PG & Đời sống
Lời Khuyên Của Ðức Phật Cho Các Cặp Vợ Chồng
HT. Sri Dhammananda (Trích dẫn: Các vấn đề của xã hội hôm nay, Human Life and Problems) Thích Tâm Quang (Dịch)
17/09/2011 03:25 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

I.- NGƯỜI VỢ:

Khuyên bảo phụ nữ về vai trò của họ trong đời sống lứa đôi, đức Phật cho biết sự thật là an lạc và hòa thuận trong gia đình phần lớn là ở nơi người phụ nữ. Lời khuyên của Ngài rất thực tế và khả thi, khi Ngài giải thích một số các điểm đặc biệt mà người phụ nữ nên làm hay không nên làm. Vào nhiều dịp đức Phật khuyên rằng một người vợ nên:

- Không nuôi dưỡng tư tưởng tội lỗi đối với người chồng.

- Không độc ác, thô bạo hay lấn áp.

- Không hoang phí, phải cần kiệm và sống trong khả năng kinh tế của mình.

- Giữ gìn tài sản và tiết kiệm tiền bạc do người chồng nhọc nhằn kiếm được.

- Luôn luôn có ý tứ và đoan trang.

- Chung thủy và không có tư tưởng ngoại tình.

- Thận trọng trong lời nói và lễ độ trong hành động.

- Tử tế, cần cù và siêng năng.

- Quan tâm và thương chồng.

- Phải nhũn nhặn và tỏ vẻ tôn kính.

- Ðiềm tĩnh, dịu dàng và hiểu biết.

- Không những phục vụ chồng như một người vợ mà là một người bạn, một người cố vấn lúc cần thiết.

Theo lời Phật dạy, trong hôn nhân, người chồng mong ước người vợ có những đức tính sau:

Tình yêu: Một tình yêu sâu sắc, chân thành, chung thủy là tỏ bày cảm xúc tự nhiên về mong ước và tự làm bổn phận mà người chồng mong mỏi nơi người vợ. Thực vậy, đó là cơ sở của mối quan hệ qua lại mật thiết lâu dài và là những phương tiện sanh con đẻ cái mà vợ chồng thương yêu, trìu mến chúng khi còn sống. Nơi đây tình yêu không chỉ giới hạn vào sự gắn bó do luyến chấp (prema) mà đó là đức tính mong muốn hạnh phúc cho người chồng.

Ân Cần: Bao giờ cũng chăm chú, lưu tâm, chuyên cần cũng như quan tâm không ngăn ngại tới nhu cầu của người chồng.

Bổn phận trong gia đình: Ngoài bổn phận chu toàn nhiệm vụ và trách nhiệm trong gia đình, người vợ cũng phải trân trọng gia đình thân quyến bên chồng, coi gia đình bên chồng cũng như gia đình của chính cha mẹ mình.

Chung thủy: Trung thành và quyết tâm kết hợp với sự trong trắng của người vợ. Điều nay cũng bao hàm lòng tin cẩn và người vợ luôn luôn tận tâm với người chồng.

Săn sóc con cái: Tình mẫu tử là nền móng của tất cả tình yêu trên thế giới. Là một người mẹ tận tâm, người vợ do bản năng làm mẹ, không nề nguy hiểm để bảo vệ đứa con duy nhất của mình.

Cần Kiệm: Được giao trọng trách quản lý gia đình, người vợ phải xem việc tiêu pha trong gia đình để bảo vệ ngân quỹ gia đình do người chồng kiếm được. Để làm tròn nhiệm vụ này, người vợ phải tiết kiệm chi tiêu và thực hành cần kiệm, thậm chí đến mức tần tiện.

Chuẩn bị bữa ăn: Là người chủ trong gia đình, bổn phận người vợ là phải sửa soạn thức ăn bổ dưỡng cho gia đình. Bữa cơm hàng ngày trong gia đình rất quan trọng vì nó phát triển thiện chí và tình đoàn kết.

Làm cho người chồng bình tĩnh khi nóng giận: Khi người chồng trở về gia đình trong tình trạng bị khích động, người vợ phải biết tỏ ra dịu dàng để đem an lạc, an ủi cho người chồng. Điều này sẽ làm dịu tình thế.

Ngọt ngào trong mọi thứ: Ngoài việc chứng tỏ cảm nghĩ thân ái, dịu dàng của mình, người vợ nên có một tính tình duyên dáng, lúc nào cũng vui tươi, hớn hở và dễ thương.

II.- NGƯỜI CHỒNG:

Để trả lời môt bà nội trợ là người chồng phải chăm sóc vợ như thế nào, đức Phật dạy là người chồng bao giờ cũng phải quý mến và tôn trọng người vợ, phải chung thủy, cho vợ đủ quyền hành để lo việc nhà, sắm cho vợ đồ nữ trang ưa thích. Lời dạy của Đức Phật đã trên 25 thế kỷ vẫn đứng vững và có giá trị đến ngày nay.

Qua nhiều thế kỷ, người đàn ông chi phối xã hội, đã làm sống mãi huyền thoại phái nam cao hơn phái nữ, nhưng đức Phật đã làm một sự thay đổi khác thường và đã nâng cao địa vị phụ nữ bằng một đề nghị đơn giản là người chồng phải quý mến và kính trọng người vợ. Điều nhận xét trên đây có thể là bình thường ngày nay, nhưng chúng ta xét lời dạy này nói đến tại Ấn Độ 2500 năm qua, thì quả là cách mạng! Người chồng phải chung thủy với người vợ có nghĩa là người chồng phải làm tròn bổn phận đối với vợ để giữ gìn tín nhiệm cho đúng với tình nghĩa vợ chồng.

Người chồng phải đi kiếm tiền nên thường phải xa nhà, vì vậy người chồng phải giao việc nội trợ cho người vợ, người vợ được coi như người quản gia, quản lý tài sản như một nhà hành chánh - kinh tế của gia đình.

Tặng các đồ nữ trang thích hợp cho người vợ tượng trưng tình yêu, sự chăm sóc và sự cảm kích của người chồng đối với vợ. Việc tượng trưng này đã thực hành từ hồi xa xưa trong các cộng đồng Phật giáo. Bất hạnh thay, điều tốt đẹp này đang tàn lụi vì ảnh hưởng của lối sống hiện đại.

Người vợ mong mỏi nơi người chồng:

Dịu dàng: Lịch thiệp và tôn trọng vợ trong vấn đề khi chăm lo những nhu cầu cần thiết của người vợ.

Lịch sự: Lễ dộ, sốt sắng, lịch sự và nhũn nhặn trong những cuộc bàn luận và tham khảo với vợ.

Thân mật: Luôn luôn vui vẻ, thân mật, cởi mở, hòa nhã với vợ trước mặt các bè bạn và khách đến thăm.

An toàn: Mục đích chính của người vợ tìm trong hôn nhân là sự an ninh do người chồng đem lại.

