Không ít người tránh làm những việc quan trọng như
mua đất, làm nhà, cưới xin, khai trương… Nhiều mảng thị trường vì thế mà
đìu hiu, ế ẩm, sụt giảm giá trị nghiêm trọng. Chúng tôi đã gặp các bậc
cao tăng, nhà nghiên cứu văn hóa để "giải mã" những kiêng kỵ này.
Chứng khoán "thảm", địa ốc "chết"
|
Thị trường tràn ngập hàng “âm phủ”. Ảnh: Mai Hạnh |
Tại cả 2 sàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thị trường
chứng khoán ngay trong ngày đầu tiên bước sang tháng Bảy Âm lịch (10/8
Dương lịch) đã giảm tới hơn 15 điểm, kéo chỉ số Vn.Index tụt xuống mức
thấp nhất trong gần 8 tháng qua. Liên tiếp những phiên sau đó, chứng
khoán tiếp tục rớt điểm với giá trị giao dịch rất thấp, chốt tuần đầu
tháng Bảy Âm lịch với mức 452,73 điểm.
Theo Công ty Chứng khoán Thái Bình Dương (PSC),
trong 4 năm gần đây, tháng 8 Dương lịch thường là giai đoạn "chân sóng"
của một quá trình tăng giá vào tháng tới. Giao dịch ảm đạm, tâm lý nhà
đầu tư kém hưng phấn do thời điểm này cũng trùng với tháng Bảy Âm lịch
mà theo quan điểm của một số nhà đầu tư là kiêng việc làm ăn, đầu tư.
Tất nhiên, chuyện thị trường "rớt thảm" có không ít nguyên nhân, song
theo nhiều người, ám ảnh tháng Bảy Âm lịch không phải là không có!
Không chỉ chứng khoán, hầu hết các lĩnh vực, công
việc khác như mua sắm những đồ dùng giá trị lớn, giao dịch làm ăn, ký
kết hợp đồng, chuyển đổi công việc, tuyển dụng nhân viên, xây dựng,
chuyển - sửa nhà... cũng bị nhiều người kiêng kỵ.
Ông Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc Trung tâm giao
dịch địa ốc Thành Đạt ở 60 Nguyễn Du, Hà Nội phàn nàn: "Tháng Bảy Âm
lịch thường là tháng làm ăn thấp điểm nhất trong năm của những người
kinh doanh bất động sản. Giao dịch gần như bằng 0. Tệ nhất là có những
trường hợp đặt cọc mua nhà trong tháng Bảy nhưng mãi sang tháng sau mới
nhận nhà và trả đủ tiền. Điều này, gây không ít thiệt hại cho chúng tôi
vì tháng Bảy Âm lịch bao giờ giá nhà cũng thấp hơn do lượng giao dịch
sụt giảm nghiêm trọng nhưng thị trường thường tăng giá vào tháng sau.
Nghĩa là chúng tôi phải giao nhà với mức giá thấp vào đúng thời điểm bất
động sản tăng giá".
Phản khoa học
Thâm nhập các diễn đàn xã hội mới thấy chuyện kiêng
kỵ tháng Bảy Âm lịch đã có ảnh hưởng lớn như thế nào. Trên nhiều diễn
đàn, không ít người mua nhà, tậu xe đã phải trưng cầu ý kiến của mọi
người vì lo sợ những "kiêng kỵ" trong tháng Bảy Âm lịch này.
Ví dụ như trên website
http://www.vatgia.com/
chạy câu hỏi: "Có nên mua xe ôtô vào tháng Bảy?" của anh Phan Duy Anh:
"Tôi đã ký hợp đồng và dự kiến 2 tuần là có xe và giấy tờ để đi đăng ký.
Một số bạn bè khuyên không nên đăng ký, lấy xe trong tháng Bảy Âm lịch
(tháng hàng mã gì đó). Thực sự tôi rối quá, không biết xử lý thế nào?".
Kết quả là anh Duy Anh nhận được rất nhiều những lời khuyên trái chiều
mà có lẽ bản thân anh cũng khó biết nên theo ai. Các lời khuyên đó kiểu
như "nếu băn khoăn quá nhiều thì nên lùi lại tháng sau lấy xe rồi đăng
ký cho lành". Thậm chí, không ít người còn "hù doạ" kiểu: "Có thờ có
thiêng, có kiêng có lành bạn ạ", v.v...
Dĩ nhiên không thể cấm người ta đưa ra quan điểm và
suy nghĩ của mình khi mà những người trong cuộc yêu cầu, song nếu cứ
"trưng cầu dân ý" chuyện làm ăn trên mạng thì khác nào "đẽo cày giữa
đường".
Chưa kể, nhiều khi sự kiêng kỵ của người này lại chính là cơ hội cho người khác.
Cụ thể là một thành viên đã chia sẻ với câu hỏi của
anh Duy Anh rằng: "Tôi đang tận dụng cơ hội này đặt xe GM Deawoo và
được lấy nhanh hơn khi các bác khác đang kiêng khem. Thông thường tháng
Bảy Âm lịch được coi là tháng Ngâu nhưng chả nhẽ thế thì cả nền kinh tế
lại không có hoạt động mua bán gì trong cả tháng này thì cũng cần suy
nghĩ lại. Những chuyện mê tín dị đoan là phản khoa học".
Thậm chí có thành viên còn kể lại kinh nghiệm thành
công của mình: "Tôi không ngờ đến thế kỷ XXI rồi mà vẫn còn có cái vụ
mê tín này. Tôi mua đất và khởi công xây nhà vào tháng Bảy Âm lịch mà có
thấy cái gì đâu. Còn mua rẻ nữa chứ. Chắc nhờ có cái vụ mê tín này nên
mới mua được giá tốt. Xin cám ơn những người mê tín".
Chính người làm bất động sản nhiều năm như ông
Nguyễn Quang Thiều cũng khuyên rằng: "Những người có nhu cầu nên mua nhà
vào tháng Bảy Âm lịch. Vì có nhiều người kiêng kỵ, nguồn cung sẽ dồi
dào, chưa kể sẽ mua được giá rẻ".
Tháng báo hiếu ông bà, cha mẹ
Trao đổi với PV Thượng toạ Thích Thanh Duệ, Phó
Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng:
"Truyền thuyết dân gian có chuyện là từ mùng 2/7 (Âm lịch), Diêm Vương
ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau
12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục.
Với câu chuyện truyền miệng đó, dân gian quan niệm rằng tháng Bảy là
tháng ma quỷ hành hoành khắp nơi nên làm việc gì cũng không tốt. Tuy
nhiên, Phật giáo hoàn toàn không có quan niệm này cũng như quan niệm về
ngày tháng tốt - xấu. Nếu tâm sáng thì ngày nào cũng là ngày tốt. Kiêng
kỵ là phản khoa học".
Lý giải về chuyện xưa nay dân gian thường đốt nến,
hóa vàng bạc hoặc giết gà vịt để cúng trong dịp này, Thượng tọa Thích
Thanh Duệ cho rằng nguồn gốc sâu xa là do bị ảnh hưởng bởi khái niệm
"Tết Quỷ" của Đạo giáo Trung Quốc. Phật giáo không có chủ trương sát
sinh hoặc đốt vàng bạc hàng mã để cúng tế quỷ thần. Ngày 15/7 Âm lịch là
lễ Vu lan (báo hiếu cha, mẹ) của Phật giáo và khác hoàn toàn với "Tết
Quỷ" của Trung Quốc. Theo tinh thần Phật giáo, tháng Bảy là tháng báo
hiếu của những người con đối với ông bà cha mẹ còn sống hoặc đã khuất.
Bước vào tháng Bảy thì các chùa thường lập đàn tụng kinh Vu lan để cầu
siêu cho ông bà cha mẹ đã quá vãng, giúp cho họ được siêu thoát.
Đại đức Thích Thiện Hạnh, trụ trì chùa Vinh Phúc (thôn Quang Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) thì giải thích:
"Dân gian kiêng kỵ tháng Bảy Âm lịch là "tháng
Ngâu" nên không làm việc đại sự vì nó buồn quá và quan niệm tháng này là
tháng chia ly, mất mát. Hơn nữa, đây là tháng Xá tội vong nhân... Nhiều
người quan niệm tháng này chỉ chuyên tâm thờ cúng, cầu cho những người
đã khuất, vì cả năm nếu đi chùa đã cầu cho người sống rồi. Như vậy,
không làm bất kỳ điều gì trong tháng này cũng là do tâm lý, không có cơ
sở khoa học. Phật học khuyên mọi người ngày nào cũng là ngày tốt, tháng
nào cũng là tháng tốt và không có ngày tháng nào xấu. Xấu hay tốt là do
quan niệm con người tự đặt ra".
Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQGHN) giải thích:
"Thói quen tâm lý người Việt từ bao đời nay không
làm việc đại sự vào tháng này, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt và
những vùng không chịu ảnh hưởng phong tục, tập quán tâm lý như trên.
Tháng Bảy Âm lịch cũng là tháng mưa nhiều, vì thế, nhiều gia đình không
làm nhà, động thổ hay xây dựng, một phần là do thời tiết. Nhưng mỗi vùng
có một điều kiện khí hậu, thời tiết khác nhau nên cũng không thể kết
luận được thời tiết ảnh hưởng đến việc kiêng xây nhà. Bởi, nếu có điều
kiện thuận lợi họ vẫn làm".
Với những gì các cao tăng, nhà nghiên cứu văn hóa
có uy tín đã lý giải, chuyện kiêng kỵ tháng Bảy Âm lịch vẫn chỉ là "thói
quen" hay "tâm lý" mà thôi. Mà khi đã là thói quen, là tâm lý được hình
thành trên cơ sở những lời đồn đại thì rất thiếu cơ sở khoa học.
Thượng toạ Thích Thanh Duệ, Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam:
"Việc dân gian kiêng kỵ không làm việc lớn, trọng
đại vào tháng Bảy Âm lịch là do chính quan niệm trong tháng Bảy "địa
ngục mở cửa" nên có rất nhiều "hồn ma bóng quế" được thả ra. Những vong
hồn này lang thang tìm về gia đình, bạn bè cầu mong sực giúp đỡ, để được
siêu thoát. Nhưng quan niệm tháng Bảy Âm lịch là xấu thì tư nhân đóng
cửa, còn Nhà nước nghỉ làm việc hết sao?".
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Giảng viên ĐHKHXH&NV:
"Tại sao người phương Tây không kiêng kỵ mà họ vẫn
phát triển mạnh mẽ hơn nước ta gấp nhiều lần? Bản thân tôi không kiêng
kỵ một điều gì cả".
|