Trong bài pháp thoại thầy đặt ra ba câu hỏi:
Hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc có thể có được hay không?
Con đường dẫn đến hạnh phúc?
Thầy kể một câu chuyện: Tại Mỹ, có một cậu bé mười bảy tuổi vừa mua được
một khẩu súng, cậu liền gọi ngay cho người bạn thân của mình tới để
khoe. Vì sợ bố mẹ biết nên hai cậu bé rủ nhau vào toilet xem. Nhưng
không ngờ khẩu súng bị cướp cò nên cậu đã làm thiệt mạng người bạn thân
một cách oan uổng.
Như vậy thì chơi với súng hay với những phương tiện bạo động khác có
thực sự là hạnh phúc như một số bạn trẻ suy nghĩ không?
Thầy kể một câu chuyện khác: Ở Việt Nam, thầy có một cô cháu gái đã
đi lấy chồng và đang mang thai đứa con đầu lòng. Hôm ấy, chồng của cô sử
dụng điện và do sơ ý nên bị điện giật chết. Cô rất đau khổ khi tuổi còn
trẻ mà đã trở thành gái góa chồng. Nhưng nỗi đau còn tăng lên gấp bội
khi bên phía nhà chồng nghi ngờ cô giết chồng để chiếm đoạt tài sản và
họ đã đâm đơn kiện. Thật may là nỗi oan của cô được ban thanh tra làm
sáng tỏ. Đau khổ tột cùng khiến cô bị sảy thai. Giấc mơ bình dị là được
làm vợ, làm mẹ của cô tan vỡ dễ dàng như bọt nước.
Thầy đặt ra câu hỏi với đại chúng: Vậy, hạnh phúc có đến từ bên ngoài
không? Có tới từ những trò tiêu khiển nguy hiểm: súng ống, ma túy rượu
chè, những sản phẩm sách báo, phim ảnh chứa nội dung thiếu lành mạnh? Và
hạnh phúc mà vào từ bên ngoài liệu có bền vững, có đáng tin cậy?
Năm ngoái, thầy bị bệnh nặng không thể theo thời khóa của đại chúng
được. Thầy bị bệnh vì đã làm việc quá sức trong suốt một thời gian dài.
Khi ấy, thầy cảm thấy rất ái ngại, vì thầy là một sư anh lớn trong đại
chúng, nếu buổi ngồi thiền vắng thầy thì năng lượng của đại chúng cũng
bị ảnh hưởng. Thầy thực tập nhận diện những cảm thọ, những tâm hành của
mình. Thầy thực tập buông thư toàn thân, kế đến buông thư tâm, không để
cho sự áy náy khởi lên. Thầy đã thực tập buông thư trong suốt thời gian
duỡng bệnh. Và những cơn đau nhức bắt đầu giảm dần, tâm thầy nhẹ nhàng
thanh thoát. Sự đau đớn vẫn còn đó nhưng lòng thầy ngập tràn sự an lạc
giải thoát. Thầy vẫn giữ được hạnh phúc ngay cả trong khi bệnh tật hoành
hành.
Ngày xưa, có một vị hỏi Bụt: “Bạch Đức Thế Tôn! Con đã dùng thần
thông thoát rất xa khỏi trái đất này nhưng những khổ đau trong con vẫn
không thuyên giảm. Vậy có một nơi nào mà ở đó không hề có khổ đau
không?”
Bụt trả lời: “Dù con có dùng thần thông đi xa cách mấy con cũng không
thể chạy thoát khỏi khổ đau. Vì khổ đau từ tâm con mà ra. Chỉ có trở về
an trú trong giây phút hiện tại mới tiêu trừ được khổ đau. Hạnh phúc chỉ
có mặt trong giây phút hiện tại, trong tự tâm mà thôi.”
Quả vậy, giả sử ta đang có một nỗi khó khăn trong lòng, nếu không
biết thực tập an trú trong giây phút hiện tại thì dù ta có trốn lên núi,
hay xuống biển thì phiền não vẫn theo riết ta như hình với bóng. Mọi
thứ trên đời là vô thường, ai rồi cũng phải chết, khó khăn nào rồi cũng
sẽ đi qua. Không có gì tồn tại mãi, đừng quan trọng vấn đề lên, mọi thứ
vốn rất đơn giản chỉ bởi ta cứ đưa vấn đề lên thành quan trọng nên ta đã
tự làm khổ mình.
“Không có con đường dẫn tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường”.
Đó là sự thực tập của Làng Mai. Chúng ta có thể đạt được hạnh phúc
trong lúc ăn cơm, trong lúc rửa bát, trong khi ngắm nhìn một đám mây bay
nếu chúng ta biết trở về với giây phút hiện tại, tiếp xúc sâu sắc với
đám mây, với miếng cơm mà không để cho những lo lắng, sợ hãi trấn ngự.
Thầy Pháp Ấn nhớ lại ngày thầy mới xuất gia, khi đó có một sư anh
tặng cho thầy một bộ quần áo của người xuất gia vốn đã cũ kỹ, nhưng lúc
ấy trong lòng thầy trào lên niềm biết ơn, một nỗi xúc động xâm chiếm lấy
thầy. Thầy đi lại một gốc cây, ôm chiếc áo vào lòng và bật khóc. Hạnh
phúc thật đơn sơ, mà bây giờ mỗi lần nhớ lại thầy vẫn thấy lòng mình ấm
áp.
Một lối sống đơn giản tự nó đã làm tiêu trừ những hệ lụy, phiền phức.
Bằng lòng với những điều kiện hạnh phúc sẵn có, bớt ham muốn, bớt đòi
hỏi sẽ giúp cho tâm thư thái, nhẹ nhàng. Khi ấy ta sẽ có nhiều thời gian
thưởng thức sự sống và có điều kiện nâng cao đời sống tâm linh của
mình.
Theo nguồn Làng Ma