Ông Allen Wallace là một học giả và cũng là
một nhà Phật học Hoa Kỳ nổi tiếng. Ông đang điều hành những chương trình
dài hạn tại Santa Barbara Institute và Đại học UCLA, nghiên cứu về sự
liên hệ giữa thiền tập và hạnh phúc. Dưới đây là bài phỏng vấn ông Allen
Wallace về đề tài thế nào là chân hạnh phúc.
Hỏi: Thế nào là một hạnh phúc chân thật?
Alan Wallace: Tôi thích dùng chữ “sự hoàn thiện nhân tính” hơn, theo nghĩa gốc dịch từ tiếng Hy Lạp là eudaimonia. Chúng ta thường dịch là “hạnh phúc chân thật”, nhưng “sự hoàn thiện nhân tính” thì chính xác hơn.
Hỏi: Và hạnh phúc ấy sẽ mang lại cho ta những gì?
Alan Wallace: Một cuộc sống có ý nghĩa.
Hỏi: Cái gì làm cho cuộc sống có ý nghĩa?
Alan Wallace: Theo tôi thì đó phải là cho mỗi ngày chứ không phải cho toàn bộ một cuộc đời. Tôi thấy có bốn yếu tố cho một ngày hạnh phúc.
Thứ nhất là
ngày hôm nay mình có sống trong giới hạnh hay không? Ở đây tôi chỉ nói
về những giới luật căn bản trong đạo Phật thôi, ví dụ như đừng làm hại
ai, đừng nói nặng lời với ai, cố gắng thực tập từ bi và chánh niệm.
Điều thứ
hai là tôi cảm thấy hạnh phúc thay vì khổ đau. Tôi đã gặp những người có
tu tập, lúc nào họ cũng biểu lộ một sự bình an trong từng bước đi,
trong cách ứng xử với những khó khăn trong cuộc sống và khi tiếp xúc với
người khác.
Điều thứ ba
là đi tìm sự thật, muốn thấy và hiểu rõ được thực tại, chân tướng của
chính mình và cuộc sống. Và ta có thể ngồi yên trong căn phòng nhỏ của
mình mà vẫn có thể làm được tất cả những việc ấy. Nhưng có điều không có
ai trong chúng ta là riêng rẽ và tồn tại độc lập cả. Vì vậy, muốn có
một đời sống hạnh phúc, ta phải trả lời câu hỏi thứ tư: “Ta mang lại gì
cho cuộc đời này?”
Nếu tôi có
thể nhìn lại một ngày trong đời mình và thấy có đủ bốn yếu tố: giới
hạnh, hạnh phúc, sự thật và biết nghĩ đến chung quanh, thì tôi có thể
nói rằng “Tôi là một người có hạnh phúc.”
Vấn đề hạnh
phúc không hề tùy thuộc vào số tiền gửi ngân hàng của ta, hoặc thái độ
của người vợ hay chồng, vào công việc làm hay mức tiền lương. Ta có thể
sống một đời tròn đầy ý nghĩa, dù ta chỉ còn lại mười phút để sống trên
cuộc đời này.
Hỏi: Trong bốn yếu tố ấy không có yếu tố sức khoẻ, vậy sức khoẻ không là một yếu tố quan trọng sao?
Alan Wallace:
Sự thật là không! Một người học trò của tôi mang một chứng bệnh nan y
hiếm gặp, mỗi ngày đều phải vào bệnh viện để chữa trị và dùng thuốc. Và
anh phải sống như vậy trọn phần đời còn lại. Ta có thể nói: “Thật là tội nghiệp và khổ cho anh! Hoàn cảnh đáng thương quá!”
Nhưng ngày hôm kia tôi gặp anh, anh bảo tôi: “Alan
này, tôi đang hạnh phúc!” Và tôi thấy anh thật sự hạnh phúc. Anh ta tìm
được cho mình con đường đi giữa những giới hạn, và trong những điều
kiện hiện có. Tâm ý anh trong sáng. Anh đọc sách, anh viết bài, anh tăng
trưởng... Anh ngồi thiền mỗi ngày, và anh còn dạy thiền cho các bệnh
nhân nan y khác trong bệnh viện nữa.
