PG & Đời sống
Sống và chết một cách tốt đẹp như thế nào?
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Chuyển ngữ: Tuệ Uyển / 9-5-2012
05/10/2012 02:24 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tôi sẽ diễn giải ba trình độ làm thế nào để sống và chết một cách vui vẻ.  Đầu tiên, đối với những người không tôn giáo, sau đó đối với những người có tôn giáo một cách tổng quát, và cuối cùng đối với những hành giả Phật tử.


Tôi tin rằng tất cả chúng ta sống còn trên dự đoán và hy vọng của hạnh phúc.  Không ai trong chúng ta muốn khổ đau.  Mục tiêu của cuộc đời là việc đạt đến hạnh phúc.  Chúng ta có thể đạt đến hạnh phúc ở trình độ vật lý và tinh thần, cũng như ở trình độ mà chúng ta có thể làm vơi bớt hay dịu đi khổ đau.  Có thể có hai loại hạnh phúc; hạnh phúc mà chúng ta có được từ việc đạt đến hạnh phúc tinh thần và vật chất, và hạnh phúc chúng ta có thể đạt được qua việc giảm thiểu khổ đau.

Chết hàm ý khổ đau và được định nghĩa là điều gì đó chúng ta không mong ước đến.  Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể học hỏi để đối diện với cái chết như thế nà, sự chuẩn bị ấy bảo đảm rằng chúng ta không phải trải nghiệm sự đau  khổ quá lắm.  Việc có thể chạm trán với cái chết trong một cung cách thư thái và không khổ sầu tùy thuộc trên việc chúng ta sống như thế nào hằng ngày.  Khi chúng ta đang sống, nếu chúng ta có thể kiềm chế tâm tư, sự tĩnh lặng trở thành thói quen; vì thế, khi chúng ta thật sự chạm trán với cái chết, chúng ta có thể đối diện nó trong một cung cách thư thái.  Nếu đời sống hằng ngày là đầy đủ ý nghĩa và tích cực, vào thời điểm lâm chung, chúng ta có thể cảm nhận "Trong cả cuộc đời, tối thiểu tôi đã làm điều gì đấy có ý nghĩa.  Mặc dù tôi mong ước để duy trì trong thế gian này hơi lâu dài hơn, tôi không có gì phải hối hận."

Bạn có thể hỏi hướng đến một đời sống đầy đủ ý nghĩa hàng ngày là nghĩa thế nào.  Cho dù chúng ta là một người tín ngưỡng hay một người không tín  ngưỡng, có một thực tế rằng tất cả chúng ta đang sống.  Nếu chúng ta thẩm tra mục tiêu của cuộc đời, chúng ta sẽ có thể nhận ra rằng cuộc sống chúng ta không có nghĩa là để tạo nên sự quấy rầy mà để mang đến hòa hiệp và hạnh phúc.  Chúng ta là những tạo vật xã hội.  Cuộc đời chúng ta không phải lệ thuộc trên một nguyên nhân và điều kiện mà trên vài nguyên nhân và điều kiện.  Nếu chúng ta có thể thấu hiểu rằng cuộc sống chúng ta là có nhiều khía cạnh và phụ thuộc trên nhiều nguyên nhân và điều kiện, việc nhận ra này sẽ cho phép chúng ta hướng đời sống của mình trong một thái độ đầy đủ ý nghĩa hơn.  Bất kể một cá nhân là mạnh mẽ bao nhiêu đi nữa, chúng ta phải sống như một cộng đồng.  Nếu ai đấy sống trong sự cô lập, người ấy cuối cùng sẽ trải nghiệm nhiều sự thất vọng tinh thần bởi vì bản chất con người là xã hội.  Nhiều nhu cầu của chúng ta, chẳng hạn như thức ăn và chỗ ở đầy đủ, được cung ứng bởi những nổ lực người khác.  Vì thế hạnh phúc và sự thoải mái trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta lệ thuộc rất nhiều vào người khác.  Đấy là thực tế, và cuộc sống hằng ngày của chúng ta hay cung cách suy nghĩ của chúng ta phải phù hợp với những điều kiện và nhân tố này.  Sự thông minh của con người là rất phức tạp mà đôi khi tạo nên một hình ảnh che lấp thực tế.  Đôi khi một người ở dưới ảo tưởng sai lầm rằng người ấy là độc lập và có thể đạt được bất cứ điều gì, và người ấy không nhận ra rằng đời sống của một người là lệ thuộc trên sự tồn tại, giúp đở và hổ trợ của những người khác.   Điều này áp dụng không chỉ cho con người mà cũng cho môi trường và những chủng loại khác - trong thực tế, đến mọi thứ.  Nhiều rắc rối và khổ đau được tạo ra bởi vì chúng ta không thể nhận ra sự giúp đở và hổ trợ mà chúng ta đón nhận từ môi trường chung quanh, và bởi vì chúng ta không chú ý và thấu hiểu thích đáng tầm quan trọng của nó.

Mặc dù sự tập trung của chúng ta có thể niềm hạnh phúc và sự cát tường cá nhân, một khi chúng ta có thể thấu hiểu cuộc sống cá nhân của chúng ta lệ thuộc trên môi trường chung quanh nhiều như thế nào, chúng ta sẽ có thể mở rộng nhận thức của mình và sự thực chứng của chúng ta về thực tại.  Nhận thức mở rộng này sẽ có thể cho phép chúng ta tạo nên một đời sống hòa hiệp hơn, không chỉ cho chính chúng ta mà cũng cho những người khác.

Loại nhận thức hay quan điểm rộng mở này rồi thì tự động đưa đến kết quả trong một ý nghĩa cố gắng và quan tâm cho người khác.  Điều này không phải vì những lý do thánh thiện hay thiêng liêng, nhưng bởi vì tương lai của chính chúng ta phụ thuộc trên những nhân tố này.  Quan điểm này không chỉ thực tiển nhưng cũng là căn bản của đạo đức luân lý thế tục.  Chúng ta gian dối, lừa đảo và tiến hành nhiều hành vi tiêu cực khác đối với những thành viên khác của cộng đồng chúng ta trên điều mà tương lai chúng ta lệ thuộc.  Qua sự thiển cận và si mê, chúng ta lợi dụng chính những nhân tố này mà trên ấy tương lai chúng ta lệ thuộc.  Việc nhận ra những kết quả này trong một thái độ từ bi và hữu ích hơn, sẽ giúp trong việc phát triển một thái độ tinh thần từ bi, và bất bạo động là cách tốt nhất để giải quyết những rắc rối đối diện với nhân loại.  Sử dụng sức mạnh có nghĩa là phủ nhận những quyền của người khác.  Bất bạo động, trái lại, là một sự tiếp cận nhân bản và một phương  pháp đầy đủ ý nghĩa của sự đối thoại nhân bản.  Một sự đối thoại nhân bản đầy đủ ý nghĩa có thể đạt được chỉ qua sự tôn trọng hổ tương hay thấu hiểu lẫn nhau trong một tâm linh hòa giải.

