PG & Đời sống
Cảm nhận từ sự im lặng
01/08/2010 20:57 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

- Ai có thể im lặng được sự im lặng, một cách bình dị thuần nhiên?

- Điều đó hẳn sẽ là điệu nói chân chính…
- và là khúc khai tấu trường cửu cho cuộc song thoại chân chính về ngôn ngữ.
Martin Heidegger (1)

Trong lịch sử tư tưởng và tôn giáo của nhân loại, Đức Phật là một trong những đấng Đạo sư có sự nghiệp hoằng pháp khó có ai bì kịp. Từ khi nhìn ánh sao Mai mà giác ngộ dưới gốc Bồ đề ở tuổi 30, cho đến khi nhập diệt ở tuổi 80, trong suốt hơn 49 năm, Ngài không ngừng vân du khắp mọi nơi để tùy cơ thuyết pháp mà hóa độ chúng sinh. Những bài thuyết pháp của Đức Phật trong vô số pháp hội đã được kết tập thành một kho tàng kinh điển đồ sộ. Hơn hai ngàn năm qua, cây Bồ đề đã phát triển thành một cây đại thụ khổng lồ, phủ bóng che rợp những chân trời tư tưởng nhân loại, đến nỗi tuệ nhãn của các bậc Bồ tát thượng trí đời sau cũng chỉ có thể nhìn thấy được từng nhánh cây, thậm chí từng chiếc lá của cây Phật pháp kia. Đó là nguyên nhân ra đời của các tông phái. Vậy mà bậc đạo sư suốt đời vân du thuyết pháp đó, đến phút cuối cùng, lại tuyên bố là mình chưa từng nói một chữ nào!

imlang-1.jpg

Theo Chỉ nguyệt lục, khi Đức Phật sắp nhập Niết bàn, đại sĩ Văn Thù bèn thỉnh Đức Phật chuyển pháp luân, Ngài bèn quở: "Này Văn Thù, suốt bốn mươi chín năm trụ thế ta chưa từng nói một chữ nào, ngươi thỉnh ta chuyển pháp luân lần nữa, vậy là ta đã từng chuyển pháp luân rồi ư?" (Văn Thù, ngô tứ thập cửu niên trụ thế, vị tằng thuyết nhất tự, nhữ thỉnh ngô tái chuyển pháp luân, thị ngô tằng chuyển pháp luân da?). Thiền sư Vân Phong còn nêu thêm một câu hỏi: "Nói thử xem, Thế Tôn nghe theo lời thỉnh cầu của Văn Thù hay không nghe theo lời thỉnh cầu của Văn Thù?" (Thả đạo, Thế Tôn tòng Văn Thù thỉnh, bất tòng Văn Thù thỉnh?). Bánh xe pháp đã chuyển động suốt 49 năm ròng, vậy mà khi nhìn lại, nó như vẫn chưa có một vòng quay!

Không biết cuộc vấn đáp trên có xuất xứ từ kinh điển Đại thừa nào, chỉ thấy trong kinh Lăng Già (bản dịch của Cầu-na-bạt-đà-la) ghi lại cuộc vấn đáp giữa Đức Phật với Bồ tát Đại Huệ có nội dung tương tự, trong đó Đức Phật nói:

"Ta từ đêm được Chánh giác tối thượng cho đến đêm nhập Niết bàn, trong khoảng thời gian ấy, chưa hề thuyết một chữ nào, cũng chưa đã thuyết hay sẽ thuyết. Không thuyết mới là Phật thuyết"(2).

Tư tưởng trên đây chắc hẳn quá quen thuộc với những ai từng đọc Cổ lục Đông phương theo tinh thần phá chấp của kinh Phật, hoặc "Đắc ngư vong thuyên" của Trang Tử. Dùng biện tài vô ngại để thuyết pháp như hải triều âm như Đức Phật, nhiếp dẫn thính chúng đi vào những chân trời tư tưởng lồng lộng, khai mở những quốc độ kỳ diệu bất khả tư nghì, thế rồi cuối cùng lại ân cần dặn dò: "Nhược nhân ngôn Như Lai hữu sở thuyết pháp tức vi báng Phật!" (Nếu có người bảo rằng Như Lai đã thuyết pháp tức là phỉ báng Phật"). Hoặc viết Nam hoa kinh làm kinh động thiên hạ như Trang Tử, để rồi thong dong ngồi câu cá, buông một câu lơ lửng mà rằng: "Chung thân ngôn, vị thường ngôn. Chung thân bất ngôn, vị thường bất ngôn" (Suốt đời nói mà có hề nói chi đâu? Suốt đời không nói mà chưa hề không nói). Hoặc như đức Khổng Tử lận đận chu du khắp nơi để hành đạo, khổ công giáo hóa vô số đệ tử, miệt mài san định kinh điển làm khuôn khổ cho ngàn đời, để rồi lại ỡm ờ: "Dư dục vô ngôn. Thiên hà ngôn tai?" (Ta không muốn nói gì cả. Trời có nói chi đâu?).

Qua phong cách đối thoại trong Chỉ nguyệt lục, ta thấy cuộc vấn đáp giữa Đức Phật và đại sĩ Văn Thù có thể do các Thiền sư ngẫu tác như một công án Thiền để tùy duyên hóa độ theo tinh thần "giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự" của Thiền tông, đúng với hai chữ "chỉ nguyệt" (ngón tay chỉ mặt trăng). Im lặng trước các câu hỏi về thực tại tối hậu hay chân lý là cách trả lời thường được Đức Phật và các Thiền sư Trung Hoa sử dụng. Trong kinh Duy Ma Cật, cư sĩ Duy Ma Cật đã im lặng trước câu hỏi của Văn Thù Bồ tát hỏi về bất nhị pháp môn, và được vị Bồ tát này hết lời ca ngợi. Sự im lặng này được kinh điển gọi là "mặc như lôi", nghĩa là im lặng như sấm sét. Sự im lặng như sấm sét này còn gây nên chấn động cho tâm thức còn hơn cả tiếng sấm sét trong cõi im lặng!

Kinh điển chép rằng sau khi giác ngộ, Đức Phật nhận thấy cảnh giới Thánh trí tự chứng của Như Lai quá đỗi thâm huyền vi diệu, siêu quá lý luận ngữ ngôn, trong khi chúng sanh còn đắm chìm trong tham dục và vô minh luyến ái nên không có cách nào lãnh hội được; bởi vậy Ngài định im lặng nhập Niết bàn. Phạm thiên Sahampati bèn đến thỉnh cầu Đức Phật chuyển pháp luân. Sau vài lần lưỡng lự, Đức Phật vì lợi ích của chư thiên và nhân loại, đã nhận lời cầu thỉnh để rời cội Bồ đề, lên đường hóa độ.

"Muốn im lặng để nhập Niết bàn sau khi chứng ngộ", chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ đó đã quyết định toàn bộ nội dung của kinh điển Phật giáo cùng thể cách lập ngôn để nhiếp dẫn thính chúng đi vào cảnh giới Thánh trí tự chứng về sau. Trong pháp hội Linh Sơn, một cành hoa đưa lên và thông điệp giác ngộ được đón nhận bằng nụ cười. Niêm hoa vi tiếu! Khi đọc nội điển, nếu chỉ chấp vào ngôn ngữ thì chúng ta khó lòng lắng nghe được sự im lặng của Đức Phật, là cái hàm dưỡng toàn bộ nội dung kinh điển. Dù Đức Phật có là bậc biện tài vô ngại với trí tuệ siêu việt thế gian thì cũng không thể nào diễn đạt trọn vẹn cảnh giới thánh trí tự chứng, do những yếu tố bất toàn trong ngôn ngữ. Kinh Lăng Già luôn nhắc nhở ngôn ngữ chỉ là sự hòa hợp của nhân duyên nên không thể nào diễn tả được đệ nhất nghĩa đế. Các cuốn kháng thư Đại thừa thâm áo thường nhấn mạnh rằng không thiết yếu phải sử dụng ngôn ngữ mới truyền đạt được tư tưởng và cảm xúc; bởi vì ở một vài cõi Phật, Đức Phật chỉ cần giáo hóa bằng nhiều cách như nhìn, nhướng mày, hoặc mỉm cười. Chẳng hạn trong non nước của Phổ Hiền Bồ Tát chỉ cần nhìn suông là đủ để chứng được Vô sanh pháp nhẫn, hoặc các Bồ tát trong cõi non nước Chúng Hương chỉ cần nghe được mùi hương cũng đắc nhập luật hạnh; hoặc tại Quang âm cung hay Cực quang tịnh thiên - là cõi trời thuộc vô sắc giới - nơi đó không có âm thanh, khi những cư dân nơi cõi trời đó muốn nói với nhau thì có ánh sáng phát ra miệng thay cho ngôn ngữ. Như vậy khi đọc các pho ngữ lục Thiền tông, chúng ta cũng không nên lấy làm lạ khi các Thiền sư chỉ cần đưa một ngón tay lên, hoặc nói một câu vu vơ vô nghĩa để minh chứng cho cảnh giới thâm huyền nhất mà ý thức con người có thể đạt đến, hoặc các ngài có thể hét một tiếng làm chấn động tâm thức để chúng ta bừng tỉnh, thoát khỏi mạng lưới ngôn ngữ lý luận phù phiếm mà nghe ra sự im lặng của Đức Phật!

Nếu toàn bộ tòa lâu đài khổng lồ Phật pháp được xây dựng trên hai cây đại thụ Trí và Bi, thì sự im lặng của Đức Phật chính là nền đất để hai cây đại thụ kia bám chặt vào. Hai cây đại thụ Trí và Bi sở dĩ làm được vai trò trụ cột vững chắc để nâng đỡ toàn bộ tòa lâu đài Phật pháp là nhờ hút dưỡng chất từ lòng đất đó. Sự im lặng của Đức Phật là dòng ẩn lưu chảy ngầm bên dưới để nuôi dưỡng toàn thể khu rừng tư tưởng Phật giáo.

Trong sát na chứng ngộ, cái gì đã đến với Đức Phật để biến Ngài từ một nhà tu khổ hạnh trở thành một bậc toàn giác? Vì sao Đức Phật muốn im lặng để nhập Niết bàn sau khi chứng ngộ? Đây là một ẩn ngữ bất khả tư nghì, siêu quá tri kiến phàm phu của chúng ta. Vì ẩn ngữ này mà Tổ Đạt Ma phải thả một bè lau qua Trung thổ, chín năm trầm hùng ngồi nhìn vách đá trên ngọn Thiếu Thất cô liêu, để rồi suốt hơn ngàn năm sau, câu hỏi "Như hà thị Tổ tây lai ý?" còn đồng vọng mãi khắp chốn tùng lâm. Vì ẩn ngữ này mà nhân vật Siddhartha, trong tiểu thuyết cùng tên của văn hào Hermann Hesse, sau khi hội kiến Đức Phật lại tiếp tục cuộc hành trình cô độc trên con đường đi tìm chân lý. Cũng chính vì ẩn ngữ này mà Krishnamurti phải giải tán hội Ngôi sao và khước từ ngôi vị Giáo chủ, trọn đời đi theo con đường tư tưởng riêng biệt để thuyết giảng "chân lý là vùng đất không có đường vào" (Truth is a pathless land). Thiền sư Huệ Khai chỉ cho chúng ta một con đường vào bằng phương tiện công án, nhưng con đường dẫn vào vùng đất chân lý đó phải qua một quan ải không có cửa. Vô môn quan! Cũng như để hiểu được chân ý của Phật pháp, chúng ta phải - như thi hào Nguyễn Du - đọc cuốn kinh không chữ. Vô tự chân kinh!

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh

Kỳ trung áo chỉ đa bất minh

Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ

Tài tri vô tự thị chân kinh.

(Kim Cương ta đọc ngàn lần

Ý kinh uyên áo vạn phần cao xa

Đến Thạch đài, bỗng ngộ ra

Kinh không chữ mới thật là chân kinh).

Đọc kinh hơn một ngàn lần, bỗng đến một ngày giở trang kinh ra, thấy kinh không còn một chữ. Vô tự thị chân kinh! Thuyết pháp độ sinh suốt 49 năm, bỗng một ngày nhìn lại, thấy mình chưa nói một lời. Bất thuyết thị Phật thuyết! Chung thân ngôn, vị thường ngôn!

Quan ải thì không cửa. Chân kinh thì không chữ. Cảnh giới Thánh trí tự chứng chỉ được biểu hiện bằng sự im lặng mênh mông. Vậy thì nương vào đâu để chúng ta có thể lắng nghe ra kinh điển? Một học giả đến hỏi một vị Thiền sư đường vào cõi đạo. Vị Thiền sư bèn dẫn ông này đi dạo bên bờ suối, và hỏi: "Ngài có nghe tiếng suối róc rách chăng?". Ông này đáp "Có!". Vị Thiền sư mỉm cười: "Đó là đường vào cõi Đạo".

Con đường nằm ở đấy, nhưng đâu là cặp mắt để nhìn? Tiếng suối luôn róc rách đấy, nhưng đâu là đôi tai để nghe? Nếu cứ đắm chìm mãi trong thế giới kinh điển cùng những pho sách luận giải đầy ắp những kiến thức hàn lâm về Phật pháp, liệu có thật là chúng ta sẽ tìm ra được cái gì đó từ lời Đức Phật nói? Thi Phật Vương Duy gảy đàn cầm giữa rừng thông dưới bóng trăng ngàn, lắng nghe tiếng ngư phủ hát mà thấu đạt lẽ cùng thông của trời đất.

Tùng phong xuy giải đái,

Sơn nguyệt chiếu đàn cầm.

Quân vấn cùng thông lý,

Ngư ca nhập phố thâm.

(Gió thông thổi áo phất phơ

Đàn cầm gảy dưới trăng mờ đầu non

Ngài hỏi về lẽ cùng thông?

Tiếng ca ngư phủ mênh mông xóm chài).

Trong một tiếng đàn cầm dưới ánh trăng lơ lửng đầu non, trong tiếng ca ngư phủ đồng vọng ở một bến chài xa, phải chăng chúng ta lại nghe ra được một cái gì đó bàng bạc trong kinh điển? Phải chăng từ cảnh giới đó, chúng ta dễ nhận ra diệu ý "Thế gian hằng như mộng" hay "Nhất thiết pháp như huyễn" của kinh điển Đại thừa, mà các cuốn sách luận giải uyên bác không giúp ta nhìn thấy được? Phải chăng cái man mác bao la trong đêm trăng tĩnh lặng kia là con đường dẫn vào cõi Đạo, để ta cảm nhận được nụ cười vi tiếu của Ca Diếp trong pháp hội trước cành hoa của Như Lai? Hoặc lắng nghe ra sự im lặng của Đức Phật dưới gốc Bồ đề? "Sơn nguyệt chiếu đàn cầm" là Linh Sơn pháp hội. "Quân vấn cùng thông lý" là Thích Ca niêm hoa, "Ngư ca nhập phố thâm" là Ca Diếp vi tiếu.

Thử đọc một khổ thơ trong bài Trường Hận ca của Bạch Cư Dị, qua bản dịch thượng thừa thù thắng của Tản Đà:

Xuân đào lý gió đêm huê nở

Thu khi mưa rụng lá ngô đồng

Này Nam uyển, nọ Tây cung

Đầy thềm ai quét lá hồng thu rơi?

Thong thả ngâm những câu thơ này, tưởng chừng như chúng ta đang nghe ra lời kệ trong phẩm Phương tiện của kinh Pháp Hoa:

Chư pháp tòng bản lai

Thường tự tịch diệt tướng.

Tôi thường cảm nhận rằng những điều cốt yếu trong lời Đức Phật dạy không nằm trong các bộ sách uyên bác luận giải về kinh điển, vốn thường mang những nội dung na ná như nhau, mà đôi khi nó lại nằm lơ lửng trong một vài vần thơ đạm nhiên giản dị, hay trong những cảnh tượng tịch mịch giữa thiên nhiên, nếu ta có cơ duyên tĩnh tâm lắng nghe với tinh thần "Như thị ngã văn", giữa những chữ nghĩa xô bồ hoặc giữa những huyên náo của cuộc sống. Bản tướng của chư pháp xưa nay vốn là tịch diệt -Chư pháp tòng bản lai, Thường tự tịch diệt tướng - thì hà cớ gì chúng ta lại cứ luôn đem những kiến giải từ chương ra để nhọc công luận giải, mà không chịu lắng nghe sự tĩnh lặng của đại khối vô ngôn? Đạo vốn "thị nhi ẩn", tuy hiển thị mênh mang, nhưng lại luôn ẩn dấu phần thể tính tinh yếu của mình, theo thể cách "Sương in mặt, tuyết pha thân; Sen vàng lãng đãng như gần như xa" của một Đạm Tiên.

Nhân gian chỉ kiến thiên sơn tú

Thùy thính viên đề thâm xứ thâm?

(Nhân gian chỉ thấy ngàn non đẹp

Tiếng vượn rừng sâu, ai lắng nghe?).

(Tuệ Trung Thượng sĩ)

Cảnh vật núi rừng hùng vĩ đẹp đẽ ai cũng nhìn thấy, nhưng đâu là đôi tai để nghe ra tiếng vượn hú trong tận chốn rừng sâu? Nếu như rừng núi nhờ có tiếng vượn hú chốn hang sâu để thực sự trở thành chốn rừng sâu núi thẳm, thì chúng ta tìm được gì khi chỉ ngắm nhìn suông cảnh "Thiên sơn tú"? Nếu không lắng nghe được tiếng vượn hú chốn hang sâu thì cảnh tượng "ngàn non đẹp" kia có còn thực sự mang linh khí của trời đất để con người có thể nương theo đó mà hòa nhập vào sự huyền mật của thiên nhiên? Hay đó chỉ còn là những giả sơn của hòn non bộ đặt ở một góc vườn, mà chúng ta cứ trịnh trọng leo lên để rồi luôn vọng tưởng rằng mình đã vượt qua được rặng Hy Mã Lạp Sơn tuyết phủ?

Nếu lắng nghe kinh điển với tinh thần như thế, chúng ta dễ bắt gặp sự đồng vọng từ tư tưởng của triết gia Heidegger qua một câu nói thâm trầm được lặp lại hai lần trong cùng một trang của tác phẩm Holzwege: "Das Sein entzieht sich, indem es sich in das Seiende entbirgt" (Hữu tính tự thân ẩn tàng trong chính những gì nó mở phơi giữa lòng vạn hữu)(3). Chữ Sein trong tư tưởng của Heidegger có vai trò gần như chữ Pháp hay chữ Đạo trong tư tưởng phương Đông. Sein (Hữu tính, hay tính thể của sự hiện hữu) là cái làm cho Seiende (sự vật hiện hữu, hiện vật thể, vạn hữu) được là Seiende. Hữu tính - hay tính thể của sự hiện hữu - là cái hàm dưỡng vạn hữu để vạn hữu được là vạn hữu, để vạn hữu được hiện hữu và hiện tiền. Diễn đạt bằng ngôn ngữ Phật giáo, ta có thể tạm dịch là "Pháp tính tự thân ẩn tàng trong chính những gì nó hiển thị trong vạn pháp", vì pháp tính là cái hàm dưỡng để vạn pháp được là vạn pháp. Một cách triệt để hơn ta có thể nói "Sự im lặng của Đức Phật tự thân ẩn tàng trong chính những gì nó hiển thị trong giáo pháp", vì sự im lặng của Đức Phật là cái hàm dưỡng để giáo pháp được là giáo pháp. Pháp tính bàng bạc trong vạn pháp, cũng như sự im lặng của Đức Phật bàng bạc trong giáo pháp. Mở phơi đấy nhưng vẫn ẩn tàng. Không lắng nghe sự im lặng của Đức Phật thì giáo pháp chỉ là những ngôn từ trống rỗng, mà chúng ta cứ luôn lặp đi lặp lại như những con chữ vô hồn. Thùy thính viên đề thâm xứ thâm?

Nhưng viết hay bàn về sự im lặng - dù bằng bất kỳ hình thức nào - đều là sự sai lầm, quá đỗi sai lầm. Bài viết này cũng đang lặp lại sự sai lầm khi viết về sự im lặng. Sự im lặng chỉ có thể được lắng nghe, và chỉ có thể được cảm nhận trong chính sự im lặng; như Nguyễn Du đứng nhìn vầng trăng sáng giữa non ngàn để cảm nhận ra, trong im lặng, sự giao hòa của muôn vạn tâm tình của nhân gian, giữa ngàn dặm bàng bạc chính khí Hồng sơn.

Nhất thiên minh nguyệt giao tình tại

Bách lý Hồng sơn chính khí đồng.

Từ cõi "giao tình tại" tịch nhiên bất động đó, Nguyễn Du mới có thể quán tưởng thế gian như mộng, mới có thể nhìn chuyện đời như mây bay theo trận gió thu.

Nhãn để phù vân khan thế sự

Yêu gian trường kiếm quải thu phong.

Bước ra từ những câu thơ mênh mông của Vương Duy hay của Nguyễn Du, chúng ta sẽ cảm nhận được rằng câu hỏi "Ai có thể im lặng được sự im lặng, một cách bình dị thuần nhiên?" (Wer vermöchte es, einfach vom Schweigen zu schweigen?) của Heidegger - trong cuộc đối thoại về ngôn ngữ với một nhà trí thức người Nhật - sẽ tìm được lời giải đáp trong nụ cười mỉm của Ca Diếp và trong sự im lặng của Đức Phật. Vì cành hoa của Đức Phật đưa lên và nụ cười của Ca Diếp đáp lại sẽ mãi mãi là "khúc khai tấu trường cửu cho cuộc song thoại chân chính về ngôn ngữ " (das stete Vorspiel zum eigentlichen Gespräch von der Sprache).

Huỳnh Ngọc Chiến (Nguyệt San Giác Ngộ số 171)

1) Martin Heidegger - Unterwegs Zur Sprache (Trên đường về với Ngôn ngữ)- Verlag Gunther Neske, Pfullingen 1959, tr.144. (2) Ngã tòng mỗ dạ đắc tối chính giác, nãi chí mỗ dạ nhập bát Niết bàn, ư kỳ trung gian, nãi chí bất thuyết nhất tự, diệc bất dĩ thuyết, đương thuyết. Bất thuyết thị Phật thuyết. (3) Martin Heidegger, Holzwege (Những đường rừng hiu quạnh) - Vittorio Klostermann, GA5, 1977, tr.337.

Theo: giacngo.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch