹ lại bị tai biến mạch máu não
phải sống thực vật một năm nay. Tôi rất sợ một ngày họ không còn trên
đời này nữa", bà ngậm ngùi.
"Dù
đã già nhưng tôi vẫn tự tay chăm sóc cha mẹ. Mỗi lần nhớ về công ơn của
bố mẹ tôi đều khóc. Tôi chỉ muốn một điều rằng, khi cha mẹ còn khỏe thì
hãy phụng dưỡng, làm các cụ vui. Lúc ốm đau hãy ở bên săn sóc chứ đừng
nghĩ bỏ ra một đống tiền, thuê osin cho các cụ đã là phụng dưỡng. Lúc bố
mẹ mất thì dù mâm cao cỗ đầy cũng chỉ tổ cho ruồi bâu, kiến đậu mà
thôi", bà Thân chia sẻ.
Theo vnexpress.net