Lời giới thiệu của người dịch:
Howard Cutler một nhà tâm lý học và thần kinh học người Mỹ nhờ duyên
may đã gặp được Đức Đạt-Lai Lạt-Ma vào năm 1982 và sau đó đã trở thành
một đệ tử thân tín của Ngài. Đến năm 1990 ông đề nghị với Đức Đạt-Lai
Lạt-Ma viết chung một quyển sách với chủ đề hạnh phúc, sách sẽ mang
tính cách khá đại chúng dành cho người không theo đạo Phật cũng như
những tín đồ Phật giáo. Sở dĩ ông nêu lên ý kiến này là vì nhận thấy
cho đến lúc ấy Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã cho xuất bản khoảng 30 quyển sách
thế nhưng hầu hết đều dành cho những người Phật giáo và tu học Phật
giáo. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã chấp thuận đề nghị này.
Không lâu sau đó ông tạm ngưng hoạt động nghề nghiệp và bỏ ra năm năm
liền để suy nghĩ và thảo luận với Đức Đạt-Lai Lạt-Ma về quyển sách mà
ông đã đề nghị. Bản thảo hoàn tất vào năm 1997, thế nhưng không một nhà
xuất bản lớn nào nhận phát hành, viện cớ là sách của Đức Đạt-Lai
Lạt-Ma thì tốt, thế nhưng
nếu viết chung với một người khác thì e rằng sẽ không có độc giả.
Howard Cutler may mắn gặp lại một người bạn cũ làm việc trong ngành in
ấn, người này giới thiệu ông với một cơ quan văn hóa và sau đó là một
nhà xuất bản lớn. Quyển sách được xuất bản vào năm 1998 với tựa đề "Nghệ thuật mưu cầu hạnh phúc" (ấn bản tiếng Anh: The Art of Happiness, nxb Riverhead, 1998; ấn bản tiếng Pháp: L'Art du Bonheur,
nxb Robert Laffont, 1999). Quyển sách thành công một cách bất ngờ và
được xếp ngay vào danh sách những quyển sách bán chạy nhất thế giới và
được dịch ra năm mươi thứ tiếng. Tờ nhật báo New York Times đã xếp quyển
sách này vào danh mục các sách bán chạy nhất nước Mỹ trong suốt
chín-mươi-bảy-tuần-lễ liên tiếp.
Thế là sau đó quyển sách "Nghệ thuật mưu cầu hạnh phúc" số 2
được ra đời vào năm 2004. Nếu quyển số 1 mang nội dung khá tổng quát
và nêu lên nhiều chủ đề khác nhau, thì quyển thứ 2 lại hướng nhiều hơn
vào hạnh phúc cá nhân và môi trường làm việc. Tiếp theo đó đến năm 2009
thì quyển thứ 3 được phát hành và mang tựa đề là "Nghệ thuật mưu cầu hạnh phúc trong một thế giới nhiễu nhương" (ấn bản tiếng Anh: The Art of Happiness in a troubled Word, nxb Doubleday và Random House, 2009; ấn bản tiếng Pháp: L'Art du Bonheur dans un Monde incertain,
nxb Robert Laffont, 2011, 500 trang). Nội dung của quyển thứ 3 nêu lên
chủ đề mưu cầu hạnh phúc trong bối cảnh chung của xã hội và nhân loại.
Bài chuyển ngữ dưới đây gồm trọn chương VI của quyển sách thứ 3 trên
đây (tr.181-202, theo ấn bản tiếng Pháp). Sở dĩ chương này được chọn để
chuyển ngữ vì mang ít nhiều tính cách thời sự của nó, và sau đó là để
giới thiệu quyển sách này với độc giả.
Hoang Phong
--------------------------------------
Ít lâu sau biến cố 11 tháng 9, tôi quay lại Dharamsala tìm gặp Đức
Đạt-Lai Lạt-Ma hầu nối lại các cuộc bàn thảo còn dở dang. Một năm, hay
ít nhất thì cũng gần một năm, đã trôi qua sau khi tôi gặp Ngài lần sau
cùng trong gian phòng này, thế nhưng hình như gian phòng vẫn thế, không
một chút gì thay đổi. Thật ra thì gian phòng vẫn nguyên như thế đã từ
hai mươi năm nay, từ khi tôi đến đây để viếng thăm Ngài lần đầu tiên.
Dường như lúc nào gian phòng cũng gợi lên cái cảm giác rộng mở và an
bình, và hôm nay cái cảm giác đó vẫn còn nguyên, có lẽ là nhờ vào các
cánh cửa sổ thật rộng, một bên thì trông ra một vùng núi cao với các
đỉnh non phủ tuyết, một bên thì nhìn xuống thung lũng Kangra xanh mướt,
trải rộng ra đến tận phía chân đồi. Cũng vẫn những tấm thang-ka cổ xưa
treo lủng lẳng trên các bức tường vàng nhạt, đấy là những tấm tranh
mang biểu tượng của nữ thần Ta-ra, tranh được viền bằng những giải lụa
đủ màu sặc sỡ. Tấm bản đồ nổi của xứ Tây tạng vẫn còn đó, vẫn chiếm
trọn cả một bức tường, từ chân tường lên đến trần. Cũng vẫn cái bàn thờ
Phật trước đây, trên bàn bày các ảnh tượng, bát chuông và các ngọn đèn
đốt bằng bơ thật tinh xảo, tất cả vẫn giữ nguyên vị trí không xê dịch
một ly. Chiếc ghế độn bông thật đơn sơ của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma vẫn nằm
đấy và cả chiếc trường kỷ mà trước đây tôi vẫn thường ngồi, tất cả được
đặt chung với một chiếc bàn sơn mài thấp màu đỏ sậm. Quang cảnh hiện ra
với tôi không một chút gì thay đổi.
Thật thế, nơi đây tất cả vẫn nguyên vẹn như xưa. Đang mơ màng ngắm
nhìn quang cảnh chung quanh và chìm sâu trong sự im lìm mênh mông đó,
thì bỗng nhiên tôi chợt nghĩ rằng qua những thời gian dài như thế thì
ít ra cũng phải có một chút gì thay đổi chứ. Thật thế những gì thay đổi
chỉ xảy ra ở gian phòng bên cạnh, nơi ngồi chờ của những người đến
viếng thăm Ngài. Hết năm này sang năm khác, các bức tường của gian
phòng ngày càng trĩu nặng thêm vì các phần thưởng, văn bằng danh dự,
huân chương và những tấm bảng ngợi khen đủ loại ngày càng được treo
thêm.
Thế nhưng trong khi đó thì thế giới bên ngoài lại đầy rẫy những biến
động. Sau lần viếng thăm cuối cùng của tôi và nhất là vào những tháng
gần đây, đã bùng ra cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, lại thêm
một biến cố nữa của thế giới gợi lên cho chúng ta những cảnh tượng tàn
ác và ghê rợn do chính con người tạo ra.
Sáng hôm đó, chúng tôi (tức Đức Đạt-Lai Lạt-Ma và Howard Cutler)
cùng nhau tìm hiểu về bộ mặt tối tăm nhất của tính khí con người, qua
những hành động hung bạo, hận thù và tàn ác mà con người đã sử dụng để
cư xử với nhau. Trong lần đàm đạo cuối cùng trước đây, chúng tôi cũng
đã có ý định tìm hiểu sự vận hành của các tư duy đối nghịch khiến phát
sinh một hố sâu chia rẽ giữa "Chúng ta" và "Họ", mang lại đủ mọi thứ
định kiến và xung đột. Trong lần gặp gỡ này, chúng tôi sẽ phân tích
những nguyên nhân nào đã gây ra sự hung bạo và các cách hành xử hung
hăng của con người. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu từ đâu đã phát sinh
ra những hành động hung hãn và tệ hại đó. Trước hết chúng tôi nêu lên
một chủ đề thật căn bản để bàn thảo: có phải tính khí dữ tợn và hung
hăng là bản chất tự nhiên của con người hay không?
Chúng ta thật sự có sẵn bản chất hung bạo hay chăng?
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma kể lại biến cố ngày 11 tháng 9 như sau:
- Sáng hôm đó, sau khi thiền định xong thì vị phụ tá Lobsang Gewa
bước vào văn phòng làm việc của tôi và cho tôi biết là hai tòa tháp
của Trung tâm Thương mại Thế giới ở Nữu Ước bị tấn công, và cả hai tòa
tháp đã bị đánh sập!
Tôi liền hỏi Ngài:
- Lúc đó phản ứng của Ngài ra sao?
- Quả thật tôi không thể nào tin nổi. Tôi tự nghĩ: "Làm gì lại có
thể xảy ra chuyện đó được". Tôi cứ ngỡ là người ta bịa chuyện thế
thôi. Tôi liền mở chương trình Thời sự Thế Giới của đài truyền hình BBC
và nhìn thấy những chiếc máy bay đâm thẳng vào hai tòa tháp. Lửa tóe
lên và hai tòa tháp sụp xuống. Lúc đó tôi mới tin là thật. Tôi nhìn
thấy những người lâm vào cảnh tuyệt vọng phóng mình ra khỏi cửa sổ để
khỏi bị thiêu sống. Quả là một cảnh tượng thật thảm thương! Còn có sự
tàn phá nào hơn! Thật là một chuyện không thể tưởng tượng được. Thật
không hiểu nổi.
- Vậy ngay lúc ấy sau khi mọi hoài nghi đã tan biến thì Ngài đã phản ứng ra sao?
Ngài lắc đầu một cách buồn bã:
- Tin đó tác động mạnh đến tôi và nhắc cho tôi biết về cái tiềm
năng tàn phá lớn lao đó của con người. Thật là một sự hận thù mênh mông!
Chuyện ấy gần như vượt khỏi sức tưởng tượng. Sau đó thì tôi cầu nguyện
cho tất cả các nạn nhân vô tội và cho gia đình họ.
Hồi tưởng lại phản ứng vào ngày hôm ấy của toàn nước Mỹ trước cuộc
tấn công - phản ứng trước sự lăng nhục, và quyết tâm truy tố kẻ tội phạm
trước pháp luật - tôi liền hỏi Đức Đạt-Lai Lạt-Ma như sau:
- Khi nhìn thấy những cảnh khổ đau khủng khiếp mà những kẻ khủng
bố, chẳng hạn như Bin Laden, gây ra cho hàng ngàn nạn nhân vô tội, và
khi nhìn thấy con người có thể nhẫn tâm đến mức độ đó, thì lòng tin căn
bản của Ngài nơi lòng nhân từ của bản chất con người có bị sứt mẻ chút
nào hay không?
- Không, nhất định là không, Ngài đáp lại một cách thật quả
quyết. Dù cho một nhóm người có gây ra các hành động kinh khiếp đó, thì
tôi vẫn luôn tin tưởng một cách thật vững chắc nơi lòng từ tâm căn bản
của con người. Thật thế bản chất của chúng ta là nhân từ và không hung
bạo từ căn bản.
Thật ra không phải đây là lần đầu chúng tôi nêu lên nền móng của bản
chất con người. Tôi nghĩ đến lần đầu tiên chúng tôi nêu lên vấn đề này,
cách nay cũng đã hơn mười năm (trong quyển "Nghệ thuật mưu cầu hạnh phúc 1"). Thật thế quan điểm của Ngài không có gì thay đổi cả.
Thật vậy dù tôi đã hoàn toàn ý thức được quan điểm nhất thiết tích
cực của bản chất con người mà Ngài chủ trương, thế nhưng tôi vẫn cảm
thấy khá ngạc nhiên trước giọng nói vô cùng quả quyết của Ngài khi Ngài
giải thích cho tôi biết là biến cố 11 tháng 9 không hề làm cho lòng
tin của Ngài nơi bản chất từ tâm của con người bị sứt mẻ. Dù phải đứng
trước những cảnh giết chóc hàng ngàn người vô tội một cách man rợ và
điên rồ thì Ngài cũng không cảm thấy một chút thắc mắc nào về lòng từ
tâm nơi con người. Trái lại, niềm tin của Ngài lại càng trở nên vững
chắc hơn bao giờ hết. Vì muốn tìm hiểu thêm từ đâu Ngài đã tìm thấy cái
sức mạnh của niềm tin đó tôi đã hỏi Ngài như thế này:
- Vậy khi trông thấy cảnh con người cư xử với nhau vô cùng tàn
nhẫn và kinh khiếp như thế thì phải làm thế nào để tránh cho niềm tin
của mình nơi lòng tốt tự nhiên của bản chất con người không bị lung
lay, khi mà những người gây ra những cảnh tượng tàn ác, chẳng hạn như
biến cố 11 tháng 9, là những người quyết tâm và tham gia tích cực?
Đức Đạt-Lai Lạt-ma suy nghĩ một lúc rồi trả lời như sau:
- Có lẽ là nhờ tôi biết đặt ngay những biến cố đó trong một tầm
nhìn thật bao quát. Khi những biến cố như thế xảy ra, chúng ta thường có
xu hướng tìm một cá nhân nào đó hay một nhóm người nào đó để lên án
họ. Thế nhưng tôi tin rằng chúng ta sai lầm khi tìm kiếm một cá nhân
hay một nhóm người để cô lập hóa họ và xem họ như là một nguyên nhân duy nhất. Nếu
biết chọn một tầm nhìn thật rộng lớn, ta sẽ hiểu rằng nguyên nhân mang
lại sự hung bạo thật đa dạng. Có vô số nguyên nhân đủ loại đã góp phần
tạo ra những biến cố như thế. Thật vậy có không biết bao nhiêu nguyên
nhân... Trong trường hợp mà chúng ta đang bàn thảo, tôi tin rằng đức
tin tôn giáo cũng đã dự phần không nhỏ.
Ngài tiếp tục giải thích thêm:
- Thật vậy, khi suy nghĩ chín chắn hơn bạn sẽ nhận ra là có rất nhiều nguyên nhân khác nhau (xa hay gần, trực tiếp hay gián tiếp) đã dự phần vào thảm trạng đó (nguyên lý tương liên và tương kết giữa mọi hiện tượng - interdependence).
Đối với tôi, cách suy nghĩ đó về một sự kiện sẽ làm hậu thuẫn thêm cho
một sự suy nghĩ khác thật then chốt: đó là sự suy nghĩ giúp tôi nhìn
thấy nền kỹ thuật hiện đại được phối hợp với trí thông minh con người
và bị chi phối bởi những thứ xúc cảm tiêu cực, chính là nguyên nhân
khiến cho tai họa xảy ra, dù đấy là những thứ tai họa không thể tưởng
tượng nổi.
- Xin Ngài giải thích thêm.
- Có lẽ bạn cũng hiểu, khi hy sinh cả tính mạng của mình để làm
việc đó thì nhất định kẻ khủng bố cũng phải có một quyết tâm cực mạnh.
Nếu không bị chi phối bởi các thứ xúc cảm hung bạo và tiêu cực thì
chuyện đó không thể nào xảy ra được. Vậy những gì đã tạo ra động cơ
thúc đẩy đó. Dù sao đi nữa thì cũng phải hiểu rằng động cơ thúc đẩy đơn
thuần tức những xúc cảm tiêu cực, không thể nào tự nó có thể gây ra
được những biến cố như thế. Nếu suy nghĩ kỹ bạn sẽ hiểu rằng cuộc tấn
công khủng bố đó phải được chuẩn bị từng chi tiết và từ lâu, từ nhiều
tháng nếu không muốn nói là từ nhiều năm trước. Chẳng hạn phải tính toán
như thế nào để các chiếc máy bay còn đầy xăng. Các hoạch định chính
xác như thế nhất định phải nhờ đến trí thông minh con người. Hơn nữa
muốn thực hiện những hành động như thế tất nhiên thủ phạm cũng phải có
đầy đủ các phương tiện cần thiết. Chẳng hạn trong trường hợp trên đây,
phi cơ đã được đem ra sử dụng, và đấy là một sản phẩm của kỹ thuật hiện
đại. Tóm lại đấy là những gì tôi hiểu (Đức Đạt-Lai Lạt-Ma phân tích một hiện tượng dựa vào nguyên lý tương liên hay lý duyên khởi - pratityasamutpada, interdependence - một cách thật tuyệt vời, vừa khéo léo lại vừa dễ hiểu cho mọi người).
Sau khi thở dài Đức Đạt-Lai Lạt-Ma lại trình bày tiếp:
- Bạn cũng hiểu là phải có thật nhiều nhân tố kết hợp lại để làm
phát sinh ra các hành động kinh khiếp đến thế. Thật vậy, hận thù đã
khích động những con người ấy. Khi biến cố 11 tháng 9 xảy ra và khi
trông thấy tòa tháp thứ nhất vừa sập xuống tôi cũng đã tự nghĩ: "Hận
thù! Kẻ thù địch thực chính là nó!" (vậy
nếu không muốn thảm họa xảy đến cho mình thì không nên gây ra hận thù.
Thật không có gì đơn giản hơn, thế nhưng lúc nào cũng có kẻ gây ra hận
thù, xúi dục người khác hận thù bằng mọi cách).
- Thưa Ngài, tôi hiểu quan điểm của Ngài, và tôi cũng ý thức được
là phải có thật nhiều nhân tố kết hợp lại để tạo ra những hành động
kinh khiếp ấy. Thế nhưng vào phía cuối đầu dây cùng phải có một cá thể
hay một nhóm người nào đó đứng ra thực thi những hành động bạo ngược
gây ra đau thương cho người khác. Vì thế, theo Ngài thì nếu đặt sang
một bên tất cả các nhân tố phức tạp và tất cả các nguyên nhân khác như
Ngài vừa nêu lên, thì phải chăng vẫn có một số người nào đó thật sự là
những người tồi tệ mang một bản chất xấu xa hay không?
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma lắc đầu và trả lời với tôi:
- Khái niệm về sự xấu, hay đích danh là "cái xấu", thật ra không hàm chứa một tính cách vững chắc nào cả (tất cả mọi thuộc tính đều là quy ước, tương đối và không mang tính cách tự tại).
Theo những gì chúng ta đã có dịp bàn thảo trước đây là người Tây
phương đôi khi có xu hướng nhìn mọi sự qua một khía cạnh tuyệt đối: đen
là đen, trắng là trắng, hoặc hoàn hảo hoặc không có gì cả. Hơn thế
nữa, dưới sự chi phối của các thể dạng tâm thần như sự giận dữ chẳng
hạn, thì xu hướng đó lại còn trở nên khó lay chuyển hơn nữa. Một hình
thức méo mó nào đó của tư duy, của sự nhận thức sẽ đứng ra để áp đặt
tất cả. Và cũng như tôi vừa nêu lên, khi nhìn thấy các biến cố đại loại
như thế, thì tức khắc người ta tìm ngay một đối tượng nào đó để đổ lỗi,
tức là một thứ gì thật cụ thể để dồn tất cả sự phẫn uất và giận dữ của
mình vào đấy. Trong tình trạng đó, ta sẽ nhìn thấy mọi sự dưới những
thể dạng hoặc là tốt hoặc là xấu. Dưới góc nhìn đó chúng ta sẽ thấy con
người hoàn toàn tồi tệ.
"Thế nhưng, theo quan điểm Phật giáo, không có một khái niệm nào
về một cái xấu tuyệt đối, với ý nghĩa một cái xấu hiện hữu một cách độc
lập - hoàn toàn không do một các nguyên tố khác tạo ra, cũng không hề
gánh chịu tác động của các thành phần khác, hoặc bị các cảnh huống khác
làm cho biến đổi khác đi. Cái xấu "tuyệt đối" hàm chứa một ý nghĩa
trường tồn. Tóm lại chúng ta không thể nào chấp nhận được ý kiến cho
rằng con người là xấu, với ý nghĩa một con người nhất định nào đó mang
bản chất xấu một trăm phần trăm, và cái xấu đó lúc nào cũng nguyên vẹn
vì đấy là bản chất cố định của họ, và từ căn bản không còn cách nào
thay đổi được.
"Hơn nữa, vẫn theo quan điểm Phật giáo, chúng ta không thể dựa
vào bất cứ một khái niệm nào để chỉ đích danh một cá nhân nhất định nào
đó đứng ra thực thi một điều xấu, sở dĩ cá nhân đó phạm vào những hành
động tồi tệ là vì họ bị chi phối bởi tác động của những xúc cảm tiêu
cực và những xu hướng tai hại, và cứ tiếp tục như thế... - từ đó chúng
ta sẽ hiểu ngay rằng cách hành xử tai hại của cá nhân ấy phát sinh từ
một số nguyên nhân và một số cảnh huống nào đó (theo
quan điểm Phật giáo, nếu có một người cầm gậy đánh ta và làm cho ta
đau đớn, thì cây gậy tự nó không biểu trưng cho một "cái xấu tuyệt
đối", người cầm gậy đánh ta cũng thế, cũng không hàm chứa một "cái xấu
tự tại" nơi bản chất của họ, mà thật ra họ chỉ là nạn nhân của những xúc
cảm bấn loạn trong tâm thức xui khiến họ đánh ta, và các xúc cảm ấy
chính chúng cũng lại phát sinh từ những nguyên nhân khác và bị tác động
bởi các cảnh huống đã và đang xảy ra để khơi lên những xúc cảm bấn
loạn cho người ấy và tiếp tay cho hành động cầm gậy của người ấy..., và
sau cùng thì cũng biết đâu chính ta cũng đã góp phần trực tiếp hay
gián tiếp tạo ra những những nguyên nhân và những cảnh huống ấy?). Chúng
ta nghĩ rằng có thể tìm thấy ngay được nguyên nhân của các loại biến cố
như thế mà không cần phải thắc mắc gì về các nguyên lý triết học siêu
hình nào cả, thí dụ như không cần biết đến ý nghĩa thật sự của cái xấu
là gì.
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma kết luận như sau:
- Trên nguyên tắc, nếu một người nào đó phạm vào một hành động
phá hoại lớn lao, đương nhiên bạn có thể kết luận đấy là một thứ hành
động mang tính cách tệ hại. Tất nhiên là bạn có lý. Và nhất định ta
phải chống lại hành động đó như là một hành động tai hại, có nghĩa là
phải chọn cho mình một vị thế thật minh bạch. Trong trường hợp trên
đây, tất nhiên ta có thể bảo rằng động cơ thúc đẩy và hành động mà cá
thể ấy thực thi là xấu xa, bởi vì chúng mang tính cách tàn phá. Thế
nhưng, khó cho ta bảo rằng cá thể ấy là một "con người xấu xa", có
nghĩa là xấu xa một cách tự tại và tuyệt đối (động
cơ xui khiến và hành động đều xấu xa thế nhưng trên phương diện con
người thì không nhất thiết là xấu xa. Thí dụ một người phạm vào những
hành động vô cùng tàn ác, thế nhưng biết đâu trong lòng họ thì họ cũng
biết thương vợ, thương con, thương cha mẹ, đồng bào và quê hương họ,
biết bảo vệ lý tưởng của họ, dù đấy chỉ là một lý tưởng sai lầm đi nữa.
Vì thế thật khó mà bảo rằng người ấy tượng trưng cho một sự xấu xa
tuyệt đối), bởi vì bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra một số
sự kiện nào đó chen vào sự diễn tiến của biến cố khiến cho cá thể ấy
không phạm vào những hành vi tai hại.
- Tôi hoàn toàn hiểu được cách lý luận của Ngài, thế nhưng nếu
Ngài cho rằng hành động đó phát sinh từ một chuỗi dài gồm nhiều nguyên
nhân và nhiều cảnh huống khác nhau, và nếu Ngài xem kẻ ấy hành động như
thế chỉ vì bị chi phối bởi các nhân tố trên đây khi chúng biến thành
một nguyên nhân đích thực để xui khiến hắn, thì người ta có thể cho
rằng Ngài đã nhắm mắt bênh vực cho hành động của người ấy, và xem đấy
không phải là một lỗi lầm của hắn? Tôi có cảm giác là khi Ngài càng
phân tích các nguyên nhân và cảnh huống đưa đến hành động đó, thì Ngài
lại càng có vẻ như muốn tha thứ cho những kẻ gây ra hành động.
- Mấu chốt chính là đấy, nếu đã khẳng định một người nào đó không
hoàn toàn xấu xa từ căn bản, và cái xấu chỉ mang tính cách tương đối
và lệ thuộc vào nhiều nhân tố khác, thì cũng có nghĩa là không thể viện
dẫn một lý do chính đáng nào để kết án họ đã phạm vào các hành động
ấy. Nếu bạn biết mở rộng lòng mình để chấp nhận một cách suy nghĩ khác
hơn và hành xử một cách khác hơn trong tương lai, thì cũng không có
nghĩa là bạn dung thứ cho hành động đó, và cũng không có nghĩa là bạn
nhắm mắt để không lên án kẻ đó là người phải chịu trách nhiệm và xem họ
là người không liên can gì cả đến thực trạng (tóm
lại nếu suy nghĩ kỹ thì sẽ thấy những gì mà Đức Đạt -Lai Lạt-Ma vừa
trình bày chính là cách hành xử của một người bồ-tát, và cách hành xử
đó chẳng những đúng trên phương diện từ bi mà còn đúng cả trên phương
diện thực tế).
Tôi vặn lại như sau:
- Nếu như thế thì bất kể là các hành động hung bạo kinh hồn đó là
do một số nguyên nhân và cảnh huống nào đó gây ra hay là do một số cá
thể xấu xa chủ động, thì cũng không thể nào không công nhận là chính
con người có thừa can đảm để nhúng tay vào những hành động đó. Lịch sử
tiến hóa của nhân loại cho thấy là chính chúng ta tự xem nhau là những
con mồi của nhau và tạo ra đủ mọi thứ đớn đau cho nhau. Sau khi được
biết đích xác là cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 không phải là một chuyện
bịa đặt thì chính Ngài đã nêu lên phản ứng thứ hai của Ngài là: "sự
kiện ấy chính là một sự nhắc nhở thật mạnh cho chúng ta về khả năng tàn
phá của con người". Thật ra thì cũng có rất nhiều những sự... nhắc nhở
khác thật kinh hoàng và vượt khỏi sức tượng tượng - chẳng hạn như các
hành động tàn phá đại loại như Shoah (tiếng Do thái shoah có nghĩa là "thảm họa", và còn gọi là holocaust,
tức là nghi lễ hiến sinh theo tục lệ tôn giáo của người Do thái và của
người Hy lạp cổ, các chữ này dùng để ám chỉ sự thảm sát người Do thái
trong Thế chiến Thứ hai). Đối với tôi những nhắc nhở ghê gớm
đó về tiềm năng tàn phá của chúng ta và khả năng gây ra những điều tệ
hại khiến cho người khác khổ đau ít ra cũng phải làm cho chúng ta suy
nghĩ và thúc đẩy chúng ta phải cố gắng tìm hiểu cái gương mặt thật tối
tăm đó của bản chất con người.
Ngài gật đầu một cách trịnh trọng, cân nhắc từng lời và đáp lại như sau:
- Thật thế, khi đứng trước những cảnh ghê rợn chẳng hạn như
Shoah, thì lòng tin nơi nhân loại của bạn biết đâu cũng có thể bị lung
lay. Bạn có biết không, tôi không thể nào quên được lần đầu tiên tôi
viếng thăm trại tập trung Auschwitz (trại diệt chủng lớn nhất của Đức Quốc Xã).
Tôi không thể nào quên được những gì tôi trông thấy, chẳng hạn như một
đống giày cao ngất, những chiếc giày của các nạn nhân để lại... Thế
nhưng những gì đã khiến cho tôi bị chấn động mạnh và vương vấn mãi
trong tôi chính là sự kinh hoàng và một nỗi buồn đau thật sâu đậm xâm
chiếm lấy tôi, khi tôi trông thấy vô số những chiếc giày nhỏ bé của trẻ
em! Tôi bủn rủn cả người khi nghĩ đến những đứa trẻ vô tội. Chúng nào
có đủ sức để hiểu được những gì xảy ra với chúng. Thật vậy tôi đã phải
thốt lên: "Làm sao lại có thể nhẫn tâm đến như thế được?" Thế rồi chính
tại nơi này tôi đã chắp tay để khấn nguyện.
Những lời sau cùng đó, Ngài thốt lên với một giọng nói thật thấp và
êm đềm. Dư âm bàng bạc trong yên lặng và trên gương mặt Ngài hiện lên
một nỗi buồn u uẩn. Tôi cũng giữ yên lặng một lúc lâu trước khi nối lại
cuộc đàm đạo. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma không tin vào một cái xấu mang tính
cách tuyệt đối. Ngài không hề có cái cảm giác quy tất cả trách nhiệm
gây ra thảm cảnh Shoah cho Hitler và các bộ hạ cuồng tín của ông ta,
trên phương diện đạo đức cũng không hướng vào họ tất cả sức mạnh của sự
nóng giận và bất nhẫn của mình. Thế nhưng qua giọng nói và cách biểu
lộ của Ngài khi nhắc đến những gì đã thấy ở Auschwitz, người ta mới
hiểu được là Ngài đã xúc động đến mức độ nào, và cũng sẽ nhận thấy Ngài
không phải là một con người lạnh lùng vô cảm. Không phải là Ngài không
nhìn thấy những gì ghê rợn trong những thảm cảnh ấy và không hề ý thức
được sự xấu xa do con người gây ra cho nhau, và mặc dù hoàn toàn ý thức
được tiềm năng của con người có thể mang lại mọi sự xấu xa, thế nhưng
sự tin tưởng của Ngài vào lòng từ tâm căn bản của con người không bao
giờ bị sứt mẻ.
Để tiếp lời Ngài, tôi đã giải bày như sau:
- Thưa Ngài, đối với riêng tôi thì tôi lại nghĩ rằng cần phải lý
luận như sau: khi nghĩ đến thảm trạng Shoah hoặc các biến cố khác mang
một tầm mức trầm trọng tương tự, thì những sự thực phũ phàng đó không
nhất thiết bắt buộc chúng ta phải công nhận là cái xấu đương nhiên hiện
hữu trong thế gian này. Hơn nữa chúng còn biểu trưng cho một sự thách
đố trước quan điểm chủ trương bản chất nhân từ nơi con người.
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma nhấn mạnh thêm:
- Tôi đã nhiều lần nói lên quan điểm của tôi là khi nhìn thấy các
cảnh tượng như thế và cứ cho rằng các sự thật ấy biểu trưng cho nền
móng của bản chất con người, để rồi cảm thấy mình dường như bị chúng
xúi dục để hành động tương tự, thì nhất định đấy là một sự sai lầm.
Chúng ta phải luôn ghi nhớ là cách phản ứng đó không phải là những
chuẩn mực để noi theo, chúng không hề mang một chút giá trị nào trong
cuộc sống thường nhật. Quy luật đạo đức Phật giáo từng đưa ra danh sách
các "tội ác kinh tởm", thí dụ như giết cha, giết mẹ, gây chia rẽ trong
tăng đoàn và nhiều thứ tội ác khác nữa. Thế nhưng không phải vì sự
hiện hữu của những thứ tội ác đó mà con người không thể chọn cho mình
một lối sống đạo hạnh.
- Thật vậy, đúng như thế..., thế nhưng...
- Này anh bạn Howard, không nên quên là chúng ta chủ trương một
cách hành xử căn cứ trên lòng từ tâm nơi bản chất con người. Khi đã
hoàn toàn ý thức được điều đó thì tất nhiên chúng ta cũng phải quyết
tâm chọn cho mình một lối sống phù hợp với bản chất đó. Đấy chính là lý
tưởng của cuộc đời chúng ta, là mục tiêu của chúng ta. Chính vì thế mà
chúng ta phải nỗ lực giáo dục nhân loại. Chúng ta cố gắng quảng bá
quan điểm về bản tính tích cực nơi bản chất con người, và giúp mọi
người nhìn thấy là có một khả năng giúp họ bảo vệ được bản tính đó nơi
họ, và ý thức được trách nhiệm của chính mình. Không nhất thiết đấy là
những chuyện liên quan đến tôn giáo và cũng không nhất thiết chỉ đơn
thuần liên hệ đến lãnh vực triết học. Đúng hơn đấy chính là tương lai
của tất cả chúng ta..." (sự sống còn của nhân loại).
Ngài nói lên những điều ấy với một âm điệu chan chứa lòng từ bi vô
biên. Với một sự sáng suốt tuyệt đối và một niềm thương cảm vô biên Ngài
nhận thấy con người tác hại lẫn nhau chỉ vì vô minh mà thôi - một thứ
vô minh thuộc vào bản chất đích thật của chúng ta, một thứ vô minh che
lấp tầm nhìn và cả sự hiểu biết của chúng ta, không cho phép chúng ta
nhìn thấy lòng từ tâm và khả năng mênh mông của chúng ta hầu giúp chúng
ta thực hiện những điều tốt đẹp, và do đó đã khiến chúng ta phải sống
trong cảnh u mê và sợ hãi, trong sự ngờ vực và hận thù người khác.
Trong khi đó, lòng từ bi do Đức Đạt-Lai Lạt-Ma nêu lên không phải là
một thứ gì mang tính cách tình cảm hay định mệnh. Nó luôn đi đôi với
một ý định, một quyết tâm vững chắc nhằm giáo dục người khác hầu giúp
họ phát huy được những gì tốt đẹp nhất nơi khả năng con người của họ,
giúp họ nhìn thấy chính mình đúng với bản chất của mình, nhận thấy mình
quả đúng với những gì mà mình đã nhận thấy nơi mình. Một lần nữa Ngài
lại nhắc đến một số các luận-cứ-căn-bản mà Ngài đã từng nêu lên với tôi
cách nay đã nhiều năm. Ngài khuyên tôi phải thật thận trọng khi đưa ra
các luận chứng cũng như khi lý luận để bênh vực cho khái niệm về bản
chất con người, ngoài các luận cứ thuộc giáo lý Phật giáo về Bản thể
của Phật (tức Phật tính), còn phải dựa
vào các khía cạnh thuộc lãnh vực sinh học nữa. Trước hết Ngài cho biết
là lòng từ bi và sự quan tâm đến người khác sẽ mang lại nhiều biến cải
lợi ích trên phương diện thể xác cũng như các thể dạng xúc cảm trong
tâm thức, và ngược lại thì sự thù địch và cách cư xử hung hăng sẽ mang
lại những hậu quả tàn phá, chẳng hạn như các thứ bệnh tim mạch, và sau
đó thì Ngài nhắc nhở chúng ta nên sử dụng lý trí và cả lương tri để
chọn cho mình loại " bản chất" nào phù hợp nhất với tâm thức và thân
xác của mình, mang lại một kiếp sống tốt đẹp nhất của con người - tức là
phải chọn lựa giữa hai cách hành xử: hung hăng hay nhân từ?
Tôi còn nhớ cách nay nhiều năm khi lần đầu chúng tôi đề cập đến chủ
đề này, Ngài đã nêu lên với tôi một số thí dụ thật tinh vi căn cứ trên
các kết quả nghiên cứu khoa học thật phong phú. Hôm nay thì Ngài lại
căn cứ vào một số luận chứng chẳng hạn như: "Theo y khoa thì một
trong các nhân tố quan trọng nhất cho sự nẩy nở não bộ của một hài nhi
trong những tuần lễ đầu tiên sau khi mới sinh là sự đụng chạm thể xác
với mẹ, hoặc với một người vú nuôi". Mặc dù các luận chứng của
Ngài mang tính cách hoàn toàn duy lý, thế nhưng lúc nào Ngài cũng hiện
ra như một con người hoàn toàn đối nghịch lại với một nhà nhân chủng
học dửng dưng với số phận con người hay một nhà sinh học lạnh lùng và vô
cảm. Ngài phát biểu một cách thật nhiệt tình và luôn tỏ ra quan tâm
đến người khác, giống như ngay trong lúc đó sự sống của những người
đang đối thoại với Ngài đang phải chịu đựng những khó khăn nào đó.
Mặc dù quan điểm của Ngài về bản thể con người thật hết sức lạc quan,
thế nhưng Ngài không bao giờ rơi vào một sự chủ quan mù quáng, và lúc
nào Ngài cũng thật cẩn thận, luôn dựa vào lương tri và lý trí để chọn
cho mình một vị thế. Ngài đã kết luận như sau:
- Thật hết sức rõ ràng, lòng từ tâm căn bản nơi con người dù có
hiện hữu cũng không ngăn chận được các hành động tàn phá xảy ra, chẳng
hạn như biến cố ngày 11 tháng 9. Chúng ta chỉ còn biết cầu mong mỗi cá
nhân tìm được cho mình một lối sống phù hợp với các nguyên tắc phản ảnh
từ bản chất sâu kín của chính mình. Sau hết, cũng phải nói lên rằng
các vị thầy tâm linh dù cho họ đã chủ trương đủ mọi đường hướng, thế
nhưng tất cả đều bất lực không thể biến cải nhân loại trở thành một
thực thể tràn đầy nhân từ. Đức Phật đã thất bại. Đức Chúa Giê-Xu cũng
thất bại. Thế nhưng sau cùng, nếu cho rằng sự thất bại của những vị
thầy vĩ đại ấy trong quá khứ chính là một động cơ thúc dục chúng ta
phải đeo đuổi trọng trách đó, thì tại sao chúng ta lại không ra sức để
thử thực hiện xem sao? Cái quan điểm đó thiết nghĩ cũng không đến nỗi
ngu đần lắm đâu. Thật sự ra thì chúng ta cũng chỉ làm được những gì nằm
trong tầm tay của mình mà thôi.
Xét lại bản chất sơ đẳng của chúng ta
Vào các thập niên sau này, tập thể các khoa học gia bắt đầu tham gia
tích cực hơn vào việc nghiên cứu một chủ đề muôn thuở, đấy là bản chất
của con người: từ căn bản thì cái bản chất ấy mang tính cách hung hăng
và dữ tợn hay nhân từ và tử tế? Suốt trong các thế kỷ trước đây, quan
điểm cho rằng bản chất con người in đậm bởi các vết hằn của sự hung
hãn, tính ích kỷ tự đại và xu hướng tranh dành lãnh thổ, chủ trương bởi
cả một đội ngũ tư tưởng gia, từ những triết gia như Thomas Hobbes và
George Santayana cho đến các nhà nghiên cứu về Tập tính học động vật
(Ethology) như Robert Ardrey và Konrad Lorenz, bắt rễ quá sâu vào nền
văn hóa Tây phương. Ngày nay một số các khoa học gia đã bác bỏ quan điểm
yếm thế đó và con số các khoa học gia này ngày càng tăng thêm. Nếu
quan điểm lâu đời trên đây mang tính cách yếm thế và ác hại, chủ trương
con người mang bản tính hung hãn và độc ác từ bản chất, thì quan điểm
của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma lại hoàn toàn trái ngược, Ngài chủ trương con
người hàm chứa những phẩm tính tích cực, như sự ân cần, lòng từ bi và
cả sự dịu dàng.
Thật ra trước đây cũng có nhiều người, trong số này có cả một số tư
tưởng gia, đã chủ trương một vị thế lưng chừng, tức đứng giữa giữa hai
quan điểm đối nghịch trên đây, thế nhưng ngày nay thì một số lại có xu
hướng nhích lại gần hơn với quan điểm của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma: con số
này ngày càng đông hơn và họ đều công nhận là dù cho bộ não có khả năng
mang lại những hành động hung bạo, thế nhưng sự vận hành của nó trong
lãnh vực sinh lý thần kinh (neurophysiology) cũng như bản chất con
người của chúng ta không hề ẩn chứa bất cứ một thứ gì áp đặt chúng ta
phải hành xử như thế. Một chiều hướng mới về khảo cứu khoa học trong
những năm gần đây đã mang lại thật nhiều kết quả bênh vực cho ý kiến
trên đây, và đánh đổ hoàn toàn quan điểm cho rằng bản chất tự tại của
con người mang tính cách hung bạo. Tất cả chúng ta đều mang trong người
một tiềm năng để phát lộ các nét cá tính, hoặc tích cực hoặc tiêu cực,
thế nhưng đến khi chúng ta biểu lộ hành vi của mình qua sự dịu dàng
hay hung bạo, thì tất cả lại tùy thuộc phần lớn vào giáo dục, vào tác
động của nhiều nguyên nhân khác và các cảnh huống chung quanh.
Thật vậy, có rất nhiều người cảm thấy mình gần gũi hơn với quan điểm
do Đức Đạt-Lai Lạt-Ma chủ xướng, tuy nhiên theo các khoa học gia tân
tiến thì vấn đề cũng chưa hẳn đã ngã ngũ, bởi vì quan niệm cho rằng bản
chất con người vốn hung hăng đã bám rễ quá sâu vào dư luận. Như vậy
thì phải tìm sự thật ở đâu?
Đối với vấn đề này, một cuộc khảo cứu rất tích cực nhằm mục đích tìm
hiểu sự thực về bản chất con người đã mang lại một số kết quả thật bi
thảm, có thể nói là gần như tuyệt vọng. Thật thế, quả hết sức khó để
bào chữa trước một số sự kiện hiển nhiên: chỉ riêng trong thế kỷ vừa
qua hầu như toàn thể hành tinh đã lâm vào hai cuộc chiến thế giới. Thảm
họa Shoah xảy ra trong tiền bán thế kỷ XX, bước sang hậu bán của thế
kỷ này lại xảy ra chiến tranh diệt chủng ở Rwanda. Thật thế, chúng ta
nào có thấy được gì nhiều, lý do là sự hung bạo không nhất thiết chỉ
xảy ra dưới hình thức chiến tranh mà còn xảy ra dưới đủ mọi thể dạng
khác nhau. Sự hung bạo xảy ra cho người phụ nữ trong gia đình chẳng hạn,
và đấy cũng là một hình thức hung bạo mang lại nhiều thương tích nhất.
Hàng triệu phụ nữ trên thế giới là nạn nhân của tệ nạn hiếp dâm, sát
nhân và các hành vi hung hãn khác. Các loại tội phạm đó đã biến thành
một thứ bệnh dịch trong nhiều quốc gia, nhất là tại Hoa Kỳ. Chỉ hai
mươi năm sau Thế Chiến Thứ Nhất, thì hành tinh của chúng ta lại lâm vào
một cuộc xung đột toàn cầu khác (Thế chiến Thứ hai): "cuộc chiến này chấm dứt để chuẩn bị cho một cuộc chiến khác"! Bảng tổng kết thiệt hại trong cuộc bùng nổ thứ hai cho thấy có bảy mươi hai triệu người chết, cả quân nhân lẫn dân sự.
Sau sự thất bại thảm thương của khối Trục (tức sự liên kết giữa nước Đức và nước Nhật),
một tinh thần lạc quan thật sự đã xuất hiện. Quả là thời cơ đã giúp
cho toàn thể thế giới khởi sự lại từ đầu, và đó cũng là một cơ hội để
giải quyết mọi sự tranh chấp thông qua các thế liên minh và các tổ chức
chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc. Quả thật đấy là một niềm hy vọng. Thế
nhưng trên thực tế có xảy ra đúng như thế hay chăng? Năm mươi năm sau
Thế Chiến Thứ hai, một tài liệu của tổ chức Liên Minh Bắc Đại Tây Dương
NATO (North Atlantic Treaty Organization tức là
Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương; tiếng Pháp gọi là OTAN:
Organisation du Traité de l'Atlantique Nord) cho biết trong vòng
nửa thế kỷ đó có tất cả một trăm năm mươi cuộc xung đột vũ khí đã xảy
ra, và các cuộc xung đột này theo ước tính đã gây ra từ hai mươi lăm đến
ba mươi triệu người chết, đấy là chưa kể số người chết vì đói kém,
bệnh tật và các thứ hậu quả gián tiếp khác phát sinh từ các cuộc xung
đột. Vậy trong khoảng thời gian nửa thế kỷ trên đây chúng ta hưởng được
bao nhiêu ngày không chiến tranh? Các bạn cứ đoán xem chúng ta còn lại
bao nhiêu ngày hòa bình trên quả đất này? Hai mươi sáu ngày cả thảy!
Trước những "sự thật" trên đây, chúng ta có phải đành chấp nhận là bản chất con người hung hãn từ căn bản hay không?
May mắn thay, câu trả lời sẽ là không!
Nếu chúng ta biết tuân theo các lời chỉ dạy mà Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
thường xuyên nhắc nhở để hiểu rằng cần phải quán xét cách hành xử của
con người qua một tầm nhìn bao quát và toàn bộ hơn, và biết quan tâm
hơn đến sự tương tác nhất thiết giữa mọi hiện tượng để tạo ra một cảnh
huống nào đó, và nhất là biết nhìn vào các con số tiêu biểu cho cách xử
sự hung hăng, dữ tợn của giống người chúng ta trên bình diện lâu dài,
thì nhất định một loạt các sự kiện mới mẻ sẽ hiện ra và mang lại cho
chúng ta một hình ảnh hoàn toàn khác hẳn về nhân loại. Theo các khảo
cứu gia, vào thời kỳ của các xã hội bán khai khi con người còn sinh
sống bằng săn bắt và nhặt hái thì có đến 30% nam giới chết vì các hành
vi hung bạo do bàn tay của đồng loại gây ra. Vậy trong thế kỷ XX đẫm
máu vừa qua, kể cả chiến tranh, các thảm trạng diệt chủng, các cuộc
xung đột bất tận, thì con số ấy sẽ là bao nhiêu? Dưới 1% ! Chúng ta
hiện đang bước vào buổi bình minh của thế kỷ XXI, và tỷ lệ trên đây còn
tiếp tục hạ thấp xuống một cách thật ngoạn mục. Nhằm mục đích tìm kiếm
thêm các bằng chứng khả dĩ bảo vệ cho giả thuyết trên đây thêm vững
chắc, nhà tâm lý học thuộc đại học Harvard và cũng là tác giả của nhiều
bộ sách là Steven Pinker đã ghi nhận rằng dù là tại những nơi tồi tệ
nhất trên hành tinh này, thì tỷ lệ sát nhân cũng vẫn còn thấp hơn hai mươi lần so với các xã hội bán khai.
Trong vòng một ngàn năm sau này, các con số trên đây tuy có tăng
giảm bất thường, và tỷ lệ ghi nhận về sự hung hãn và bạo lực có vẻ như
mang tính cách chu kỳ, thế nhưng xu hướng chung cho thấy có một sự sút
giảm rõ rệt. Dù cho các hành động bạo lực và sát nhân có giảm chậm đi
nữa thì vẫn mang lại cho chúng ta một sự tin tưởng là quan điểm của Đức
Đạt-Lai Lạt-Ma về bản chất con người là đúng.
Nếu chúng ta muốn tìm kiếm thêm các con số thống kê đủ sức thuyết
phục để chứng minh cho tính cách ưu thế của lòng nhân từ đối với bản
tính hung hãn nơi con người, thì thiết nghĩ cũng không cần phải bõ công
so sánh giữa thái độ cư xử của dân chúng trong các xã hội Tây phương
ngày nay và tổ tiên của họ trong thời tiền sử. Chỉ cần nhìn vào các xã
hội ngày nay cũng đủ, chẳng hạn như vào năm 2004, một cuộc thăm dò rộng
lớn do Trung tâm Quốc gia Thăm dò Dư luận (National Opinion Research
Center) cho thấy là các người Mỹ trưởng thành, mỗi người thực hiện được
900 nghĩa cử vị tha trong một năm. Nếu chúng ta nhân con số này với
tổng số dân chúng trưởng thành của nước Mỹ vào cùng thời kỳ thăm dò trên
đây, thì con số thành sẽ là 28.980.000.000 hành vi nhân ái đã được
thực thi trên đất Mỹ vào năm trên đây! Trong khi đó, cũng vào năm 2004,
FBI (Federal Bureau of Investigation - Văn phòng Điều tra Liên bang)
cho biết có 1.367.009 hành vi phạm pháp mang tính cách hung bạo thuộc
đủ loại đã xảy ra trên toàn thể lãnh thổ quốc gia. Nếu đem so sánh các
con số thống kê trên đây thì cũng đủ để trấn an chúng ta: đối với mỗi
hành vi hung bạo xảy ra trên đất Mỹ trong năm kể trên, thì đồng thời
người ta cũng nhận thấy có đến 17.450 hành vi vị tha.
Nếu mang các con số thống kê hết sức khích lệ trên đây đặt chung với
quan điểm chủ trương bản chất ích kỷ và hung hăng của con người đang
bành trướng rộng rãi trong xã hội, thì cũng không nên ngạc nhiên khi
nhận ra là phần lớn chúng ta đã quan niệm sai lầm về bản chất con
người. Vẫn theo cơ quan FBI thì từ năm 1990 đến năm 1998, trên bình
diện quốc gia, tỷ lệ sát nhân sụt xuống 39,2 %. Thế nhưng trong cùng
thời gian trên đây, con số phóng sự về các vụ sát nhân do các đài
truyền hình trình chiếu gia tăng 473%. Sự kiện đó không phải là một
chuyện ngẫu nhiên. Dựa vào lịch sử tiến hóa, người ta có thể tìm thấy
một số nguyên nhân để giải thích sự kiện đó: tức là tại sao các hành
động bạo lực trình chiếu trên màn ảnh truyền hình lại thu hút được
nhiều người xem hơn là các hành vi biểu lộ lòng nhân từ xảy ra trong
cuộc sống hằng ngày. Trước đây chúng ta cũng đã đề cập đến não bộ, nó
giữ vai trò canh chừng môi trường chung quanh hầu phát hiện các hành vi
đe dọa hoặc những gì nguy hiểm có thể làm phương hại đến tánh mạng của
chúng ta, do đó trong đầu chúng ta đã được trang bị sẵn một thứ gì đó
mà một số người gọi đấy là một bộ não khiếp sợ tai ương, nó được thiết
kế để sẵn sàng dò tìm những gì không được suôn sẻ thuộc bối cảnh chung
quanh - thế nhưng nó lại quên bẵng đi và không hề chú ý đến những gì
tốt đẹp đang xảy ra. Sự chú tâm và quyền lợi của chúng ta bị những hành
vi hung bạo thu hút mạnh hơn so với với những hành động nhân từ. Thật
hết sức khó cho chúng ta trông cậy vào các hệ thống truyền tin thay đổi
bất thần chính sách của họ để đưa lên những chương trình mang nội dung
trung thực hơn với bản chất con người, tức bằng cách trình chiếu
17.540 cảnh tượng vị tha song song với một hành vi bạo lực.
Chính chúng ta phải quyết tâm tạo cho mình một khả năng thật chuyên
biệt nào đó hầu giúp chúng ta phân tích và quan sát thật cẩn thận thế
giới chung quanh để nhìn thấy được những bằng chứng phản ảnh khía cạnh
khả ái và lòng tốt của con người. Một cuộc nghiên cứu sâu rộng sau Thế
Chiến Thứ Hai đã mang lại một bằng chứng thật cảm động. Bảy mươi hai
triệu người chết - một con số khiến chúng ta phải chóng mặt - họ chết
bằng đủ mọi cách: bom đạn, ngư lôi, mìn, trung tâm diệt chủng, kể cả vì
đói kém hay những thứ di hại khác do chiến tranh để lại. Thế nhưng
trong số tất cả các cách giết người đó, thì nổi bật nhất có lẽ chính là
sự hung hãn tự tại nơi con người, biểu trưng quyết tâm của người lính
trên chiến trường tự tay cầm súng để bắn vào đồng loại tức là những
người lính khác, những kẻ thù của họ. Đấy là những trường hợp hiếm hoi
mà hành vi sát nhân được xem là hợp pháp. Trong các trường hợp đó, cách
hành xử hung hăng và tàn ác không những được dung thứ mà còn được
khuyến khích nữa, với hậu ý giúp cho người lính hóa giải mọi ý nghĩ tội
lỗi của họ - đấy là chưa nói đến, trong nhiều trường hợp, có thể hóa
giải cả sự sợ hãi của họ vì chính sinh mạng của họ cũng đang bị lâm
nguy.
Sau cuộc xung đột mang tầm cỡ toàn cầu đó, thiếu tướng S.L.A.
Marshall, sử gia của lực lượng quân đội Hoa Kỳ, đã thực hiện một cuộc
khảo cứu có giá trị vô song. Lần đầu tiên ông mở một cuộc điều tra thật
cẩn thận về tỷ lệ sử dụng súng đạn trong một trận chiến. Kết quả mang
lại thật hết sức bất ngờ, ông đã chứng minh cho thấy chỉ có 15 đến 20%
lính chấp nhận là mình nhắm vào kẻ thù để nhả đạn trong khi hai bên
đang bắn nhau! Con số này được kiểm chứng cẩn thận và đã được công
nhận, và tỷ lệ này sau đó không hề thay đổi. Kết quả trên đây nhất định
không biểu trưng cho một hành vi hèn nhát, vì người lính vẫn xông vào
trận chiến và đôi khi còn sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra
cho tính mạng mình để giải cứu cho các người bạn đồng ngũ. Người lính
nào có thiếu can đảm đâu, thế nhưng sự thật xảy ra không khỏi làm cho
chúng ta phải bối rối. Sau đó đường hướng khảo cứu này còn được tiếp
tục đẩy xa hơn và đã mang lại các kết quả thật rõ ràng: con người tự
nhiên ghê tởm hành động giết chết người khác, kể cả trong trường hợp bị
lâm nguy, và chỉ đơn giản có thế. Than ôi, khám phá đó đã khiến cho
quân đội phải quay ra tìm kiếm những phương tiện khác giúp cho người
lính nhắm bắn kẻ thù (ngoài những cải tiến tinh
xảo trên phương diện kỹ thuật thuộc lãnh vực vũ khí, các phương tiện
tâm lý và tuyên truyền cũng được tận dụng nhằm khích động người lính
hai bên xem nhau như những kẻ thù khát máu, bán nước, hại dân, nô lệ
ngoại bang; các bằng khen thưởng, tuyên dương công trạng và huân chương
anh hùng đủ loại được phân phát như bươm bướm), và thế rồi cuộc
chiến Triều Tiên và sau đó là cuộc chiến Việt Nam đã xảy ra và con số
tỷ lệ điều tra trên đây đã tăng cao một cách nhanh chóng. Dầu sao đi
nữa thì các kết quả điều tra tiên khởi đã chứng minh hùng hồn cho giả
thuyết của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma là đúng: đó là giả thuyết đặt lòng tin nơi
một nhân loại nhân từ, lòng từ tâm của con người luôn trội hơn sự ham
muốn chém giết của họ và sự khả ái vượt lên trên sự hung hăng.
Đối với công việc tìm hiểu sự thật về bản chất con người đưa ra trên
đây có lẽ cũng nên xét đến quan điểm của một nhân vật mà phần đông cho
rằng đã tạo được nhiều ảnh hưởng đối với khái niệm hiện đại về bản chất
của nhân loại, ít ra thì khái niệm ấy cũng phản ảnh phần nào trí tuởng
tượng của quảng đại quần chúng: vị ấy chính là Charles Darwin. Trong
thuyết tiến hóa của Darwin, có một số định luật chẳng hạn như sự "chọn
lọc thiên nhiên" và sự "sống còn của các cá thể thích ứng nhất" đã làm
đảo lộn cách mà chúng ta nhìn vào chính chúng ta. Trong các xã hội ngày
nay, phần đông mọi người đều có một kiến thức quá mơ hồ về các khái
niệm do Darwin đưa ra. Các khái niệm như "sự chọn lọc thiên nhiên" và
"sự sống còn của các cá thể thích ứng nhất" thường được hiểu sai và cho
đấy là động cơ thúc đẩy sự tiến hóa nhằm dành ưu thế cho các cá thể
hung hãn, khoẻ mạnh nhất, hung bạo nhất và hành xử thích nghi nhất với
môi trường. Thực ra đấy chỉ là các đặc tính giúp các cá thể tranh giành
lẫn nhau để thu hoạch một số tài nguyên nghèo nàn, hầu bảo vệ sự sống
còn và các phương tiện truyền giống của mình mà thôi.
Cách suy nghĩ đó hết sức xa với sự thật. Trong quyển sách của ông nói về con người và sự tiến hóa của chúng ta mang tựa đề là "Con cháu loài người" ("La descendance de l'homme"),
Darwin đã khẳng định rằng các cảm tính mạnh nhất của chúng ta tức các
thuộc tính căn bản tạo ra bản chất con người, là bản năng thích sống
quây quần, lòng thiện cảm, biết quan tâm đến người khác, hân hoan khi
chia sẻ hạnh phúc với người khác. Và thật ra thì đấy cũng là những nét
căn bản nhất nơi tánh khí con người mà Đức Đạt-Lai Lạt-Ma từng đề cao!
Các khái niệm của Charles Darwin về bản chất con người được thiết lập
dựa vào các khảo cứu thật tỉ mỉ căn cứ vào nhiều loài sinh vật khác
nhau, đồng thời cũng được dựa vào các quan sát thật chi tiết và phong
phú về tính khí con người, thậm chí có thể kể ra một khảo cứu mà ông đã
sử dụng mười người con của ông để quan sát. Vào những năm sau này, các
chương trình truyền tin đại chúng nhằm phổ biến kiến thức khoa học khi
đề cập đến chủ đề tiến hóa thường hay nêu lên các quan điểm của
Darwin. Các chương trình này mở ra một tầm nhìn mới mẻ hơn về một số
khía cạnh liên quan đến cách hành xử của con người, thí dụ như sự quan
tâm và chăm lo cho trẻ em mà nền giáo dục thiếu nhi ngày càng đòi hỏi
phải gia tăng hơn. Tóm lại, các khoa học gia trên đây đã xét lại quan
điểm của mình về bản chất con người và cho thấy là họ ngày càng tiến
đến gần hơn với với quan điểm của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma.
Dầu sao đi nữa thì chúng ta cũng khó tránh khỏi phải đứng trước một
sự lựa chọn giữa hai bản tính tích cực và tiêu cực nơi bản chất con
người - tức phải chấp nhận một lịch sử nhân loại được xây dựng bằng bạo
lực và sự hung dữ, hoặc bằng những hành vi nhân từ và thân thiện. Sự
lựa chọn đó không chỉ đơn giản thuộc lãnh vực lý thuyết hay triết học,
mà còn hàm chứa một tầm quan trọng thật chủ yếu, tạo ra những tác động
và những hậu quả rộng lớn trong cả hai lãnh vực, cá nhân cũng như xã
hội. Trong lãnh vực xã hội, quan niệm về bản chất con người - tích cực
hay tiêu cực - tạo ra những ảnh hưởng liên quan đến những gì mà chúng
tôi đã từng thảo luận trước đây về ý nghĩa của một lối sống tập đoàn, về
sự lo lắng cho người khác và những lợi ích mang lại khi biết hướng vào
người khác. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma luôn tin vào khả năng nơi con người
giúp họ phát huy và duy trì những mối liên hệ phong phú và đa dạng với
người khác và xã hội, lòng tin đó của Ngài được xây dựng dựa vào niềm
tin vững chắc nơi bản chất tích cực từ căn bản của con người.
Trên phương diện cá nhân, cách cảm nhận về bản chất con người theo
chiều hướng đó cũng tạo ra những tác động không nhỏ, ảnh hưởng sâu xa
đến từng người trong chúng ta. Dầu sao thì mục đích mà chúng tôi nêu
lên là mưu cầu tìm được niềm hân hoan trong cuộc sống giữa thế giới đầy
nhiễu nhương này. Và chúng tôi cũng có một số bằng chứng không thể phủ
nhận được cho thấy là cách cảm nhận của mình về thế giới chung quanh
sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của chính mình. Abbott Ferris, một vị giáo
sư tâm lý học của đại học Emory thuộc tiểu bang Atlanta, thực hiện một
cuộc nghiên cứu rộng lớn căn cứ trên mười một ngàn mẫu người Mỹ, đã
chứng minh cho thấy cách nhận thức của chúng ta về thế giới và bản chất
con người, dù xem đấy là những gì tốt đẹp hay tệ hại, thì cũng đều trực
tiếp tác động đến mức độ hạnh phúc của chúng ta. Nhờ vào kết quả của
cuộc khảo cứu đó, giáo sư Ferris nhận thấy các cá thể nào chỉ biết chú
trọng đến những gì tệ hại trên địa cầu này sẽ cảm thấy kém hạnh phúc
hơn nhiều so với những người nhìn thấy thế giới và con người nhất thiết
mang bản chất tốt đẹp.
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma còn tìm hiểu sâu xa hơn nữa các ảnh hưởng trên đây và đã giải thích cho tôi như sau:
- Sự khác biệt giữa các cách cảm nhận về bản chất con người có
thể đã phát sinh từ sự khác biệt giữa các môi trường sống khác nhau,
chẳng hạn như giữa một môi trường sống gồm những người đồng loại mà ta
cảm thấy họ thật đáng ghét, hung dữ và nguy hiểm, và một môi trường
khác đối nghịch lại, gồm những người mà ta cảm thấy họ nhân từ, tử tế
và thân thiện. Biết ý thức sâu xa về lòng tốt tự nhiên nơi bản chất con
người là một cách thổi vào tâm hồn ta sự can đảm và niềm hy vọng. Trên
phương diện cá nhân cũng thế, một tầm nhìn theo chiều hướng đó về bản
chất sâu kín của con người sẽ giúp mang lại cho chúng ta cảm tính của
phúc hạnh và mối tương quan buộc chặt chúng ta với người khác.
Sau cùng Ngài còn nhấn mạnh thêm:
- Dù cho những sự thật khách quan do lịch sử và khoa học mang lại
không thể khẳng định được quan điểm này hay quan điểm kia là đúng đi
nữa, thế nhưng trên phương diện thực dụng chúng ta vẫn tìm thấy nhiều
lợi ích hơn khi chọn cho mình một cách nhìn tích cực về bản chất của
con người. Sau hết thì chúng ta đây là những con người, chúng ta luôn
có xu hướng chuyển những gì mà chúng ta tin tưởng trở thành sự thực,
tương tự như một lời tiên tri bỗng dưng tự nhiên hóa thành sự thực
(vậy thì chúng ta hãy thử nhìn mỗi con người là một vị Phật xem sao,
và sau đó thì nhìn vào nơi sâu thẳm trong đáy tim mình xem có gì thay
đổi hay không?).
Bures-Sur-Yvette, 19.09.11
Tác giả: Đức Đạt-Lai Lạt-Ma và Howard Cutler - Hoang Phong chuyển ngữ