Xét từ quan niệm căn bản, cái gốc của giáo dục xưa nay được hiểu
chính là dạy dỗ con trẻ, đặt trẻ trong quan hệ gần gũi nhất là gia
đình, và nội dung chủ yếu là đạo làm con, làm hiếu.
Vì thế phương châm giáo dục Việt Nam đã đề ra từ xưa là Tiên học lễ,
Hậu học văn.
Học văn là phần trang bị kiến thức để đào tạo cái tài, chưa phải là
ưu tiên số một.
Học lễ là phần trang bị đạo đức, nhân cách, để biết làm người có tấm
lòng (tâm), và nó chính là ưu tiên hàng đầu. Nguyễn Du bảo "Chữ tâm kia
mới bằng ba chữ tài" cũng không khác gì quan niệm truyền thống của dân
Việt là đức thắng tài.
Cái gốc của giáo dục như thế xét cho cùng là dạy cho biết làm người,
mà đối tượng chiến lược là các trẻ từ cấp tiểu học trở xuống. Đây là
lứa tuổi đang hình thành nhân cách, như cây non dễ uốn nắn. Đừng quên
rằng "để cho trẻ sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó, sau lớn lên
nó sẽ sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ", đó là lời khuyên
của nhà văn hó đáng kính Nguyễn Khắc Viện. Mà theo ông "có thể nói sau
năm, sáu tuổi, tính tình con người ta đã hình thành rồi, giáo dục khó
mà biến đổi". Cũng đừng quên rằng bậc tiểu học là thời điểm quan trọng
nhất để duy trì, giữ gìn bản sắc dân tộc cho một nhân cách.
Những vấn nạn lớn của xã hội hiện nay xét về căn cơ là do con người
thiếu cái tâm, mỏng cái đức, kém nhân cách... Vì thế, nếu một tác giả
bảo rằng Cuộc khủng hoảng trong giáo dục hiện nay thực chất là khủng
hoảng về phần "lễ" hẳn không ngoa. Cho nên, xây dựng một chiến lược
giáo dục nhân bản để đối trị cuộc khủng hoảng ấy phải đặt trên cái nền
tảng gia đình, lấy chữ lễ (đạo đức) để rèn tập cho trẻ từ bậc tiểu học
trở xuống.
Giáo dục có thể không làm thay đổi bản tính tự nhiên của con người
(như tính ác, thói ích kỷ...) nhưng có thể làm thay đổi cách ứng xử, để
một người được giáo dục tốt và đúng sẽ có thể biết sống phù hợp với
những tiêu chuẩn chung của xã hội... Vì thế trước hết giáo dục phải
mang tính nhân bản, dân tộc rồi mới hướng tới yêu cầu hiện đại.
Nhân bản và dân tộc là phần tĩnh, là cái gốc. Nó có thể ít và chậm
thay đổi, do đó cần ưu tiên nhắm vào bậc tiểu học để đắp nền và tiếp
tục duy trì, củng cố ở bậc trung học.
Yêu cầu hiện đại là phần động, là cái ngọn. Nó được cập nhật để chỉnh
sửa chương trình giáo dục, và nên hướng vào bậc trung học để chuẩn bị
cho trẻ bước lên đại học. Phương châm là trang bị cho trẻ đủ những kỹ
năng cần thiết để sau này trẻ có thể biết cách để sống trong một thế
giới đang biến dịch rất nhanh và trong xu thế toàn cầu hóa.
Khi xác định đâu là gốc là ngọn của giáo dục, các nhà hoạch định
chương trình đào tạo sẽ điều tiết "liều lượng" các môn học và xác định
lúc nào cần ưu tiên đầu tư tri thức gì cho trẻ. Đó cũng là cách "giảm
tải" để giúp trẻ còn có thời giand dược sống trọn với tuổi thơ hồn
nhiên, nuôi dưỡng tâm hồn, thay vì sớm bị chai cằn vì bị nhồi nhét quá
nhiều kiến thức.
Nghê Dũ Lan - Thời nay
Nguồn: chungta.com