Trong phương diện này, người chồng được mong mỏi là một tháp canh kiên cố có thể đứng vững trước bất cứ hình thái đe dọa từ bên ngoài vào gia đình, luôn luôn cung cấp cho gia đình đầy đủ sự che chở và an ninh bất cứ lúc nào.

Công bằng: Là người chồng có trách nhiệm phải biết tha thứ, từ bi và khoan dung cũng như phải nhân từ với những nguyên nhân chính đáng cần được sự giúp đỡ của mình. Là người cha, phải công bằng và biết suy xét về những đòi hỏi của đứa con khôn lớn.

Chung thủy: Là người chồng hiểu biết, phải chung thủy tuyệt đối với vợ, và bênh vực vợ dù khó khăn đến mấy trong bất cứ hoàn cảnh trái ngược mà gia đình gặp phải.
Người chồng luôn giữ vững nguyên tắc, là người mà người vợ tin tưởng hoàn toàn, nương tựa để đối phó với bất cứ biến chuyển gì xẩy ra cho gia đình.

Thành thật: Là người chồng trách nhiệm tính nết phải ngay thẳng,thành thật với vợ trong tất cả mọi vấn đề ảnh hưởng con cái. Người chồng không nên che đậy bất cứ bí mật nào đối với vợ vì việc này cuối cùng sẽ xói mòn lòng tín nhiệm và tin tưởng của người vợ vào chồng.

Người bạn đường tốt: Người chồng nên có một cá tính nhã nhặn để có thể hòa đồng với mọi tầng lớp xã hội. Người chồng nên có kiến thức để có thể đàm luận ở mọi trình độ xã hội, có thể giúp đỡ bất cứ ai cần đến mình giúp. Người chồng cũng nên có tính khôi hài để làm vui người nghe khi những người này muốn có bạn; và

Sự ủng hộ tinh thần: Là người chồng trách nhiệm, phải vững vàng đứng bên cạnh vợ cho đến lúc cuối cùng để đối phó với bất cứ tình huống nào xẩy ra cho người vợ, ủng hộ tinh thần người vợ cần đến sự can đảm để vượt qua tình trạng khó khăn.

III.- CHỒNG VÀ VỢ:

Người chồng được thừa nhận là người đứng đầu gia đình trừ phi người đó không đủ khả năng để thi hành những nhiệm vụ trên. Cả hai theo luật thông thường và dưới pháp chế hiện đại, người chồng chịu trách nhiệm nuôi nấng vợ và gia đình, dù trên thực tế người vợ có tài sản hay lợi tức đủ khả năng để tự nuôi mình.

Ngay cả bây giờ có nhiều bà vợ đi làm, sự nuôi nấng gia đình phải được cùng nhau chia sẻ. Người chồng không có lý do trốn tránh việc nhà giúp đỡ người vợ và dạy con cái, nhất là khi không có người làm để làm công việc ấy.

Ngoài phương diện xúc cảm và khoái cảm, vợ chồng phải lo lắng sinh kế hàng ngày, ngân quỹ gia đình và bổn phận xã hội.

Như vậy, sự tham khảo ý kiến lẫn nhau giữa người chồng và vợ trong tất cả mọi vấn đề trong gia đình sẽ tạo được bầu không khí tin tưởng, hiểu biết để giải quyết bất cứ vấn đề gì có thể xẩy ra.

IV.- NĂM NHIỆM VỤ CỦA CHA MẸ ĐỐI VỚI CON CÁI

Theo Đức Phật cha mẹ có năm nhiệm vụ đối với con cái:

- Nhiệm vụ thứ Nhất: Ngăn cản các con gây tội lỗi.

Nhà là trường học đầu tiên, cha mẹ là các thầy giáo đầu tiên. Trẻ con thường học những bài học vỡ lòng tốt và xấu nơi cha mẹ. Các bậc cha mẹ thiếu thận trọng trực tiếp hay gián tiếp tiêm nhiễm vào đầu các con cái những điều nói dối, gian lận, bất lương vu oan, báo thù, không xấu hổ, không sợ hãi các tội lỗi, và các hành động vô luân trong thời thơ ấu của chúng. Hãy nhớ đến thói quen bắt chước. Cho nên cha mẹ phải làm gương, không nên tiêm nhiễm những tật xấu vào đầu óc ngây thơ của con cái.

- Nhiêm vụ thứ Hai: Thuyết phục trẻ làm điều lành.

Cha mẹ là những thầy giáo ở nhà, và thầy giáo là cha mẹ ở trường. Cả hai cha mẹ lẫn thầy giáo đều chịu trách nhiệm về tương lai và hạnh phúc của con cái. Chúng trở nên người tốt hay xấu do cha mẹ và thầy giáo hun đúc. Chúng trở thành, hay sẽ trở thành tốt xấu do người lớn trong tuổi dễ ấn tượng của chúng. Chúng bắt chước làm y như người lớn trong tuổi thơ ngây của chúng.

Chúng hấp thụ điều truyền đạt. Chúng theo dấu chân người lớn. Chúng bị ảnh hưởng về tư tưởng, lời nói và hành động của người lớn. Do vậy, nhiệm vụ của cha mẹ là tạo bầu không khí thích hợp cả tại nhà lẫn trường học.

Giản dị, vâng lời, hợp tác, đoàn kết, hy sinh, chân thật, thẳng thắn, giúp đỡ tự tin, bằng lòng, cử chỉ tốt, nhiệt thành mộ đạo, những đức hạnh khác phải được in sâu vào tâm trí thanh xuân của chúng. Những hạt giống như vậy được đem trồng sẽ lớn lên thành cây nhiều trái.

- Nhiệm vụ thứ Ba: Cho con cái một nền giáo dục tốt.

Một nền giáo dục đứng đắn là một di sản tốt nhất mà bậc cha mẹ để cho con cái. Một kho tàng quý báu cũng không bằng. Giáo dục là phước báu tốt nhất mà cha mẹ để cho con cái.

Giáo dục phải được truyền dạy cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ trong bầu không khí đạo giáo bằng cách huấn luyện chúng duy trì kỷ luật cao thượng và tính tốt của con người. Việc đó sẽ ảnh hưởng sâu xa đến đời sống của chúng.

- Nhiệm vụ thứ Tư: Lo cho con cái thành lập gia đình với người xứng đáng

Hôn nhân là một hành động trọng đại của một đời người; sự kết hôn không thể hủy bỏ dễ dàng. Cho nên hôn nhân cần được xét kỹ từ mỗi khía cạnh, tất cả mọi góc độ để hai họ vui lòng trước khi cưới. Việc cha mẹ quan tâm đến người hôn phối của con cái rất quan trọng cho đời sống lứa đôi tương lai của chúng. Bậc cha mẹ phải chấp nhận những lệ thường thời hiện đại như hẹn hò vân vân..., con cái phải hiểu rõ ràng là cha mẹ có quyền giám sát hoạt động của chúng, biết bạn của chúng là ai. Nhưng con cái cũng có quyền riêng tư và tự trọng.

Theo tu dưỡng Phật giáo, nhiệm vụ thay thế quyền lợi. Cả đôi bên không nên cứng rắn, nhưng phải trân trọng, khôn ngoan để đi đến giải pháp thân hữu. Nếu không hai bên sẽ nguyền rủa lẫn nhau và các hậu quả xấu khác sẽ xẩy đến. Hơn thế nữa, mối bất hòa này sẽ ảnh hưởng đến đời con cháu. Trong hầu hết các trường hợp, những ai ngược đãi người khác thì chính họ sẽ là nạn nhân của sự ngược đãi.

- Nhiệm vụ cuối cùng: Là nên giao lại tài sản cho con cái lúc thích hợp.

Cha mẹ không những chỉ thương yêu và săn sóc con cái khi còn sống trong sự nuôi dưỡng, che chở của mình mà con phải lo liệu tương lai và hạnh phúc cho chúng. Cha mẹ đã phải khó nhọc tạo nên của cải nhưng không nuối tiếc khi cho các con cái thừa hưởng gia tài.

Cha mẹ để lại của cái cho con cái không muốn chúng hoang phí nhưng muốn chúng dùng của cải này để nâng cao mức sống. Trong tất cả các việc này, điểm chủ yếu là tôn trọng lẫn nhau, và quan tâm đến hạnh phúc của cả cha mẹ lẫn con cái.

V.- TRÁCH NHIỆM CỦA CHA MẸ TRONG VIỆC NUÔI DƯỠNG CON CÁI

Làm cha mẹ không giống như làm bất kỳ công việc thông thường nào. Công việc này không có giờ giấc, không bao giờ chấm dứt và không bao giờ đủ thì giờ để làm mọi thứ. Dù cho con của bạn bao nhiêu tuổi, mới sinh hay chập chững biết đi, không bao giờ quá muộn để đặt đứa con lên trên hết và thích thú được làm mẹ hay cha.

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng chỉ mình mới biết rõ điều gì tốt nhất cho con cái nên đặt nhiều kỳ vọng vào chúng. Họ bắt con cái vào các lớp học tư cả đến khi chúng không thể theo nổi các lớp ấy. Đồng thời họ bắt các con theo học các vũ điệu cổ điển (cho con gái), tài quan đô (cho con trai), lớp học nhạc, những lớp điện toán vân vân.... Hơn thế nữa họ buộc các con phải được điểm cao nhất A trong các kỳ thi và phải đạt hạng ưu trong mọi môn học khác. Trong cuộc chạy đua này, họ biến các con họ thành các đồ trưng bày mà họ là sở hữu chủ để được hãnh diện với bè bạn và thân quyến, để khoe khoang với các người khác.

Trong những ngày đẹp đẽ của tuổi hoa niên thời xưa, một em nhỏ hay một thiếu niên không bao giờ tinh thần phải bị căng thẳng vì quá nhiều mong ước mà em phải chu toàn. Nhưng những trẻ em ngày nay, nhất là tại các thành thị, có quá nhiều việc phải làm, phải tranh đua, như vậy các em đã bị tước đi tuổi thơ của một đứa trẻ bình thường. Nhiều người không nhận thức được rằng là cha mẹ, họ có một số quyền hành và cũng có một số trách nhiệm. Con cái cũng có quyền hành và trách nhiệm. Cái mà ngày nay chúng ta có là những người muốn trở thành các bậc siêu cha mẹ, nhưng trong nhiều trường hợp con cái đâu có thể thành siêu được. Cho nên cha mẹ phải nên thực tế và biết điều. Cha mẹ không nên đặt các mục tiêu mà họ biết rõ con cái họ không thể hoàn thành, như vậy sẽ tránh được sự căng thẳng không cần thiết và thất vọng trong gia đình. Xây dựng một gia đình hạnh phúc là một tiến trình không ngưng nghỉ.

Vậy nên cha mẹ không những phải nhận thức hoàn toàn vai trò, trách nhiệm của mình, mà còn phải áp dụng kỹ thuật hiện đại làm cha mẹ cho thích hợp. Hãy nhớ câu nói của nhà Triết học Đạo Lão, Trang Tử: "Nếu bạn có sáu ngón tay, chớ nên cố gắng làm thành năm ngón, nếu bạn có năm ngón, chớ cố gắng làm thành sáu ngón. Không nên làm trái luật thiên nhiên".

Là cha mẹ bạn chịu trách nhiệm luôn lo lắng đến hạnh phúc và nuôi dưỡng con cái. Nếu đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, cường tráng và là người công dân hữu dụng, đó là kết quả nỗ lực của bạn. Nếu đứa trẻ lớn lên hư hỏng, chính cha mẹ là người chịu trách nhiệm. Đừng đổ lỗi cho người khác. Bổn phận của cha mẹ là phải hướng dẫn con cái vào con đường ngay thẳng. Mặc dù có một số ít trường hợp hầu như không sửa chữa được cho những trẻ con phạm pháp, tuy nhiên là cha mẹ, bạn vẫn trách nhiệm tinh thần về tư cách đạo đức của con cái.

Về sự giúp đỡ và kiểm soát con cái, cha mẹ phải điều chỉnh khi chúng lớn khôn. Mục tiêu tối hậu làm cha mẹ là trở thành người bạn con mình và tùy theo khả năng chấp nhận trách nhiệm. Một lỗi lầm của một số cha mẹ là muốn thành người bạn của con mình lúc nó mới có sáu tuổi. Chúng ta hết sức cẩn thận về cái mà chúng ta định nghĩa là bạn. Chúng ta hiểu bạn đây không có nghĩa là chúng ta đối xử với con cái ngang hàng trong tuổi tác mà là phải có tình thương, tin cậy và kính trọng. Ở tuổi nhỏ, đứa con cần cha mẹ chứ không phải người bạn. Trong lúc xây dựng mối quan hệ tình cảm và hỗ trợ cho con cái, cha mẹ cũng giúp chúng phát triển tinh thần. Trên hết bạn phải có thì giờ dành cho con cái. Có thì giờ để trả lời các câu hỏi của chúng, giúp đỡ chúng hiểu sự kỳ diệu của đời sống. Bạn đừng quên là bạn dập tắt óc sáng tạo của đứa con khi bạn không trả lời những câu hỏi nó nêu lên. Khi đứa trẻ đặt câu hỏi lẽ dĩ nhiên nó muốn chia sẻ, cho nên sự thử thách lớn nhất mà bạn phải đương đầu là phải sẵn sàng trả lời ngay với tình thương yêu, mọi thứ mà bạn làm nên phù hợp với bản tính tò mò tự nhiên của đứa trẻ.

Tự động tham gia cũng quan trọng khi để con cái tham gia vào mọi việc, những khoa học gia vĩ đại thành công cũng là do tinh thần tự ý phục vụ của họ. Nếu cha mẹ không biết câu trả lời, cha mẹ phải tìm cách giải quyết cho chúng thay vì bỏ qua hay nói rằng vì bận quá, hoặc cho là không quan trọng để làm chúng im đi, hạn chế tính tò mò của chúng. Bạn sẽ cảm thấy tội lỗi khi trả lời con cái khi chúng còn đang trong tuổi non nớt tọc mạch nhất của chúng bằng câu: "Đừng hỏi quá nhiều". Là những ông bố bà mẹ ân cần và có trách nhiệm, thực ra bạn phải trả lời ngay câu hỏi do bản tính tò mò tự nhiên của con cái.

Đường lối khoa học để giải quyết vấn đề là nhìn vào câu hỏi phải trả lời, tìm tất cả các dữ kiện có được, sắp xếp lời giải đáp ở mức độ dễ hiểu. Như vậy, tính tò mò của chúng được thỏa mãn, câu trả lời sẽ giúp cho đứa trẻ học hỏi, nghĩ và hành động một cách khoa học cũng như giúp cho nó có óc sáng tạo có thể sử dụng sau này khi trưởng thành.

Chẳng hạn khi bạn cho con đồ chơi, bạn nên cho nó với một tình thương yêu dịu dàng và vui vẻ. Trái lại có một số cha mẹ khi đưa đồ chơi cho con thì lại quát tháo: "Đừng mở như thế này? Đừng làm hỏng đồ chơi, đồ chơi đó đắt lắm đấy. Con có biết con may mắn đến dường nào mà có được đồ chơi như thế này?" Thì đã sao nếu nó làm hư cái đồ chơi đó? Nếu bạn có thể mua cho con đồ chơi, cũng hợp lý nó nghĩ là nó có thể làm hư đồ chơi đó.

Thay vì như trên, bạn cũng là một phần trong sự khám phá bạn nên nói với nó: "Lại đây con thân yêu, chúng ta cùng mở ra xem coi" và nên sử dụng các yếu tố vui vẻ thay vì yếu tố tiêu cực. Hãy cho con món quà với niềm vui và tình thương yêu. Việc này có thể làm được nếu tinh thần bạn không căng thẳng và dù tự thấy không vui. Bạn phải vui vẻ vì chỉ trong trạng thái hạnh phúc ta mới cảm thấy thoải mái và khoan dung.

Cha mẹ đôi khi bị quy trách nhiệm vì con cái có những thói quen tiêu cực, bị tiêm nhiễm một cách vô ý thức trong xã hội. Chẳng hạn, như khi cha mẹ bảo con trả lời điện thoại nói là không có nhà nhưng thực ra mình có nhà (hành động coi như không tội lỗi) nhưng vô tình trồng hạt giống nói dối đầu tiên vào đầu óc non nớt của đứa trẻ. Việc làm này ảnh hưởng đến môi trường giáo dục không có lợi cho việc học hỏi giá trị nhân bản, mà đứa trẻ, có thể trong tương lai, trở thành yếu tố phá hoại hòa bình, hạnh phúc, phúc lợi của gia đình và xã hội, và nhất là phá hoại chính nó.

Nhiều bậc cha mẹ và người già ngày nay chịu trách nhiệm về việc trồng các hạt giống nói dối vào con trẻ bằng nhiều con đường khác nhau. Họ khuyến khích dối trá trực tiếp, hành động hoặc nói năng dối trá, dẫn đến sự phát triển những tính xấu của con người làm suy thoái giá trị nhân bản. Số phận của con cái tùy thuộc vào bậc cha mẹ, các bậc trưởng thượng phát triển một thái độ đứng đắn trong đạo đức nuôi dưỡng sự thật và cuộc sống chân thật.

Con trẻ lặp lại tiếng nói của cha mẹ. Để tránh việc sử dụng những lời cục cằn và thô lỗ, các bậc cha mẹ hữu trách nên dùng những câu nói vui vẻ vì con trẻ thường có khuynh hướng bắt chước cha mẹ.

Đứa trẻ trong tuổi ngây thơ dễ bị ảnh hưởng cần có tình thương, chăm sóc, trìu mến, và sự quan tâm của cha mẹ. Thiếu tình thương yêu và sự hướng dẫn của cha mẹ, đứa trẻ sẽ bị tổn thương tình cảm và nó sẽ thấy thế giới là một nơi khó sống. Mặt khác cho con cái tình thương yêu không có nghĩa là thõa mãn cho nó tất cả những gì nó đời hỏi hợp lý hay không hợp lý. Quá nuông chiều con cái sẽ làm chúng hư hỏng. Người mẹ dành cho con cái tình thương và chăm sóc cũng phải nghiêm khắc và cứng rắn nhưng không cay nghiệt trong lúc chúng trong độ tuổi hình thành nhân cách. Tỏ tình thương trong kỷ luật - đứa trẻ rồi ra sẽ hiểu được.

Cha mẹ nên dành nhiều thì giờ cho con cái, nhất là trong lúc chúng mới lớn. Cha mẹ nên ý thức cho con cái món quà tình thương của mình chứ không phải món quà vật chất. Món quà tinh thần này bao gồm bồi đắp lòng tự trọng cho con cái, cố gắng tạo ra không khí chuyện trò cha mẹ - con cái tích cực, tình thương yêu vô điều kiện và loại bỏ những khía cạnh cản trở sự phát triển tâm lý của đứa trẻ. Đó là những món quà thiết thực và có nghĩa lý sâu xa. Bậc cha mẹ hiểu biết đó là món quá lớn nhất mà đứa con có thể nhận được và cha mẹ có thể cho được.

Bất hạnh thay, trong số các bậc cha mẹ ngày nay, tình thương yêu con cái thiếu thốn một cách thảm hại. Đổ xô vào sự tiến lên về vật chất, và phong trào đòi hỏi nam nữ bình quyền đưa đến kết quả là nhiều bà mẹ đã theo chồng làm việc tại các văn phòng và cửa hàng thay vì ở nhà để trông nom con cái. Những đứa con được giao cho thân quyến, trung tâm giữ trẻ hay những người làm, bị ngỡ ngàng vì thiếu tình thương yêu và chăm sóc của người mẹ.

Cung cấp cho con trẻ những loại đồ chơi tối tân hiện đại (là một hình thức để an ủi bù đắp) như xe tăng, súng máy, súng lục, thanh kiếm, rất tai hại đến việc huân tập tính nết đứa trẻ về mặt tâm lý. Cho con cái những đồ chơi trên đây không thể thay thế được tình thương yêu và trìu mến của người mẹ. Kết quả những đứa trẻ vô tình được dạy thích gây hấn và phá hoại thay vì được dạy dỗ là phải tử tế, từ bi và hảo tâm. Những đứa trẻ như vậy sẽ phát triển khuynh hướng tàn bạo khi chúng lớn. Không có tình thương và hướng dẫn của cha mẹ, thì không có gì ngạc nhiên gì thấy khi lớn nó trở thành kẻ phạm pháp. Rồi ta trách cứ ai đây đã nuôi dưỡng những đứa con bướng bỉnh như vậy? Cha mẹ chứ còn ai nữa!

Người mẹ đi làm, nhất là sau một ngày việc cực nhọc trong sở, tiếp đến những công việc lặt vặt trong nhà, khó có thì giờ dành cho con cái để làm bổn phận thương yêu và chăm sóc chúng. Những cha mẹ không có thì giờ cho con cái bây giờ chẳng nên phàn nàn gì sau này những đứa con lớn lên không có thì giờ cho mình. Những cha mẹ nói rằng mình đã tiêu rất nhiều tiền cho con cái nhưng lại quá bận cũng chẳng nên phàn nàn gì sau này khi chúng lớn cũng quá bận nên phải để cha mẹ vào những nhà Dưỡng Lão!

Hầu hết các phụ nữ đi làm việc ngày nay để gia đình có thể vui huỏng nhiều lợi lạc vật chất. Những phụ nữ này nên nhớ lời khuyên của Thánh Gandhi là con người tìm cách thoát khỏi tham lam hơn là nhu cầu. Đương nhiên vì nền kinh tế ngày nay, chúng ta không thể chối cãi là một số phụ nữ cần phải đi làm. Trong trường hợp này, cha và mẹ phải hy sinh thêm nhiều thời gian để bù đắp vào điều mà đứa trẻ thiếu thốn khi họ vắng nhà. Nếu cha và mẹ dành thì giờ không phải đi làm cho con cái, cha mẹ và con cái sẽ hòa thuận và hiểu nhau nhiều hơn. Chúng ta gọi thì giờ này là "thì giờ quý báu" cho gia đình.

Con cái để cho các thân nhân, trung tâm giữ trẻ hay những người làm được trả tiền công chăm sóc hoặc đứa trẻ bị khóa trong nhà tự do nghịch ngợm, thường thiếu tình thương và chăm sóc của người mẹ. Người mẹ, cảm thấy có tội vì thiếu săn sóc, cố gắng xoa dịu đứa trẻ bằng cách thỏa mãn cho nó tất cả những gì chúng đòi hỏi. Hành động như vậy chỉ làm hư đứa trẻ mà thôi.

Hầu hết con người đem hết năng lực và sức sáng tạo của mình vào công việc cho nên năng lực dành cho gia đình chẳng qua chỉ là chút ít dư thừa còn lại. Đây là chỗ mà họ lập luận về thì giờ quý báu dành cho gia đình của những người cha mẹ tội lỗi muốn bào chữa về thời giờ dành cho con cái. Một trong những sai lầm về quan niệm thời gian quý báu dành cho con cái nằm trong thực tế là nhu cầu của đứa trẻ và lúc rảnh việc của cha mẹ thường không trùng nhau. Khi con cái cần đến cha mẹ thì cha mẹ lại không có mặt.

Cha mẹ thường bị đặt vào tình trạng khó xử. Vội vàng về nhà sau một ngày mệt lử vẫn có những công việc lặt vặt trong nhà phải làm. Xong công việc hàng ngày là đến bữa cơm chiều, sau đó là truyền hình thì còn đâu đủ thì giờ để làm bổn phận thương yêu và chăm sóc con cái. Quan trọng hơn nữa là cha mẹ không có mặt để truyền đạt cho con cái các giá trị văn hóa, xã hội và tôn giáo lúc đứa trẻ ở vào tuổi tốt nhất để lãnh hội. Việc này không thể làm được trong thời gian quý báu dành cho con cái!

Một số cha mẹ còn mang công việc của sở về nhà làm, thậm chí mang cả áp lực và căng thẳng từ sở làm về. Kết quả, họ không còn giữ được bình tĩnh với con cái.

Là vợ chồng họ không có đủ thì giờ cho nhau và đó là nguyên nhân đã đưa đến sự tan vỡ gia đình. Cần ý thức rằng mối giây liên lạc chặt chẽ trong gia đình có thể đóng góp vào việc làm đứa trẻ phát triển tốt.

Có thể nói sự khác biệt nam nữ ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ - con cái. Người ta nói mẹ và con gái lớn thường chuyện trò với nhau nhiều cả đến khi đứa con gái đã lấy chồng và không còn ở cùng nhà.

Mặt khác, mối quan hệ cha, con trai trưởng thành lại không như vậy. Cha và con trai lớn chỉ nói chuyện khi thật cần thiết và thường chỉ nói về các vấn đề không mấy quan trọng. Sự trao đổi với nhau chỉ là câu hỏi và trả lời như trong một buổi họp.
Có lẽ người cha nghĩ rằng đứa con nay đã lớn và nó phải biết vai trò và nhiệm vụ của nó tại nhà, đối với cha mẹ và xã hội. Nhưng đối với người mẹ lại khác hẳn - đứa con gái bao giờ cũng là "con gái bé bỏng của tôi". Dù sao đi nữa cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng con cái và làm tốt điều đó nếu họ muốn làm giảm thiểu những tội lỗi đang gây tai hại cho xã hội của chúng ta ngày nay. Những tiêu chuẩn đạo đức không thể dạy bằng các lời nói mà bằng hành động.

Bậc cha mẹ phải tự mình làm gương. Thái độ cũ của bậc cha mẹ là "hãy làm những gì cha mẹ bảo mình làm chứ không phải những gì cha mẹ làm" không còn đứng vững nữa. Tính nết tốt phải chính nơi cha mẹ. Nếu chúng ta muốn con cái chúng ta có tiêu chuẩn đạo đức thích hợp, chúng ta phải bắt đầu ngay tại gia đình. Nếu có điều gì không phải giữa con trai và người cha, thì người cha phải tự mình bắt đầu tìm câu giải đáp.

Cha lẫn mẹ cần phải hy sinh. Cha mẹ nên dành đủ thì giờ và cố gắng làm cho mọi người trong gia đình tham gia vào tất cả các hoạt động trong việc xây dựng gia đình và định hướng các hoạt động.

Điều thiết yếu là phải sắp xếp cho đúng các việc ưu tiên phải làm chẳng hạn như ưu tiên hướng về gia đình và hôn nhân, tạo mối tương quan gia đình khăng khít cho một môi trường hòa hợp.

VI.- MỘT GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

Quả đúng trong mọi xã hội, gia đình là một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội. Nếu mọi gia đình trong một nước hạnh phúc thì cả quốc gia ấy đều hạnh phúc. Cái gì tạo cho gia đình hạnh phúc? Một gia đình hạnh phúc được định nghĩa là một gia đình ổn định về mặt xã hội, kinh tế tâm lý, và các khía cạnh vật chất và tinh thần của đời sống; và là nơi có tình thương yêu ấm áp và hòa hợp giữa những người trong gia đình. Một gia đình có thể cân bằng giữa những yếu tố trên quả thực là một gia đình hạnh phúc.
Nhưng khi chúng ta nhìn chung quanh chúng ta và nhìn vào tình hình khắp nơi trên thế giới, chúng ta thấy gì? Trẻ con lang thang ngoài phố và trong các tiệm truyền hình. Chúng trốn học. Trẻ con bị ngược đãi, vợ bị đánh đập và các người già thì bị đưa vào các nhà dưỡng lão không đếm xỉa gì đến cảm nghĩ của họ ra sao. Tất cả là những dấu hiệu biểu lộ chân tướng những gì không tốt ở mức độ căn bản nhất của xã hội: đó là những dấu hiệu của xã hội suy đồi.

