Để
nền giáo dục Phật giáo tại Việt Nam đáp ứng được các mục đích nêu trên,
chương trình đào tạo Phật học tại Việt Nam cần có sự thích ứng với xu
thế giáo dục Phật học trên thế giới là điều không thể bỏ qua. Trong bài
viết này, tôi trình bày vài nét về a) Bản chất đào tạo Phật học, b) Nền
Phật học Tây Tạng và c) Hướng đến cải cách giáo dục Phật học tại Việt
Nam. Các vấn đề trên chỉ được nêu ra một cách khái quát, chưa đi sâu vào
việc phân tích.
I. BẢN CHẤT ĐÀO TẠO PHẬT HỌC KHÁC VỚI ĐÀO TẠO GIÁO SĨ
Khoa Phật học gọi đủ là Khoa nghiên
cứu Phật giáo (Department of Buddhist Studies) là một ngành học độc lập
với cấp đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ. Học viện đào tạo ngành Phật học
như một ngành khoa học, chứ không đào tạo các giáo sĩ làm công tác
truyền đạo như các Chủng viện của Thiên chúa giáo.
Hiện nay, trên thế giới có trên 100
trường đại học nổi tiếng có Khoa nghiên cứu Phật học (Department of
Buddhist Studies). Các trường đại học ở các nước tiên tiến về giáo dục
như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản v.v… đào tạo cấp thạc sĩ và tiến sĩ về
Khoa nghiên cứu Phật học. Trong khi các đại học ở châu Á như Tích Lan,
Miến Điện, Trung Quốc, Nepal, Bhutan đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ.
Các nước Phật giáo Nam tông như Ấn Độ,
Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, chương trình Phật học
chỉ đào sâu triết học Nguyên thủy. Trong khi đó, các nước Phật giáo Đại
thừa như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chủ yếu đào tạo về triết học Đại
thừa.
So với các nước khác, nội dung đào tạo
Phật học của các trường Phật học tại Việt Nam bao quát cả hai truyền
thống Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy) và Phật giáo Bắc tông (Đại thừa)
với văn hệ Sanskrit.
Hiện có trên 100 trường đại học lớn
trên thế giới (gồm hơn 30 đại học tại Hoa Kỳ) có đào tạo chuyên ngành
Phật học với mã đào tạo độc lập trong hệ thống các trường đại học quốc
dân, được hỗ trợ ngân sách của chính phủ và các đoàn thể phi chính phủ.
Ngành Phật học được liệt vào 3 Khoa chính sau đây:
- Khoa nghiên cứu Phật học (Department of Buddhist Studies): khoảng 70%.
- Khoa nghiên cứu Tôn giáo (Department of Religious Studies): khoảng 05%.
- Khoa Triết học (Department of Philosophy): khoảng 25%.
Điều này cho thấy ngành nghiên cứu
Phật học có chỗ đứng quan trọng như ngành Triết học. Ngành Thần học và
ngành nghiên cứu Tôn giáo ngày càng ít trường đào tạo, vì chỗ đứng của
nó trong nghiên cứu học thuật mất dần. Việc cấp mã đào tạo độc lập từ cử
nhân đến tiến sĩ cho ngành nghiên cứu Phật học trong bối cảnh giáo dục
trong nước và toàn cầu là điều rất cần thiết. Nếu vì những lý do khách
quan chưa thể cấp mã đào tạo độc lập thì có thể đặt vào chuyên ngành
Phật học vào mã đào tạo triết học hay nghiên cứu tôn giáo học, như một
số các nước đã làm.
Việt Nam là nước mà ảnh hưởng của đạo
Phật về phương diện lịch sử, văn hóa, văn học và triết lý đối với dân
tộc rất đáng kể. Truyền thống ngành nghiên cứu Phật học phát triển khá
mạnh trong các HVPGVN trong nhiều năm qua. Văn bằng cử nhân Phật học do
các HVPGVN cấp đã từ lâu được chấp nhận tương đương với bằng cử nhân
nước ngoài và được tuyển học thạc sĩ ở nhiều trường đại học trên thế
giới (bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan
v.v…). Nếu chưa thể đặt các HVPGVN vào trong hệ thống các trường Đại học
quốc dân trong giai đoạn này qua việc công nhận văn bằng cử nhân Phật
học tương đương với cử nhân triết học hay cử nhân tôn giáo học thì cũng
nên cho phép các HVPGVN đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ mang tính đặc thù
của Phật giáo. HVPGVN tại TP.HCM vừa được Văn phòng Chính phủ cho phép
đào tạo thí điểm chương trình Thạc sĩ Phật học từ đầu năm 2012. Đây là
dấu hiệu tích cực với nhiều hứa hẹn cho nền giáo dục Phật học tại Việt
Nam.
II. GIÁO DỤC PHẬT HỌC TẠI TÂY TẠNG
Mặc dù có nhiều khuynh hướng giáo dục
Phật học trên thế giới, ta có thể phân loại thành hai nhóm chính. Nhóm
một có mối liên hệ hoặc dựa trên nền giáo dục thế học cộng thông làm căn
bản. Nhóm hai không dựa vào kiến thức thế học về thời gian đào tạo và
chương trình đào tạo. Nhóm một thuộc các truyền thống giáo dục của các
nước Phật giáo và các trường đại học (Universities), cao đẳng cộng đồng
(Colleges) khắp thế giới. Nhóm hai chính là nền giáo dục Phật giáo tại
Tây Tạng.
Trong truyền thống giáo dục Tây Tạng,
cụ thể là truyền thống Gelug, bằng Geshe là bằng Phật học cao nhất,
tương đương với bằng tiến sĩ trong nền giáo dục phương Tây. Sự khác nhau
căn bản giữa bằng Geshe và bằng tiến sĩ là để đạt được Geshe chỉ có
Tăng được ghi danh học; người tại gia và ni giới không được theo học;
chương trình kéo dài từ 20-40 năm, nhấn mạnh đến việc thi học thuộc lòng
kinh sách (blo-rgyugs) và tranh biện bằng miệng (rtsod-rgyugs); đang
khi bằng tiến sĩ chỉ mất trung bình 8 năm (4 năm cử nhân, 2 năm thạc sĩ,
2 năm tiến sĩ) sau khi tốt nghiệp lớp 12.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trước
năm 1959, có khoảng 2000 tu viện Phật giáo với khoảng 110,000 Tăng Ni
tại Tây Tạng (chiếm 10% dân số toàn quốc). Trong suốt 1000 năm qua, giáo
dục Tây Tạng và mọi phương diện đời sống và ngành nghề mang đậm nét
giáo dục Phật giáo. Ngoài tu viện Phật giáo, không có trường học đời.
Ngoài ngành Phật học, không có giáo dục nào khác. Không có giáo sư đời,
chỉ có các giáo viên là các vị Lama Tây Tạng. Cũng theo Bộ Ngoại giao
Trung Quốc, đó là lý có đến 80% Tăng sĩ Tây Tạng thất học, chỉ có số ít
các Lama Tây Tạng có được học đến nơi đến chốn, trở thành các tu sĩ lãnh
đạo các tu viện hoặc được bổ nhiệm làm các nhân viên cao cấp của chính
phủ.
Nền giáo dục Tu viện Tây Tạng gồm 5
môn học chính, dựa vào mô hình giáo dục ”ngũ minh” của Ấn Độ, bao gồm:
a) Văn học Bát-nhã (Prajnaparamita = phar-phyin), b) Văn học Trung Luận
(Madhyamaka = dbu-ma), c) Nhận thức (Pramana = tshad-ma), d) Luận tạng
(Abhidharma = mngon-par chos, mdzod), e) Luật tạng (Vinaya =‘dul-ba).
Ngoài ra, người học còn được học thêm tư tưởng Phật học của bốn trường
phái Phật giáo chính như Kinh lượng bộ (Sautrantika = mDo-sde-pa), Duy
thức bộ (Chittamatra =Sems-tsam-pa), Trung Quán bộ (Madhyamaka = dBu-ma)
và Tỳ-bà-sa bộ (Vaibhashika =Bye-brag smra-ba).
Kể từ khi lưu vong tại Ấn Độ, đức
Dalai Lama đã cải cách chương trình giáo dục Phật học truyền thống thành
mô hình có liên hệ với giáo dục thế học cộng thông ngày nay. Các Tăng
Ni Tây Tạng tại Ấn Độ ngày nay phải học 8 năm tiểu học và trung học tại
các trường giáo dục cộng thông với các học sinh thế học tại các trường
công hoặc tư, bao gồm tiếng Tây Tạng, tiếng Anh, tiếng Hindi, toán, xã
hội học và khoa học.
Sau đó, Tăng Ni phải học 11 năm về 5
môn học chính nêu trên. 5 năm đầu chỉ học văn học Bát-nhã (gồm chương 1,
2, 3, 4 và 8). Năm thứ sáu học Duy thức. Năm thứ 7-9 học về Trung Quán
luận. Năm thứ 10 học về Luận tạng. Năm thứ 11 học về giới luật. Trong
mỗi năm học, phải có 1 tháng đào tạo về các loại nhận thức. Mỗi năm học
đều có 2 kỳ thi (rgyugs-sprod) gồm thi học thuộc lòng (blo-rgyugs) và
thi tranh biện (rtsod-rgyugs). Với chủ trương cải cách của đức Dalai
Lama, các học viên phải thi viết (bri-rgyugs), thi làm thơ (rtsom-bri)
và môn lịch sử tôn giáo và văn hóa Tây Tạng (rgyal-rabs chos-byung).
Sau khi hoàn tất 11 năm giáo dục
chính, học viên nào đậu kỳ thi tranh biện trước Hội đồng tăng sĩ
Jangtsey (gling-bsre dam-bca’) và phải thuyết trình tranh biện với một
Geshe Shartsey trước Hội đồng Ganden sẽ được cấp bằng Geshe (dGe-bshes
rDo-ram-pa). Mỗi năm chỉ có 2 Tăng sĩ được đậu bằng Geshe. Số còn lại
phải chờ nhiều năm mới đến phiên mình. Sau chương trình cải cách của đức
Dalai Lama, người nhận bằng Geshe không còn bị giới hạn số lượng theo
năm nữa.
Để đào tạo các chuyên gia về Phật học,
chương trình hậu Geshe (Geshe Lharampa hay dGe-bshes Lha-ram-pa) gồm 6
năm. Tăng sĩ tốt nghiệp Geshe phải đậu kỳ thi Gelug (dGe-lugs
rgyugs-sprod). Suốt sáu năm này, sinh viên hậu Geshe học lại 5 môn học
chính trong chương trình Geshe với hướng chuyên sâu và nâng cao, từ các
bản sớ giải của các luận sư nổi tiếng như Tsongkhapa, Gyeltsabjey và
Kaydrubjey. Mỗi năm sinh viên phải thi tranh biện và thi viết. Sau khi
hoàn tất chương trình, sinh viên phải trình bày tranh biện tại Lễ hội
Đại cầu nguyện (sMon-lam chen-mo) trước Hội đồng tăng sĩ của 3 tu viện
chính của phái Gelug (gdan-sa gsum) tại khu vực Lhasa là Ganden, Sera và
Drepung. Phải thành công trong tranh biện trước Hội đồng Ganden của
Jangtsey và Shartsey mới đậu bằng Geshe Dorampa. Trước chương trình cải
cách, chỉ có 2 tăng sĩ được cấp bằng này/ năm. Nay số lượng không giới
hạn nữa.
Chương trình mật tông (Tantra) gồm 1
năm chỉ dành cho các Geshe Tsogrampas và Geshe Lharampas. Chương trình
được đào tạo tại Cao đẳng Mật tông thấp Gyumay (rGyud-smad Grva-tshang)
và Cao đẳng Mật tông cao Gyuto (rGyud-stod Grva-tshang). Khi học Mật
tông, Tăng sĩ theo học được gọi là Geshe Karampa (dGe-bshes
bKa’-ram-pa). Mỗi năm chỉ có 2 tăng sĩ được thi tại các Cao đẳng Mật
tông tại kỳ thi Mật tông chính thức (sngags dam-bca’). Người thi đậu sẽ
được trao bằng Geshe Ngagrampa (dGe-bshes sNgags-ram-pa).
Trước năm 1959, để có bằng Geshe
(tương đương tiến sĩ), học viên phải trải qua gần 40 năm, mỗi năm chỉ có
2 vị. Với chủ trương cải cách của đức Dalai Lama, người đậu bằng Geshe
phải trải qua tối thiểu 17 năm (11 năm học 5 môn chính, 6 năm học chuyên
sâu và 1 năm học Mật tông) kể từ khi hoàn tất trung học. Dưới tác động
của nền giáo dục tiên tiến của phương Tây, nền giáo dục truyền thống Tây
Tạng đã thay đổi. Nhờ đó, 40 năm dài đăng đẳng còn lại 17 năm. So với
tiến sĩ của phương Tây chỉ mất trung bình 8 năm (4 năm cử nhân, 2 năm
thạc sĩ và 2 năm tiến sĩ), chương trình Geshe của Tây Tạng vẫn quá dài
và lâu. Dù sao, chương trình cải cách của đức Dalai Lama là đáng trân
trọng, thể hiện nhu cầu thích ứng giáo dục Phật học của Tây Tạng với nền
giáo dục chung trên thế giới.
Tại các nước theo Phật giáo Nam tông
như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia, chương trình Phật
học chỉ bắt đầu từ cử nhân (4 năm). Từ lớp 1 đến lớp 12, Tăng sĩ học
chung với học sinh đời tại các trường do Bộ Giáo dục quy định, thường
nằm trong khuôn viên Chùa và trong thời hiện đại độc lập với Chùa. Các
Tăng sĩ không phải trải qua các chương trình Sơ đẳng, Trung cấp và Cao
đẳng Phật học như ở Việt Nam. Nhờ học chung chương trình giáo dục do Bộ
Giáo dục quy định, các Tăng sĩ Phật giáo Nam tông có kiến thức phổ thông
vững, không phải cùng lúc hai chương trình thế học và Phật học. Tuổi
trung bình một Tăng sĩ Phật giáo Nam tông đậu bằng tiến sĩ Phật học
hoặc các ngành học khác là 26 tuổi (12 năm trung học từ 7 tuổi, 4 năm cử
nhân, 2 năm thạc sĩ và 2 năm tiến sĩ). Mô hình này rất phù hợp với giáo
dục cộng thông dành cho người đời.
Tại Hoa Kỳ, Canada, châu Âu và châu
Úc, chương trình Phật học thường bắt đầu từ Tiến sĩ. Mấy chục năm trở
lại đây, chương trình Phật học bắt đầu từ Thạc sĩ. Cả hai chương trình
vừa nêu đều không bắt buộc sinh viên phải trải qua Cử nhân Phật học như
các ngành học thông thường khác. Chỉ với thời gian đào tạo 2 năm tiến
sĩ, hoặc 4 năm từ thạc sĩ đến tiến sĩ Phật học, chương trình đào tạo tại
phương Tây vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo. Các thạc sĩ và tiến sĩ Phật
học ra trường ở các nước tiên tiến phương Tây đã trở thành các học giả
Phật học lỗi lạc trên thế giới, trước tác và dịch thuật nhiều tác phẩm
Phật học có giá trị.
Trong truyền thống Phật học Tây Tạng,
có ít ác vị Geshe có năng lực trước tác các tác phẩm Phật học có tầm vóc
quốc tế như các học giả phương Tây tại các trường nổi tiếng. Nói cách
khác, chất lượng đào tạo Phật học không bị lệ thuộc vào thời gian quá
dài lâu như trong mô hình giáo dục truyền thống tại Tây Tạng, từ 20-40
năm!
Nếu lấy giáo dục Phật học tại Tây Tạng
(vốn có tính đặc thù như ở Việt Nam) làm quy chiếu so sánh, ta thử đặt
ra câu hỏi: “Có cần cải cách hệ thống giáo dục của GHPGVN hay không?”
Câu trả lời theo tôi là rất cần thiết và cấp bách. Sau đây là vài ý kiến
ban đầu về cải cách giáo dục Phật học tại Việt Nam.
III. CẢI CÁCH GIÁO DỤC PHẬT HỌC TẠI VIỆT NAM
1. Các cấp học trong nền giáo dục GHPGVN
Nền giáo dục của GHPGVN hiện nay gồm có các cấp học sau đây:
a) Giáo dục Sơ cấp Phật học:
Trung bình 2 năm, chủ yếu được áp dụng tại TP.HCM và một số tỉnh miền
Tây. Miền Bắc và miền Trung không bắt buộc các Sa-di và Sa-di-ni phải
học chương trình học này.
b) Giáo dục Trung cấp Phật học:
Trung bình 4 năm, được áp dụng bắt buộc trên toàn quốc. Hiện tại có 33
trường Trung cấp Phật học. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để được
dự thi vào các lớp Cao đẳng hoặc Cử nhân Phật học tại 3 HVPGVN ở Hà Nội,
Huế và TP.HCM.
c) Giáo dục đại học và sau đại học
Phật giáo (sau đây gọi chung là giáo dục đại học) đào tạo trình độ Cao
đẳng (2-3 năm), Cử nhân (4 năm), Thạc sĩ (2 năm) và Tiến sĩ Phật học
(2-5 năm).
Từ năm 1984 đến nay, tuyển sinh tại
các trường Phật học dựa vào tổng thời gian của toàn khóa hòa. Sơ cấp 2
năm một lần. Trung cấp 4 năm một lần. Cao đẳng 2-3 năm một lần. Cử nhân 4
năm một lần. Riêng tại HVPGVN tại TP.HCM từ khóa VI (2006-2010), tuyển
sinh 2 năm một lần. Chương trình thạc sĩ Phật học chỉ có tại HVPGVN tại
TP.HCM, tuyển sinh mỗi năm một lần. Cho đến nay (2012) chưa có HVPGVN
nào được cho phép đào tạo Tiến sĩ Phật học.
2. Ưu điểm và khuyết điểm của hệ thống giáo dục Phật giáo tại Việt Nam
Có thể khẳng định đây là mô hình đào
tạo Phật học mang tính đặc thù của PGVN trong mấy thập niên trở lại đây.
Mô hình giáo dục Phật học này có những điểm ưu và khuyết sau đây:
a) Ưu điểm lớn nhất của mô hình giáo
dục này là dựa vào thời điểm xuất gia, bất luận tuổi tác nhỏ, trung niên
hay lão niên, Tăng Ni sinh được đào tạo Phật học nên nắm vững Phật pháp
để thực tập chuyển hóa và làm đạo ở mức độ đơn giản.
b) Kiến thức phổ thông không vững: Do
quy định kế thừa giữa các cấp học (từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại
học), các vị xuất gia ở tuổi thiếu niên sẽ không thể học song song hai
chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục Phật học cùng một lúc. Điều
này đã dẫn đến tình trạng phần lớn các Tăng Ni Việt Nam xuất gia từ nhỏ
phải học bổ túc văn hóa (vốn chỉ có ở Việt Nam), thay vì phải theo học
các trường phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo để có chất lượng kiến
thức cao hơn. Do vì phải học bổ túc lớp 12 ban đêm song song với chương
trình Sơ cấp hay Trung cấp Phật học (Tăng buổi sáng, Ni buổi chiều),
Tăng Ni phần lớn không có kiến thức thế học vững vàng như các học sinh
tốt nghiệp 12 theo hệ chính quy. Kết quả là năng lực tiếp thu Phật pháp
tại các trường lớp Phật học cũng bị những giới hạn nhất định.
Khi đậu các kỳ thi tuyển cử nhân Phật
học tại các HVPGVN, phần lớn các Tăng Ni sinh có bằng 12 hệ bổ túc văn
hóa khó theo kịp chương trình tín chỉ, nên phải học vất vã hơn các Tăng
Ni sinh tốt nghiệp 12 hệ chính quy, đi tu muộn hơn. Nói cách khác, kiến
thức phổ thông là kiến thức nền mà không vững thì khi lên học ở cấp Cử
nhân trở nên, sinh viên gặp nhiều trở ngại và khó đậu điểm giỏi tại các
kỳ thi giữa kỳ và cuối mùa học.
c) Thời gian đào tạo quá dài lâu: Theo
mô hình giáo dục của GHPGVN hiện tại, để có được một tiến sĩ Phật học,
ta phải mất trung bình 16 năm (2 năm sơ cấp, 4 năm trung cấp, 2 năm cao
đẳng, 4 năm cử nhân, 2 năm thạc sĩ và 2-5 năm tiến sĩ), tính từ lớp 12
(nếu cộng sơ cấp Phật học vào) và khoảng 14 năm nếu không tính sơ cấp
Phật học (như ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam). So với hệ thống giáo
dục Phật học tại các nước Nam tông, Việt Nam được xem là bị tụt hậu. So
với các nước tiên tiến về giáo dục, ta phải mất gấp đôi thời gian mới
đào tạo được 1 tiến sĩ Phật học. Phần lớn để có được tiến sĩ Phật học,
Tăng Ni Việt Nam đã đến tuổi U40, U50, nên ít nhiều ảnh hưởng đến năng
lực và hiệu quả Phật sự, ngay cả trong ngành giáo dục Phật học cũng
không phải là ngoại lệ.
d) Bảo hòa kiến thức do học trùng: Vì
trải dài chương trình đào tạo quá nhiều năm như nêu trên, chương trình
đào tạo Phật học của GHPGVN hiện tại không thể không bị trùaijgiuw giữa
các cấp học. Dù có được đào tạo theo mô hình “lớp nhỏ với kiến thức phổ
thông và lớp lớn với kiến thức nâng cao”, các Tăng Ni sinh theo học
trình tự từ thấp đến cao không thể không bị rơi vào cảm giác “đã biết
rồi” (mà trên thực tế thì biết chẳng sâu) nên dẫn đến tình trạng “bị bão
hòa”, không thể tiếp thu cái mới được nữa. Điều này dẫn đến tình trạng ỷ
lại trong học tập nên kết quả học tập không cao như mong đợi.
3. Tiêu chí cải cách giáo dục Phật học tại Việt Nam
a) Tính hệ thống:
Chương trình giáo dục Phật học tại Việt Nam theo chương trình cải cách
cần đảm bảo tính hệ thống, từ thấp đến cao, kế thừa giữa các cấp học,
các trình độ đào tạo, theo đó, phải bảo đảm tính phương pháp đào tạo,
tính thống nhất về nội dung giảng dạy, tính thiết thực hiện tại nhằm
khẳng định Phật giáo là nguồn trị liệu khổ đau có hiệu quả của nhân
loại.
b) Tính giáo khoa: Để
đảm bảo được chất lượng đào tạo, kiến thức và kỹ năng cho người học,
các chương trình giáo dục Phật học ở các cấp học phải được cụ thể hóa
thành “sách giáo khoa” đối với giáo dục Sơ cấp Phật học và Trung cấp
Phật học, hoặc “giáo trình và tài liệu giảng dạy” ở giáo dục đại học
Phật giáo. Sách giáo khoa, giáo trình và tài liệu giảng dạy tại các cấp
học thuộc giáo dục Phật giáo Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu về nguyên lý,
tính hệ thống, và phương pháp giáo dục.
c) Tính phương pháp: Giáo
dục Phật giáo phải phù hợp với đặc điểm của từng môn học; phương pháp
tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến
thức Phật pháp vào thực tiễn hành trì; giúp Tăng Ni sinh tinh tấn và
thành công trong tu học ở hiện tại và làm Phật sự về sau.
d) Tính tương tục thời gian đào tạo:
Hiện nay, chương trình giáo dục Phật học được tổ chức thực hiện theo
khóa học 2 năm một lần đối với Sơ cấp Phật học, 4 năm một lần đối với
Trung cấp Phật học; 2-3 năm một lần đối với Cao đẳng Phật học; 4 năm một
lần Cử nhân Phật học.
Tính tương tục hằng năm trong đào tạo
Phật học sẽ đảm bảo được chất lượng đào tạo và đầu ra. Để đảm bảo tính
liên tục, các trường Phật nên tiến đến mô hình đào tạo 2 năm/ 1 lần, sau
đó, mỗi năm một lần. Hiện tại, HVPGVN tại TP.HCM đang đi đầu về mô hình
này, tổ chức tuyển sinh Cử nhân Phật học 2 năm/ lần và Thạc sĩ Phật học
mỗi năm/ lần.
e) Tính liên thông: Giữa
các chương trình và cấp học ở các trường Phật học và các HVPGVN, cần có
sự liên thông trong đào tạo Phật học. Theo mô hình đào tạo liên thông,
Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cao đẳng Phật học tại các trường Cao đẳng Phật
học ở các tỉnh thành không phải học năm 1-2 của chương trình Cử nhân ở
các HVPGVN, mà được học thẳng từ năm thứ 3 Cử nhân Phật học. Để đảm bảo
kiến thức sàn, Tăng Ni sinh học chương trình liên thông phải bổ túc một
số môn học bắt buộc tùy theo quy định của từng HVPGVN. Với mô hình này,
Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cao đẳng Phật học không phải mất 2 năm như trước
đây. Đây là mô hình được bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng đối với các Cao
đẳng và Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiều năm qua.
f) Tính hiện đại: Nhằm
cập nhật cho người học các kiến thức mới và các khám phá mới trong
ngành Phật học trên toàn cầu, các môn học và nội dung môn học trong các
trường Phật học cần được cập nhật, chỉnh lý, bổ sung, theo hướng hiện
đại, toàn diện và có hệ thống.
g) Quy định về đào tạo liên tỉnh hoặc khu vực
Các trường Phật học trực thuộc GHPGVN
về bản chất nên là các trường đào tạo theo mô hình liên tỉnh hoặc khu
vực. Để đảm bảo chất lượng đào tạo Phật học, duy trì tính liên tục hằng
năm và bền vững trong đào tạo, các Ban Trị sự tỉnh thành hội Phật giáo
lân cận trong một khu vực liên kết thành lập một trường Trung cấp Phật
học, trường Cao đẳng Phật học cho các Tăng Ni sinh trong khu vực của
mình. Nếu chính sách này được áp dụng, các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh
thành sẽ tiết kiệm được ngân sách đầu tư giáo dục ở tỉnh mình.
h) Ngôn ngữ giảng dạy:
Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong các trường Phật học và cơ
sở giáo dục Phật giáo khác. Tùy theo mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể
về nội dung giáo dục ở cấp Cử nhân tại các HVPGVN, Ban Giáo dục Tăng Ni
TW cho phép việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài, như khoa Tiếng Anh
Phật pháp (Dharma English Department) và khoa Tiếng Trung Phật pháp
(Dharma Chinese Department) đang được áp dụng từ năm 2010 tại HVPGVN tại
TP.HCM.
Nhằm giúp Tăng Ni sinh có khả năng sử
dụng và phân tích văn bản, cổ ngữ quy định trong chương trình giáo dục
Phật học nên bao gồm Pali, Sanskrit, Tạng ngữ và Hán ngữ. Ngoài ra, tại
các cấp Phật học, tiếng Anh Phật pháp nên được đào tạo nhằm giúp Tăng Ni
có thể sử dụng ngôn ngữ thông dụng này tiếp cận các nguồn tài liệu mới
được khám phá và công bố trên thế giới dưới hình thức sách thư viện và
online.
4. Cải cách giáo dục phổ thông Phật học
a) Giáo dục Sơ cấp Phật học: Thời
gian học là 1 năm. Đối tượng: Người tập sự xuất gia, các Sa-di,
Sa-di-ni và Thức-xoa-ma-na-ni, bất luận tuổi tác. Bản chất chương trình:
Không bắt buộc, nhằm giúp người mới xuất gia ở các địa phương mà trường
Trung cấp Phật học đã khai giảng rồi, có được cơ hội học Phật, bồi
dưỡng chính tín trong nhưng năm tháng mới đi tu.
b) Giáo dục Trung cấp Phật học: Thời
gian học là 2 năm (thay vì 4 năm như hiện nay). Đối tượng: Các Sa-di,
Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na-ni và Tăng Ni trẻ. Bản chất chương trình: Bắt
buộc đối với Sa-di muốn thọ giới Tỳ-kheo và Sa-di-ni muốn thọ giới
Thức-xoa và Thức-xoa muốn thọ giới Tỳ-kheo-ni. Đây cũng là điều kiện
tuyển sinh vào Cao đẳng hay Cử nhân Phật học tại các HVPGVN.
c) Yêu cầu căn bản của giáo dục phổ thông Phật học:
Giúp cho Tăng Ni sinh có những hiểu biết phổ thông cơ bản về cuộc đời
đức Phật, tinh hoa triết lý Phật giáo, các trường phái và tông phái đạo
Phật, các hành trì căn bản về giới định huệ, các kiến thức về khoa học
xã hội, khoa học tự nhiên tương đương với trình độ Trung học phổ thông,
pháp luật, tin học, ngoại ngữ và cổ ngữ Phật giáo.
d) Thống nhất chương trình và sách giáo khoa: Để
đạt được mục tiêu giáo dục phổ thông Phật giáo ở phạm vi toàn quốc, Ban
Giáo dục Tăng Ni TW cần thống nhất chương trình đào tạo Sơ cấp Phật
học, Trung cấp Phật học và Cao đẳng Phật học trên phạm vi toàn quốc. Các
trường này nên dạy cùng chương trình, môn học, thi cùng đề trong cùng
thời điểm tại các địa điểm khác nhau.
Mỗi cấp học và niên học đều có sách
giáo khoa, nhằm cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức Phật học,
đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông, giúp cho giảng viên
Phật học thống nhất nội dung giảng dạy và giúp cho người học dễ dàng
nghiên cứu bài trước tại Chùa, theo dõi bài trên lớp và đảm bảo kết quả
tốt trong giảng dạy và học tập.
e) Dự thảo chương trình Trung cấp Phật học cải cách
NĂM THỨ NHẤT, HỌC KỲ I
MÔN HỌC SÁCH GIÁO KHOA
1 Phật và Thánh chúng HT. Thích Minh Tuệ
2 Phật học căn bản Phật học cơ bản 1 do Ban Hoằng pháp TƯ soạn
3 Kinh Pháp cú Thiện Nhựt soạn
4 Tịnh độ và Thiền học thực hành Tịnh độ thập yếu của HT. Thích Thiền Tâm và Hành thiền của HT. Thích Minh Châu
5 Việt văn - Việt văn lớp 11 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
6 Hán văn Phật pháp/
Anh văn Phật pháp - Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư
- Sangha Talk do Trần Phương Lan soạn
NĂM THỨ NHẤT, HỌC KỲ II
MÔN HỌC SÁCH GIÁO KHOA
1 Lược sử Phật giáo Ấn Độ HT. Thích Thanh Kiểm soạn
2 Kinh Na-tiên Tỳ-kheo Cao Hữu Đính soạn dịch
3 Oai nghi xuất gia HT. Thích Trí Quang dịch chú
4 Phát bồ đề tâm văn HT. Thích Trí Quang dịch chú
5 Việt văn - Sách Việt văn lớp 12 của Bộ GD va ĐT
6 Hán văn Phật pháp/
Anh văn Phật pháp - Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư
- Sangha Talk do Trần Phương Lan soạn
NĂM THỨ HAI, HỌC KỲ I
MÔN HỌC SÁCH GIÁO KHOA
1 Lược sử Phật giáo Việt Nam HT. Thích Minh Tuệ soạn dịch
2 Nhị khóa hiệp giải HT. Thích Hành Trụ dịch
3 Kinh Bát đại nhân giác TT. Thích Viên Giác soạn dịch
4 Quy Sơn cảnh sách Kim Đài dịch giải
5 Luận Bách pháp minh môn HT. Thích Thiện Nhơn
6 Hán văn Phật pháp/
Anh văn Phật pháp - Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư
- Sangha Talk do Trần Phương Lan soạn
NĂM THỨ HAI, HỌC KỲ II
MÔN HỌC SÁCH GIÁO KHOA
1 Kinh Tứ thập Nhị chương TT. Thích Nhật Từ dịch giải
2 Kinh Hiền Nhân HT. Thích Hành Trụ dịch
3 Duy thức tam thập tụng HT. Thích Từ Thông soạn dịch
4 Văn học Phật giáo Việt Nam TT. Thích Phước Đạt soạn dịch
5 Kinh Di giáo TT. Thích Viên Giác soạn
6 Hán văn Phật pháp/
Anh văn Phật pháp - Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư
- Sangha Talk do Trần Phương Lan soạn
5) Dự thảo chương chương trình Cao đẳng Phật học cải cách
a) Mô hình Cao đẳng:
Có hai chương trình cao đẳng Phật học. Chương trình 1: Thi tuyển và học 2
năm đầu tại các HVPGVN hoặc theo chương trình của các HVPGVN. Nếu không
có nhu cầu học tiếp, các Tăng Ni sinh làm luận văn tốt nghiệp. Chương
trình 2: Thi tuyển và học theo chương trình do Ban Giáo dục Tăng Ni TW
quy định.
b) Thời gian học:
Chương trình học chính quy là 2 năm, gồm 4 học kỳ. Mỗi học kỳ học 6 môn,
trong đó, môn ngoại ngữ có thể lựa chọn hoặc Hán văn Phật pháp hoặc Anh
văn Phật pháp. Mỗi môn học 45 tiết và hoàn tất trong một học kỳ, ngoại
trừ các môn Hán văn Phật pháp và Anh văn Phật pháp.
c) Cấu trúc chương trình: Gồm ba khối kiến thức sau đây:
c.1. Khối kiến thức chung
1. Tiếng Việt thực hành (bắt buộc)
2. Lịch sử Việt Nam (bắt buộc)/
3. Lịch sử Văn học Việt Nam
4. Triết học Mác Lê-nin (bắt buộc)
5. Lịch sử tôn giáo thế giới
6. Hán ngữ (4 học kỳ)
7. Anh ngữ (2 học kỳ)
c.2. Khối kiến thức cơ sở Phật học
1. Cương yếu Phật học
2. Đại cương văn học Hán
3. Đại cương giới luật Phật giáo
4. Đại cương thiền học Phật giáo
5. Văn học Phật giáo Việt Nam
6. Lịch sử Phật giáo Ấn Độ
7. Lịch sử Phật giáo Việt Nam
8. Lịch sử Phật giáo Trung Quốc
c.3. Khối kiến thức chuyên ngành Phật học
1. Tư tưởng Trung bộ Kinh/ Trung A-hàm
2. Tư tưởng Trường bộ Kinh/ Trường A-hàm
3. Kinh Pháp Hoa
4. Kinh Kim Cang
5. Thắng pháp tập yếu luận
6. Trung Quán luận
d) Chương trình Cao đẳng Phật học dự kiến
NĂM THỨ NHẤT, HỌC KỲ I
MÔN HỌC SÁCH GIÁO KHOA
1 Cương yếu Phật học Phật học khái luận của HT. Thích Chơn Thiện
2 Lịch sử Phật giáo Ấn Độ TT. Thích Viên Trí
3 Đại cương giới luật Phật giáo Luật học cương yếu của HT. Thánh Nghiêm
4 Lịch sử Việt Nam Sách giáo khoa của Bộ GD và ĐT
5 Tiếng Việt thực hành Giáo án HVPGVN tại TP.HCM
6 Hán văn/ Anh văn Phật pháp Giáo án HVPGVN tại TP.HCM
NĂM THỨ NHẤT, HỌC KỲ II
MÔN HỌC SÁCH GIÁO KHOA
1 Đại tạng kinh Phật giáo TQ Giáo án HVPGVN tại TP.HCM
2 Đại cương thiền học Phật giáo Giáo án HVPGVN tại TP.HCM
3 Lịch sử Phật giáo Việt Nam Lê Mạnh Thát
4 Văn học Việt Nam Giáo án của Bộ GD và ĐT
5 Triết học Mác Lê-nin Giáo án của Bộ GD và ĐT
6 Hán văn/ Anh văn Phật pháp Giáo án HVPGVN tại TP.HCM
NĂM THỨ HAI, HỌC KỲ I
MÔN HỌC SÁCH GIÁO KHOA
1 Tư tưởng Trung bộ Kinh/ A-hàm HT. Thích Chơn Thiện soạn
2 Tư tưởng Kinh Kim Cang HT. Thích Chơn Thiện soạn
3 Thắng pháp tập yếu luận HT. Thích Minh Châu dịch
4 Văn học Phật giáo Lý Trần TT. Thích Phước Đạt soạn
5 Lịch sử tôn giáo thế giới Mười tôn giáo lớn trên thế giới của Hoàng Tâm Xuyên, NXB. Chính trị Quốc gia
6 Hán văn/ Anh văn Phật pháp Giáo án HVPGVN tại TP.HCM
NĂM THỨ HAI, HỌC KỲ II
MÔN HỌC SÁCH GIÁO KHOA
1 Tư tưởng Kinh Trường Bộ HT. Thích Minh Châu dịch
2 Tư tưởng Kinh Pháp Hoa HT. Thích Trí Quảng
3 Trung Quán luận Giáo án HVPGVN tại TP.HCM
4 Lịch sử Phật giáo Trung Quốc TT. Thích Viên trí
5 Văn học PGVN hiện đại TT. Thích Phước Đạt soạn
6 Hán văn/ Anh văn Phật pháp Giáo án HVPGVN tại TP.HCM
6) Cải cách giáo dục đại học Phật giáo
a) Các cấp và thời gian đào tạo
a1. Cao đẳng Phật học: Từ hai đến ba năm, đối với Tăng Ni sinh tốt nghiệp Trung cấp Phật học.
a2. Cử nhân Phật học: Bốn
năm đối với Tăng Ni sinh có bằng tốt nghiệp cấp 3 và Trung cấp Phật
học, hoặc từ hai năm đến hai năm rưỡi đối với người có bằng tốt nghiệp
Cao đẳng Phật học, theo cơ chế đào tạo liên thông.
a3. Thạc sĩ Phật học: Từ hai năm đến ba năm học đối với người có bằng tốt nghiệp Cử nhân Phật học hoặc tương đương.
a4. Tiến sĩ Phật học: Từ hai năm đến năm năm học đối với người có bằng tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học hoặc tương đương.
b) Phương pháp đào tạo:
Phương pháp đào tạo trình độ đại học Phật giáo coi trọng kiến thức
phương pháp luận, ý thức tự giác học tập, rèn luyện thói quen nghiên cứu
khoa học, phát triển tư duy sáng tạo, nhằm giúp Tăng Ni sinh viên trở
thành các nhà nghiên cứu giỏi, ứng dụng hành trì giỏi và dấn thân làm
Phật sự có hiệu quả.
c) Quy định về chương trình khung: Các
trường Cao đẳng Phật học độc lập ở các tỉn thành hoặc các HVPGVN cần
tuân thủ chương trình khung do Ban Giáo dục Tăng Ni TW quy định cho từng
ngành đào tạo đối với trình độ Cao đẳng Phật học, Cử nhân Phật học,
Thạc sĩ Phật học và Tiến sĩ Phật học, bao gồm cơ cấu nội dung các môn
học, thời gian đào tạo, tỷ lệ phân bổ thời gian đào tạo giữa các môn
học. Căn cứ vào chương trình khung nêu trên, các Trường cao đẳng Phật
học và các HVPGVN có thể gia giảm tối đa 20% các môn học cho phù hợp và
mang tính đặc thù của trường mình.
d) Chương trình đào tạo: Hai năm đầu
có 80-90% giống với chương trình Cao đẳng Phật học nêu trên. Năm thứ 3
và thứ 4 có thể đào tạo theo chuyên khoa, bao gồm: khoa bao gồm: 1) Khoa
Pāli (Department of Pāli), 2) Khoa Phạn Tạng (Department of Buddhist
Sanskrit and Tibetan Studies), 3) Khoa Phật học Trung Quốc (Department
of Chinese Buddhism), 4) Khoa Phật giáo Việt Nam (Department of
Vietnammese Buddhism), 5) Khoa Lịch sử Phật giáo (Department of History
of Buddhism), 6) Khoa Triết học Phật giáo (Department of Buddhist
Philosophy), 7) Khoa Phật học tiếng Anh (Department of Dharma English)
và 8) Khoa Phật học tiếng Trung (Department of Buddhist Chinese) và 9)
Khoa hoằng pháp (Department of Dharma Propagation) và 10) Khoa đào tạo
từ xa (Department of Distance Learning). Các HVPGVN nào không đủ giảng
viên để mở các khoa độc lập thì có thể chọn khoa Triết học Phật giáo làm
nội dung của năm thứ 3 và thứ 4.
***
Nói tóm lại, phác họa trên đây chỉ
mang tính gợi ý, chưa đi chuyên sâu vào việc phân tích các lý do cải
cách hệ thống giáo dục Phật học tại Việt Nam một cách có hệ thống và
toàn diện. Tôi tin tưởng rằng chương trình cải cách giáo dục Phật học
tại Việt Nam trong bối giáo dục hiện đại, khi thực hiện được, sẽ góp
phần không nhỏ trong việc mang lại một bộ mặt mới cho nền giáo dục Phật
học Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa về giáo dục hiện nay.
Ngày 27-4-2012
TT.Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng HVPGVN tại Tp.HCM