Anh ta sống một cuộc sống tràn đầy ý nghĩa, và anh có thể thành thật nói rằng mình đang hạnh phúc.
Hỏi: Bí quyết của anh ta là gì?
Alan Wallace:
Anh ta không đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài. Khi chúng ta trông cậy vào
địa vị, tiền bạc, vào vợ hay chồng mình để có được hạnh phúc, thì ta sẽ
không bao giờ có hạnh phúc! Vì chúng ta nương tựa vào những thứ không
phải của mình. Hơn nữa, những người chung quanh cũng đang tranh giành
với ta những thứ tiền bạc, địa vị... ấy, mà những thứ ấy đâu có dư dả đủ
cho tất cả mọi người. Điều đáng buồn là vậy!
Hỏi: Còn điều đáng mừng?
Alan Wallace:
Điều đáng mừng là hạnh phúc chân thật không bày bán ngoài phố chợ để ai
có tiền là có thể mua về. Một trong những bí mật ít ai khám phá được
là: Hạnh phúc mà ta đang đi tìm ở những chức vụ cao, trong một người
chồng hay người vợ gương mẫu, đứa con ngoan, sức khoẻ đầy đủ, việc làm
tốt, có an ninh, có diện mạo đẹp... thật ra lúc nào cũng đang có sẵn
trong ta, chỉ cần ta tiếp xúc mà thôi. Thay vì đi tìm bên ngoài thì tại
sao ta không thử quay vào tìm trong chính mình xem sao!
Nhưng điều
ấy không có nghĩa là ta sẽ không lập gia đình, không mua xe hay tìm một
việc làm vừa ý... Tôi chỉ muốn nói rằng, nếu bạn có hạnh phúc thì hạnh
phúc ấy không hề tùy thuộc vào những yếu tố bên ngoài, vì chúng không
nằm trong sự kiểm soát của bạn.
Hỏi: Mọi người ai cũng nói rằng tiền bạc, địa vị không mang lại hạnh phúc, nhưng có mấy ai thật sự sống theo quan điểm đó đâu?
Alan Wallace:
Thật ra thì trong thâm tâm chúng ta chưa thật sự có niềm tin. Chúng ta
vẫn đi tìm kiếm bên ngoài, đeo đuổi những gì mà ta nghĩ là sẽ mang lại
hạnh phúc – danh vọng, chức vụ, tình yêu, một sự bảo đảm về tiền bạc và
tình cảm. Chúng ta không có hy vọng và niềm tin vào một hạnh phúc chân
thật nào đó. Ta tự nhủ: “Có lẽ hạnh phúc chân thật không thật có, chỉ
nói nghe cho hay ho vậy thôi. Mình thì bằng lòng với một máy nghe nhạc
bỏ túi hay một tivi màn hình lớn... như vậy là vui rồi. Không đòi hỏi
hay cầu mong gì xa xôi hơn nữa...”. Hoặc cũng có người nói rằng: “Thôi
đừng nói chuyện hạnh phúc, chỉ gắng qua được ngày hôm nay là đủ khoẻ
rồi!”. Tôi nghĩ họ cũng đáng thương thật!
Hỏi: Như vậy đó có phải là một sự tuyệt vọng không?
Alan Wallace: Đó là một trạng thái mà tâm ta không còn không gian nữa, ta đánh mất đi một cái nhìn rộng lớn. Tôi nghĩ tới tâm từ (metta).
Khi thực tập tâm từ, chúng ta bắt đầu bằng tình thương với chính mình.
Nhưng điều ấy không có nghĩa là: “Công việc nào tốt nhất cho tôi đây?
Lương bao nhiêu là xứng đáng với mình đây?”. Nhưng chính là: “Làm cách
nào để ta được hạnh phúc?”, “Ta nên sống cách nào để ta có hạnh phúc, an
lạc và có ý nghĩa?”
Và sau đó ta nới rộng cái nhìn đó ra: “Làm thế nào để những người đang sống trong khổ đau tìm được một hạnh phúc thật sự?”
Hỏi: Shantideva
nói: “Những kẻ trốn tránh khổ đau lại cắm đầu lao vào khổ đau. Chính vì
sự tham muốn hạnh phúc mà họ vô tình phá vỡ hạnh phúc đang có và xem
chúng như kẻ thù”. Tại sao lại như vậy? Tại sao chúng ta lại ít ai chọn
con đường tu học, nếu như nó có thể mang lại cho ta một hạnh phúc chân
thật?
Alan Wallace:
Thật ra câu trả lời là vì chúng ta không hề biết điều gì có thể mang
lại cho ta một hạnh phúc thật sự. Cần phải có một thời gian dài và những
kinh nghiệm khổ đau trước khi ta thức tỉnh và ghi nhận được những gì
đang xảy ra. Chúng ta bị trói chặt vào những hình tượng, ý niệm trong
đầu: “Phải chi vợ hay chồng tôi là người như vậy, phải chi tôi có được
công việc như vậy, có được một số tiền như vậy, sắc đẹp tôi như vậy, sức
khoẻ tôi như vậy... tôi sẽ có hạnh phúc.” Nhưng đó chỉ là ảo tưởng
thôi.
Chúng ta ai
cũng biết, những người có đủ sức khoẻ, tiền bạc, địa vị, tình yêu...
nhưng vẫn mang đầy khổ đau. Những người đó là thầy của chúng ta, vì họ
dạy cho ta một bài học lớn. Họ dạy cho ta thấy rằng, mình có thể trúng
một tấm vé số lớn của cuộc đời nhưng vẫn trật tấm vé số của hạnh phúc.
Hỏi: Khi nói về một “hạnh phúc chân thật”, có lẽ ông muốn ám chỉ rằng trong cuộc đời còn có những loại hạnh phúc khác nữa?
Alan Wallace: Phải rồi! Chúng ta thường lầm lẫn những gì đức Phật gọi là bát phong,
tám ngọn gió xao động của cuộc đời, và cho đó là hạnh phúc. Tám ngọn
gió ấy là muốn thịnh mà không suy, muốn vui mà tránh khổ, muốn được khen
mà không bị chê, muốn danh vọng mà không bị khinh thường. Nhưng ta phải
nhớ điều này, thật ra không có gì là sai quấy với những sự giàu có, vui
mừng, được khen ngợi hay có danh tiếng. Ví dụ như nói về sự giàu có,
giả sử ta có một chiếc áo mới, nếu ta bỏ chiếc áo mới ấy đi, ta có thành
một người tốt đẹp hơn không? Lẽ dĩ nhiên là không! Thật ra không có gì
là sai quấy với sự sở hữu, nhưng thật hết sức sai lầm nếu ta cho rằng
điều đó có thể mang lại hạnh phúc cho ta.
Hạnh phúc
chân thật là tiếp xúc với gốc rễ của hạnh phúc chứ không phải chỉ nắm
bắt những yếu tố có thể hoặc không thể tạo thành hạnh phúc. Và sự khác
biệt giữa tu tập với sự đuổi bắt tám ngọn gió xao động của cuộc đời là ở
chỗ đó. Cũng có người tu tập vì mục đích muốn thoả mãn tám ngọn gió ấy,
muốn tìm được một niềm vui thú trong thiền tập. Họ xem thiền tập như
một tách cà phê, một cuộc chạy bộ thể dục, hay sự xoa bóp khoan khoái
vậy. Thật ra những điều đó cũng không có gì là sai quấy hết, nhưng chúng
rất giới hạn. Thiền tập có thể làm một việc mà sự xoa bóp... không thể
làm được, nó có thể chữa lành những vết thương trong tâm ta.
Hỏi:
Con đường hạnh phúc này dường như đòi hỏi ta phải có một niềm tin và sự
buông bỏ rất lớn. Điều ấy hơi đáng sợ một chút. Nếu như tôi buông bỏ
hết những thứ bên ngoài ấy thì tôi sẽ trở thành gì đây?
Alan Wallace:
Thật ra chúng ta không cần nhảy vào chỗ nước sâu làm gì. Điều đó cũng
giống như là một ngày nào đó tự nhiên ta hứng khởi lên rồi tuyên bố:
“Thế giới này như căn nhà lửa, đầy khổ đau. Tôi sẽ từ bỏ tất cả để đi
tìm một niềm an lạc theo Phật pháp”. Rồi chừng vài ngày, vài tuần hay
giỏi lắm là vài tháng sau, ta sẽ nói: “Ái chà, sự tu tập này cũng đâu có
gì là hạnh phúc hay an lạc như họ nói đâu, mà không biết cái máy nghe
nhạc bỏ túi, cái tivi hay cô tình nhân cũ của mình đâu rồi nhỉ, có ai
biết đâu rồi không?”
Vì vậy vấn
đề không phải là lập tức xả bỏ tất cả mọi thú vui của cuộc đời và chỉ
thực tập giáo pháp sâu xa của Phật pháp. Cũng giống như dạy một đứa trẻ
mới tập bơi vậy, ta đâu có thảy đứa bé vào chỗ nước sâu rồi xem chuyện
gì sẽ xảy ra! Trước tiên ta phải tập cho nó bơi ở nơi cạn cho quen dần.
Cũng vậy, ta hãy bước đi chậm mà vững. Bắt đầu bằng việc ngồi thiền một
chút vào mỗi sáng và mỗi tối, xem điều đó ảnh hưởng đến một ngày của ta
như thế nào. Dần dần ta sẽ nếm được mùi vị của đạo pháp. Ta có thể sẽ
cảm thấy rằng: “Cũng thú vị đó chứ! Ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Mà không
chỉ có hạnh phúc thôi, ta còn có chút đạo hạnh nữa. Ta thấy được thực
tại rõ ràng hơn. Và nếu muốn, bây giờ ta có khả năng giúp được người
chung quanh và cuộc đời hữu hiệu hơn nhờ sự thực tập”.
Ta thật sự
có hạnh phúc hơn, và ta cũng sẽ có niềm tin vào con đường mình đi hơn.
Tám ngọn gió xao động của cuộc đời vẫn thổi, chúng vẫn tiếp tục đến rồi
đi. Chúng vẫn có mặt, nhưng bây giờ ta có thể sử dụng chúng để hỗ trợ
thêm cho sự thực tập của mình.
Hỏi:
Như vậy ta có thể kết luận rằng con đường tu tập của đức Phật không
phải chỉ để giác ngộ dưới cội Bồ-đề, mà còn để mang lại hạnh phúc cho kẻ
khác?
Alan Wallace:
Tôi tin rằng đức Phật đã chứng nghiệm được một điều rất sâu sắc và phi
thường dưới cội Bồ-đề. Nhưng ngài cũng ý thức rằng, sự giác ngộ đó sẽ
không có kết quả viên mãn nếu ngài không chia sẻ với kẻ khác. Giác ngộ
không phải là cho riêng chính mình: “Bây giờ thì tôi ngon lành rồi. Xong
việc, đến nơi, nghỉ được rồi”. Thế giới chúng ta được chuyển hóa nhờ sự
có mặt của đức Phật trên cuộc đời này. Nhưng không phải là 49 ngày ngài
ngồi dưới cội Bồ-đề khiến cho cuộc đời này được chuyển hóa, mà chính là
45 năm sau đó, khi đức Phật đi gặp gỡ và tiếp xúc với đủ các hạng người
bần cùng, vua chúa, chiến sĩ, kẻ ăn mày... Gặp ai ngài cũng chia sẻ sự
giác ngộ.
Vì thế, trở lại với bốn yếu tố mà tôi đã nêu, khi ngồi dưới cội Bồ-đề là
đức Phật phát huy ba yếu tố đầu: đạo hạnh, hạnh phúc và sự thật. Và 45
năm sau đó ngài phát triển yếu tố thứ tư, mang hạnh phúc vào cuộc đời.
Và theo tôi đức Phật chính là khuôn mẫu của một cuộc sống hạnh phúc và
tràn đầy ý nghĩa.
Nhưng ở đây
tôi cũng phải cảnh giác các bạn, đôi khi nếu muốn tiếp xúc với hạnh
phúc chân thật, các bạn cũng phải chịu khó từ bỏ cái máy nghe nhạc bỏ
túi hay cái tivi màn hình rộng của mình!
(trích Đức Phật Bên Trong – Nguyễn Duy Nhiên tuyển dịch)