Đó là một tình trạng đáng buồn khi những giá trị và truyền thống tốt đẹp không còn được thực hiện. Có rất ít tác động qua lại giữa người trong gia đình và bè bạn, ý thức trách nhiệm đối với người trong gia đình ngày càng bị suy yếu. Gia đình không hạnh phúc có thể do đói nghèo, nhưng có tài sản vật chất cũng không bảo đảm là có hạnh phúc, mà đơn giản là do sự phát sinh lòng vị kỷ, độc ác và tham lam.

Đứa trẻ học hỏi lòng trìu mến yêu thương nơi cha mẹ, và cùng nhau, cha mẹ và con cái tạo thành đơn vị gia đình hạnh phúc. Qua cái thế giới vi mô (nhỏ) của xã hội, chúng ta học sự quan tâm, chia sẻ, lòng thương người, và lo lắng cho những người khác. Qua nhiều thời đại, tôn giáo là một lực lượng quan trọng để cấu tạo những giá trị này thành một hệ thống dễ dàng được công nhận và đem giảng dạy. Bởi vậy, gia đình và tôn giáo là những thành phần nòng cốt trong việc truyền đạt và nuôi dưỡng các giá trị này.

Gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển hội viên trong một gia đình. Tinh hoa trong văn hóa Á Châu và Tây Phương dạy kính trọng người già, thương xót người đau yếu, người thiếu thốn, chăm sóc cha mẹ già và quan tâm đến người trẻ.

Đứa trẻ lớn lên trong những giá trị này sẽ noi gương họ và hành động thích hợp vói những người khác. Tuy có được những tiến bộ kỹ thuật rộng lớn trong nền văn minh hiện đại, chúng ta lại đang mất nhanh những giá trị này. Điều cần thiết là phải làm gì để hợp nhất gia đình lại và cứu xã hội.

Chúng ta phải bảo vệ và ủng hộ sự phát triển gia đình như một thể chế dưới ánh sáng của sự thay đổi rộng lớn nhanh chóng về nhân khẩu và xã hội - kinh tế. Gia đình mở rộng (gồm cả họ hàng) đang nhường chỗ cho gia đình hạt nhân (chỉ gồm cha mẹ, con cái). Chúng ta chỉ có thể làm được rất ít trong việc ngăn chặn trào lưu này nhưng những giá trị về sự kính trọng, quan tâm, tình thương phải được gìn giữ. Những giá trị tốt ở Đông Phuơng hay Tây Phương, phải được gìn giữ mặc dù những sự thay đổi về lối sống mang đến do sự hiện đại hóa, kỹ nghệ hóa và thành thị hóa.
Người mẹ là nhân vật quan trọng trong việc phát triển gia đình. Vì chăm sóc, thương yêu, trìu mến và lòng từ bi là những đức tính bẩm sinh, người vợ truyền đạt những chân giá trị này cho con cái mình nuôi dưỡng. Người mẹ do lòng thương yêu, lo lắng, từ bi, kiên nhẫn và khoan dung gắn bó người thân trong gia đình lại với nhau. Sự thực hành những giá trị này có thể truyền thừa cho con cái vì chúng là những người bắt chước rất hay và là những người học hỏi theo gương mẫu của cha mẹ. Chúng ta phải nhóm họp lại để phục hồi chức năng truyền thống của người mẹ, và đương nhiên việc làm này phải phù hợp với nhu cầu và áp lực hiện đại.

Tôn giáo cũng phát triển giá trị nhân bản tốt. Những gia đình sùng đạo và viêc tu tập rất cần thiết trong cuộc vận động phát triển gia đình. Có thể nói một gia đình hạnh phúc là một nhóm người sống thân ái và an lạc cùng nhau đặt tầm quan trọng vào kỷ luật tôn giáo và tư cách cha mẹ để tạo bầu không khí gia đình hạnh phúc. Những giá trị như vậy cần phải gìn giữ và bảo vệ theo tinh thần tôn giáo để gia đình khỏi bị ảnh hưởng bởi những giá trị phản xã hội không thể chấp nhận được.

Những cha mẹ thực tế và hiểu biết đem hạnh phúc cho gia đình. Con đường duy nhất mà cha mẹ có thể xây dựng được một gia đình hạnh phúc là do thể chế hôn nhân. Thể chế này rất tốt trong quá khứ và có thể thực hiện trong hiện tại, chúng ta có thể làm đó thích hợp thích hợp trước nhu cầu cuộc sống hiện nay.

VII.- NHỮNG VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN TRONG HÔN NHÂN

Hầu hết ngày nào chúng ta cũng thấy người ta phàn nàn về hôn nhân của họ. Giới trẻ đọc tiểu thuyết lãng mạn và xem các phim ảnh lãng mạn, thường kết luận hôn nhân là một thảm hoa hồng. Đáng tiếc thay, hôn nhân không ngọt ngào như người ta tưởng. Hôn nhân và những vấn đề của hôn nhân tương quan mật thiết với nhau và ta phải nhớ khi thành lập gia đình ta phải đương đầu với một số vấn đề và trách nhiệm mà ta chưa từng biết và trải qua trước đó.

Sau cái vui của ngày cưới, thực tế sống chung bắt đầu thử thách cặp vợ chồng mới cưới, với một số đôi, viễn cảnh thật dễ sợ. Thiếu giao tiếp hay phản ứng với thân nhân trong gia đình là một số yếu tố có thể gây cho gia đình không hạnh phúc. Có khi vợ chồng lâm vào cảnh chiến tranh lạnh.

Vài ví dụ về chuyện vợ chồng không nói gì với nhau thường thấy là:

Ngay tại bàn ăn, người chồng lại cắm đầu vào tờ báo;

Khi người chồng đi làm về lại bận rộn với những thú tiêu khiển riêng của mình hoặc coi truyền hình, và vào ngày nghỉ cuối tuần lại đi chơi đánh gôn hay say đắm các trò giải trí khác;

Người chồng không bộc lộ một cảm nghĩ nào hay lo toan gì cho vợ, bỏ quên cả những ngày kỷ niệm quan trọng như ngày thành hôn và sanh nhật.

Về phần người vợ, sau khi thành hôn thì không còn chú ý đến diện mạo và dáng vẻ của chính mình. Ăn mặc tồi tàn, người vợ không còn giữ cái phong độ khả ái với bạn bè khiến người chồng không còn thấy cảm hứng trao đổi chuyện trò với vợ. Cuộc sống trở nên buồn tẻ dẫn đến người chồng tìm thú vui trong rượu chè hay an ủi bên ngoài đời sống vợ chồng.

