Ngày nay, nhân loại đang đối mặt với nhiều hiểm họa nghiêm
trọng xảy ra. Những hiểm họa đó chắc chắn không phải là việc thiếu thốn
tiền bạc hay là thiếu khả năng khoa học. Trong những trường hợp như vậy,
vai trò phụ nữ với hệ thống giáo dục đúng đắn sẽ giúp giảm nhẹ sự căng
thẳng nghiêm trọng trong gia đình và xã hội.
Trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến một đặc tính ưu việt của
người phụ nữ, đó là tình thương hay là lòng từ bi. Khi sức mạnh về lòng
yêu thương được phát huy trọn vẹn, phụ nữ có thể cảm hóa, hướng dẫn,
nâng cao tinh thần của các thành viên trong gia đình.
Vị trí của người phụ nữ rất quan trọng, đặc biệt với vị trí một người
vợ hay một người mẹ, trong một vài truyền thống, người mẹ được yêu
thương và kính ngưỡng như một vị thần linh. Sự kính ngưỡng người mẹ còn
cao hơn là đối với người cha, hoặc là người thầy.
Không có người phụ nữ thì người đàn ông không còn là người đàn ông,
và mái ấm gia đình không còn là mái ấm gia đình.
Một bậc Thánh dạy rằng: “Một đứa con trai hư đốn có thể được sinh
ra trong gia đình nhưng không thể nào có mặt bà mẹ xấu xa”. Dĩ
nhiên, vấn đề vừa nêu trên có thể không đúng hoàn toàn, tuy nhiên nó
cũng cho biết ảnh hưởng quan trọng của phụ nữ.
Nhận thức của phụ nữ hoàn toàn khác xa với nam giới, không may sự
khác biệt này đã mang lại ngộ nhận đáng tiếc cho rằng phụ nữ là yếu ớt,
nhẹ dạ, dễ xúc động, vì vậy cần phải nương tựa vào phái mạnh.
Tuy nhiên, phụ nữ sở hữu một sức mạnh của tình thương hay lòng từ bi,
một khi được rèn luyện trong một hệ thống giáo dục đúng.
Thế nào là một hệ thống giáo dục đúng? Ðó là hệ thống giáo dục phụ nữ
đặt nền tảng trên truyền thống tâm linh, đó là sự hướng dẫn phụ nữ phát
triển hài hòa giữa thân thể và tinh thần.
Chúng ta có hai loại giáo dục, giáo dục chính thức và giáo dục không
chính thức. Giáo dục chính thức là sự thu thập kiến thức qua trường lớp
và cấp đại học, giáo dục không chính thức là xuyên qua kinh nghiệm của
cuộc sống, của thực tập thiền định …
Hệ thống giáo dục hiện nay chỉ chú trọng đến giáo dục chính thức, với
mục đích đào tạo lớp người theo nhu cầu phát triển vật chất của xã hội.
Còn quan điểm rèn luyện tinh thần như là một nền tảng căn bản của giáo
dục thì không được chú trọng, vì vậy con người xã hội hiện nay thiếu
trách nhiệm với cuộc sống.
Tiếp theo, chúng tôi muốn đề cập đến vai trò quan trọng của một vị
thầy có trí tuệ. Trên thế giới vẫn còn nhiều người đi tìm những vị thầy
có trí tuệ hay những người lãnh đạo tài ba đức độ, vì chỉ các bậc này
mới có khả năng trao truyền kiến thức hay hướng dẫn công việc mang lại
lợi ích cho số đông.
Ðức Phật đã cho chúng ta một định nghĩa về người có trí tuệ, đó là vị
thầy có thể phân biệt cái gì là chân thật, cái gì không chân thật, hoặc
có thể phân biệt cái gì là lợi ích, cái gì có hại.
Mọi người thường nghĩ rằng người có giáo dục, có nhiều bằng cấp đều
là thầy tốt. Thực tế đôi khi cho thấy những người được học hành có nhiều
bằng cấp và những người thầy có trí tuệ hoàn toàn khác nhau.
Trong kinh Ðại Phước Ðức, Ðức Phật cảnh cáo chúng ta không nên chọn
người vô minh làm vị thầy của mình. Bởi vì, những người thầy vô minh
không có khả năng phân biệt sự khác nhau giữa cái gì là lợi ích và cái
gì là có hại.
Không may mắn nếu một người nào tin tưởng vào người vô minh là vị
thầy của mình thì cuộc đời của họ sẽ không bao giờ thực hiện điều gì có
lợi cho chính mình và mọi người.
Học hỏi từ câu chuyện xảy ra trong thời Ðức Phật, đó là Thái tử
A-xà-thế, người được rèn luyện trong một hệ thống cao nhất của hoàng
gia. Tuy nhiên Thái tử đã giết chính cha đẻ của mình, bởi vì Thái tử đã
chọn Ðề-bà-đạt-đa như vị thầy, như người lãnh đạo của mình.
Ðề-bà-đạt-đa là người bà con của Ðức Phật, ông cũng đã trải qua hệ
thống giáo dục rất cao của hoàng gia, thậm chí ông còn đạt được một số
năng lực phi thường qua sự thực hành của thiền định trong thời gian xuất
gia tu học với Ðức Thế Tôn.
Tuy nhiên ông ta chẳng làm được việc gì tốt, thay vào đó đã làm hại
vô số người. Và ông ta được xếp vào hạng người vô minh, mặc dù đã học
hỏi được vô số kiến thức.
Tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận như thế nào là sức mạnh của người
phụ nữ được giáo dục tốt trong cả hai hệ thống chính thức và không chính
thức. Chắc chắn người phụ nữ ấy không phải là người ích kỷ, ngược lại
đôi khi dám hy sinh ngay cả cuộc sống riêng tư của mình cho lợi ích
không chỉ của gia đình mà của cả quốc gia và nhân loại.
Có rất nhiều tấm gương về những người phụ nữ dám hy sinh cuộc đời
mình cho nền hòa bình và lợi ích cho số đông trên khắp thế giới.
Thời gian có giới hạn, tôi chỉ đơn cử sức mạnh của hai người phụ nữ.
Hai vị này đã truyền bá giáo lý từ bi của Ðức Phật đến lãnh thổ Tây Tạng
và đã chuyển đổi đất nước này trở thành một đất nước yêu chuộng hòa
bình trên thế giới. Ðó là một cuộc hôn nhân lịch sử của công chúng
Bhrikuti Devi của Nepal và công chúa Kongio (Vãn Thành) của Trung Quốc
và vua Srong Btsam Do của Tây Tạng trong thế kỷ thứ bảy.
Cả hai công chúa này đã được giáo dục rất tốt trong cả hai truyền
thống của đất nước Phật giáo. Bên cạnh đó họ lại nhận được những lời
khuyên tốt đẹp đầy trí tuệ từ vua cha như là một người thầy của họ. Ðó
là “Hãy có chánh kiến, hành động đúng và giàu lòng từ bi khi sinh
sống trên lãnh thổ Tây Tạng”.
Kết quả, với sự giúp đỡ của hai hoàng hậu người ngoại quốc này, đạo
Phật đã truyền bá một sức sống mới cho văn minh của người Tây Tạng và
cũng xây dựng một nền hòa bình lâu dài cho Tây Tạng, Nepal và Trung
Quốc. Thế hệ chúng ta không thể quên được dóng góp to lớn của hai công
chúa này và điều này chúng ta có thể nói rằng: “Ðó là sức mạnh của
người phụ nữ”.
Kết thúc bài viết này, tôi chỉ muốn đóng góp đôi phần cho tinh thần
giáo dục nữ giới đúng theo hai hình thức. Ðiều này nếu được thực hiện
tốt sẽ giúp cho học sinh vừa thu tập được kiến thức, kỷ năng và nhận
thức rõ ràng rằng cái gì là cần thiết, là hữu ích, là tốt dẹp cho sự
tiến bộ trong cuộc đời họ.
Cũng vậy, họ có khả năng sửa sai và làm tốt hơn những hành động của
mình dần dần hoàn thiện tư cách và đạt được năng lực tốt để thực hiện
nhiệm vụ một cách có hiệu quả./.
(*) Tham luận Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI tại
Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam