Phóng nhanh, vượt ẩu gây TNGT là tội ác - Ảnh do Lê Thị Khanh thực hiện
Tai nạn giao thông: thảm họa - tội ác
“Phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn là tội ác”; “Đã uống
rượu bia thì không cầm lái”... Đó là những lời tuyên truyền, cảnh báo
quen thuộc đối với những người tham gia giao thông. Dù vậy, TNGT vẫn
không hề giảm thiểu. Theo thông tin từ Bộ Giao thông và Vận tải, 9 tháng
đầu năm 2013 đã xảy ra 21.861 vụ TNGT làm chết 7.040 người, bị thương
21.780 người. So với năm 2012, số vụ tai nạn và số người thương vong
giảm nhưng số người chết lại tăng 139 người.
Để thấy rõ hơn sự tàn khốc của TNGT, nhiều sự so sánh đã
được đưa ra cụ thể như sau: 10 năm qua, trung bình mỗi năm ở nước ta có
khoảng 12.000 người chết vì TNGT. Tính ra, nếu một vụ rơi máy bay có
khoảng từ 200 - 300 người chết, thì số người chết do TNGT (đường bộ) tại
Việt Nam mỗi năm tương đương với 40 vụ rơi máy bay. Trong khi thảm họa
kép động đất - sóng thần tại Nhật Bản năm 2011cướp đi 15.854 sinh mạng,
khiến 9.677 người bị thương và 3.155 người mất tích (theo báo cáo của Cơ
quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản); con số này tính ra không cao hơn là
bao so với “thảm họa” TNGT tại Việt Nam mỗi năm. Một sự so sánh khác
cũng cho thấy: tính đến năm 2010, tổng số lính Mỹ thiệt mạng tại chiến
trường Iraq (từ năm 2003) và Afghanistan (từ 2001) là 6.244 người (Iraq:
4.474, Afghanistan: 1.750) - con số này cũng chỉ nhỉnh hơn không đáng
kể so với số người chết vì TNGT tại Việt Nam trong vòng 6 tháng.
Trong một đất nước hòa bình, con người có đủ quyền sống
và mưu cầu hạnh phúc, thì những cái chết như thế khó có thể gọi tên là
“oan nghiệt”, “tàn khốc”, “thảm họa” hay “tội ác”, bởi có lẽ nó bao gồm
tất cả. Nếu tính về tiền của, hàng năm thiệt hại do TNGT ở Việt Nam vào
khoảng 885 triệu USD, trong đó tiền thuốc khoảng 817 triệu USD (theo
công bố của Ngân hàng phát triển Châu Á). Thiệt hại về người như đã nói ở
trên, khiến cho nguồn nhân lực của gia đình, xã hội bị hao hụt đáng kể.
Còn về mặt tinh thần, sự thiệt hại này là không bao giờ có thể tính kể.
Thực hành chánh niệm, kiên nhẫn và lòng từ khi tham gia giao thông
Như đã nói, người gây TNGT do bất cẩn, thiếu ý thức,
phóng nhanh vượt ẩu hay do say xỉn - là những nguyên nhân chủ yếu - dù
muốn dù không, họ cũng đã vô tình gây ra tội ác. Do đó, ngoài việc giáo
dục người dân về mặt ý thức khi tham gia giao thông cũng như những hình
thức răn phạt thích đáng, thì sự tự ý thức sâu sắc nơi tự thân mỗi người
về mối tương duyên, cộng duyên giữa mình và người được xem là phương
pháp giúp giảm thiểu TNGT tích cực nhất. Sự tự ý thức sâu sắc đó sẽ được
phát triển toàn diện thông qua sự tu tập chánh niệm, lòng từ và tính
kiên nhẫn (cùng nhiều pháp hành khác).
Chúng ta đều biết rằng mục đích của sự tu tập là để đạt
được sự giác ngộ, giải thoát. Tuy vậy, trong cuộc sống hàng ngày, sự tu
tập cũng giúp cho chúng ta giải quyết rất nhiều những vấn đề xã hội. Ở
đây, chánh niệm, được xem là trái tim của thiền tập, là bước đầu giúp
chúng ta ý thức rõ ràng nhất về mình - bao gồm việc mình muốn gì, làm
gì, làm như thế nào, tâm trạng ra sao; và về những đối tượng xung quanh -
chủ yếu là những tác động của ngoại cảnh lên bản thân mình. Khi tham
gia giao thông, người chánh niệm ý thức rõ về mình như: phóng nhanh -
biết mình đang phóng nhanh; vượt ẩu - biết mình đang vượt ẩu; nôn nóng -
biết mình đang nôn nóng..., cũng như ý thức tốt về những đối tượng cùng
tham gia giao thông, kể cả các bảng cấm, bảng chỉ dẫn... Không có
chuyện thực tập chánh niệm sẽ gây khó khăn hay trở ngại việc đi lại như
một số người lầm tưởng. Thậm chí, chúng ta có thể vừa chạy xe vừa niệm
Phật hay trì chú mà không gây... trễ giờ hay tai nạn!
Trong sách Bước tới thảnh thơi, Thiền sư Nhất Hạnh có soạn bài kệ đọc trước khi tham gia giao thông như sau: “Trước khi cho máy nổ / Tôi biết tôi đi đâu / Xe với tôi là một / Xe mau tôi cũng mau”. Đó là bài kệ kiểu “Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu”, không chỉ khi nổ máy xe, mà cho suốt hành trình.
Nếu chánh niệm giúp cho chúng ta ý thức rõ nhất về mình
và người thì lòng từ sẽ thúc đẩy chúng ta luôn hành động theo hướng tích
cực, lợi mình lợi người. Tình thương người càng lớn, chúng ta sẽ càng
luôn tìm cách giúp người, nhường người hơn là cố ý lấn người, ép người.
Hễ “đã uống bia rượu thì không cầm lái”, vì chúng ta biết rằng như thế
sẽ dễ dàng gây ra tai nạn. Thương người, chúng ta không nỡ thấy người
khổ, huống chi gây cho người đau đớn, tệ hại hơn, gây cho người cái
chết. Thử hình dung: người mẹ sinh con ra, nuôi dưỡng con, tẩm ướp bao
nhiêu thương yêu cho con, trông con lớn từng ngày... Vậy mà đùng một
cái, nghe tin con chết vì TNGT, tim người mẹ sẽ vỡ ra từng mảnh, uất
nghẹn đến tắt thở. Do đó, thương người, chúng ta sẽ không bao giờ bất
cẩn gây đau khổ cho người.
Giao thông Việt Nam là nỗi “kinh hoàng” cho không ít du
khách nước ngoài. Thậm chí có hẳn một trang mạng hướng dẫn cách đi lại ở
Việt Nam, nhất là cách... băng qua đường. Nói như vậy để thấy rằng
người Việt Nam rất ít nhường nhịn khi tham gia giao thông. Chỉ cần sang
Lào, Thái Lan hay Ấn Độ, chúng ta có thể thấy người ta nhường nhau như
thế nào. Khó có thể nói lòng từ họ lớn hơn ta, nhưng phải công nhận là
họ kiên nhẫn hơn ta rất nhiều. Hiếm khi họ bấm còi inh ỏi hay cố chen
lấn để vượt qua người khác, nhất là khi kẹt xe. Một tài xế Ấn Độ đủ sức
kiên nhẫn đợi một con chó nằm ườn ngoài đường thủng thẳng đứng dậy bỏ đi
rồi mới phóng xe lên. Trong trường hợp kẹt xe giờ cao điểm, chúng ta
phải làm gì khác ngoài việc trải nghiệm đức tính kiên nhẫn?!
Bức ảnh cảnh báo về TNGT do cô gái trẻ Lê Thị Khanh thực hiện
Lái xe cũng là một cách tu
Gần đây, cư dân mạng internet có truyền nhau một video
clip có tên “Nhanh một giây, chậm cả đời”, ghi lại những hình ảnh của vụ
tai nạn giao thông thương tâm do cô gái trẻ gây ra cho một cô bé đáng
thương chỉ vì một phút giây vội vã với lời bình sâu sắc:
“Chúng ta hầu hết đều là những người vội vàng, ích
kỷ. Dừng đèn đỏ, đèn chưa kịp chuyển xanh thì đã vụt đi, hay như đèn đã
chuyển đỏ vẫn lao như một con thiêu thân giữa dòng xe đang lăn bánh. Có
bao giờ bạn tự hỏi: Bạn cố gắng nhanh hơn một vài giây để làm gì?
Bạn có từng đau đớn khi nhìn thấy cảnh bà mẹ ôm xác
con trai mình, người bê bết máu và chợt nghĩ đến mẹ mình? Rồi hình ảnh
người vợ cùng đứa con thơ đang còn chưa kịp chào đời quấn khăn trắng gào
bên quan tài chồng khiến không ít người phải rơi nước mắt…
Những lúc đó, chúng ta mới biết được sống có ý nghĩa
đến nhường nào. Hãy tham gia giao thông có trách nhiệm, không chỉ trách
nhiệm với bản thân mà còn với gia đình, người thân của những người khác.
Hãy sống chậm lại, đừng vì một phút giây không kiểm
soát, đừng vặn ga để chạy nhanh thêm vài cây số/giờ mà cướp đi sinh mạng
của những người vô tội, đừng để những điều đáng tiếc xảy ra bạn nhé…”.
... Mười năm trước, người viết có quen một anh tài xế
tính tình bốc đồng, nóng nảy. Mười năm sau gặp lại, thấy anh trở nên
điềm đạm, trầm tĩnh khác thường. Hỏi ra thì được anh trả lời: Nhờ tôi tu
đó, không phải nơi chùa chiền đâu mà tu trong lúc lái xe. “Nghề tài xế
dạy cho tôi nhiều điều lắm. Nếu không tu, chắc tôi gây tai nạn đều đều”,
anh nói.
Như vậy, lái xe cũng là một cách tu. Cách tu này lắm khi
mang tính... ép buộc. Nhưng, sự “ép buộc” đó mang lại lợi ích rất lớn
cho bản thân và người khác.
Một chị người phương Tây làm việc tại Ấn Độ chia sẻ câu
chuyện như sau: Thời gian đầu đến Ấn Độ, chị rất ngao ngán mỗi khi ra
đường: bụi bặm, kẹt xe, những con vật nghênh ngang, thủng thẳng trên
đường theo kiểu “bất cần đời”, rất bực. Có nhiều trận kẹt xe đến hàng
giờ. Chị ngồi trên xe bấm còi inh ỏi, khiến người ta quay sang nhìn chị
như một... sinh vật lạ. Trong lòng chị luôn luôn kêu gào: Trời ơi, không
thấy tôi đang bận sao? Tôi cần phải về nhà. Tôi cần phải tắm rửa, nghỉ
ngơi. Tôi còn hàng đống việc cần phải làm. Tại sao tôi cứ buộc phải đứng
đây? Nhưng vấn đề là không có gì thay đổi cả, kẹt xe vẫn cứ kẹt xe, mặc
chị phẫn nộ. Sau một thời gian, chị nhận ra mình thật ngu xuẩn. Thay vì
sân hận, chị dành thời gian đó cho việc hít thở. Thở vào tôi biết tôi đang thở vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra. Nhờ đó chị không còn bực bội. Và cũng nhờ đó mà chị có thể hành thiền ngay trên đường.
Người viết từng hỏi nhiều Phật tử rằng họ làm gì trong
lúc kẹt xe, và câu trả lời thường là không làm gì cả, chỉ biết bực mình
chờ đợi; một số ít thì trả lời rằng: dành thời gian niệm Phật. Như vậy,
không chỉ đi khi kẹt xe, mà ngay khi đường thông hè thoáng, chúng ta
vẫn có thể tu tập như thực hành chánh niệm, phát triển tâm từ, tập hạnh
kiên nhẫn... Được như vậy, và chỉ cần như vậy, là chúng ta đã có thể góp
phần làm giảm thiểu TNGT đáng kể.