Khi nào sự bất mãn đầu tiên xâm nhập vào hôn nhân? Với một số cặp vợ chồng, năm đầu tiên là một năm tốt đẹp; với một số cặp, cuộc sống lứa đôi trở thành sự chịu đựng căng thẳng. Đứa con thứ nhất ra đời đem khó khăn cho cả hai chồng và vợ, vì cả hai phải vật lộn trước thực tế lần đầu tiên làm cha, làm mẹ.

Một số người nói rằng năm đầu tiên sau khi cưới, người chồng nghe lời vợ. Từ năm thứ hai thì người vợ phải nghe lời chồng. Từ năm thứ ba thì lối xóm nghe thấy cả hai vì chồng vợ la lối lẫn nhau. Thông thường, sự bất mãn càng ngày càng lớn nếu hôn nhân không được sửa soạn cho chu đáo. Chẳng hạn, lời khuyên bảo hoặc tư vấn trước khi thành hôn có thể giúp cho đôi vợ chồng chuẩn bị đối phó với những điều bất ngờ, thú vị hoặc trái lại mà họ sẽ gặp phải trong cuộc sống lứa đôi.

Sự bất mãn mà con người hầu hết gặp phải sau khi chung sống nhiều năm phát xuất từ quan niệm sai lầm: Đứng núi này trông núi nọ. Xu hướng này thu hút cả nam giới lẫn nữ giới ở bất cứ lứa tuổi nào. Sự thao thức này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống lứa đôi, cả với phụ nữ.

Chán chường là nguyên nhân thông thường, thất vọng với người hôn phối cũng là điều phàn nàn thường thấy. Khi những ước vọng không đạt được, cái túi cầu nhầu bắt đầu phát triển. Trong bất cứ trường hợp nào, khi không có lời nguyện trung thành cho hôn nhân và thiếu căn bản đạo lý, mọi việc có thể xẩy ra bất cứ lúc nào hủy hoại cuộc hôn nhân.

Gốc rễ của sự bất mãn là gì? Nhiều bà vợ nói họ mong người chồng lắng nghe quan tâm đến nhu cầu của họ, biểu lộ cảm xúc, nghĩ tốt nhiều hơn về họ. Chung qui là thiếu chuyện trò tâm sự trong hầu hết các cuộc hôn nhân hiện đại. Trong quá khứ vì lối giáo dục, người vợ vui lòng ở đằng sau và chấp nhận bất cứ sự đối xử nào trong tay người chồng. Nhưng thời buổi đã thay đổi. Phụ nữ được giáo dục tốt hơn nhiều, nắm giữ công việc đầy trọng trách, hiểu biết quyền lợi của mình. Phái nam phải chấp nhận thực tế này, phải đối xử với vợ bình đẳng trong cuộc sống chung. Phái nam không còn có thể cho nữ giới thấp hơn nam giới là điều tất nhiên nữa.
Với hầu hết mọi người đàn ông, hôn nhân là mục tiêu chính tự họ đặt ra để hoàn thành. Khi đã hoàn thành, họ đem hết năng lực, thời gian vào khía cạnh quan trọng nhất của cuộc sống, tức sự nghiệp hay công việc làm ăn.

Ước vọng của người đàn bà lại khác hẳn. Sau khi thành hôn, người đàn bà muốn được yêu và gần gũi nhiều hơn, cho nên họ muốn có nhiều thì giờ với người chồng hơn.
Mang những vấn đề bên ngoài về gia đình, đổ trên đầu vợ và con sẽ làm hại đến sự ổn định của gia đình và còn tăng thêm sự căng thẳng.

Trong các xã hội Á Châu, vấn đề can thiệp của hai bên nội - ngoại rất phổ biến. Điều này đặc biệt là như thế vì hai bên nội - ngoại có thể ảnh hưởng đến quyết định của con họ. Điều phàn nàn chung của những người vợ là người chồng thường nghe cha mẹ hơn là nghe vợ. Sự can thiệp của hai bên nội - ngoại trong việc nuôi dưỡng con cái cũng là một vấn đề thường thấy. Trong khi ông bà có xu hướng lỏng với con họ và đôi khi làm hư con, sự mâu thuẫn các thế hệ thường nổi bật trong những trường hợp như vậy.

Một số cặp vợ chồng trẻ không vui lòng cho phép con họ gần gũi với ông bà, nghĩ rằng những đứa con này sẽ học hỏi lối sống cổ hủ của ông bà.

Tại Ấn Độ, Sri Lanka và cả đến Mã Lai Á, chế độ hồi môn là một trong những trở ngại chính cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hồi môn có thể gồm có những số tiền lớn, một căn nhà, một xe hơi đắt tiền, những thứ như vậy, hoặc thậm chí còn nhiều hơn nữa trông vào của cải giàu có của cha mẹ. Và vì lẽ cha mẹ muốn cho con gái lập gia đình, cha mẹ hứa hẹn nhưng không thể giữ lời hứa được và cuộc hôn nhân bắt đầu rạn nứt.

Hệ thống hồi môn đã bị lạm dụng. Ở thời cổ, hồi môn cho người con gái để đề phòng trường hợp khẩn cấp. Không giống như ngày nay, thời đó người phụ nữ trông cậy hoàn toàn vào người chồng, hồi môn là một loại bảo hiểm trong trường hợp không thể nuôi nổi vợ. Sau này, hồi môn được giao cho cha mẹ chồng để giữ và nay nó trở thành bắt buộc với cha mẹ bên gái phải đưa hồi môn cho cha mẹ bên chồng.

Người ta thường nghĩ rằng lập gia đình là một bổn phận, hôn nhân là một phần rất quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, để bảo đảm cho hôn nhân thành công, cặp vợ chồng phải hòa hợp đời sống của họ bằng cách giảm thiểu bất cứ dị biệt nào có thể có giữa hai người. Đôi lứa phải học hỏi chấp nhận những nhược điểm yếu kém của nhau. Dù hạnh phúc, những cặp vợ chồng tương đắc nhất vẫn có thể gặp phải mâu thuẫn, đau buồn, thất vọng và nóng giận. Họ nhận thức những nhược điểm trong những lãnh vực như vậy bằng cách bày tỏ sự thừa nhận giá trị của nhau, thiện chí trong việc chuyện trò, bày tỏ rõ ràng những cảm xúc. Không trốn tránh bỏ qua các mâu thuẫn. Những sự bất đồng làm hôn nhân mạnh thêm chứ không phải chia rẽ. Những cuộc cãi cọ rất cần thiết cho một hôn nhân thành công . Nhưng cãi cọ chỉ chấm dứt thành công khi cả hai bên đều có thể tha thứ, và bỏ qua.

Hãy có thiện chí trong việc xây dựng gia đình. Đừng nên cho rằng vì mười năm đầu hay 20 năm đầu là tốt đẹp, 10 năm hay 20 năm tiếp theo cũng vẫn sẽ tốt đẹp. Tình yêu cần được nuôi dưỡng, chia sẻ vui buồn. Cần phải có thời gian, sự quan tâm, can đảm và hiểu biết.