Một khi chúng ta có thể trau dồi nhận thức và thái độ này và có thể đối xử mỗi cá nhân như thế, chúng ta sẽ có thể làm cuộc sống hàng ngày chúng ta đầy đủ ý nghĩa.

Khi tôi tóm lược điều này, tôi nói với mọi người rằng chúng ta nên luôn  luôn cố gắng để giúp đở người khác tối đa như có thể, và ngay cả nếu chúng ta không thể giúp đở  họ, chúng ta phải tối thiểu nên tránh làm tổn hại họ.  Đây là một tổng kết triết lý của Đạo Phật, là điều liên quan ngay cả những người không tín ngưỡng.  Về lâu dài, nếu mọi người tiếp tục từ bi hơn, họ sẽ hạnh phúc hơn.  Qua những hành vi vi tiêu cực, người ta có thể chiếm ưu thế tạm thời, nhưng trong sâu thẩm luôn luôn có một loại bất toại  nào đấy.

Khi tôi nói về nhu cầu và tầm quan trọng của việc trau dồi từ bi, tôi không một lần nào chủ trương một vị thế thụ động.  Trong xã hội cạnh tranh hiện đại hiện đại có nhiều trường hợp chúng ta cần lãnh lấy một vị thế cứng rắn, bất khuất.  Bằng việc trau dồi động cơ và thái độ từ bi để làm lợi ích cho người khác, chúng ta tạo nên tư tưởng và thái độ tích cực giúp chúng ta tiếp nhận vị thế cứng rắn là cần phải có.

Vào thời lúc thật sự của cái chết, một tâm thức tĩnh lặng là thiết yếu.  Những người thân hữu hay những ai săn sóc  người sắp chết cũng phải có một tâm tư tĩnh lặng.  Mặc dù họ có một tâm hồn chân thành và muốn giúp đở, nhưng hành động của họ đôi khi tạo nên những sự náo động và rối rắm hơn trong tâm thức của người sắp chết.

Bây giờ đối với trình độ thứ hai- những người tín ngưỡng.  Mặc dù tôi không đủ trình độ để giải thích những triết lý đa dạng, tôi cảm thấy thật tốt đẹp rằng con người tin tưởng trong đấng tạo hóa và ngoan đạo (hay sợ hãi Thượng Đế).  Một người muốn những thứ gì đó, nhưng người ta biết rằng họ chống lại ý chí hay mong muốn của Thượng Đế; loại năng lực này là rất hữu dụng trong việc phát triển một thái độ tích cực.  Rồi thì có một vấn đề về từ bi và yêu thương.  Đôi khi cơ hội để làm những thứ tiêu cực hiện hữu, nhưng do bởi tôn trọng và khao khát là một tín hữu ngoan thuần nên người ta kiềm chế không làm những việc ấy.  Đây là một phương thức rất tốt để tự cải tiến.  Biểu lộ chân thành của việc yêu mến Thượng Đế là yêu thương láng giềng của ta.  Tôi nghĩ rằng một người biểu lộ lòng yêu thương, từ ái, và bi mẫn chân thật đến anh chị em của người ấy là yêu mến Thượng Đế một cách chân thành.  Một số người nào đó quẹt nước mắt trước mặt hình tượng của Đức Ki Tô hay những Bổn Tôn khác, nhưng trong đời sống và những đối ứng hàng ngày, sự tín thành và bi mẫn chân thật ấy thiếu vắng.  Lòng trắc ẩn và tín thành chân thật trong một Thượng Đế có thể làm giảm thiểu băn khoăn.  Nhưng điều này không có nghĩa là người ta đặt tất cả trách nhiệm lên Thượng Đế.  Thượng Đế chỉ bạn con đường, nhưng bạn cũng có một trách nhiệm lớn lao để áp dụng và theo đuổi một cách thành tín.

Vào thời điểm lâm chung, bạn phải nhớ đến thánh Allah hay Thượng Đế hay một hình tượng nào khác hơn.  Tôi nghĩ điều này là một cách để giảm thiểu căng thẳng tinh thần hay lo âu.  Đó là tại sao tôi tin tất cả những tôn giáo quan trọng của thế giới  có cùng khả năng  bình đẳng lớn lao để giúp con người - giảm thiểu thất vọng tinh thần, thí dụ thế - và tất cả các tôn giáo quan trọng trên thế giới ban cho chúng ta niềm hy vọng.  Khi chúng ta phải đối diện với sự chậm phát triển thân thể hay những rắc rối khác vào lúc khởi đầu cuộc đời của chúng ta, dường như không có nhiều hy vọng.  Tuy nhiên, thay vì thế, có điều gì đó tràn đầy hy vọng trong tương lai  phía trước.

Đối với sự diễn giải của tôi ở trình độ thứ ba là những người Phật tử -- Một cuộc đời đầy đủ ý nghĩa và tích cực là thế nào?  Những ranh giới là gì?  Một cách bẩm sinh, chúng ta muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau.  Đây là một quy luật tự nhiên.  Nếu bạn hỏi tại sao chúng ta có khao khát này, sự giải thích của Đạo Phật là tất cả những kinh nghiệm tiêu cực là tạm thời và có thể tiêu trừ được.  Bởi vì có Phật tánh, một hạt giống Phật, trong chúng ta, tất cả những cảm xúc tiêu cực có thể được loại trừ.  Mỗi chúng sinh có năng lực của Phật tánh.  Từ lúc sinh ra mỗi chúng sinh có khát vọng cho hạnh phúc và muốn giải thoát khỏi khổ đau.  Trên căn bản ấy, những hành vi và động cơ mang đến sự toại nguyện  hay hạnh phúc là tích cực, và những thứ nào một cách căn bản mang đến khổ đau là tiêu cực.

Chúng ta sống trong một cách tốt đẹp hơn như thế nào?  Vấn đề căn bản, như tôi đề cập trước đây, là để giúp đở người khác.  Nếu nhiều người mĩm cười, chúng ta được sự bình an.  Nếu nhiều người trông sầu thảm, chúng ta cũng cảm thấy buồn.  Tôi đã thấy một số người không quá già, nhưng trông già cỗi - một bà mẹ, một ông cha và một đứa con gái.  Họ đang bán báo và có những khuôn mặt rất rầu rĩ.  Trông thấy họ thật sự làm cho tôi rất buồn.  Nếu bạn tạo nhiều nụ cười hơn, bạn sẽ đón nhận hạnh phúc hơn.  Chúng ta lập tức đạt được sự toại nguyện và về lâu dài chúng ta sẽ có những người bạn đáng tin cậy hơn.  Tuy nhiên, những  người bạn được làm ra bởi tiền bạc không phải là những người thân hữu chân thật.  Chỉ những người bạn được hình thành qua tình cảm con người là chân thành.

Nếu chúng ta có thể giúp thế thì nên giúp.  Nếu không thể, tối thiểu kiềm chế đừng làm tồn hại người khác.  Tại sao chúng ta nên kiềm chế chính mình đừng làm tổn hại người khác?  Lý do là sự liên hệ hổ tương của chúng ta. Tương lai chúng ta phụ thuộc trên những người khác.  Ngay cả hạnh phúc tinh thần của cá nhân phụ thuộc trên nhiều nhân tố và điều kiện.  Kinh nghiệm hôm nay là kết quả của những nguyên nhân và kết quả hôm qua cũng như những kinh nghiệm trong những kiếp sống trước của chúng ta và v.v... Trong toàn thể vũ trụ, toàn bộ thiên hà, đến và đi trong phương thức này.  Theo lý thuyết hiện đại, thế giới đã hình thành sự hiện hữu với vụ nổ big bang và nó sẽ bị tan hoại một cách căn bản.  Nếu là như vậy, thế thì những Phật tử chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh hơn.  Nhưng rồi thì, có vài vụ nổ big bang, vụ này tiếp theo vụ nọ.  Do thế, theo vũ trụ học, giáo thuyết Đạo Phật rất thích hợp.  Tất cả những điều này là qua hành vi và động cơ căn cứ trên quy luật nhân quả: mỗi thứ đang thay đổi từng thời khắc và tùy thuộc trên nguyên nhân và điều kiện.

Những sự thay đổi từng thời khắc xảy ra trong tất cả những hiện tượng vô thường phụ thuộc trên những nguyên nhân và điều kiện cá nhân.  Những  nguyên nhân của sự thay đổi từng thời khắc này không đến từ những nguyên nhân và điều kiện không tương ứng, chúng cũng không xảy ra mà không có nguyên nhân hay điều kiện.  Khi chúng ta nói về sự thay đổi xảy ra từng thời khắc tùy thuộc trên nguyên nhân và điều kiện , có hai đặc trưng của nguyên nhân: phối hợp và thật sự.

 

Bất cứ điều gì đi nữa cùng không tồn tại lâu dài. bất cứ điều gì cũng phải chịu sự tan hoại, bao gồm cả chư Bồ Tát và chư Phật Giác Ngộ cũng là vô thường, sẽ phải thay đổi và tan hoại.  Ngay cả trong thể trạng Phật Quả, trong những phẩm chất của Phật, chúng ta thấy rằng một số là vô thường trong khi một số là thường.  Vì vậy tất cả  những hiện tượng, chúng là thường hay vô thường, ngay cả tron g tầng bậc Phật Quả, là đối tượng của thay đổi và tan hoại.  Ngay cả giáo thuyết nghiệp là tùy thuộc trên giáo thuyết nhân quả.  Những sự thay đổi như vậy không chỉ được tạo ra bởi tâm.   Ý nghĩa của việc thực tập là trước nhất biết thực tại, và sau đó tương ứng với thực tại phát triển phương pháp phù hợp với nó.  Đấy là tiến trình thay đổi của tâm.

Do vậy, khi chúng ta nói về việc thể hiện những sự thực tập nào đó, là chúng ta đang nói về một lối sống, đi theo một sự thực tập thích ứng với bản chất của mọi thứ tồn tại như thế nào.  Khi chúng ta thể hiện những sự thực tập nào đó trong việc hòa hiệp với tự nhiên, nó cực kỳ quan trọng để đầu tiên thấu hiểu việc mọi thứ tồn tại như thế nào, quy luật của tự nhiên - cũng từ quan điểm này giáo huấn của Đức Phật phát triển.   Giống như thế, Đức Phật cũng dạy việc sử dụng các phương pháp khảo sát căn cứ trên thực tại và bản chất của mọi hiện tượng.  Trong giáo huấn của Đức Phật, tầm quan trọng to lớn được hướng tới khái niệm nhận thức có giá trị.  Điều này rất quan trọng bởi vì qua nhận thức có giá trị mà chúng ta có thể thấu hiều bản chất.

Khi chúng ta thấu hiểu quy luật của tự nhiên và tầm quan trọng của việc hiểu biết mọi vật tồn tại như thế  nào, rồi thì trong khi chúng ta thật sự tiến hành những sự thực tập, chúng ta nhận ra việc chuyển hóa tâm thức chúng ta từng giai tầng là trọng đại như thế nào.  Ngay cả trên cùng một loại tâm tập trung trên cùng loại đối tượng có thể được chuyển hóa dần dần bằng  việc loại trừ tình trạng sai sót của trình độ tinh thần và cuối cùng hướng nó đến tình trạng nhận thức có giá trị.  Thí dụ, chúng ta có thể có một ý tưởng hoàn toàn sai lầm về một đối tượng nào đó.  Một sự nghiên cứu hay khảo sát có thể chuyển hóa sự hiểu biết sai lầm ấy thành một sự nghi ngờ, rồi dần dần biến sự nghi ngờ ấy hướng đến một sự kiện có thể dần dần biến thành một sự thừa nhận đúng đắn, rồi thì vào trong nhận thức suy luận, và cuối cùng nó có thể được chuyển hóa vào trong một nhận thức có giá trị cho phép sự thấu hiểu đối tượng đặc thù ấy.

Do vậy, việc thấu hiểu mọi vật tồn tại như thế nào, và có thể phân biệt giữa hiện tướng và thực tại, là cực kỳ quan trọng.  Để giảm thiểu sự bất tương xứng giữa thực tại và hiện tướng, là tốt nhất để biết chân lý.  Khi chúng ta đặt quá nhiều quan trọng trong sự thấu hiểu về việc sự vật thật sự tồn tại như thế nào, chúng ta đang làm như vậy không chỉ vì lợi ích của việc thấu hiểu mà thôi, nhưng bởi vì chúng ta muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau.  Chúng ta có thể trau dồi và đạt đến hạnh phúc, dọn dẹp và tiêu trừ khổ đau, được chuẩn bị đầy đủ chúng ta có thể dấn thân trong một sự thực hành thích ứng với quy luật của tự nhiên và phù hợp với vấn đề sự vật thật sự tồn tại như thế nào.  Do bởi điều này mà Đức Phật đã dạy Bốn Chân Lý Cao Quý.

Bởi vì mục tiêu cuối cùng của chúng ta là đạt đến hạnh phúc hay một loại hạnh phúc nào đó thường hằng, nên chúng ta phải săn sóc mỗi một nguyên nhân và điều kiện cho mục tiêu ấy.  Đây là căn bản của lý do tại sao chúng ta nên đi theo con đường bất bạo động căn cứ trên từ bi.  Nói cách khác, nếu chúng ta không thể giúp người khác thì chúng ta nên kềm chế mình không làm tổn hại họ.  Tại sao chúng ta nên làm điều này?  Chúng ta phải dấn thân trong sự thực hành bất bạo động và từ bi do bởi thực tế liên hệ hổ tương của chúng ta với tất cả những chúng sinh khác.. 

Từ lúc sáng sớm, khi thể trạng tinh thần của chúng ta tươi sáng và tỉnh giác, chúng ta nên trau dồi một thái độ tinh thần tích cực, không chỉ qua nguyện ước mà qua thiền phân tích (quán chiếu).  Phân tích và khảo sát lợi ích của một thái độ tinh thần tích cực, và khổ đau hay bất lợi của một thái độ tinh thần.  Đấy là những gì chúng tôi gọi là thiền phân tích.  Thiền phân tích quan trọng hơn thiền nhất tâm (định - chỉ).   Cũng thế trong sự bắt đầu, trong một cách đơn giản, hãy cố gắng giữ trong tâm lòng vị tha vô biên.  Rồi thì, với động cơ ấy, thực hiện một cách chi tiết hơn và thiền phân tích trong tính vô thường hay những trải nghiệm khác nhau của thực tại, sau đó phân tích tính vô thường trở lại, và nếu có thể, và thích thú, hãy khảo sát thực tại cứu kính tối hậu.

Từ bi là một phương pháp, và tuệ trí là một quan điểm triết lý của việc thấu hiểu thực tại.  Việc  phối hợp tuệ trí và động cơ là một cách thích đáng để chuyển hóa thái độ tinh thần của chúng ta.  Ở đấy bị ràng buộc là một loại cảm xúc nào đó như sân giận hay dính mắc, qua những thiên hướng quá khứ.  Nếu chúng ta khảo sát và phát triển những năng lực đối kháng tích cực, những cảm xúc tiêu cực này sẽ bắt đầu tàn lụi.  Những loại cảm xúc khác là một cảm giác vi tha hay từ bi mạnh mẽ.  Những thứ này không phải là kết quả của những thiên hướng quá khứ, nhưng qua sự phân tích về những lợi ích và thuận lợi  của các cảm xúc.  Những cảm xúc tích cực  có thể được phát triển qua thiền phân tích.  Hai phương diện, phương diện tuệ trí và phương pháp, phải được phối hợp.  Nếu chúng ta cố gắng để phát triển động cơ tích cực này từ buổi sáng sớm, chúng ta sẽ tạo nhiều cảm giác tích cực , và cả ngày chúng ta sẽ duy trì một sự ảnh hưởng nào đó của việc thực tập buổi sáng.  Rồi thì tối thiểu một ngày, mặc dù nó chưa là một cảm giác toàn hảo, nhưng ít tiêu cực hơn.  Ngày tiếp theo cũng thế, hãy cố gắng để nhớ rằng "tôi phải có một ngày đầy đủ ý nghĩa".  Tiếp tục thái độ này ngày qua ngày, tuần nối tiếp tuần.  Vào lúc đầu, thật khó kiểm soát, nhưng khi thời gian trôi qua, với nổ lực và quyết tâm liên tục, cuối cùng chúng ta sẽ cảm thấy một hy vọng mới.  Chúng ta có thể làm việc này.

Trau dồi những năng lực tích cực này là có thể, vì nó căn bản tự nhiên của chúng ta, và  những thứ tiêu cực sẽ tự động giảm thiểu và yếu dần.  Thật có thể loại trừ hoàn toàn những thứ tiêu cực này, nhưng việc ấy không dễ dàng và có thể liên hệ đến vài vô số kiếp (a tăng kỳ kiếp).  Tuy nhiên, tốt hơn là nghĩ về những vô số kiếp hơn là vài năm.  Một số hành giả đi vào ẩn tu trong ba năm với những dự đoán lớn lao.  Chúng ta đi vào ẩn tu như một người bình thường và dự đoán sẽ đi ra như một đại bồ tát.  Điều đó tôi nghĩ là không thực tế cao độ.  Nên thật tốt hơn hãy tính đến vô số kiếp hơn là chỉ trong vài năm.  Kinh nghiệm của riêng tôi là quá nhiều dự đoán ngay lúc đầu, sau này trở nên một nguồn gốc của thất vọng và thất bại.  Ngay từ lúc khởi đầu chúng ta cần quyết tâm hơn, và không hề gì nếu phải cần đến những vô số kiếp.  Khi hóa ra là việc làm là điều gì đấy đúng đắn, thời gian không hề gì khi mà mỗi ngày trong cuộc đời là hữu ích.  Đấy là mục tiêu - thời gian không quan trọng.  Nếu đó là một kinh nghiệm đớn đau, thời gian là vấn đề; nhưng nếu đấy là một kinh nghiệm hân hoan, thời gian không là gì.  Rồi thì, ngay cả thời gian trải qua càng dài hơn thì càng tốt hơn.  Giống như chúng ta tính toán thành công như thế nào trong thương trường vào lúc kết thúc một ngày, và chúng ta tính đếm trong dạng thức giá trị tiền bạc, tương tự vào cuối ngày, chúng ta nên kiểm điểm trong sự quan tâm đến loại đời sống nào mà chúng ta đã hướng đến - nó là loại tích cực hay tiêu cực.

Đấy là căn bản của  sự thực tập hàng ngày.  Bên cạnh ấy, chúng ta có thể thực hiện một số sự tán tụng và trì niệm.  Nếu người nào đấy đã có một nền tảng thuận lợi đầy đủ, thì cũng có thể dấn thân trong sự thực tập mật tông tantric.  Tuy nhiên, không có sự chuẩn bị và nền tảng thích đáng [như lễ quán đảnh chẳng hạn], chỉ đơn thuần quán tưởng một bổn tôn nào đó chỉ là sự vọng tưởng tinh thần và không lợi ích gì.  Đây là tiến trình mà qua đấy chúng ta nên làm cho đời sống hằng ngày đầy đủ ý nghĩa hơn.

Thông thường sự thực tập được phân làm hai đặc trưng:  sự thực tập trong buổi thiền tập và sự thực tập sau buổi thiền tập tức là trong đời sống hàng ngày.  Khi chúng ta ở trong buổi thiền tập, chúng ta đang tiếp năng lượng cho chúng ta như sự sạc pin.  Mục tiêu của việc tái tạo năng lượng tâm linh là để có thể cho phép chúng ta sử dụng năng lượng ấy trong đời sống hằng ngày sau khi thiền tập.  Do thế vấn đề thiết yếu là khi chúng ta đối diện với đời sống thực tế, cho dù chúng ta là một y tá, một giáo viên, một bác sĩ, một chính trị gia  hay trong bất cữ lãnh vực nào, sự thử thách sẽ đến trong lúc ấy.  Đấy là một sự thực tập thật sự.  Sự thể nghiệm thật sự cho việc thực tập của chúng ta có thể được kiểm tra với sự tiếp xúc hằng ngày của chúng ta.  Khi chúng ta dấn thân trong việc làm cá nhân đặc thù của mình, chúng ta có thể thường xuyên chạm trán những cơ hội nào đó để lợi dụng và lừa dối người khác, và để tiến hành những hành vi tiêu cực nào đó.  Ngay cả chúng ta có một cơ hội như vậy trong sự bố trí của chúng ta, hãy tự nhắc nhở mình về nhu cầu kiềm chế khỏi những hành động tiêu cực như vậy.  Sự thực hành thật sự là tránh những hành vi như vậy.

Bây giờ hãy nhìn vào sự thực tập quan trọng vào thời điểm lâm chung.  Trước nhất, một khi chúng ta quyết định rằng sự thực tập của chúng ta là cần những thời gian vô tận [của a tăng kỳ kiếp] và vài kiếp sống, tự nó sẽ cho chúng ta một quan điểm mới về sự chết.  Dĩ nhiên, có nhiều sự giải thích như tại sao những tâm vi tế hơn luôn luôn duy trì.  Có nhiều lý do cho sự tồn tại của tâm vi tế.   Như mức độ mà tâm vi tế được quan tâm, đấy là không có sự bắt đầu và không có kết thúc.  Căn cứ trên những luận điển của Long Thọ, có vài lý do cho điều này.  Trình độ thô của tâm tồn tại qua não bộ của chúng ta, và theo những mức độ khác, chúng ta có thể gọi nó là tâm con người, tâm con thú, và v.v... Những trình độ thô của tâm được sản sinh bởi não bộ con người và thân thể con người là điều được gọi là tâm con người.  Tâm này lệ thuộc trên chức năng của não bộ.  Ngay khi não bộ ngừng hoạt động , tâm này cũng chấm dứt.  Nhưng rồi thì, việc sử dụng não bộ như một điều kiện phối hợp, khả năng của việc có thể thấy đối tượng, khả dĩ của việc trau dồi năng lực để có thể nhận ra đối tượng phải đến từ một nguyên nhân riêng biệt.  Điều này được gọi là nguyên nhân thực thể mà không có nó, mặc dù có điều kiện phối hợp  như não bộ , nó không thể hình thành sự hiện hữu.

Đấy là do bởi điều này mà chúng ta không thể nói về một thời điểm đặc thù và nói rằng đây là lần trước nhất mà tâm vi tế đã hình thành sự hiện hữu.  Chấp nhận điều này sẽ phải hàm ý rằng một tâm vi tế có thể sinh khởi từ bất cứ một đối tượng khác nào đấy mà nó không phải là bản chất của tâm.  Do thế, với quan điểm của nhiều kiếp sống, nó giống như thay đổi áo quần: bạn trở nên già cổi và bạn thay đổi.

Thái độ của một người đối với sự chết, vì thế, làm nên một sự khác biệt.  Việc nhận ra rõ ràng nó là một bộ phận của đời sống con người và đã hình thành sự hiện hữu qua si mê và những cảm xúc tiêu cực làm nên một sự khác biệt.  Từ quan điểm này, sự tồn tại của thân thể chánh yếu là qua dính mắc.  Việc nhận ra rằng đời sống hiện tại của chúng ta là căn cứ trên si mê và dính mắc, và khả năng đẻ thấy sự hiện hữu hiện tại của chúng ta như điều gì đấy bị hoạt hóa bởi vọng tưởng si mê và dính mắc cũng sẽ làm cho chúng ta nhận ra rằng điều gì đấy là một sản phẩm của si mê và dính mắc bị ràng buộc với nguyên nhân của khổ đau; đấy là bản chất của nó.  Một khi chúng ta có thể đạt đến một tuệ giác vào trong thực tại này, nó sẽ giúp làm mở rộng nhận thức của chúng ta.

Khi chúng ta nói về tầm quan trọng của việc nhận ra sự tồn tại của chính mình như một kết quả của si mê và dính mắc và điều gì đấy là khổ đau trong bản chất, nó nên được hiểu trong khuôn khổ của Bốn Chân Lý Cao Quý.  Điều này có thể được hiểu trong hai đặc trưng hay hai trình độ - loại tịnh khiết và loại nhiễm ô.  Loại nhiễm ô nghĩa là hai chân lý đầu - sự thật về khổ đau và nguyên nhân của khổ đau.  Trình độ thứ hai của Bốn Chân Lý Cao Quý giải thích loại tịnh khiết, sự chấm dứt khổ đau và con đường đưa đến sự chấm dứt  này.  Khi chúng ta nói về tầm quan trọng của việc nhận ra khổ đau, thật cực kỳ quan trọng để thấu hiểu khả năng của việc đạt đến sự chấm dứt khổ đau và loại trừ những nguyên nhân của khổ đau như vậy.  Chính là qua một sự thấu hiểu như vậy mà chúng ta sẽ có thể tạo nên một khát vọng mạnh mẽ để loại trừ khổ đau.  Nhằm để loai trừ khổ đau, thật cực kỳ quan trọng để thấu hiểu những khổ đau đó là gì.  Nếu chúng ta không có bất cứ sự thấu hiểu nào về khả năng loại trừ khổ đau như vậy, hay việc đạt đến tình trạng của việc loại trừ khổ đau, thì không có ích gì trong việc quán chiếu về khổ đau.  Hầu như chỉ có nghĩa là việc tiếp nhận một quan điểm bi quan.  Nên điều cực kỳ quan trọng là việc thấu hiểu khả năng của việc đạt đến một vị thế cao hơn, thể trạng của một con người hay chư thiên.  Có hai loại tái sinh: một là trong thế giới khổ đau hơn và thứ kia là trong một thế giới hạnh phúc hơn.

Cùng một chủ đề có thể được nghiên cứu từ những khía cạnh khác nhau.  Và bởi vì chúng ta nghiên cứu nó từ những quan điểm khác nhau, chúng ta có thể đón nhận một tác động khác nhau từ cùng một đối tượng.  Khi chúng ta nói về tầm quan trọng của việc nghiên cứu cùng một chủ đề từ những khía cạnh khác nhau, nó liên tục lần lượt với thực tế bởi vì mỗi một đối tượng riêng lẻ có vài khía cạnh và nhận thức.

Đâu là sự phân ranh giới mà qua đó chúng ta có thể quyết định những gì tồn tại và những gì không tồn tại?  Sự phân ranh giới giữa sự tồn tại và không tồn tại là: những gì được nhận thức bởi một nhận thức có căn cứ là tồn tại, và những gì không được nhận thức bởi một khái niệm có căn cứ là không tồn tại.   Loại phân ranh giới này hay sự giải thích này là điều gì đấy sẽ đưa chúng ta đến nhiều câu hỏi hơn.  Không dễ để thông hiểu.  Vì thế, tôi thấy định nghĩa của Long Thọ về khác biệt sự tồn tại và không tồn tại cả hai đều vững chắc và thích đáng.

Trong tác phẩm của mình Long Thọ nói rằng một hiện tượng đặc thù có thể được xem là tồn tại nếu sự tồn tại của nó phù hợp với những sự tin chắc một cách quy ước được biết bởi những người khác, nếu loại thừa nhận ấy là không mâu thuẩn bởi những nhận thức giá trị khác và nếu nó không mâu thuẩn bởi một tâm phân tích chân lý cứu kính.

Do thế, đây là ranh giới duy nhất giữa điều gì đấy tồn tại và điều gì đấy không tồn tại.  Ngay cả trong đặc trưng của đối tượng tồn tại, nó có thể có những khía cạnh khác nhau hay phương diện khác nhau.  Ở đây chúng tôi dùng thuật ngữ "tồn tại tương đối" và từ quan điểm này, mọi thứ là tương đối.  Không có sự tồn tại chắc thật.  Việc nhận ra khổ đau là rất hữu ích khi chúng ta đối diện một rắc rối hay đau khổ nào đó.  Sau đó sự đáp ứng hay thái độ của chúng ta là chính sự tồn tại của chúng ta liên hệ với khổ đau một cách tự nhiên trong bản chất.  Đây là căn bản.   Chúng ta cho đấy là đương nhiên, và khi chúng ta chạm trán nó, chúng ta không xem nó như điều gì đó không thể chạm trán bởi vì chúng ta biết thực tế sự tồn tại của chúng ta.  Chúng ta có một thái độ thực tiển, và thay vì phải trở nên thất vọng tâm thần, chúng ta nhiệt tình hơn để phát triển một sự phản ứng tích cực, và một cách cứu kính đạt đến thể trạng nơi chúng ta có thể hoàn toàn vượt thắng những phản ứng tiêu cực.

Vào thời điểm lâm chung, tâm chạm trán sự chết, có thể có hai loại: trình độ thô của tâm và trình độ vi tế của tâm.  Tại trình độ thô của tâm bè bạn quanh ta vào lúc lâm chung có thể giúp để trau dồi những thái độ tích cực nào đó.  Nhưng khi chúng ta đi vào trong trình độ vi tế của tâm, những thân hữu bên ngoài không làm được gì.  Chính là loại thói quen tích cực, bất cứ điều gì chúng ta có thể có trong đời sống hiện tại hay những đời sống trước đây, sẽ được đưa vào sự đánh giá [của tâm thức].  Do thế, từ lúc tuổi trẻ chúng ta phải làm cho quen thuộc với sự chết và trải nghiệm những tình trạng khác nhau của tiến trình tinh thần như thế nào của tiến trình tinh thần trong sự tan biến của tâm.  Và nếu có thể, hãy tự làm cho mình quen thuộc với chúng qua thiền tập và quán tưởng hàng ngày.  Thay vì sợ hãi cái chết, chúng ta có thể phát triển một sự thấu hiểu về nó.  Nhiều năm chuẩn bị là cần thiết.  Một khi chúng ta có kinh nghiệm về tâm sâu hơn và vi tế qua thiền tập, rồi thì cuối cùng, khi cơ hội thật sự phát khởi, chúng ta có thể thật sự kiểm soát tiến trình của sự chết.  Điều ấy dĩ nhiên, không thể được hoàn tất bởi tất cả mọi người.  Nó chỉ có thể được thực tập bởi những ai đã đạt đến một trình độ cao cấp của sự thực tập.  Khi điều này được hoàn thành trong sự kết hợp với thực hành mật tông, rồi thì sự thực tập di chuyển thần thức cũng có thể được  hoàn thành.  Nhưng sự thực tập quan trọng nhất và năng lực nhất là việc ghi nhớ tâm giác ngộ hay tâm bồ đề, lòng vị tha vô hạn.  Mặc dù tôi thực hiện những pháp môn bổn tôn du già khác nhau trong công phu hàng ngày, nhưng tôi có một sự vững vàng hơn trong việc ghi nhớ tâm bồ đề vào thời điểm lâm chung.  Mặc tôi chưa phát triển trọn vẹn tâm bồ đề, nhưng tôi vẫn cảm thấy nó có một sự gần gũi nào đấy với sự chết.  Vì thế vào thời điểm lâm chung, hãy tập trung trên tâm giác ngộ hay tâm bồ đề tối đa như chúng ta có thể.

Việc thực tập tâm bồ có nghĩa là trau dồi một tâm vị tha, nguyện ước đạt được Quả Phật vì tất cả chúng sinh khổ đau.  Điều ấy rất rất là năng lực.  Nếu chúng ta có thể trau dồi loại tâm này ngay cả ở trình độ ngưỡng mộ, nó chắc chắn sẽ để lại một dấu ấn và một tác động mạnh mẽ.  Với việc quan tâm đến những sự thực hành mật tông, chúng ta có thể thực tập những sự quán tưởng và trì tụng những mật ngôn nào đấy và v.v..., nhưng nếu sự thực tập mật tông không kết hợp với những sự thực tập cần yếu khác, chúng thường sẽ đưa đến những kết quả tệ hại.

Kết luận, những sự thực tập như tâm giác ngộ hay tâm bồ đề tự động đưa đến sự tĩnh lặng vào thời điểm lâm chung.  Theo quan điểm Đạo Phật, tâm vào thời điểm lâm chung ở vào một giai tầng rất quan trọng, và nếu chúng ta có thể lưu lại một tác động mạnh mẽ vào thời điểm lâm  chung, tác động ấy sẽ trở thành một năng lực mạnh mẽ trong sự tương tục của một kinh nghiệm tích cực trong đời sống tiếp theo.  Điều ấy là chắc chắn.  Đối với những hành giả Phật Giáo, đấy là tại sao chúng ta có thể có một đời sống đầy đủ ý nghĩa và đối diện với cái  chết.  Trong thực tế, trong sự thực hành  mật tông, có một châm ngôn là: hãy đưa sự chết vào trong con đường của "thân thể chân thật", hay pháp thân.  Chúng ta sử dụng kinh nghiệm của sự chết như một sự thực hành tâm linh.  Giai đoạn trung ấm thân sau khi chết cũng được đưa vào con đường "thân thể thụ dụng" hay báo thân, và sự sinh được đưa vào con đường của "thân thể hóa hiện" hay hóa thân.

Nên kinh nghiệm mà chúng ta có vào thời điểm lâm chung, cho dù nó là kinh nghiệm tích cực hay tiêu cực, tùy thuộc rất nhiều trong việc chúng ta sống như thế nào trong cuộc đời của chúng ta.  Điều quan trọng nhất là đời sống hàng ngày của chúng ta phải là đẩy đủ ý nghĩa, tích cực, và chúng ta phải sống cát tường và hạnh phúc.

 

 

VẤN ĐÁP

 

HỎI: Vì triết lý của Đạo Phật là không làm tổn hại, chỉ làm lợi ích cho người khác, trong trường hợp của những quyết định thực tiển trong đời sống hàng ngày, nếu ai ấy muốn giết ta và ta không có cách nào để thoát khỏi, ta phải làm gì?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Từ một nhận thức rộng hơn, mục tiêu của đời sống hiện tại của chúng ta là gì?  Chúng ta cũng nên phán xét khả năng của ta khi quan tâm đến việc ta có thể làm lợi ích và hổ trợ người khác được bao nhiêu? Dĩ nhiên nếu ai đấy tấn công ta, ta nên trốn thoát hay tránh sự tấn công.  Nếu không có khả năng khác, thì tôi nghĩ đấy là quyền cá nhân để tự bảo vệ.  Vì thế không có sự giết chóc, chúng ta có lẻ có thể làm tổn thương chân hay tay của người tấn công.  Như thế, nếu quý vị phải chọn lựa.

HỎICó phải sáu cõi luân hồi là những thế giới thật sự, hay chúng chỉ là những thể trạng luân hồi đơn thuần của chúng sinh?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Chúng là một thực thể.  Tôi tin rằng chúng thật sự tồn tại.  Nhưng cùng lúc tôi phải nói rằng tôi hoài nghi về những sự giải thích, chúng phải được hiểu theo nghĩa đen hay không?

HỎI: Làm thế nào chúng ta tiếp tục tin tưởng trong bản chất tốt đẹp cố hữu của con người khi chúng ta thấy những con người đau khổ giáng tai họa xuống những đồng loại của họ?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Nếu chúng ta tiếp nhận một quan điểm rộng rãi hơn, tất cả chúng sinh như một chủng loại đã được tồn tại qua sự chăm sóc của bà mẹ hay một nhân vật như mẹ đã chăm sóc và có những cảm giác thương yêu.  Không có sự chăm sóc hổ tương, thương yêu và cảm nhận, chúng ta không thể tồn tại.  Sự tồn tại của năm bảy triệu người là bằng chứng của sự kiện này.  Một lý do khác là thân người của chúng ta: những cảm giác tiêu cực là rất tệ hại cho sức khỏe.  Những cảm xúc tích cực hay sự hòa bình của tâm hồn là một ảnh hưởng tích cực trên thân thể này. Đây  là căn bản lòng tin của chúng ta.  Điều này không có nghĩa là chúng ta không có những khía cạnh tiêu cực trong bản chất của chúng ta.  Những cảm xúc tiêu cực cũng là một bộ phận của tâm thức.  Tôi nghĩ một sự giải thích khác là cách tác động nhất để thay đổi tâm thức của người khác là với tình cảm, và không sân giận.  Thật khó tồn tại mà không có cảm nhận từ bi.  Không có sân giận, không chỉ tồn tại dễ dàng hơn, tự chính đời sống cũng hạnh phúc hơn.  Tuy nhiên, không có tình cảm, chúng ta không thể tồn tại.  Do thế, tôi cảm thấy rằng tình cảm là năng lực ưu thắng trong đời sống của chúng ta.

HỎI: Khoa học hiện đại diễn tả cá tính được quyết định bởi di truyền và những nhân tố môi trường.  Ngài xem chúng tương hợp với sự tái sinh như thế nào?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Chúng tôi gọi trình độ tâm thô, tâm con người.  Trình độ này của tâm, trình độ thô của tâm, lệ thuộc trên não bộ con người hay thân thể vật lý của con người, rất liên hệ với những dữ liệu di truyền.  Ở đây chúng ta phải thấu hiểu rằng khoa học hiện đại có thể cung ứng nhiều sự giải thích, và những điều rất đáng thuyết phục, qua hệ thống di truyền học.  Nhưng có nhiều vùng xám (không rõ) - những thứ mà họ không thể giải thích - và những thứ này vẫn đang được khảo sát.

HỎI: Làm sao chúng ta chắc rằng những gì chúng ta đang làm là hiệu quả tích cực (đấy là điều mà có thể là tiêu cực trong con mắt của người khác ngoại trừ tôi)?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Bản chất của trình độ rất vi tế của tâm hay những nhân tố tích cực ở tại một trình độ rất vi tế là những thể trạng tự nhiên của tâm.  Những điều này không thể giải thích một cách dễ dàng và đòi hỏi những giải thích chi tiết hay một trình độ vi tế hơn của sự giải thích.  Nhưng nói một cách tổng quát, tất cả những hành vi ấy, tất cả những thái độ đó đã được tại nên bởi những cảm xúc tiêu cực, là không xứng đáng; chúng là tiêu cực.  Khi chúng ta nói về những cảm xúc phiền não tiêu cực , chúng ta đang nói về những trình độ ấy của tâm và những thái độ đó, là những thứ khi chúng phát khởi, quấy rầy sự an hòa, để cho con người chúng ta hoàn toàn bị xáo trộn và làm cho chúng ta bức rức băn khoăn.  Khi thù hận, ganh tỵ và những loại tham đắm cực độ phát triển, tại thời điểm ấy chúng ta không bao giờ có sự hòa bình của tâm hồn.  Trái lại, với lòng từ bi mạnh mẽ, chúng ta có thể có một cảm giác không an lòng khi thấy người khác khổ đau, nhưng chúng ta đã từng phát triển điều ấy một cách tự nguyện, và với lý trí.  Do thế, chúng ta chấp nhận nó và sự tĩnh lặng duy trì tiềm tàng.

Tất cả những hành vi và thái độ được trau dồi qua những thái độ phiền não tiêu cực là những việc làm tiêu cực.  Rồi thì có những thái độ là những thái độ hay hành động đạo đức bởi vì chúng ta đưa đến nghiệp quả tốt và việc đạt đến một sự tái sinh tích cực cao thượng hơn.

HỎITuần này tôi vừa biết rằng mẹ tôi bị ung thư vú.  Chúng ta dùng bệnh hoạn tận cùng như một viên đá lót đường cho sự trưởng thành cá nhân như thế nào và gia đình và bạn hữu có thể làm cho khổ đau của họ sản sinh ra tích cực như thế nào?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Nếu mẹ của bạn có theo một tín ngưỡng nào đó, thế thì hãy suy nghĩ phù hợp với tín ngưỡng của bà.  Nếu bà là một người không tín ngưỡng, thế thì tôi nghĩ thân hữu cần biểu lộ một thái độ thương mến từ ái tối đa như có thể, và chia sẻ những rắc rối của bà.

HỎIChúng tôi thấy rằng những người tốt khổ sở, và những người xấu đang hưởng thụ lợi ích và sự công nhận.  Thế thì chúng tôi tin tưởng trong cuộc sống tích cực hàng ngày như thế nào?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Trong dạng thức triết lý Phật Giáo, loại quán chiếu như thế là thiển cận.  Những loại kết luận như thế này là vội vàng.  Nếu chúng ta phân tích chi tiết hơn, chúng ta sẽ thấy rằng những kẻ tạo nên rắc rối như thế chắc chắn không hạnh phúc.  Nhưng rồi thì, tương lai mỗi người một cách căn bản là trách nhiệm của chính người ấy.  Tốt hơn là hãy hành xử tốt.  Có thể có một số người nào đó mà cung cách sống của họ là rất tiêu cực, nhưng đây không phải là điều gì đó nên làm theo.  Thí dụ, không đúng để nói rằng tôi sẽ giết cha mẹ tôi vì ai đấy đã giết cha mẹ họ.  Chúng ta phải chịu trách nhiệm đời sống của chính chúng ta, và hướng đến một đời sống tích cực.

Điều này được giải thích từ quan điểm của Đạo Phật.  Chúng ta có thể thấy con người  cư xử sai sót và làm đủ thứ chuyện tiêu cực.  Họ dường như đang sung sướng hơn những người hiền lương.  Lý do cho điều này là những người ấy đã từng tích tập một ít hành vi tích cực, và khối lượng những việc làm tốt đẹp ấy không đủ để hoạt hóa cho họ vào một sự hiện hữu cao hơn, hạnh phúc hơn.  Họ đang hưởng thụ những hoa trái với một vài hành vi tích cực mà họ đã từng hoàn thành, và họ đang nhanh chóng tàn phai những kết quả từ những việc làm tích cực của họ.

HỎI: Tại sao loài người tiến hóa từ những hình thức thấp kém của động vật? Điều gì nổi bật trong vấn đề này?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Điều này diễn biến lần lượt với quá trình tiến hóa tổng quát.  Những người Phật tử tin rằng trước khi những thiên hà hình thành, những năng lực đến với nhau, và cuối cùng hình thức cụ thể và những phân tử được phát triển.  Vì thế, sự giải thích của Đạo Phật và thuyết Darwin, liên hệ như sự tiến hóa, có nhiều sự tương đồng.

HỎIChúng tôi có thể giúp gì với vấn đề Tây Tạng? Có bất cứ tổ chức nào ở Ấn Độ hổ trợ cho cuộc vận động của Tây Tạng? 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Chính phủ Ấn Độ và dĩ nhiên, chính quyền những tiểu bang, cũng như người dân Ấn Độ, giúp đở rất nhiều.  Nhưng rồi thì, vấn đề Tây Tạng là rất phức tạp.  Sự hổ trợ khi thời gian trôi qua dĩ nhiên đang tăng trưởng.

HỎI: Có phải chúng ta phải sinh đi sinh lại nhiều lần như những con người cho đến khi chúng ta đạt đến niết bàn?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Nếu bạn có thể đạt đến niết bàn trong kiếp sống này, ấy là điều tốt nhất.  Nếu không thể, thế thì niết bàn có thể được đạt đến qua nhiều kiếp sống liên tiếp.  Việc đạt đến kiếp sống con người vì thế cần thiết.

HỎI: Ngài không nghĩ rằng một khối lượng khổ đau nào đó giúp cho sự phát triển tâm linh của nhân tính?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Với điều kiện là bạn có thể chuyển hóa thảm họa hay sự bất hạnh ấy vào con đường [tu tập], chạm trán với khổ đau chắc chắn cống hiến đến tiến triển của sự thực hành tâm linh.

HỎIBằng việc chuyển hóa chính mình từ một thể trạng tâm tiêu cực đến một thể trạng tích cực, chúng ta có thể đối xử trí với giai đoạn khởi đầu của nghi ngờ và bồn chồn (trạo cử) như thế nào?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Trong giai đoạn khởi đầu, điều cực kỳ quan trọng để có một cái nhìn tổng quát về toàn bộ tiến trình của con đường tâm linh.  Có thể có hai loại hành giả, với một loại có một sự thấu  hiểu tốt về những trình độ khác nhau của con đường tâm linh.  Điều này sẽ làm nên một sự khác biệt  lớn trong việc trau dồi sự thực tập trong tâm thức họ và hiệu quả của nó, mặc dù họ đang thực tập cùng một chủ đề.  Đó là tại sao, như trong truyền thống Tây Tạng, học hỏi và thiền quán được phối hợp.  Đây là một truyền thống rất tốt.

HỎI: Chúng ta cân bằng những quyền lợi hợp pháp với các giá trị đạo đức như thế nào?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Dường như rằng luật pháp là một lãnh vực riêng biệt, và theo một số luật gia chuyên môn, không có ý kiến về những giá trị đạo đức.  Tôi không biết.  Nhưng như một hành giả Đạo Phật, tôi tin rằng trong luật tự do, quyền cá nhân và tự do cá nhân là rất rất quan trọng.  Nhưng điều này không có nghĩa rằng chúng ta bất chấp quyền lợi của người khác hay sự tự do của họ.

HỎI: Ngài có ý kiến gì về hiện tượng cúng dường sửa cho tượng Ganesh[1] mới gần đây, như được báo cáo bởi những hành giả khắp thế giới?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Tôi ước ao được gặp người thật sự chứng kiến điều này - một người đã thật sự cúng sửa cho tượng Ganesh.  Như một Phật tử, tôi tin rằng trong những năng lực vô hình hay năng lượng vô hình. Điều này là thông thường.  Tôi nghĩ trong trường hợp này, tốt hơn là nên giữ sự hoài nghi, ngoại trừ, dĩ nhiên, nó thật sự xảy ra.  Cũng có thể nó thật sự đã xảy ra.

Siri Fort Auditorium, 1995

 

Nguyên tác: How to live and die in a better way trích từ quyển Live in a Better Way

Ẩn Tâm Lộ ngày 22-5-2012

Wednesday, September 26, 2012

 



[1] Sự mầu nhiệm của sửa Ấn Giáo là một hiện tượng được xem như một trong nhiều sự mầu nhiệm của Ấn Giáo xảy ra vào ngày 21 tháng Chín, 1995.  Trước bình minh một người Ấn Giáo tại một ngôi đền ở New Delhi cúng sửa cho tượng Ganesh.  Khi muỗng sửa được để ngay vòi tượng voi, sửa được thấy biến mất, rõ ràng tượng đã tiếp nhận sửa cúng.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch