Quan niệm về hôn nhân khác tôn giáo
Là người Phật tử, hiểu về những mối nhân duyên tương quan không thể
tách rời trong cuộc sống, chắc chắn chúng ta xem hôn nhân khác tôn giáo,
tín ngưỡng cũng là một quan hệ bình thường như bao mối quan hệ khác.
Vốn dĩ, cái gì diễn ra bình thường thì không phải là một “thách thức”.
Nhưng do những khác biệt về niềm tin tôn giáo mà một số người đã có cái
nhìn tiêu cực về vấn đề hôn nhân khác tôn giáo.
Lễ cưới trong chùa - Ảnh: Tâm Nhiên
Theo như những gì mà người ta đang quan niệm, thì hôn nhân khác tôn
giáo gần như không được khuyến khích, nếu có thì trở thành mối bận tâm,
lo lắng chung cho cả hai phía. Tuy nhiên, vì sao nhiều người lại biến
một điều bình thường của nhân duyên thành một trở ngại lớn trong hôn
nhân? Rõ ràng vấn đề không phải ở sự “bén duyên” của tâm sinh lý con
người, mà ở chính những quan niệm tiêu cực, suy diễn chủ quan về vấn đề
hôn nhân khác tôn giáo. Vì lý do đó, đã có quan niệm cho rằng, hôn nhân khác tôn giáo thường không dẫn đến hạnh phúc. Vậy phải chăng họ thực sự quan tâm đến hạnh phúc đôi lứa hay chỉ quan tâm đến việc gia tăng, suy giảm của số lượng tín đồ?
Thực tế, ban đầu một đôi nam nữ khác tôn giáo yêu nhau, họ không bị
chi phối nhiều bởi các yếu tố bên ngoài, song dần dà khi đi đến hôn
nhân, các quan niệm từ gia đình và xã hội bắt đầu xâm chiếm và làm suy
giảm những nhiệt tình hôn nhân ban đầu của họ. Nếu điều chỉnh tốt trên
tinh thần hoà hợp, tôn trọng thì cuộc hôn nhân đó diễn ra bình thường.
Nếu bị chi phối quá nhiều bởi những quan niệm cực đoan, khắt khe, thì sẽ
nhanh chóng trở thành mâu thuẫn hôn nhân, mâu thuẫn gia đình, thậm chí
là xung đột tôn giáo. Hệ quả tiêu cực lớn nhất trong một cuộc hôn nhân
là sống không hạnh phúc và dẫn đến ly hôn. Nhưng có phải cứ hôn nhân
cùng tôn giáo là có hạnh phúc và hôn nhân khác tôn giáo là không có hạnh
phúc?
“Đạo nào cũng tốt” và “không phải đạo nào cũng tốt”
Không ít người khi phải đối mặt với vấn đề hôn nhân khác tôn giáo của con em mình thường tự an ủi “đạo nào cũng tốt, cũng dạy con người ăn hiền ở lành…”.
Nhưng tại sao sau khi về chung sống với nhau thì mâu thuẫn niềm tin tôn
giáo (bất đồng quan điểm) lại xuất hiện? Chắc chắn đã có một bên nảy
sinh suy nghĩ “không phải đạo nào cũng tốt” và tìm cách để cải
đạo bên kia. Mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống là điều không tránh
khỏi, nhưng thay vì tìm cách điều hòa mâu thuẫn như bao nhiêu cuộc hôn
nhân bình thường khác trong xã hội, họ lại áp đặt thêm một “quan niệm”
mới vào trong hôn nhân: “không phải đạo nào cũng tốt”. Rất khó để định tính cho chữ “tốt” và “không tốt” này một khi người ta đã có thành kiến với nhau.
Cụ thể ở Việt Nam, trong vấn đề hôn nhân khác tôn giáo, nhiều người Ki-tô giáo đang có suy nghĩ rằng “không phải đạo nào cũng tốt”
và hai người nên “theo hẳn” một niềm tin tôn giáo thì mới đảm bảo hạnh
phúc. Tuy nhiên, đáng nói ở đây là điều đó hầu như chỉ diễn ra một
chiều, họ không muốn tín đồ của họ theo hẳn tôn giáo khác, mà chỉ muốn
người kết hôn với tín đồ Ki-tô phải chịu những sự ràng buộc như đi học
giáo lý, làm lễ ở nhà thờ, “rửa tội”… Nếu đối tượng kết hôn không chịu
cải đạo thì rất dễ xuất hiện những mâu thuẫn gia đình. Rõ ràng đã có sự
áp đặt tiêu chuẩn niềm tin tôn giáo vào trong hôn nhân, nên họ mới quan
niệm “hôn nhân khác đạo thường không có hạnh phúc” và “không phải đạo
nào cũng tốt”. Lâu dần quan niệm này trở thành một thành kiến, định kiến
khó bỏ trong không ít các gia đình theo đạo Ki-tô.
Để “tự vệ” trước áp đặt này, thông thường những người có tôn giáo,
tín ngưỡng khác, hoặc không tôn giáo cũng không nhân nhượng trong hôn
nhân, nếu bên kia tiếp tục có những thái độ, hành vi không tôn trọng tôn
giáo tín ngưỡng của mình. Có những gia đình thỏa thuận hay dung hòa
được quan hệ thì cho tổ chức lễ cưới ở cả hai nơi, sau đó giao ước niềm
tin của ai người đó giữ. Gia đình nào không dung hòa được khác biệt thì
hôn nhân của con cái có nguy cơ đổ vỡ… Thực tế, người Phật tử không hề
dùng hôn nhân để ép người khác theo đạo của mình, nên họ mong muốn người
khác cũng ứng xử như vậy đối với con em của họ.
Tình yêu và niềm tin tôn giáo
Đa số mọi người nghĩ rằng hôn nhân là kết quả của một tình yêu, một
mối quan hệ đặc biệt, tình nguyện và hợp pháp của cả hai người. Tuy
nhiên, hôn nhân giữa một người có tôn giáo và một người “không tôn giáo”
thường thuận lợi hơn là hôn nhân giữa những người khác niềm tin tôn
giáo.
Thực tế, với những người theo tôn giáo, không ai muốn mình là người
yếu thế trong niềm tin, nên cả hai đều muốn chứng tỏ rằng đạo của mình
là tốt. Đó cũng là điều hết sức bình thường trong tâm lý của một người
được học và thực hành giáo lý tôn giáo. Nhưng không phải cái món mà mình
ăn thấy ngon, thì người khác cũng phải thấy ngon giống như mình đã ăn.
Vậy nên, trước khi có được sự hòa hợp, cả hai hãy sống đúng với những
lời dạy về lòng từ bi, tình yêu thương nơi Phật hay Chúa của mình, đừng
để sự áp đặt miễn cưỡng bên ngoài làm tổn thương đến tình yêu và lòng tự
trọng của mỗi bên. Gia đình của hai bên cũng phải hiểu và tôn trọng
điều đó ở con cái.
Đành rằng vừa có tình yêu chân thật, vừa có cùng một niềm tin tôn
giáo sẽ thuận lợi hơn, nhưng đó không phải là điều kiện duy nhất để có
được hạnh phúc. Hạnh phúc là quá trình chung sống, vun đắp, gìn giữ,
trân trọng, vượt qua thử thách… của cả hai người. Bởi nếu niềm tin tôn
giáo là điều kiện duy nhất quyết định hạnh phúc, thì tại sao ngay từ đầu
người ta không chọn những người có cùng tôn giáo để yêu và kết hôn? Và
nếu yếu tố khác niềm tôn giáo ở đây được xem là cản trở lớn nhất cho
hạnh phúc, vậy tại sao họ phải yêu nhau, bất chấp việc biết rằng sẽ khó
có hạnh phúc? Vậy họ tìm đến với nhau bằng tình yêu, tình dục, lợi dụng
vật chất hay còn điều gì khác?
Nếu hiểu được rằng từ xưa đến nay, tình yêu thương con người luôn lớn
hơn niềm tin tôn giáo, thì mỗi bên sẽ không để những áp đặt vô lý đó
diễn ra. Chính vì những cặp hôn nhân khác đạo dùng niềm tin tôn giáo của
mình để can thiệp quá sâu vào tình yêu, nên mới tạo ra hết mâu thuẫn
này đến mâu thuẫn khác, dẫn đến có không ít lứa đôi phải từ bỏ tình yêu
của mình, mang trong lòng những đau khổ, oán giận không dứt đối với phía
ngăn cản, làm cho mâu thuẫn tôn giáo tăng lên… Ở đây, những chức sắc
tôn giáo phải chịu một phần trách nhiệm. Sự ép buộc cải đạo bằng hôn
nhân (hay tiền bạc, chức vụ, việc làm, du học…) có thể đến từ hai nguyên
do: 1. Xuất phát từ những quan niệm chỉ biết đạo mình là tốt, còn đạo
khác là xấu; 2. Do lo sợ trước việc suy giảm tín đồ và sự kém hấp dẫn
trong tôn giáo của mình.
Tự điều chỉnh trong hôn nhân
Trong cuộc sống, ở bất cứ mối quan hệ nào, nếu thiếu đi sự điều chỉnh
thì sẽ dẫn đến mất cân bằng. Vì thế mỗi người đều phải ý thức điều
chỉnh hành vi, ngôn ngữ, thái độ của mình trước các quan hệ ứng xử.
Trong quan hệ hôn nhân khác đạo, nếu người yêu nói tốt, nói hay về đạo
của họ, thì người kia cũng đừng tỏ ra khó chịu, đừng tìm kiếm cái dở
(trong đó có cả cái mình hiểu chưa đầy đủ, hiểu sai…) ra để leo thang
tranh cãi với người yêu của mình, bởi điều đó chỉ khoét sâu thêm những
mâu thuẫn không cần thiết.
Tình yêu và hôn nhân đòi hỏi mỗi cá nhân phải vượt lên tín điều, giáo
điều để giữ gìn hạnh phúc của riêng mình. Đừng xem việc cải đạo như một
phần thưởng của chiến thắng mà không để ý gì đến niềm tin và lòng tự
trọng của người mình yêu. Tình yêu trong sáng thì không thể để niềm tin
tôn giáo vị kỷ chi phối.
Tôn trọng giao ước
Sự khác biệt về văn hoá, tôn giáo, tư tưởng có thể dẫn đến những nguy
cơ xung đột về sau, điều này gần như ai cũng ý thức được. Song đây
không phải vấn đề chỉ có riêng trong lĩnh vực hôn nhân. Mâu thuẫn trong
hôn nhân khác đạo xảy ra khi một trong hai người trở nên yêu tôn giáo
của mình hơn là tôn trọng những giao ước trong hôn nhân. Đã có biết bao
lời thất hứa của người có cùng niềm tin tôn giáo với nhau trước đấng
linh thiêng, khi đó họ có hạnh phúc không? Vậy tại sao họ vẫn phải dùng
hôn nhân ép buộc người khác cải đạo để phục vụ cho cái gọi là “cùng một tôn giáo thì mới có hạnh phúc”?
Để thoát khỏi những giáo điều vị kỷ, cả hai người (cả hai gia đình)
nên cố gắng dẹp bỏ những bất đồng, tôn trọng niềm tin tôn giáo của nhau
trước đi đến hôn nhân, và tuân thủ giao ước khi về sống chung. Cả hai
cùng tạo điều kiện cho nhau trong việc thực hành niềm tin tôn giáo,
tránh tối đa sự tranh luận về tôn giáo, hay những so sánh có ý hạ thấp
tôn giáo khác.
Hai gia đình vẫn có thể thỏa thuận việc tổ chức hôn lễ cho con cái ở
hai cơ sở tôn giáo khác nhau, nhưng không nên thể hiện ra mặt thái độ
coi thường niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng của phía bên kia mà dẫn đến
những hành vi khiếm nhã. Nếu thấy cần thiết, ở mỗi nơi tổ chức hãy để
hai người tuyên bố trung thành với đức tin của mình. Người Phật tử thề
suốt đời quy y Phật, không quy y ngoại đạo. Một tín đồ Ki-tô giáo cũng
thề suốt đời tin kính Chúa. Vậy tại sao niềm tin thiêng liêng ấy của hai
người lại bị một bên đơn phương ép buộc người khác phải bội ước. Một
người bị ép buộc từ bỏ niềm tin thiêng liêng của mình thì sẽ rất khó có
một đời sống tâm linh thuần khiết. Do vậy cả hai cùng phải ý thức điều
này để tôn trọng niềm tin tôn giáo của nhau. Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất
dục vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng buộc người khác
làm). Chân thành, trung thực, yêu thương, vị tha, chung thuỷ…, đó là
những tính cách mà tôn giáo nào cũng khuyến khích tín đồ của mình thực
hành, vì thế hãy để hai người tự do thể hiện điều đó trong cuộc sống của
mình.
Nghi thức trao nhẫn cưới trong lễ hằng thuận - Ảnh: Tâm Nhiên
Nếu cả hai gia đình đều quá gay gắt trong việc tổ chức hôn lễ, không
chịu đến chùa hay nhà thờ thì nên tổ chức ở một nơi độc lập, không tượng
Phật, không thánh giá, không biểu tượng tôn giáo, chỉ có trái tim và
chung thuỷ của hai người khi họ đã thề nguyện trọn đời yêu thương nhau.
Đối với con cái (nếu có), không nên giành giật để ép buộc (dụ dỗ)
theo đạo của mình, mà cách tốt nhất là hãy kiên nhẫn đợi khi con cái
trưởng thành, có đủ khả năng lựa chọn niềm tin tôn giáo cho bản thân,
đồng thời luôn tôn trọng con cái kể cả khi chúng quyết định theo hay
không theo tôn giáo nào cả.
Luật hôn nhân và gia đình
Cởi bỏ giáo điều trong hôn nhân là hướng đi tích cực của con người
văn minh, hiện đại. Chúng ta không nên “thu nạp” tín đồ qua hành vi
cưỡng bách, thúc ép cải đạo… Có thể trong quan hệ hôn nhân khác đạo, các
bên đều đưa ra những lý do để bảo vệ quan điểm của mình, nên sự việc
rất dễ rơi vào bế tắc, khó thông cảm được với nhau.
Chính vì những thành kiến, định kiến trong tư tưởng, tôn giáo làm cho
nhiều sự việc trong xã hội đi vào bế tắc, nên nhà nước mới đề ra pháp
luật trong từng lĩnh vực cụ thể để điều chỉnh hành vi của công dân, nhằm
duy trì trật tự và sự công bằng ở mức cao nhất.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Điều 22, Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng ghi rõ: “Vợ,
chồng tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau; không được
cưỡng ép, cản trở nhau theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Với
những quy định của điều luật này, rõ ràng những hành vi dùng ràng buộc
hôn nhân để cưỡng ép cải đạo là vi phạm pháp luật. Những công dân có
niềm tin tôn giáo không thể tự cho phép mình nằm ngoài những điều luật
căn bản này. Tuy nhiên, điều luật này có vẻ hướng đến sự tự giác nhiều
hơn, bởi trong thực tế, trước hôn nhân không ai lại đi “kiện” gia đình
người yêu của mình về việc cưỡng ép cải đạo cả.
Một câu hỏi được đặt ra, trong khi tôn giáo khác và cả những người
không tôn giáo không có ép buộc người Ki-tô nào cải đạo, vậy tại sao
người Ki-tô phải làm ngược lại với đa phần vì điều đó?
Dao động niềm tin
Việc ở chung hay ở riêng với gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin tôn giáo của mỗi người. Dân gian quan niệm: “Thuyền theo lái, gái theo chồng”,
nên người ta thường nghĩ phụ nữ là đối tượng dễ bị cải đạo. Nhưng với
đa số người theo đạo Ki-tô thì bất cứ đối tượng hôn phối nào cũng phải
chịu những quy định khắt khe từ phía nhà thờ dù mong muốn hay không.
Những cặp vợ chồng nào độc lập về tài chính, có quan hệ bình đẳng, điều
kiện sinh hoạt tốt thì có thể bảo vệ được niềm tin tôn giáo của mình,
còn nếu bị phụ thuộc thì sẽ rất khó giữ vững được niềm tin. Nhưng người ở
chung với bố mẹ (khác đạo) sẽ gặp khó khăn nhiều hơn nữa nếu bị thúc ép
cải đạo. Trong hoàn cảnh này, người Phật tử nữ dễ bị cải đạo hơn cả.
Chúng ta nên hiểu cũng có những sự từ bỏ đạo để nhằm cần bằng quan hệ
ứng xử và tạo nên sự hòa hợp trong gia đình.
Thường ngày có vô vàn những người khác đạo cùng sống và làm việc
trong một tập thể, một công ty, họ có nhiều những mối quan hệ, song
không phải chỉ có quan hệ lương thưởng, ông chủ - người làm…, mà còn có
các tương quan xã hội rộng lớn khác. Chắc chắn sự “chia nhóm” xảy ra nếu
ai đó lôi kéo những người có cùng niềm tin tôn giáo, tư tưởng về phía
mình. Điều này sẽ trở thành bất thường nếu người ta một mực nghĩ rằng
chỉ có đạo của mình là tốt, còn đạo của người khác là xấu, rồi sử dụng
lợi thế trong quan hệ (chức vụ, địa vị, vai vế…) với ý đồ cải đạo và tạo
ra những mâu thuẫn hay bất công bằng trong ứng xử.
Hành vi tôn trọng niềm tin tôn giáo của người khác được xem là hành
vi ứng xử có văn hoá. Và nếu một trong hai người có văn hoá ứng xử cao,
thì có thể dùng những chuẩn đạo đức xã hội để ứng xử trong quan hệ gia
đình mà không bị ràng buộc bởi giáo điều tôn giáo. Khi ấy, họ sẽ đạt
được sự tôn trọng và không làm tổn thương đến niềm tin của nhau.
Sơ đồ trên chỉ ra mối quan hệ tương thuộc không thể tách rời, người
nào càng đi đến gần hơn với mối quan hệ tượng thuộc này thì trình độ ứng
xử sẽ cao hơn, có chuẩn hơn. Lấy tình thương yêu và lòng tôn trọng làm
nguyên tắc ứng xử trong gia đình thì sẽ đến gần hơn với hạnh phúc.
Tìm ra những chuẩn giá trị chung trong ứng xử thì sẽ thấy niềm tin
tôn giáo chỉ là một phần trong mối quan hệ tương thuộc đó. Càng nhận
diện được sự tương quan thì càng thấy ta không phải “là một, là riêng, là thứ nhất, không có ai bè bạn nổi cùng ta”.
Nếu dùng niềm tin tôn giáo để trấn áp các mối quan hệ tương thuộc khác,
thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng. Chính vì nghĩ rằng, chỉ có cùng niềm
tin tôn giáo mới có hạnh phúc đã khiến cho nhiều cặp vợ chồng ngay từ
đầu đã gặp khá nhiều vướng mắc trong ứng xử, bất ổn trong tâm lý, và có
nguy cơ cao dẫn đến mâu thuẫn, xung đột.
Trong cuộc sống, nhiều những tiêu chuẩn đạo đức căn bản của xã hội và
của tôn giáo đã thâm nhập vào nhau, bổ sung cho nhau để tạo ra các giá
trị chuẩn mực. Về cơ bản, chúng ta hoàn toàn được phép phô diễn hết tinh
hoa trong tư tưởng, tôn giáo mà mình đang theo, song tất cả phải được
người khác chấp nhận một cách tự nguyện, không bị cưỡng ép. Nhiều khi
những ứng xử đời thường, phù hợp với đạo đức xã hội còn cho ra hình ảnh
chân thực, dễ tạo được thiện cảm…, hơn là người đó cho rằng mình có niềm
tin tôn giáo, nhưng hành vi ứng xử luôn ở mức dưới chuẩn.
Điểm chung giữa Phật giáo và “không tôn giáo”
Có thể xếp các quan hệ xã hội vào 2 dạng chính: có niềm tin tôn giáo
và không có niềm tin tôn giáo. Ở đối tượng có niềm tin tôn giáo lại chia
ra thành những người theo các tôn giáo độc lập nhau, khác nhau về nghi
lễ hành trì, giáo lý, giáo luật…
Điểm gặp gỡ chung của người Phật tử và người “không tôn giáo” chính
là hòa hợp với tín ngưỡng bản địa (cụ thể là đạo thờ ông bà, thờ anh
hùng dân tộc…). Vì vậy, hôn nhân của hai đối tượng này ít xảy ra mâu
thuẫn hơn. Đây cũng là lý do Ki-tô giáo cảm thấy khó thâm nhập vào hai
đối tượng này, nên thứ nhất họ cố gắng điều chỉnh lại giáo lý, giáo luật
bằng cách cho phép được thờ cúng ông bà, thứ hai là dùng hôn nhân để
cải đạo người khác. Tuy nhiên, dù có nhiều cố gắng, nhưng họ không thể
chạm tới chiều sâu của tín ngưỡng dân tộc này, bởi với người Ki-tô, niềm
tin “tuyệt đối” (độc thần) không thể bị chia sẻ bởi một niềm tin “tương
đối” (đa thần). Trong ứng xử tôn giáo, đa số người Ki-tô không muốn
điều này xảy ra, nhưng trong ứng xử xã hội (thế quyền) thì họ lại luôn
phản đối “độc quyền”…
-------
Những điều đã nêu cho thấy hôn nhân khác đạo không phải là một hệ quả
tiêu cực mang tính “tiền định”, và hạnh phúc có bền vững hay không phụ
thuộc rất nhiều vào hành vi ứng xử. Thế nên, việc dùng hôn nhân để thúc
ép cải đạo, rồi cố diễn giải rằng “phải theo một tôn giáo thì mới có
hạnh phúc” tỏ ra kém thuyết phục, nếu không muốn nói là ngụy biện. Xin
được nhắc lại, nếu chỉ “cùng tôn giáo” mới có hạnh phúc, vậy thì người
ta chỉ cần làm một việc rất đơn giản là khuyên tín đồ chỉ nên kết hôn
với những người có cùng niềm tin tôn giáo. Còn nếu ngay từ đầu đã “phải
lòng” người khác niềm tin tôn giáo với mình, thì cần thừa nhận sự tương
quan trong ứng xử giữa người với người và nên xem đó là một cơ hội để
hoàn thiện những thiếu khuyết trong tri thức, văn hóa, tôn giáo, cũng
như trong ứng xử của mình.
Hôn nhân khác tôn giáo ở những mối quan hệ cụ thể, ở những con người
cụ thể, sẽ có những chiều hướng ứng xử khác nhau, và không ai khác,
chính họ là người quyết định hạnh phúc của mình. Nếu có một thứ quyền
năng hay giáo luật ép họ phải xóa bỏ niềm tin tôn giáo của người khác,
thì chắc chắn không phải là giá trị đích thực của một tôn giáo.
Có thể nói, thiếu tôn trọng niềm tin của nhau, không điều hòa được
mâu thuẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đổ vỡ hôn nhân chứ không chỉ
vì lý do khác đạo. Các chức sắc tôn giáo nên dạy tình yêu thương, lòng
vị tha độ lượng nhiều hơn cho tín đồ của mình, thay vì tuyên truyền một
thành kiến, định kiến sai lầm trong hôn nhân khác đạo. Một người sẵn
sàng hy sinh tình yêu nếu không buộc được người yêu theo đạo của mình,
thì không thể đem lại hạnh phúc thực sự cho người bạn đời. Tôn trọng
người khác cũng chính là tôn trọng mình, đem sự tôn trọng đi thì sẽ nhận
lại sự tôn trọng, đó là một bài học nhân quả muôn đời.
ĐĐ.Thích Thanh Thắng - Uỷ viên Ban Văn hoá Trung ương GHPGVN