Một nguyên nhân khác cũng thường đem lại sự bất an trong nội tâm của
con người, cùng một nghĩa, hay tương đương, đó là: chuyện thương ghét.
Con người thường đem lòng thương yêu những người đem lại ích lợi, đem
lại an vui hạnh phúc cho mình và ghét bỏ những người gây ra thiệt hại,
hoặc đem phiền não khổ đau đến cho mình. Trên cõi đời này, con người
thương yêu người khác thì rất ít, nhưng ghét bỏ thì rất nhiều. Tại sao
vậy?
Bởi vì, con người vốn có tự ái rất cao, coi trọng bản ngã, cho nên
chỉ cần một lời nói khó nghe, hoặc một việc làm bất như ý, con người
chuyển đổi từ thương yêu trở nên ghét bỏ, thậm chí oán hờn thù hận, một
cách dễ dàng. Những chuyện như vậy thường xảy ra trong xã hội, ngay cả
trong gia đình cũng không tránh khỏi. Bởi thế cho nên, phiền não khổ
đau tràn lan khắp trên cõi đời này.
Chúng ta nên biết rằng: chuyện ân oán và chuyện thương ghét chính là
những nguyên nhân, dẫn dắt chúng sanh vào vòng sanh tử luân hồi, nhận
chìm chúng sanh trong biển khổ đau, không bao giờ dứt, nếu không biết
tìm cách thoát ra.
Trong kinh sách, có câu:
Ái hà thiên xích lãng. Khổ hải vạn trùng ba.
Dục thoát luân hồi khổ. Tảo cấp niệm Di Ðà.
Nghĩa là những chuyện yêu thương, những nỗi khổ đau trên thế gian,
nhiều ví như sông dài, như biển cả mênh mông, với hàng vạn ngọn sóng
cao ngất, liên tiếp đổ ập lên đầu con người, như muốn nhận chìm những
tâm hồn yếu đuối, không có đủ nghị lực vươn lên, để tự giải thoát khỏi
sự đau khổ của kiếp luân hồi, để sống một cuộc đời an nhiên tự tại. Nếu
muốn xây dựng cuộc sống hiện đời được an lạc và hạnh phúc, chúng ta
phải gấp rút niệm Di Ðà, nghĩa là lập tức dừng nghiệp và chuyển nghiệp,
sống trở về với bản tâm thanh tịnh, cố gắng tìm hiểu cách ứng xử với
chuyện ân oán và tìm hiểu cách dẹp bỏ chuyện thương ghét.
* * *
Trong phạm vi bài này, chúng ta tìm hiểu chuyện ân nghĩa và oán thù,
hay chuyện thương yêu và ghét bỏ, qua giáo pháp của đạo Phật mà thôi.
Trên cõi đời này, có nhiều người làm ơn cho người khác, giúp đỡ một
việc nào đó, từ việc nhỏ đến việc lớn, vật chất cũng như tinh thần,
chẳng hạn như tìm kiếm công ăn việc làm, cho mượn một số tiền, đăng
giúp một bài báo, viết giùm một lá thư, nhắn tin hộ một chuyện, làm chủ
hôn một đám cưới, rồi chấp chặt vào việc ơn nghĩa đã làm, nghĩ rằng
người kia phải có bổn phận luôn luôn nhớ ơn đã nhận, cho nên có dịp thì
kể lể công ơn, có dịp thì nhắc nhở tới hoài, khiến cho người thọ nhận
ơn đâm ra khó chịu, bực bội, tìm cách tránh né, không còn muốn gặp mặt
người đã làm ơn giúp đỡ mình trước kia nữa. Khi đó người đã ra ơn giúp
đỡ, chẳng những không nhận thấy lỗi lầm của mình, lại còn trách cứ
người kia là đồ vô ơn bạc nghĩa. Kết cuộc, tình cảm bị sứt mẻ, mối giao
hảo bị cắt đứt, quan hệ không còn tốt đẹp như xưa, không khí bắt đầu
ngột ngạt khó thở, chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh bắt đầu, cả hai
đều chìm đắm trong phiền não khổ đau, không sao thoát ra nổi.
Trong cuộc sống gia đình cũng vậy, nếu cha mẹ luôn luôn kể lể công ơn
nuôi dưỡng con cái, khổ nhọc thế này, đắng cay thế nọ, gian truân thế
kia, nhọc nhằn thế đấy, lặp đi lặp lại, quanh năm suốt tháng, khiến cho
con cái, bực bội khó chịu, đâm ra phản ứng, chẳng thèm chịu nghe.
Quan niệm "dưỡng nhi đãi lão" của đông phương ngày trước, tức là nuôi
dưỡng con cái từ lúc còn bé thơ, với tâm mong cầu đến ngày con khôn
lớn, sẽ nuôi lại mình lúc tuổi già, có lẽ không còn mấy thích hợp ở các
xứ tây phương ngày nay. Nuôi con với tâm từ bi thì được cảm ứng. Nuôi
con với tâm mong cầu thì gặp phản ứng. Bậc làm cha mẹ, phải biết hy
sinh, nuôi con vì tình, vì nghĩa cao cả, không nên trả giá, kể lể công
ơn, như lời cổ nhơn, đã từng có dạy: "Thi ân bất cầu báo đáp", chính là
nghĩa đó vậy.
Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy:
"Nhược Bồ Tát ư pháp, ưng vô sở trụ hành ư bố thí. Sở vị bất trụ sắc
bố thí, bất trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp bố thí. Bồ Tát ưng như thị
bố thí, bất trụ ư tướng. Nhược Bồ Tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước
đức bất khả tư lượng".
Nghĩa là:
Nếu chúng ta không chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, và
không chấp sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, mà thực hành
hạnh bố thí, nghĩa là bố thí với tâm lượng rộng lớn, không kỳ thị,
không cố chấp, không trụ tướng, không mong cầu được đền đáp, bất tùy
phân biệt, bố thí chỉ vì ích lợi của chúng sanh, không vì bất cứ điều
gì khác, thì phước đức không thể nghĩ, không thể bàn, không thể đo,
không thể lường được. Tại sao như vậy? Bởi vì, tâm lượng như vậy đồng
với tâm Phật, không khác.
Người làm ơn quên ngay chuyện đã làm thì có phước báu vô cùng. Tuy
nhiên, khi đã thọ nhận sự giúp đỡ, sự quan tâm, sự chiếu cố, bất cứ từ
đâu đến, bất cứ do ai làm, dù lớn lao hay nhỏ nhặt đến đâu, người biết
tu tâm dưỡng tánh, phải biết tri ân và báo ân, tức là biết ơn và đền
ơn. Một lời nói ân nghĩa chí tình, một lời khuyên lơn dịu dàng, trong
cơn nhiệt não, quí hơn bất cứ món quà nào khác, trong lúc bình thường.
Miếng khi đói bằng gói khi no. Trên cõi đời này, chuyện ân nghĩa biến
thành oán thù rất dễ dàng, như trở bàn tay. Ngược lại, chuyện oán thù
trở thành ân nghĩa thực là khó khăn vô cùng, chỉ có những bực thánh
hiền, hoặc những người biết tu tâm dưỡng tánh, tức là những người muốn
sống an lạc hạnh phúc, mới có thể thực hành được mà thôi.
Trong cuộc sống hằng ngày, nhứt là cuộc sống của người tại gia, rất
dễ đụng chạm, dễ sinh oán thù, từ những việc lớn, đến việc nhỏ mọn, từ
việc cố tình, đến việc vô ý. Chẳng hạn như việc, cạnh tranh nghề
nghiệp, thường đưa đến chỗ, thanh toán lẫn nhau, cá lớn nuốt cá bé, lấy
thịt đè người, gài bẫy hại nhau, chẳng kể thương đau, của bao người
khác, tan nhà nát cửa, gia đình ly tán, lắm khi tù tội, đến nỗi thiệt
mạng. Chẳng hạn như việc, va chạm quyền lợi, lỡ lời nói chơi, đụng chạm
tự ái, nói năng vụng dại, chẳng biết tán dương, tâng bốc mọi đường, đâm
ra thù oán. Con người chất chứa, thù oán trong lòng, sâu như lòng
sông, rộng như biển cả, suốt đời quyết trả, những mối hận thù, làm sao
cuộc sống, yên vui cho được?
Nhiều khi có người, nói ra những lời, vô thưởng vô phạt, vô ý vô tứ,
chẳng có dụng tâm, chẳng có tà ý, chẳng ám chỉ ai, hoặc là chẳng may,
trời cho có tài, hơn nhiều người khác, khiến cho những kẻ, có tâm ganh
tị, đố kỵ quá cao, tự ái mấy sào, bảo sao chẳng tức, chẳng giận cho
được. Con người thường hay, trả thù báo oán, nên tìm mọi cách, trả đủa
cho hơn, cho thỏa tâm tham, cho vừa tâm sân, cho hợp tâm si, người cha
bị giết, người con trả thù, giết hại người kia, người con bên đó, lại
cũng báo thù, thử hỏi như vậy: bao giờ oán thù, mới được chấm dứt, cuộc
đời mới được, bình yên vui vẻ?
Nếu người ta chửi mình một tiếng, mình trả lại một miếng, có khi nặng
hơn, thực ra quá dễ. Người ta mắng mình một tiếng, mình kham nhẫn
được, không trả đũa lại dưới bất cứ hình thức nào, mới thực là khó.
Người ta gửi thư chửi mình, lá thư bị quăng vào thùng rác là lẽ
thường tình. Nhưng đừng lưu trữ lời lẽ khó nghe đó trong kho tàng tâm
thức của mình, tức là quên luôn đi, bỏ qua luôn, không nhớ tới nữa, mới
thực là khó. Tại sao như vậy? Bởi vì, lúc đó công phu tu tập của mình
đã khá lắm rồi, chứ không phải mình ngu đâu! Nếu mình trả đủa, công bố
lá thư, ưu tư trằn trọc, hằn học hỗn hào, nhào vô quyết chiến, khiến
cho lời qua, đâm ra tiếng lại, văng bút văng mực, khổ cực tấm thân,
khởi tâm nóng giận, đến chỗ đánh nhau, thưa gửi kiện tụng, kẻ bị nhức
đầu, kẻ bị thương đau, người vào ngồi khám, mới đúng thực là: cả đám
ngu vậy! Trong kinh sách thường gọi đó là: "vô minh".
Cổ nhân có dạy: "Một sự nhịn chín sự lành", chính là nghĩa đó vậy.
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng.
Lấy ơn báo oán, oán nghiệp tiêu tan.
Bị người thù ghét, dù thực vô cớ, vô lý quá chừng, chúng ta cũng
đừng, khởi tâm tức giận, nên hiểu nguyên do, hiểu sâu nhân quả, chắc
chắn phải có, nhân duyên đời trước, duyên cớ đời này, chỉ vì chúng ta,
không biết đó thôi. Chẳng hạn như là: lời nói vô tình, cử chỉ vô ý,
cũng có thể là, nguyên nhân của chuyện, thù ghét oán hờn. Cạnh tranh
nghề nghiệp, hay tâm ganh tị, đố kỵ gièm pha, đó cũng là những, nguyên
nhân dễ hiểu. Tuy nhiên nếu ta, có dịp giúp đỡ, được những người đó,
trong lúc họ gặp, hoàn cảnh khó khăn, hay đang hoạn nạn, chúng ta có
nhiều, cơ hội hóa giải, thù hận oán hờn, biến thù thành bạn. Như vậy
chắc chắn, tốt đẹp hơn là, tiếp tục tranh chấp, thù hận người ta, để
rồi nơm nớp, sợ bị trả thù, phập phồng âu lo, đời sống bất an, không
lúc nào yên.
Có những người lầm lạc, sa chân vào vòng tội lỗi. Một thời gian sau,
nhờ gặp được thiện hữu tri thức, thầy lành bạn tốt, giúp đỡ hiểu biết
Chánh Pháp, giác ngộ được Chánh Ðạo, cố gắng quay về đường ngay nẽo
thẳng. Nhưng người đời vì tâm cố chấp, chấp chặt những oán thù xa xưa,
nhứt quyết phục thù trả hận, nhứt định không tha thứ, đòi hỏi phạm nhân
phải chịu những hình phạt tàn độc gấp trăm ngàn lần, phải chịu muôn
ngàn đau đớn, phải chịu tan da nát thịt, người đời mới vui lòng, hả dạ.
Thử hỏi: như vậy ai tàn ác hơn ai, ai có tâm độc ác hơn ai? Thử hỏi: ai đang muốn dừng nghiệp và chuyển nghiệp, còn ai đang muốn tạo tội và tạo nghiệp?
Một con ngựa hoang muốn trở về quê xưa, phải tắm sông nhẫn nhục, mới
cảm thấy ân tình mở cửa ra với mình, sau đó mới có thể tắm trong dòng
sông mơ màng mát trong thơm ngọt. Tuy con ngựa hoang, quên thù oán căm,
từ nơi tối tăm, về miền tươi sáng, tới bến sông rồi, cởi mở cõi lòng,
trông ra với đời, nhưng đời không tha, không mở cõi lòng, từ bi hỷ xả,
đón ngựa hoang về, lại cố làm cho, ngựa hoang chết gục, một cách nhục
nhằn, và trên lưng nó, hằn nguyên vết thù!
Cõi đời này thường, tàn độc nhẫn tâm, thiện ác bất phân! Con
người thường hay, nhân danh công lý, bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ Chánh
pháp, đấu tranh tự do, lo cho nhân quyền, đòi hỏi công bình, thực thi
pháp trị, thực chất chỉ là, gieo rắc khổ đau, cho bao kẻ khác, chan rải
thù hận, khắp các nơi nơi.
Nếu như con người, biết rõ điều thiện, sẵn sàng tha thứ, cho các
người khác, cũng như đã từng, nhiều lần trong đời, đã tha thứ cho,
chính bản thân mình, cảnh giới thiên đàng, niết bàn cực lạc, chính là
nơi đây!
Trên cõi đời này, cũng có những người, phát tâm xin tha, cho phạm
nhân đã, sát hại tàn nhẩn, thân nhân của mình, được khỏi tội chết. Tại
sao như vậy? Bởi vì người đó, thấm thía hoàn cảnh, thấu rõ cảm giác,
của sự mất mát, người thân thế nào, cho nên không muốn, gia đình người
khác, dù là phạm nhân, tức là kẻ thù, lâm vào cảnh ngộ, đau thương
tương tự.
Thường thường chỉ có, những người đã từng, rơi vào hoàn cảnh, khốn
khổ khốn nạn, mới biết cảm thông, thương xót người khác. Những người có
tâm, đại từ đại bi, dường ấy mới có, cuộc sống an lạc, không có hận
thù, không có phiền não, và không khổ đau, đồng thời tạo được, an lạc
hạnh phúc, cho người chung quanh. Ðó là những người, thụ Bồ tát
giới, hành Bồ tát đạo, sống với tâm Phật, luôn luôn cảnh giác, không
sống tâm ma. Ðó chính là những, người biết sống với, Chân Tâm Phật
Tánh, của chính thân mình.
Ngày xưa, vị Tổ sư thứ hai mươi bốn Aryasimha, trước khi bị vua Kế
Tân chém đầu, đã phát nguyện: Ngay khi đắc thành đạo quả sau này, người
đầu tiên tôi sẽ độ, chính là bệ hạ! Tại sao vậy? Bởi vì, có gặp tai
nạn lớn lao, tai họa khủng khiếp, thậm chí mất mạng, mới có thể chứng
minh trình độ tu tập của con người. Không phải chúng ta mong cầu khổ
nạn đến để thử thách công phu tu tập của mình. Tuy nhiên, một khi khổ
nạn xảy ra, do hiểu sâu nhân quả, chúng ta biết ngay: đã đến lúc phải
trả nghiệp quả, từ nghiệp nhân, do chính mình tạo tác, từ nhiều kiếp
trước hoặc kiếp này. Cho nên, chúng ta vẫn giữ được thái độ bình tĩnh
thản nhiên, chấp nhận đền trả quả báo, mới là đáng quí, chứ van xin cầu
nguyện, có được gì đâu? Phân biệt thiện ác chỗ này chỉ làm loạn tâm mà
thôi!
Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy:
Dù trốn lánh lên non,
xuống biển hay vào hang,
nếu nghiệp báo đã mang,
không ai tránh thoát được.
Người thế gian thường nói rằng: "trời kêu ai nấy dạ!", hoặc "lưới trời tuy thưa mà không lọt", chính là nghĩa đó vậy.
Tuy nhiên có người thắc mắc: có thù không trả sao đáng làm người?
Chúng ta nên biết: Không có việc gì, trên thế gian này, tự nhiên sanh
ra, hoặc là xảy ra, ngoài luật nhân quả. Nói một cách khác:
Tất cả mọi sự việc đều do nhân duyên sanh ra.
Tất cả mọi sự việc đều do nhân duyên diệt đi.
Có người ngày nay gặp vạn sự may mắn, tốt đẹp yên vui, làm ăn phát
đạt, thuận buồm xuôi gió, nhà cao cửa rộng, con cháu hiếu thảo, bạn bè
thân thiết, mọi người mến thương. Ðó chính là phước báo,
là kết quả của cái nghiệp nhân thiện lành, người đó gieo từ nhiều kiếp
trước, và trong kiếp này, cho nên bây giờ được hưởng kết quả tốt đẹp
đó.
Có người ngày nay gặp nhiều xui xẻo, tai nạn liên miên, thậm chí chết
người, tàn tật suốt đời, trục trặc trắc trở, thưa gửi kiện tụng, làm
ăn thất bại, nợ nần tứ tung, nhà tan cửa nát, con cái hoang đàng, bạn
bè phản phúc, mọi người ghét bỏ. Ðó chính là nghiệp báo,
là hậu quả của cái nghiệp nhân bất thiện, người đó gieo từ nhiều kiếp
trước, và trong kiếp này, cho nên bây giờ lãnh đủ hậu quả không tốt đó.
Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy:
Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị.
Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị.
Nghĩa là:
Muốn biết kiếp trước mình đã làm gì, hãy nhìn việc mình đang nhận hiện tại.
Muốn biết kiếp sau mình sẽ ra sao, hãy nhìn việc mình đang làm hiện tại.
Nếu hôm nay mình dốt nát nghèo nàn khốn khổ, gặp tai nạn oán thù liên
miên, thì đó là hậu quả của cái nhân tạo ác nghiệp và không biết làm
việc phước thiện trước đây, chứ không có chuyện ân oán, thương ghét tùy
tiện của thượng đế nào cả. Nếu hôm nay mình thông minh, đủ ăn đủ mặc,
gặp thực nhiều ân đức, thì đó là kết quả của cái nhân tu tâm dưỡng
tánh, tích phước tích đức nhiều đời trước và đời này. Hôm nay mình được
bình an là quả của cái nhân mình không tạo sự bất an cho kẻ khác, dù
đó là kẻ thù. Hôm nay mình được hạnh phúc là quả của cái nhân mình
không phá hoại hạnh phúc kẻ khác, dù đó là kẻ thù.
Người biết tu tâm dưỡng tánh, giác ngộ được luật nhân quả một cách
chắc chắn, không bao giờ nghĩ đến chuyện trả thù, đừng nói đến chuyện
thực hiện việc trả thù. Tại sao vậy? Bởi vì, những oán thù mình gặp hôm
nay, chính là hậu quả của cái nhân xấu ác, do chính mình đã tạo đã gây
ra trước đây, chứ chẳng phải ai khác làm, bây giờ mình phải gánh chịu.
Nếu không sáng tỏ được điều này, con người cứ mãi chìm đắm trong oán
thù khổ đau, trong vòng sinh tử luân hồi, biết đến bao giờ mới thoát ra
được? Chỉ cần giác ngộ, biết quay đầu lại, thì bến bờ giải thoát là
đây, phiền não khổ đau chấm dứt!
Chúng ta cũng không nên bi quan với số phận đã an bài, chấp nhận cái
gọi là định mệnh, hay định mạng, hay số mạng. Trái lại, chúng ta có thể
tích cực chuyển hóa cuộc đời của mình, sửa đổi cái nhân đã gieo, đã
tạo trước kia. Tùy theo "cái nhân" là hạt giống loại nào, sau khi được
gieo xuống đất, phải chờ đủ thời tiết nhân duyên, mới gặt hái "cái quả"
của nó, có khi sớm tức thời, cũng có khi trổ muộn. Có khi gặt phải quả
chanh chua, nhưng có thể đem bán đi, mua quả cam ngọt.
Ðó là trường hợp chúng ta đã "lỡ" gieo nhân xấu, kiếp trước hay kiếp
này, nhưng nhờ gặp được thiện tri thức nhắc nhở, khai ngộ, khuyến
khích, chúng ta biết phục thiện, quay trở về chánh đạo, chuyển ba
nghiệp thân khẩu ý xấu ác, thành ba nghiệp thanh tịnh thiện lành, làm
nhiều việc phước đức, tu tâm dưỡng tánh, chúng ta có thể gặt "quả tốt",
hay ít ra cũng giảm bớt được "quả xấu". Chẳng hạn như: chuyện lớn hóa
nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Ví như gieo nhân biết tiết kiệm, con người
có thể gặt quả giàu có, hay ít ra cũng giảm bớt được nợ xưa đó vậy. Ví
như biết chịu khó học hành, cũng có ngày đỗ đạt, thành danh, hay ít ra
cũng bớt ngu dốt hơn trước, trí tuệ nhờ đó sáng tỏ hơn.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy: "Nhứt thiết duy tâm tạo".
Nghĩa là tất cả mọi sự mọi việc trên thế gian đều do tâm của chúng ta
tạo ra. Muốn có quả thiên đàng trong tâm, chúng ta hãy gieo nhân từ bi
hỷ xả, bác ái vị tha, thi ân bố đức, dĩ ân báo oán. Gieo nhân ích kỷ,
hận thù, tham lam, sân hận, si mê, nhứt định gặt quả địa ngục trong
tâm, phiền não khổ đau, chắc chắn không sai, chỉ có sớm hay muộn mà
thôi.
Trong sách có câu:
Thiên đàng địa ngục hai bên.
Ai ngộ thì nhờ, ai mê thì sa.
Thiên đàng chẳng chứa quỉ ma.
Ai người tâm thiện tìm ra thiên đàng.
Chúng ta đã thấu hiểu lý lẽ chân thật của cuộc đời là vô thường,
không có gì tồn tại vĩnh viễn, không có gì là tự nhiên sanh. Luật nhân
quả áp dụng trong ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai.
Sinh sự thì sự sinh. Nhân nào thì quả nấy. Gieo gió thì gặt bão. Có
lửa thì có khói. Cầu nguyện khấn vái chỉ đem lại sự bình an tâm hồn tạm
thời mà thôi. Bình an thực sự chỉ có cho người thiện tâm. Thiên đàng
hay địa ngục, tuy là hai tâm trạng khác nhau, nhưng tất cả thực sự chỉ
là các trạng thái ở trong thâm tâm của tất cả chúng ta mà thôi. Cũng ví
như biển động hay biển lặng, đều là hai trạng thái của biển mà thôi
vậy.
Có điều thắc mắc quan trọng, đó là:
"Con người thương ai nhiều nhứt và ghét ai nhiều nhứt?".
Nếu như được hỏi: mình thương ai nhiều nhứt, thường
thường con người sẽ đáp: thương cha mẹ nhiều nhứt, hoặc thương vợ hay
chồng nhiều nhứt, hoặc thương con cái nhiều nhứt. Tuy nhiên, trên thực
tế, nếu những người thân đó làm chuyện gì mích lòng trái ý, hoặc không
có tình thương yêu đáp lại như mình mong muốn, thậm chí còn đem lòng
thương yêu kẻ nào khác, con người sẽ đổi lòng thương yêu nhiều nhứt
thành ra thù ghét nhiều nhứt! Như vậy, thực sự con người trên thế gian
này thương chính bản thân mình nhiều nhứt, chứ không phải người nào
khác!
Còn nếu như được hỏi: mình thù ghét ai nhiều nhứt,
thường thường con người sẽ đáp: thù kẻ này hại mình, ghét người kia hơn
mình, nhiều nhứt. Tuy nhiên, trên thực tế, con người thù ghét chính
bản thân mình nhiều nhứt, chứ không phải người nào khác! Tại sao vậy?
Bởi vì, con người vì lòng tham lam vô hạn, vẫn tạo tội tạo nghiệp, dù
biết hậu quả không tốt sẽ đến với mình. Bởi vì, con người vì lòng sân
hận vô biên, vẫn tạo tội tạo nghiệp, dù biết hậu quả hiểm nguy sẽ đến
với mình. Bởi vì, con người vì lòng si mê vô cùng, vẫn tạo tội tạo
nghiệp, dù biết hậu quả khó lường sẽ đến với mình.
Nghĩa là con người thù ghét chính bản thân mình nhiều nhứt, bởi vì sự
vô minh từ nhiều đời nhiều kiếp, cho nên luôn luôn duyên theo cảnh
trần, tạo tội tạo nghiệp không ngừng, do đó lãnh đủ nghiệp báo, hậu quả
nặng nề, trầm luân sanh tử, mà vẫn không thức tỉnh tìm đường giải
thoát!
Trong sách có câu: "Giáo đa tất oán". Nghĩa là dạy nhiều sinh thù
oán. Trong đạo cũng như ngoài đời, thường khi những người có lòng, muốn
chỉ dạy nhiều cho thế hệ sau, muốn truyền dạy tất cả những điều cần
thiết, muốn những người nối dõi đạt được những thành tích khả quan. Tuy
nhiên, chính vì muốn quá nhiều như vậy, cho nên chỉ dạy quá nhiều, kỷ
luật nghiêm khắc, rèn luyện khổ công, kiểm soát chặt chẽ, sách tấn
thường xuyên, nhiều người thế hệ sau chẳng những đã không biết ơn, đã
không hiểu thấu tấm lòng của thế hệ trước, trái lại, còn sanh tâm oán
trách, hờn giận, tệ hơn nữa là, sanh tâm thù hận! Ðúng là "làm ơn mắc
oán" đó vậy!
Cổ nhơn có dạy: "Người chê ta mà chê phải tức là thầy ta. Người khen
ta mà khen phải tức là bạn ta". Ðối với người đời, quan niệm này quả là
kim chỉ nam cho bực quân tử, trong việc xử thế ở đời. Tuy nhiên, đối với người biết tu tâm dưỡng tánh, theo quan điểm của đạo Phật, người khác khen hay chê, dù phải hay không phải, chúng ta đều tôn trọng họ như bực thầy lành hoặc bạn tốt.
Còn hơn thế nữa, chúng ta nhìn họ như những bực bồ tát. Tại sao vậy?
Bởi vì, người giúp đỡ phương tiện cho mình tu tập, hoằng pháp lợi sanh,
cũng như người chuyên phá rối, bằng hành động cũng như bằng lời nói,
đều là bực "thiện hữu tri thức" của mình.
Hạng người thứ nhứt được ví như bồ tát thuận hạnh, chẳng hạn như thầy
dạy học hay bạn hữu hằng giúp đỡ chúng ta, thường ban cho những lời
khen thưởng thực tình, đúng lúc, để khuyến khích, động viên tinh thần,
hoặc chê trách hay quở phạt với tất cả tấm lòng từ bi, vì sự tiến bộ
của chúng ta, chứ không vì bản ngã của họ. Hạng người thứ hai được ví
như bồ tát nghịch hạnh, chẳng hạn như giám khảo trường thi hay trường
đời. Những người này nhiều khi khen chê không phải lúc, không phải vì
thiện tâm, lại có dụng ý, ác tâm, không phải vì chúng ta, mà vì bản ngã
của họ.
Nhờ hạng người thứ nhứt, chúng ta có được sự hiểu biết, có được kiến
thức, đạt được giác ngộ, vững tâm tu học, biết đường ngay lẽ phải để
noi theo. Nhờ hạng người thứ hai, chúng ta có được bằng cấp ở đời, nếu
vượt qua được sự khảo hạch và thi đậu, hoặc chúng ta biết được trình độ
tu tâm dưỡng tánh của mình đã đến đâu, đạt được trình độ nào, chăn
trâu tới giai đoạn thứ mấy.
Trong các chùa luôn luôn có thờ tôn tượng của cả hai hạng người trên đây: tượng đức Hộ Pháp và tượng Tiêu Diện Ðại Sĩ.
Tượng đức Hộ Pháp với khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, tay cầm kiếm trí
tuệ cắt đứt phiền não, vượt qua khổ đau, đạp lên trên con rắn độc có ba
đầu dưới chân, biểu tượng của tam độc: tham sân si, không phải là một
vị, mà tượng trưng cho tất cả những người có công với Chánh Pháp, là
hạng người thứ nhứt nói trên.
Tiêu Diện Ðại Sĩ với khuôn mặt dữ dằn, lè lưỡi phun lửa máu, đầu có
đội ba ngọn núi, khẩu phún xuất hỏa, đầu thượng tam sơn, không phải là
một vị, mà tượng trưng cho tất cả những người có công giúp đỡ Chánh
Pháp được sáng tỏ hơn, là hạng người thứ hai nói trên. Bởi vậy cho nên,
chúng ta luôn luôn chân thành cảm niệm ơn đức của cả hai hạng người
nói trên, đã giúp đỡ chúng ta tiến tu trên mọi phương diện.
Theo kinh điển nhà Phật, sống ở trên cõi đời này, người nào cũng thọ
nhận bốn thứ ơn lớn, lúc nào cũng phải nên biết lo đền đáp, bằng sự
cung kính, cúng dường và phụng sự. Bốn thứ ơn lớn, cũng gọi là tứ trọng ân, đó là:
1. Ơn cha mẹ 2. Ơn chúng sanh 3. Ơn quốc gia 4. Ơn Tam Bảo.
*1. Cha mẹ sanh thành dưỡng dục rất khổ công, cực
nhọc, trong nhiều năm tháng dài, chúng ta mới có được như ngày nay.
Người biết tu tâm dưỡng tánh, phải báo đáp ơn cha mẹ, bằng sự cung
kính, phụng dưỡng vật chất cũng như tinh thần, nhưng quan trọng hơn cả,
chính là giúp đỡ cha mẹ hiểu biết Chánh Pháp, sớm ngộ Chánh Ðạo, vĩnh
viễn thoát ly phiền não khổ đau, sống đời an lạc hạnh phúc. Chỉ vì bênh
vực vợ con, bênh vực chồng con, hoặc chỉ vì một lời khiển trách, một
sự bất như ý, chẳng hạn như cha mẹ chia của cải không đồng đều như ý
muốn, nhiều người trên thế gian này phủi sạch tất cả những ân nghĩa của
cha mẹ từ xưa đến nay, từ cha bỏ mẹ, không nuôi không dưỡng, không thèm
săn sóc, không hề thăm viếng, không muốn nhìn nhận, đôi khi còn trở
mặt oán thù, thậm chí sát hại, tranh giành tài sản! Ðó là trọng tội
hàng đầu trong ngũ nghịch tội.
*2. Chúng ta đang sống trong xã hội, tức là có vô số
chúng sanh sống chung quanh, giúp đỡ chúng ta đủ mọi phương diện, vật
chất cũng như tinh thần. Chẳng hạn như nhờ người nông dân chúng ta có
cơm ăn, nhờ người công nhân chúng ta có áo mặc, có xe đi, có đồ dùng,
có nhà ở. Chẳng hạn như nhờ người thầy thuốc, y tá, sức khỏe chúng ta
được chăm sóc, nhờ người thầy giáo, kiến thức chúng ta được mở mang,
trí tuệ sáng suốt. Ðó là chưa kể trâu bò cày ruộng, con ngựa kéo xe,
con chó giữ nhà, lạc đà vận chuyển. Người biết tu tâm dưỡng tánh, phải
báo đáp ơn xã hội, bằng sự siêng năng làm việc, giúp người giúp đời, làm
tất cả mọi sự mọi việc ích lợi cho mọi người, không phung phí thực
phẩm, sản phẩm, của cải, vật dụng, dù do chính mình bỏ tiền ra mua. Tại
sao vậy? Bởi vì, đó là công lao của xã hội, và nhiều người khác đang
thiếu thốn, nhiều chúng sanh khác đang cần những thứ đó, dùng không hết
thì đem cho, không nên phí của!
*3. Chúng ta sống trong một quốc gia thái bình thạnh
trị, có nhiều phúc lợi xã hội, cơm no áo ấm, sung túc tiện nghi, an cư
lạc nghiệp. Người biết tu tâm dưỡng tánh, phải báo đáp ơn quốc gia,
bằng sự cố gắng làm một người dân lương thiện, làm người có lương tâm
chức nghiệp, góp phần xây dựng đất nước, không phá rối trật tự trị an
của xã hội, không gây đau khổ cho những người khác sống chung quanh,
không làm những chuyện lợi mình hại người, không lợi dụng kẽ hở của
luật pháp để hại người, kiếm tiền bạc triệu, sống cho sung sướng, không
viết thư rơi, không đâm bị thóc, không chọc bị gạo, không tạo tranh
chấp, không gây oán thù. Mình muốn sống đời an lạc hạnh phúc, nên giúp
đỡ người khác cũng sống an lạc hạnh phúc như mình. Nhờ đó tâm trí được
thanh tịnh, sống được an vui, thác về cõi lành, cực lạc thiên đàng,
khỏi sợ địa ngục, không cần chúc tụng, ở trên mặt báo!
*4.
Sau hết trên hết, những người trải đời, dù già hay trẻ, thấy được vô
thường, hiểu biết nhân quả, tội nghiệp phước báu, có được chánh kiến,
hành bát chánh đạo, do ơn Tam Bảo, chỉ dạy thực rành, giúp đỡ chúng
sanh, thoát ly sanh tử, luân hồi nghiệp báo, tránh khỏi khổ đau, hãy
mau thức tỉnh, tu tâm dưỡng tánh, đừng đợi đến ngày, nhắm mắt xuôi tay,
chẳng may phải đọa, vào ba đường ác, địa ngục ngạ quỉ, hoặc là súc
sanh, không ai cứu được, dù có niệm Phật, cho đủ mười tiếng, hoặc mười
ngàn tiếng, cũng vậy mà thôi, đã quá muộn rồi! Người biết tu tâm dưỡng
tánh, phải báo đáp ơn Tam Bảo, bằng sự tinh tấn tu tập, cung kính cúng
dường, bằng cách dừng nghiệp và chuyển nghiệp, chấm dứt tạo tội tạo
nghiệp, bằng cách giúp đỡ người khác tu tâm dưỡng tánh, tự giác giác
tha, giác hạnh viên mãn.
Chúng ta thử suy gẫm câu chuyện sau đây:
Có một đàn bò đang đi trên đường vào lò sát sinh để bị giết làm thịt.
Những con bò đó vẫn báng nhau, húc nhau, chen nhau, lấn nhau, nghinh
nhau, nghịch nhau. Chúng không biết rồi đây, chỉ trong phút giây, cuộc
đời của chúng sẽ bị kết thúc thê thảm biết là dường nào. Chúng không
biết gì cả, chỉ biết đấu tranh, giành giựt, hơn thua, cho đến giây phút
cuối cùng của mạng sống.
Người đời thường nói: đồ ngu như bò! Tuy nhiên người đời có thông
minh hơn chăng? Thử xét cõi đời được bao năm, mà con người vẫn sống
trong cơn mê: bon chen, đấu tranh, giành giựt, chèn ép, chà đạp, chửi
bới, thưa gửi, kiện tụng, đụng độ, hơn thua nhau từng lời nói, ghìm
nhau từng cử chỉ, thù oán nhau từng hành động, chấp chặt từng chuyện
làm ơn nhỏ nhặt, chất chứa từng chuyện thù oán lặt vặt, đến chuyện hận
thù không đội trời chung. Con người thường có tâm chấp ngã, cho nên ích
kỷ, chỉ muốn chính mình, gia đình mình, bà con mình, giòng họ mình, tổ
chức mình, dân tộc mình, bất cứ cái gì dính tới mình, đều đứng hạng
nhứt! Ngoài ra thì mặc kệ, sống chết mặc bây, tụi này sung sướng, như
vậy đủ rồi! Thực là hởi ôi, cõi đời nổi trôi, vô cùng vô tận!
* * *
Tóm lại, chuyện ân oán là chuyện dài của con người, của cõi đời phiền
não khổ đau, nói mãi không bao giờ cùng. Cho dù suốt đời, chúng ta
luôn luôn, làm chuyện ân nghĩa, cho bất cứ ai, nhưng nếu chỉ cần, một
lần mà thôi, từ chối giúp người, lập tức chúng ta, gặp ngay oán thù!
Người đời phủi sạch tất cả những gì tốt đẹp người khác đã làm cho họ,
trong suốt một khoảng thời gian dài, chỉ ghi nhớ một việc bất như ý sau
cùng mà thôi, xong rồi dứt đẹp!
Trên cõi đời này, chữ "Ân" ít gặp, chữ "Oán" khắp nơi. Chính vì những
quan niệm như vậy, cho nên con người luôn luôn lăn lộn trong sanh tử
luân hồi, trong phiền não khổ đau, vay trả trả vay, triền miên suốt
đời, không bao giờ dứt.
Trong kinh sách, Chư Tổ có dạy:
Tác hữu nghĩa sự. Thị tỉnh ngộ tâm.
Tác vô nghĩa sự. Thị cuồng loạn tâm.
Cuồng loạn tùy tình niệm. Lâm chung bị nghiệp khiên.
Tỉnh ngộ bất do tình. Lâm chung năng chuyển nghiệp
Nghĩa là:
Làm việc có nghĩa, đem lại an lạc hạnh phúc, cho mình và cho người. Là tâm tỉnh ngộ.
Làm việc vô nghĩa, đem lại phiền não khổ đau, lợi mình hại người. Là tâm cuồng loạn.
Cuồng loạn theo tình niệm: thương ghét ân oán. Lâm chung bị nghiệp lôi.
Tỉnh ngộ không theo tình, tâm bình tĩnh thản nhiên. Lâm chung chuyển được nghiệp.ٱ
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