Ngày xưa trong khu rừng kia có tiên nhân Sằn Đề tu hạnh Từ Bi và
Nhẫn Nhục. Một ngày kia vua Ca Lợi đem một đoàn cung nữ vào rừng rong
chơi. Sau khi vui vẻ và dùng cơm trưa, vua nằm trên chiếc nệm lông chim và
ngủ say. Đoàn cung nữ chạy nhảy tung tăng thấy có một vị tiên nhơn oai
nghi nên kéo đến đảnh lễ hỏi đạo.Tiên nhơn thuyết về hạnh từ bi và nhẫn
nhục, các nàng nghe say mê không nhàm chán.Nhà vua tỉnh dậy không thấy
các cung nữ của mình thì giận lắm xách kiếm đi tìm. Thấy các thế nữ ngồi
quay quần bên tiên nhân liền quát: “Ông làm gì ở đây?
Tiên nhơn đáp:
- Tôi tu hạnh Từ bi và Nhẫn nhục.
Nhà vua lớn tiếng bảo:
- Để ta xem nhà ngươi có đủ hạnh Từ bi – Nhẫn nhục không?
Nói xong nhà vua lấy kiếm chặt cả đôi tay tiên nhân rớt xuống đất, máu chảy lênh láng và hỏi:
- Tâm nhà ngươi có động không?
- Tôi tu hạnh Từ bi và Nhẫn nhục nên không động.
- Làm sao có thể tin lời ngươi được?
Tiên nhân điềm đạm đáp:
- Nếu lời tôi nói là đúng máu tôi sẽ biến làm sữa và hai tay tôi tự
hoàn phục như cũ. Nói xong dòng máu đỏ đã biến thành sữa trắng bay lên
thơm ngát, hai cánh tay tự động rời khỏi mặt đất và ráp vào y như cũ. Nhà
vua và đoàn cung nữ thấy vậy sợ quá bỏ chạy khỏi khu rừng.
Khu rừng bỗng nổi gió to sấm sét đánh chết nhà vua.
Ý NGHĨA CÂU CHUYỆN:
Chúng
ta là một Phật tử đã thấm nhuần lời dạy của chư Thánh tăng nên dù ở bất
cứ nơi đâu và vào bất cứ lúc nào cũng không được xúc phạm bậc hiền nhân
thánh trí. Các bậc hiền nhân đã tích tụ hàng hà công đức, oai lực vô
biên dù trông các vị rất bình thường nhưng chung quanh các Ngài luôn có
Long Thần Hộ Pháp chở che. Cổ nhân có câu “Kính lão đắc thọ” để nói lên
lòng kính trọng người già mà người xưa đã dạy.
Ngày nay
nhiều người chỉ có được một chút hiểu biết đã ngã mạn coi mình là hay là
giỏi, cũng chỉ vì bất đồng chánh kiến đã khinh thường hàng Cao túc tiền
bối phủ nhận sự thành tựu của Phật giáo nước nhà, người Phật tử phải
biết kính nhường khiêm cung mới có thể làm Phật sự tu hạnh Bồ tát đạo.