Với đạo Phật, phần lớn chúng ta mới thực tập tín mộ, tín ngưỡng,
chứ ít người sử dụng được tuệ giác đạo Phật để chuyển hóa thân tâm, tháo
gỡ những khó khăn. Cầu nguyện cũng phần nào đem lại sự an lạc, vì giúp
lắng dịu những khổ đau, lo lắng. Nhưng muốn giải quyết tận gốc vấn đề
thì phải có tuệ giác, mà tuệ giác phải do tu tập mới có được. Hiện ở Tây
phương chúng tôi đang xướng xuất phong trào Phật học ứng dụng.
Hạnh phúc là an lạc, không có an thì không có lạc, an trong thân
và trong tâm. Nếu con người chứa chất quá nhiều sự căng thẳng, stress,
thân không an thì tâm làm sao an được? Trong khi đó tâm có những cảm
giác, cảm xúc như giận hờn, tuyệt vọng, bạo động, nếu không có phương
pháp cụ thể thì làm sao nhận diện và chuyển hóa được những bất an của
tâm? Trong kinh Niệm Xứ hay kinh Quán Niệm Hơi Thở, Đức Thế Tôn đã dạy
những phương pháp cụ thể để làm lắng dịu những căng thẳng trong thân,
trong tâm, rồi nhìn sâu để xem gốc rễ của những khổ đau phiền não đó do
đâu, từ đó mới bắt đầu chuyển hóa được những tâm hành. Đó là phương pháp
khoa học.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Sở dĩ người Tây phương theo chúng tôi học hỏi, thực tập nhiều, vì
chúng tôi không hiến tặng cho họ đạo Phật của đức tin mà hiến tặng cho
họ đạo Phật của sự thực tập kinh nghiệm. Những khóa tu tổ chức ở New
York, Los Angeles, Boston, Born, London, thường có trên 1000 người tới
tu liền 6, 7 ngày, trong những ngày đó họ thực tập những phương pháp cụ
thể, trước hết lấy ra những căng thẳng trong thân - tập buông thư, lấy
ra những căng thẳng trong tâm - tập nhận diện và ôm ấp những đau buồn,
lo lắng, sợ hãi của mình, nhìn sâu vào để có thể nhận diện những bản
chất tâm hành đó.
Rồi nhìn vào người thân của mình để thấy trong họ có căng thẳng
trong thân, tâm, để phát khởi lòng thương, chấp nhận họ. Lúc đó mình cởi
bỏ được thái độ trách móc, vì có sự lắng dịu trong thân và tâm, học
thêm được phương pháp ái ngữ và lắng nghe, hiểu được khó khăn và bức
xúc, mơ ước, khổ đau của người kia, từ đó chấp nhận để giúp đỡ họ. Không
nói những lời chua chát, buộc tội, lên án, thì có thể giúp người kia
hiểu được, thấy được những nhận thức sai lầm của họ để thay đổi.
Đó là những phương pháp cụ thể, chỉ cần tu trong 6, 7 ngày là đã
có thể đạt được những tiến bộ rất lớn rồi. Không khóa tu nào mà không có
phép lạ xảy ra, vợ chồng hòa giải, cha con làm hòa là chuyện rất
thường. Có điều lạ lùng, nếu 2 người cùng tới khóa tu thì sự chuyển hóa
dễ dàng là đúng, nhưng có trường hợp chỉ 1 người đến khóa tu, chuyển hóa
và có khả năng nói được lời êm dịu và lắng nghe được khó khăn của người
đối thoại.
Đến ngày thứ 6 chúng tôi cho phép dùng điện thoại di động để thực
tập lắng nghe và ái ngữ, và có nhiều người đã báo cáo rằng chỉ dùng
điện thoại di động đã có thể hòa giải với người kia ở nhà (bố, mẹ, anh
chị em, vợ chồng, con...). Khi nghe báo cáo như thế thì chúng tôi rất
hạnh phúc, vì biết rằng mình đã giúp được nhiều người.
Năm giới là sự thực tập cụ thể của tình thương
Thực sự chúng tôi không chủ ý quyến rũ người ta theo đạo Phật,
nhưng vào cuối khóa tu, người xin quy y và thọ 5 giới rất đông, có những
khóa tu mà 6 - 700 người Tây phương quỳ xuống xin quy y Phật - Pháp
-Tăng và thọ 5 giới. Vì họ biết rằng 5 giới là sự thực tập cụ thể của
tình thương.
Giới thứ nhất là Bảo vệ sự sống không chỉ của loài người mà
động vật, thực vật, khoáng vật. Giới này đi theo đường lối bảo hộ môi
trường (deep ecology), không chỉ bảo vệ con người mà còn bảo vệ các loài
khác trong đó có thực vật và khoáng vật.
Giới thứ hai là Chia sẻ thời giờ và tài vật của mình với những
người thiếu thốn, đừng lạm dụng và bóc lột người khác. Đó là giới không
trộm cắp, không bóc lột, trái lại hiến dâng, là sự thực tập của tình
thương.
Giới thứ ba là Không tà dâm, không lạm dụng tình dục, bảo hộ
trẻ em, bảo hộ những cặp vợ chồng. Đó cũng là tình thương, vì bao nhiêu
trẻ em lớn lên trong gia đình không giữ giới thì đau khổ vô cùng. Bởi
vậy, sự thực tập giới thứ ba là không ăn nằm với những người không phải
vợ chồng, không lạm dụng tình dục, bảo hộ cho những đôi nam nữ, bảo hộ
trẻ em cũng là sự thực tập của tình thương.
Giới thứ tư là Sử dụng ái ngữ và lắng nghe để tái lập truyền thông giữa những người thân... cũng là sự thực tập tình thương.
Giới thứ năm là Tiêu thụ trong chính niệm, chỉ tiêu thụ những
sản phẩm mang lại sự an lạc cho thân tâm mình, còn những sản phẩm có độc
tố (như phim ảnh sách báo) thì những độc tố đó sẽ làm thâm tâm bị hủy
hoại. Biết chọn đối tượng tiêu thụ cũng là sự thực tập của tình thương,
bảo hộ xã hội, bảo hộ con người.
Khi họ thấy 5 giới là phương tiện bảo hộ mình và những người
thương thì đó không còn là đức tin mơ hồ mà là những thực tập cần thiết.
Họ tiếp nhận 5 giới với thái độ khoa học chứ không phải người đi tìm
đức tin, nên họ thấy không chống đối gì với truyền thống tôn giáo của
họ.