PG & Giáo dục
Giáo dục ở tự viện
08/05/2010 03:05 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trước khi chịu ảnh hưởng sự giáo dục của trường lớp theo văn hóa Tây phương, nền giáo dục của Đông phương nói chung và ở Việt Nam nói riêng, mang tính cách gia đình, tính cách thầy trò theo tinh thần Nho giáo của Khổng Mạnh. Tuy nhiên, có thể thấy rõ việc giáo dục ở tự viện của Phật giáo Việt Nam đã góp phần quan trọng cho xã hội nước ta ở nhiều lãnh vực.

Thật vậy, những bài học của Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc khai mở tâm trí, phát huy sự hiểu biết cho nhiều người và xây dựng cho cộng đồng xã hội những con người vừa có tài năng, vừa có nếp sống văn hóa và đạo đức. Thực tế cho thấy người ta đến chùa, ngoài việc đọc tụng kinh điển của Đức Phật, họ còn được gần gũi những bậc cao Tăng để học đạo đức làm người và học kiến thức văn hóa của xã hội.

TDG (1).jpg

Tự viện là nơi đào tạo người đạo đức

Lịch sử nước ta đã lưu lại những việc làm tốt đẹp của sự giáo dục theo Phật giáo. Từ thời kỳ Việt Nam lập quốc, đa số vua quan đều học ở chùa; điển hình như vua Lý Nam Đế trước khi khởi nghiệp đã học đạo ở chùa. Ngoài ra, người chịu ảnh hưởng rõ nét sự đào tạo của chùa là Lý Công Uẩn, tức vua Lý Thái Tổ. Vị vua này đã được Thiền sư Vạn Hạnh un đúc, nuôi dưỡng, dạy dỗ thành người tài đức có công lớn trong việc mở mang triều đại nhà Lý, một triều đại mà theo cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn nhận xét là triều đại thịnh trị và thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Từ đó về sau, các tự viện Phật giáo vừa đào tạo tu sĩ và Thiền sư, đồng thời cũng đào tạo được những người có tài an bang tế thế nổi tiếng.

Cho đến khi Quốc Tử Giám được thành lập và tổ chức nền giáo dục theo tinh thần Tam giáo đồng nguyên, thì đất nước ta mới chính thức có trường đào tạo người làm quan.

Từ đó về sau, chùa chỉ đào tạo người đạo đức. Tuy nhiên, việc chính yếu có thể thấy rõ là chùa chiền hay Phật giáo Việt Nam vẫn luôn giúp đỡ triều đình ổn định xã hội, cũng như đóng vai trò quan trọng cho an sinh xã hội. Có thể khẳng định rằng từ thời kỳ xa xưa cho đến ngày nay, hầu hết người dân Việt Nam vẫn còn ít nhiều chịu ảnh hưởng sự giáo dục đạo đức của các tự viện Phật giáo.

Hiện nay, các chùa đều tổ chức những khóa học giáo lý, giảng dạy về đạo đức cho Phật tử, giúp họ vừa đóng góp được việc làm tốt đẹp trong các hoạt động xã hội, vừa gìn giữ được nếp sống đạo đức mà chính yếu là nếp sống xây dựng trên nền tảng năm giới và mười giới theo Phật dạy.

TDG (2).jpg

Như các Phật tử đã biết, năm giới là không sát sinh, không gian tham trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời hung ác, không nói lời gây chia rẽ và không sử dụng những chất kích thích làm mất tự chủ. Mười giới gồm năm giới vừa nói cộng thêm năm giới mang tính cách tích cực hơn nữa; đó là chẳng những không sát sinh mà còn phóng sinh, còn bảo vệ mạng sống của tất cả các loài, kể cả bảo vệ môi trường sống của trái đất này. Chẳng những không gian tham, trộm cướp mà còn bố thí, san sẻ của cải vật chất cho những người kém may mắn hơn mình. Chẳng những sống cuộc đời đoan chánh mà còn hướng dẫn người khác cũng sống tốt đẹp như mình. Chẳng những không nói dối, không nói hung ác, không nói lời gây mất đoàn kết, mà luôn nói lời ngay thật, nói lời từ ái, nói lời tạo sự hòa thuận giữa mọi người. Chẳng những không sử dụng chất làm mất sự sáng suốt, mà còn hướng dẫn được nhiều người thoát khỏi con đường nghiện ngập, giúp họ không bị mất nhân phẩm, tâm trí không mê muội và giữ được gia đình hạnh phúc của họ.

Thiết nghĩ việc giữ gìn năm giới cho đến mười giới như trên, người Phật tử không tạo những việc tội lỗi, không nói lời tội lỗi, không suy nghĩ tội lỗi, mà hơn thế nữa còn làm những việc tốt đẹp và lời nói cùng suy nghĩ tốt đẹp. Vì vậy, năm giới cho đến mười giới chính là nền tảng đạo đức căn bản thiết thực nhất và có giá trị lớn lao cho việc xây dựng mẫu người sống đạo đức, tạo dựng được gia đình hạnh phúc, hòa thuận, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội mà mọi người có thể tin cậy lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cùng an vui, đoàn kết, phát triển, cho đến góp phần giúp trái đất của chúng ta được trong sạch, xanh đẹp, kéo dài được tuổi thọ, giúp cho thế giới hòa bình, mọi người và mọi loài cùng chung sống trong sự chia sẻ, nâng đỡ cùng phát triển cộng tồn.

Tóm lại, năm giới hay mười giới của Đức Phật dạy đã có giá trị từ thuở Ngài tại thế, cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị hữu ích cho cuộc sống tốt đẹp của cả nhân loại. Thật vậy, khi mà hận thù, bạo lực, chiến tranh hàng ngày vẫn đang diễn ra ở khắp mọi nơi, khi mà sự sống của con người và nhiều chủng loại khác đã bị hủy diệt và đang bị đe dọa, khi mà lá phổi của địa cầu này đang bị chọc thủng, khi mà môi trường sống của con người đang từng ngày bị ô nhiễm trầm trọng, chỉ vì lòng tham lam, ích kỷ, thù hận, mê muội của con người, thì hơn bao giờ hết việc tuân thủ năm giới cho đến mười giới của Đức Phật vẫn vô cùng cần thiết cho cuộc sống tốt đẹp, an lạc, hòa bình của từng người, từng gia đình, từng quốc gia và cho cả cộng đồng nhân loại cùng muôn loài trên quả địa cầu này.

HT. Thích Trí Quảng (Giác Ngộ )

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch