Giáo dục tâm linh trong một thế giới duy lý
Trần Trung Phượng
27/03/2011 03:49 (GMT+7)

Vấn đề giáo dục và phát triển tâm linh được đặt ra không phải chỉ như một phản ứng nhất thời đối với nền giáo dục có tính chất duy lý cực đoan, mà còn như một thách đố lớn đối với việc xây dựng và phát triển một nền giáo dục có tính chất tổng thể, không thiên lệch hoặc bán cầu não trái hay bán cầu não phải. Sự kết hợp hữu cơ giữa chúng cũng là con đường của sự hòa giải ngay trong tâm thức con người…

Trong một thế giới được mệnh danh là “hiện đại” hay “hậu hiện đại” như thế giới hôm nay, tính duy lý được xem như là một trong những tiêu chuẩn nhận thức quan trọng mà căn cứ vào đó con người có thể khám phá chân lý của thế giới. Cái gì hợp lý thì cái đó tồn tại, hoặc cái gì tồn tại thì cái đó hợp lý. Những mệnh đề triết học có tính chất duy lý như thế tuy đã bị phê phán từ lâu, vẫn tiếp tục được khẳng định trong một thời đại mà tri thức, đặc biệt là tri thức khoa học kỹ thuật được đánh giá cao và được xem là một yếu tố có tính chất quyết định đối với sự tiến bộ của nhân loại.

Nhưng, đúng như lời nhận định của Frédéric Lenoir, nhà triết học đồng thời là chuyên gia về các vấn đề tôn gióa của Pháp (xem Le grand retour de l’ésotérism, tạp chí Nouvel Observateur, 2-8/12/2004), chính trong bối cảnh duy lý như thế giới hôm nay, đặc biệt là thế giới phương Tây, khi tính duy lý được đẩy mạnh đến cực đoan, người ta lại đang chứng kiến một sự trỗi dậy chưa từng thấy, hay đúng hơn, một sự “trở về vĩ đại” của chủ nghĩa bí truyền dưới đủ mọi hình thức và màu sắc khác nhau, có đủ khả năng lôi cuốn và tập hợp nhiều tầng lớp khác nhau của xã hội, kể cả tầng lớp được xem là “tinh hoa”. Theo Frédéric Lenoir, sự nghịch lý này có thể được giải thích bằng cấu trúc lưỡng phân của bộ não con người: khả năng tái lập sự quân bình giữa hai cực, hai chức năng chủ yếu của hai bán cầu não trái và não phải; một đằng chủ trị các chức năng thuộc về logic, lý trí và một đằng chủ trị chức năng có tính chất trực giác, tưởng tượng và thi ca.

Theo cách đánh giá của Osho, nhà huyền học Ấn Độ hiện đại, một trong những sự kiện có ý nghĩa nhất trong thế kỷ 20 vừa qua, đó là việc khám phá ra rằng con người không phải chỉ có một trí não với hệ thống các chức năng thuần nhất, mà trong thực tế, trí não này được phân chia ra thành hai bán cầu não với sự chuyên trách các chức năng khác biệt và đối lập với nhau. Có thể hình dung sự khác biệt về mặt chức năng của bán đầu não trái và bán cầu phải như sau:

Bán cầu não trái 
-Phân tích
-Logic
-Suy luận, mô phỏng
-Khoa học (toán học)
-Lý tính
-Hợp lý, chính xác
-Khuynh hướng Aristole…
-Duy lý 
Bán cầi não phải
-Tổng hợp
-Phi logic
-Trực giác, sáng tạo
-Nghệ thuật (thi ca)
-Huyền môn (tôn giáo)
-Vô lý, lãng mạn
-Khuynh hướng Plato…
-Duy linh

Điều bí ẩn của bộ não chính là ở chỗ tuy hai bán cầu não này thường xung khắc với nhau (thể hiện dưới dạng ‘xung đột nội tâm’), nhưng trong thực tế, sự hoạt động của một bán cầu não duy nhất (trái hoặc phải) không thể có được nếu không có sự ‘liên kết’ hay ‘hợp tác’ với một bán cầu não ở phía bên kia. Điều đó cho thấy hoạt động chức năng của não là một loại hoạt động vừa có tính chất chuyên biệt lại vừa có tính chất phức hợp.

Trong thực tế đời sống, nhất là trên phương diện giáo dục, sự ưu thế của tính chuyên biệt lại nổi trội và sự chuyên biệt ở đay lại thuộc về khuynh hướng của bán cầu não trái chứ không phải ở bán cầu não phải. Xét theo khía cạnh hiệu của giáo dục, có thể nói rằng, về tổng thể, nền giáo dục ngày nay, dù ở phương Đông hay phương Tây, là nền giáo dục của bán cầu não trái, được xây dựng theo tinh thần duy lý trên cơ sở khoa học thực nghiệm và óc phân tích logic toán học. Đó là một nền giáo dục có tính chất thực dụng, ưa chuộng tính chính xác nghiêm ngặt trong cách định lượng sự vật và đề cao tính hiệu quả của hoạt động con người, đặc biệt là trên phương diện vật chất. Có thể nói rằng, trong phạm vi nhà trường, kể từ thế kỷ Ánh sáng cho tới nay, với những sắc thái khác nhau theo từng giai đoạn phát triển của lịch sử, về cơ bản, nền giáo dục thuộc bán cầu não trái đã thống trị một cách gần như tuyệt đối và ‘sản phẩm’ do nền giáo dục này tạo ra tất nhiên cũng mang đặc trưng và phẩm chất của nó.

Trong thế kỷ 20 vừa qua, thế kỷ được xem là ‘thời đại của phân tích’, nền giáo dục thuộc bán cầu não trái đã phát triển gần như đến sự tột đỉnh, và do tính ưu trội của nó trong việc giải quyết những vấn đề thực tiễn của khoa học và đời sống, đã được đánh giá rất cao và được xem như nền giáo dục duy nhất mà con người có thể tạo ra và hưởng thụ. Trong nền giáo dục như thế, những người học thuận về bán cầu não phải trở thành thiểu số thầm lặng, đau khổ và vì không có tiếng nói quyết định, họ đành miễn cưỡng phải đi theo đa số. Tuy nhiên, ngay trong đa số thành viên của nền giáo dục thuộc bán cầu não trái, không phải tất cả đều cảm thấy thỏa mãn, mà qua khảo sát cho thấy họ cũng luôn ở trong tâm trạng muốn đi tìm ‘một nửa khác’ của đời sống bản thân, ‘một nửa khác’ đó thuộc về về bán cầu não phải. Điều này có thể giải thích dễ dàng bằng chính bản chất hữu thể con người, như Edgar Morin, đó là bản chất đồng thời vừa có tính trí tuệ (thuộc bán cầu não trái) lại vừa có tính tâm linh (thuộc bán cầu não phải).

Với viễn tượng như thế, vấn đề giáo dục và phát triển tâm linh (mà tôn giáo có một vai trò quan trọng và nổi bật nhất) được đặt ra không phải chỉ như một phản ứng nhất thời đối với nền giáo dục có tính chất duy lý cực đoan, mà còn như một thách đố lớn đối với việc xây dựng và phát triển một nền giáo dục có tính chất chủ toàn, hay nói bằng ngôn ngữ ngày nay, đó là ‘nền giáo dục toàn năng’ (holistic education, hiểu đúng nghĩa, đó là nền giáo dục có tính chất tổng thể, không thiên lệch hoặc bán cầu não trái hay bán cầu não phải, mà là một sự kết hợp hữu cơ giữa chúng). Đó cũng là con đường của sự hòa giải ngay trong tâm thức con người.

Tất nhiên, để đi đến sự chuyển hóa như thế và cũng để tạo ra những tiền đề cần thiết nhằm xây dựng ‘nền giáo dục toàn năng’ trong thực trạng của giáo dục duy lý và duy sự đã và đang diễn ra, điều cần thiết trước mắt và có ý nghĩa quan trọng là xây dựng và phát triển một cách hệ thống yếu tố giáo dục tâm linh, không phải để phủ định nền giáo dục duy lý mà với vai trò là yếu tố bổ sung cần thiết.

Xây dựng nền ‘giáo dục toàn năng’ với sự tích hợp phẩm chất của cả hai bán cầu não, đó là con đường thực hiện tinh thần trung đạo trong giáo dục.

Các tin đã đăng: