PG & Đời sống
Giả sư - Vấn nạn '' đánh cắp lòng Từ Bi''
Tiến Nguyên
26/07/2013 16:10 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngày 10/7, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết đang tạm giữ 4 đối tượng nữ giả sư để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.



Ngày 10/7, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết đang tạm giữ 4 đối tượng nữgiả sư để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 4 đối tượng gồm: Hà Thị Loan (26 tuổi, ở Lạng Sơn), Nguyễn Thị Triển (34 tuổi), Phan Thị Hiền (35 tuổi) và Phan Thị Hường (29 tuổi, ở Nghệ An). Các đối tượng nữ này thường lân la tìm hiểu thông tin về những người dân quá sùng đạo Phật rồi sau đó đóng giả là các sư cô đến tận gia đình để xin quyên góp tiền công đức tu sửa chùa với số tiền lớn.

Cả tin mắc lừa sư giả


 

Tang vật của các kẻ giả sư

Theo cơ quan công an, cầm đầu nhóm sư giả này là Phan Thị Hiền và Hà Thị Loan. Với thủ đoạn giả làm các sư cô, các đối tượng này còn lừa đảo tiền của 2 người dân khác ở Lạng Sơn với số tiền lớn. Liên quan đến nhóm giả sư để lừa đảo, cơ quan công an cho biết, đối tượng Phan Thị Hiền đã có tiền sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản năm 2009. Đối tượng này đã có thời gian dài qua lại cửa Phật nên học những cử chỉ, dáng đi, lời nói giống như một nhà sư thực thụ.Khi biết được thông tin về gia đình một người đàn ông 44 tuổi ở Lạng Sơn sùng đạo Phật, có gian thờ tự lớn và tập trung nhiều con nhang đến dâng hương, cuối tháng 6 vừa qua, Loan và Triển mặc quần áo nâu đến đây trình tờ giấy giới thiệu đang là sư cô tại một ngôi chùa ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc với pháp danh là Diệu Tú, Diệu Linh. Để tạo thêm lòng tin đối với nạn nhân, cặp đôi này đưa ra bức ảnh cắt ghép, chụp chung cùng một số hòa thượng, trụ trì ở một số ngôi chùa lớn ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Do cả tin, sau một hồi nói chuyện, người đàn ông ở Lạng Sơn đã tự nguyện đưa cho Loan và Triển 14 triệu đồng công đức để sửa chùa mà không nhận lại bất cứ giấy tờ gì. Thấy “cá” đã mắc câu, Loan và Triển đã đặt may cho Phan Thị Hiền bộ trang phục giống các nhà sư hay mặc.

 

Khoảng 1 tuần sau khi nhận được 14 triệu đồng, Hiền đã đến nhà người đàn ông này và tự giới thiệu mình mới đi du học ngành phật giáo ở Ấn Độ về, pháp danh là Diệu Hiền.Sau đó, các đối tượng trên đã đặt vấn đề cần vay người đàn ông này 100 triệu đồng để làm lễ hô thần nhập tượng ở một ngôi chùa. Cả tin vào 3 vị nữ giả sư, người đàn ông đã gom tiền cá nhân và đi vay được 85 triệu đưa cho các đối tượng. Loan, Hiền và Hường (là em ruột của Hiền) bàn nhau xuống Hà Nội lấy nốt số tiền 15 triệu đồng của con gái nạn nhân. Tuy nhiên, do nghi ngờ các đối tượng này là sư “rởm” nên con gái nạn nhân đã báo cho Công an phường Yên Phụ bắt quả tang khi đang nhận tiền.

 

 

4 đối tượng giả sư tại cơ quan điều tra


Vì sao sư giả vẫn hoành hành?


Bà Đỗ Thị Phương (Cầu Diễn, Hà Nội) thì không ngần ngại bày tỏ thẳng thừng: “Từ giờ trở đi, cứ thấy nhà sư đi khất thực là tôi tránh xa, chả cần biết là thực hay giả. Tôi dám cá là 10 vị đi khất thực ngoài đường mà ta hay gặp thì may ra có 1 vị là thật, còn lại 9 là lừa đảo và ăn cắp”. Sự cảnh giác tưởng chừng đến mức “cực đoan” trên của bà Phương không phải là không có nguyên nhân.Bà Phương cho biết, cách đây hơn 2 tháng, bà đã phải chịu một “vố” từ những kẻ trộm cắp giả dạng nhà sư đi khất thực: “Khoảng 11 giờ trưa, có một “ni cô” vào nhà tôi khất thực, thấy người tu hành khổ hạnh thì ai mà chẳng thành kính. Nhưng lúc đó tôi không đem theo tiền, ví để ở nhà trong nên bảo “ni cô” ngồi đợi một lát. Lúc trở ra, tôi đưa cho “ni cô” 200 nghìn đồng, lại còn mua thêm 2 chiếc vòng đeo tay mà “ni cô” bảo là “bùa hộ mệnh” của nhà chùa cho hai con gái với giá 100 nghìn đồng. “Ni cô” cảm tạ rồi đi ra”. “Khoảng 30 phút sau, con gái tôi đi làm về, trách: “Sao hôm nay con gọi điện thoại cho mẹ mà không được thế”, tôi mới nhớ đến chiếc điện thoại để ở chiếc bàn ngoài nhà từ lúc “ni cô” vào. Nhưng khi ra tìm thì chiếc Iphone 4S mới mua hồi đầu tuần đã “không cánh mà bay”, gọi thì không thấy đổ chuông. Cô con gái tôi biết chuyện chỉ còn kêu trời rằng: “Mẹ bị lừa rồi, sư sãi gì đâu, bọn lưu manh đấy”.


Ni sư Thích Nữ Như Hương – Chánh Văn phòng Ban trị sự Phật giáo TP. Cần Thơ cho biết, các tăng, ni khất thực là một hoạt động của người tu theo hệ phái khất sĩ. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, các tu sĩ Phật giáo chỉ khất thực trong những ngày lễ lớn của đạo, họ đi từng đoàn và phải được phép của Ban trị sự Phật giáo và chính quyền địa phương.

Ni sư Như Hương cho biết thêm, chuyện các “sư” này ghé nhà dân xin tiền hay khất thực bất kể ngày đêm là sai với quy định của khất sĩ. Trước đây đã từng có nhiều trường hợp các “sư” dỏm bị vạch mặt, thậm chí họ làm giả giấy phép củaTrung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Có trường hợp 2 ni cô “dỏm” bị 1 ni cô thật phát hiện giữa chợ khi đang vòi tiền. Vị ni cô thật đã mua 2 bộ quần áo khác để các ni cô “dỏm” thay.

Tại chợ An Bình còn có cả chuyện “sư” dỏm ăn cắp… thịt của một chị bán hàng và bị chị này truy tận nhà. Qua vấn nạn này, mỗi người dân cần cảnh giác và báo cho cơ quan chức năng khi thấy nghi ngờ. Chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý để không còn tình trạng thật – giả lẫn lộn.   
 
Suckhoedoisong.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch