Vậy bình yên là gì? 1001 cách con
người cảm nhận về sự bình yên.. Nói chung chung, đó là khi tất cả mọi
thứ đều yên ổn, êm đềm, hòa bình, khi mà lợi ích không bị xâm phạm và
ngược lại bản thân không xâm phạm đến lợi ích người khác. Hoặc nhiều
người từng định nghĩa theo một cách đơn giản hơn, "Bình yên là... trải
qua một ngày làm việc chăm chỉ, ý nghĩa, xách giỏ về nhà, ăn uống, cười
nói, xem ti vi, đọc sách, ngủ... Bình yên là khi ta biết vẫn còn có một
ngôi nhà nhỏ và những người thân đang chờ ta về... "
Có rất nhiều định nghĩa về sự bình
yên, vì mỗi cá thể là một cuộc đời, cuộc đời người này không giống người
khác, vì thế sự bình yên trong họ cũng khác.
Làm thế nào để sống bình yên? Đó là
một câu hỏi lớn và lại cũng có 1001 cách trả lời khác nhau.
Liệu có thể bình yên khi một ai đó
làm ta quá thất vọng, tất cả những gì họ gây ra có thể làm xáo trộn cuộc
sống của ta? Ta cảm thấy bất mãn, như một giọt nước làm tràn ly và muốn
vứt, muốn hất tung tất cả mọi thứ. Ta tức giận, muốn trả thù, muốn họ
phải khổ sở, điên khùng, khốn khổ khốn nạn, ê chề và thất bại. Ta muốn
tất cả mọi người đều quay lưng lại với họ, muốn họ phải biết đau như
chính những gì ta phải chịu đựng, họ chứ không ai khác phải gánh chịu
một kiếp sống đau khổ, dằn vặt gấp nghìn lần họ đã gây ra...
Nhưng, thực tế, họ vẫn sống đầy đủ,
thỏa mãn, tự tin, ung dung, thách thức. Thành công đang vẫy gọi và vẫn
còn tiếp tục dùng nhiều thủ đoạn để thành công hơn nữa... Có vẻ những ý
nghĩ nguyền rủa, ác ý kia dành cho họ đều vô ích. Họ vẫn ở đó, nhơn
nhởn, cười nhạo, đắc thắng, đắc ý, thách thức và quan trọng hơn: họ cố
tình gây tổn thương ta và không có ý định ân hận, hối tiếc.
Một sự thật không thể chối cãi, chính
ta là người đau khổ nhất, ta không được gì, trả thù họ, nguyền rủa họ,
cầu mong cho họ phải khốn đốn.. tất cả chỉ làm chính bản thân ta mệt
mỏi, biến chất, đánh mất mình, mù quáng, điên khùng và chẳng làm việc gì
ra hồn!
Đạo Phật lấy con người làm gốc. Phật
giáo không gieo rắc nỗi sợ hãi trong lòng người. "Cái tốt sẽ mang đến
cái tốt, và cái xấu sẽ đem đến cái xấu", "Mỗi hành vi đều có hậu quả của
nó" (every action has its reaction). Đó là những quy luật tự nhiên.
Theo đó con người "Gieo nhân gì thì sẽ gặt quả nấy". Mọi khổ lạc của con
người trong cuộc sống này không phải do ảnh hưởng từ bên ngoài mà là do
hành động từ chính con người tạo ra trong thời hiện tại hoặc trong
những tiền kiếp hoặc gần hoặc xa.
Không có một đấng thần linh nào có
quyền năng cứu rỗi được con người. Phật tử, theo lời Phật dạy, phải tự
mình thắp đuốc lên mà đi. Con người phải tự cứu lấy mình. Chúng ta tin
rằng bất cứ ai cũng có thể hưởng được niềm hạnh phúc thiên giới nếu họ
thực hiện lối sống chân chính.
Khi mà con người có tiền bạc, quyền
lực, khi mọi sự trên đời này diễn ra tốt đẹp thì con người thường có cảm
giác ít cần đến bạn. Nhưng khi địa vị và sức khỏe suy giảm, con người
nhanh chóng nhận ra sự cần thiết của những người bạn... (trích Phật giáo
đại chúng - Lê Hữu Tuấn).
Thế đó, đạo Phật từ bi đã thổi vào
tâm hồn kẻ đang mang nỗi đau, ý định trả thù... những tư tưởng nhân văn
và an lạc để khai sáng.
Tôi đi tìm bình yên, tôi loay hoay đi
tìm và sau cùng đã tìm thấy. Một điều quan trọng là phải biết chấp nhận
và tha thứ, phải học cách tha thứ. Chúng ta không phải là thánh để sẵn
sàng bao dung. Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi ngay cả người thân yêu
nhất cũng có thể khiến ta đau lòng. Song tha thứ là một việc đáng làm,
nó không chỉ mang đến sự khuây khỏa mà còn rất có lợi cho sức khỏe.
(trích Học cách tha thứ)
Đừng hỏi tại sao và đừng chờ đợi lời
xin lỗi.
"Cái tốt sẽ mang đến cái tốt, và cái
xấu sẽ đem đến cái xấu", "Mỗi hành vi đều có hậu quả của nó". Đó là
những quy luật tự nhiên. Theo đó con người "Gieo nhân gì thì sẽ gặt quả
nấy".
Theo blogger The Moon (Ngôi Sao)