PG & Giáo dục
Tôi đi tìm tôi
17/12/2013 20:07 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Có lẽ căn nguyên của cái khổ là do người ta không biết trân quý những gì mình đang có. Thậm chí đủ đầy quá người ta cũng sinh tệ.

Con người sinh ra, ai cũng có cái khó, cái khổ của riêng mình. Bản thân tôi, và bên cạnh tôi, trước mặt tôi, sau lưng tôi, rất gần tôi và rất xa tôi: mỗi con người là một cuộc đời với vô vàn cái khổ mà mỗi người phải đối diện để hoàn thành thật tốt và viên mãn vai trò của mình.

Có người oằn mình với những đấu tranh hòng làm tròn cái nhân đạo (đạo làm người) ở đời. Có người từ bỏ, chọn một con đường khác với những ứng xử và hành vi khác. Quyết định của mỗi người, sẽ đưa họ về một phương khác nhau. Và những khác nhau ấy sẽ quyết định người ta ở gần hay xa nhau, gần hay xa trong trong cả tướng lẫn tâm.

Tôi đang học cách biết đủ, trong cái thiếu của chính mình. Ảnh: Taxu

1- Tôi ngồi ở một góc đường, giữa cái nắng chác chúa của Sài Gòn mùa nay, thoắt có cơn gió đi qua, thoắt có bóng râm ghé dừng. Cơn gió đó, bóng râm đó làm mát một thoáng cho ta rồi đi. Vì cơn gió ấy, bóng râm ấy còn phải đi tiếp, đi để tiếp tục làm mát đó đây.

Rồi một chiếc lá vàng mùa đông, khẽ chao mình trong gió nhẹ, loang loang một vệt dài rồi đáp mình xuống mép thềm bên vạt cỏ. Chiếc lá ấy, hôm nào hãy là một lá nhú, non mởn, rồi thoát kén thành một chiếc lá xanh tươi, trưởng thành, ung dung và kiêu hãnh lay mình trong nắng gió, mưa sa. Và hôm nay, chiếc lá ấy đã thật sự trở về nơi bắt đầu. Người ta bảo, lá rụng về cội. Rồi chiếc lá ấy sẽ trở về với đất, thành một thứ dưỡng chất để cái cây to vạm kia - cái cây đã từng ươm lá và nâng niu lá - hút vào mạch sống nuôi thân cây và nuôi những chiếc lá khác.

Hay chăng là cơn gió nào đó sẽ vô tình mang chiếc lá đi xa thân cây đã nuôi mình, nhưng cũng chẳng sao vì chiếc lá ấy sẽ lại trở thành một thứ dưỡng chất lành mạnh cho một thân cây nào đó.

Cũng thế, tình thương là sự lan tỏa. Nơi bắt đầu không hẳn bao giờ cũng là nơi kết thúc. Sẽ có những dung hòa, quyện tỏa với nhau trong cái gọi là thương yêu trong sáng, không tính lường.

2. Trong dòng người đi qua giữa mênh mông phố xá ấy, bao cảnh, bao tình tất cả bủa vào một cái thân sinh học yếu đuối và mong manh. Mạng người trong hơi thở, tích tắc. Còn đó rồi mất đó. Kẻ bệnh, người khuyết. Thân khổ, tâm bất an. Vạn sự nhiêu khê cũng con người mà ra, từ đối đãi của con người mà ra.

Khi quán xét, ta thấy nghiệp duyên công bằng nhưng cũng lắm lúc bất phục vì ta đâu thấy ngày hôm qua xa thẳm của mình: mình đã là ai, mình đã làm gì? Tất cả dường như là bất tận, bất khả diễn bày trong cái vô hạn của hoài nghi còn lẩn khuất đâu đó trong tâm còn nhiều ngổn ngang, chưa thật sự đủ mạnh để tiếp xúc với những chân lý nhiệm mầu mà Phật dạy trong Tam tạng Thánh điển.

3. Tôi chợt nhớ về ngoại tôi, và một câu chuyện của ngoại: Đêm đó có cướp vô nhà. Tên cướp dí dao vào cổ hỏi ông ngoại: Tiền vàng giấu ở đâu? Ông ngoại trong lúc hoảng sợ đã nói cho tên cướp biết là bà ngoại đang giữ một sợi chuyền vàng và bà đang trốn trong bếp. Khi ngoại kể cho tôi nghe câu chuyện này là gần 30 năm đã qua, ngoại cười bình thản và nước mắt ngoại vẫn rơi. Ngoại nói, lúc đó ngoại không bao giờ có thể nghĩ rằng ông sẽ phản ứng như thế.

Ngoại lấy ông khi mới 17, ngày ông ra đi, để lại cho ngoại 13 người con (mẹ tôi thứ 9, khi ấy 12 tuổi), lúc ngoại ngoài 45. Rồi cũng người người đến hỏi gá nghĩa với ngoại. Ngoại bảo: Con anh con tôi, khó lòng vẹn nghĩa, rồi bao nhiêu xung đột khả dĩ. Và ngoại ở vậy nuôi con đến lớn khôn. Có lẽ, đời ngoại là những chuỗi ngày lao nhọc, và con ngoại nhiều người cũng làm khổ ngoại. Chắc đó là cái nợ cuộc đời mà ngoại phải trả, trả cho tận rồi mới đi…

Trong tôi, đời ngoại là một trường ca về sự nhẫn nhịn, hy sinh và cho đi không điều kiện, không một lời trách oán… Cỏ mộ ngoại đã xanh mấy mùa. Thế mà mỗi lần thắp cho ngoại một nén hương, ngồi nói chuyện với ngoại, mắt tôi lúc nào cũng rưng rưng…

Có lẽ căn nguyên của cái khổ là do người ta không biết trân quý những gì mình đang có. Thậm chí đủ đầy quá người ta cũng sinh tệ. Có phải chạy cơm từng bữa không, có phải nhường nhau nửa muỗng cơm không, có phải đắng lòng ăn hết chén cơm, có phải một lần cơm chang nước mắt, có phải giấu nước mắt vào trong không giữa những bon chen cơm áo?...

Tôi đang học cách biết đủ, trong cái thiếu của chính mình. Ý nghĩa cuộc đời tôi là tôi biết mình là ai, biết mình nên và phải làm gì cho tôi và cho những người tôi thương quý…


    Theo Giác ngộ

    Bao Hiem BSH
    » Video
    » Ảnh đẹp
    » Từ điển Online
    Từ cần tra:
    Tra theo từ điển:
    » Âm lịch