Một nguyên nhân chính về vấn đề hôn nhân là sự nghi ngờ, mất tin tưởng. Cả chồng lẫn vợ nên bầy tỏ lòng tin tưởng tuyệt đối với nhau, cố gắng không giấu giếm điều gì với nhau. Điều dấu diếm tạo ra nghi ngờ, nghi ngờ dẫn đến ghen tuông, ghen tuông sinh ra sân hận, sân hận gây ra thù oán, thù oán đưa dến kết qủa ly thân hay ly dị, tự tử, và cả đến giết người.

Nếu một cặp vợ chồng chia sẻ buồn vui trong đời sống hàng ngày, họ có thể an ủi lẫn nhau, giảm thiểu những nỗi buồn đau. Chồng và vợ không nên tưởng rằng chỉ có niềm vui trong đời sống lứa đôi. Sẽ có rất nhiều lúc đau thương, khổ sở, khó khăn nặng nề, hiểu nhầm. Cùng nhau bàn luận mọi vấn đề giúp họ có niềm tin để giải quyết bất cứ trở ngại nào phải đương đầu. Họ phải có sức mạnh ý chí mạnh mẽ để giảm thiểu áp lực căng thẳng và phát triển lòng tin tưởng để sống chung trong sự hiểu biết và khoan dung.

Người đàn ông cũng như người phụ nữ cần sự an ủi của nhau, khi phải đương đầu với các vấn đề khó khăn. Cảm nghĩ bất an, lo âu sẽ biến đi, đời sống sẽ trở thánh có ý nghĩa, hạnh phúc và thích thú hơn, nếu có người muốn chia xẻ gánh nặng của mình.
Khó khăn trong hôn nhân gợi ý kẻ yếm thế nói, hạnh phúc lứa đôi chỉ an lạc nếu trong hôn nhân ấy, người vợ là một người mù, và người chồng là một người điếc; với người vợ mù thì đâu có thể nhìn thấy những lỗi của người chồng, và nếu người chồng điếc thì đâu có nghe thấy những lời mè nheo của người vợ.

VIII.- CÙNG NHAU CHUNG SỐNG TRƯỚC HÔN NHÂN

Sống với nhau trước khi cưới hay cùng nhau chung sống không hôn thú thường được cho là môt sự lựa chọn thoải mái giữa những người trẻ Phương Tây, và đang trên đà phát tiến tại các nước Á Châu. Người ta được biết một nửa số các cặp vợ chồng tại Hoa Kỳ và Anh Quốc đã cùng nhau chung sống trước khi cưới. Ta có thể thấy việc này trên phim ảnh và báo chí. Mặt khác đối với người bảo thủ ở Phương Đông, sống chung trước khi cưới vẫn là điều cấm kỵ. Vấn đề này được nêu lên cũng đủ làm cho người ta cau mày nhất là các người già cả. Tuy nhiên chúng ta cũng phải thêm là thế giới đang lùi quá nhanh, nhiều giá trị mới đã được áp dụng tại Phương Đông, đặc biệt tại các thành thị.

Tại Hoa Kỳ, sống chung chưa cưới tăng trưởng nay được chấp nhận, một phần ba hôn nhân này kết thúc trong ly dị.

Những trường hợp bi thảm xẩy ra cho những cặp vợ chồng chung sống trước khi cưới, thí dụ khi người đàn bà mang thai, sau này người đàn ông chung sống lại không nhận trách nhiệm. Việc này đưa đến vấn đề của các bà mẹ không hôn thú.

IX.- VẤN ĐỀ CỦA CÁC NGƯỜI MẸ KHÔNG HÔN THÚ

Giới truyền thông đưa tin nhiều bà mẹ không hôn thú bỏ rơi hay vứt bỏ con họ tại các đống rác, bụi cây hay nhà vệ sinh, cống rãnh và dòng sông là một thực trạng đáng buồn mà không một ai có lòng quan tâm và suy nghĩ đứng đắn trong xã hội có thể bỏ qua. Với những bản tin như vậy xuất hiện hầu như hàng ngày, dân chúng bị cảnh báo, bị buồn đau và các biện pháp cứu chữa được kêu gọi vì vấn đề ngày càng nghiêm trọng đến mức báo động.

Một số trẻ bị bỏ rơi được thoát chết vì chúng được phát hiện đúng lúc bởi những người thu dọn rác, dân chúng, người qua đường, dầu rằng chúng bị đặt vào tình thế nguy hiểm như chó hoang, chuột, kiến và mưa nắng. Người ta băn khoăn hỏi làm sao những người mẹ có thể bỏ con cái được như vậy vì lẽ cả đến súc vật cũng còn biết bảo vệ con cái chúng. Cũng nên nhớ rằng không phải tất cả những đứa trẻ sinh ra từ người mẹ không hôn thú đều là những thiếu nữ trẻ. Những phụ nữ đã trưởng thành cũng tội lỗi trong việc làm kinh khủng này. Cha mẹ nên cố gắng tìm hiểu con cái của mình. Bậc cha mẹ nên đoan chắc với con cái sẽ hướng về phía họ bất cứ lúc nào chúng gặp khó khăn.

Kẻ bỏ rơi con cái cần được giúp đỡ. Họ cần đến sự hướng dẫn. Chúng ta không nên đơn giản chỉ trích Phương Tây mỗi khi vấn đề phát sinh nơi đây. Rõ ràng giới trẻ của chúng ta càng ngày càng Tây phương hóa trong việc suy nghĩ, cách nhìn, cách sống và hành động. Đây là lãnh vực cần đến vai trò vai trò của bậc cha mẹ.

Một số cha mẹ quá bận trong công việc nên đã vô tình chểnh mảng săn sóc con cái họ. Vậy nên, cha mẹ phải dành nhiều thì giờ hơn nữa cho con cái để duy trì kỷ luật và giáo dục chúng về điều phải trái.

Chúng ta cần một giải pháp nhân đạo trong vấn đề các bà mẹ không hôn thú ; vấn đề có thể bắt đầu với những gia đình có bố mẹ và con không trò truyện tâm tình cởi mở. Khi việc xẩy đến cho đứa con gái, đứa con gái này sợ hãi bị phạt hay không được gia đình và xã hội chấp nhận, cho là một điều sỉ nhục ám ảnh trong khi nó không có ai để tìm sự hướng dẫn và giúp đỡ. Nó đã phải trả giá lỗi lầm của nó bằng cách gánh chịu một mình. Cha mẹ không chấp nhận và xã hội kết tội, kết quả nó trở nên tuyệt vọng.
Để vượt qua vấn đề này, những nỗ lực phát triển gia đình phải được xúc tiến và cặp vợ chồng cần được huấn luyện để trở thành các bậc cha mẹ tốt qua các chương trình giáo dục về giới tính để giới trẻ ý thức được trách nhiệm của mình. Các đoàn thể tôn giáo và các cố vấn tôn giáo có thể giúp đỡ chính quyền để chống lại cái bệnh xã hội khủng khiếp này.

Nguyệt San Liên Hoa

 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch