Vấn đề nan giải
Vấn đề khó khăn mang ý nghĩa trong trường hợp: Làm
thế nào để những bậc phụ huynh Phật tử có thể dạy tốt lời dạy của Đức
Phật cho con em của họ?
Vì tôi không muốn lý thuyết hóa, tôi chỉ nói kinh
nghiệm thực tế trong khi dạy con cái chúng tôi và các em thiếu nhi khác
nói chung. Ở một quốc gia Phật giáo, được thấm nhuần truyền thống Phật
giáo qua nhiều thế kỷ, sự giáo dục thiếu nhi Phật tử có phần dễ dàng
hơn. Trong môi trường thích hợp như vậy, một hệ thống giáo dục Phật giáo
tốt và có hiệu quả, có thể đã phát triển. Nhưng sẽ có một sự sai lầm
lớn cho chúng ta, những người phương Tây, với phương cách giáo dục trẻ
em mà không có sự quán sát kỹ lưỡng. Vị thầy vĩ đại của chúng ta, Đức
Phật, đã dạy chúng ta nhìn vào chính mình, tự kiểm tra và rút ra những
nhận xét về mình, và không tin một cách mù quáng vào những người khác.
Khóa tu cho người trẻ tại Làng Mai .Ảnh
Langmai.org
Vì vậy chúng ta phải phát triển một hệ thống giáo dục
Phật giáo thích hợp cho những điều kiện của chúng ta.
Sự noi gương
Chương trình giáo dục tùy thuộc vào lứa tuổi của các
em. Những phụ huynh gương mẫu là phần quan trọng nhất của bất kỳ sự giáo
dục nào và nếu họ sống phù hợp với giáo pháp thì vấn đề này sẽ là sự
hướng dẫn chuẩn xác nhất cho các em, ở bất cứ độ tuổi nào.
Trẻ em phát triển khả năng quán sát đến một cấp độ
cao và sự bắt chước làm theo là một yếu tố quan trọng đối với chúng nó.
Chúng ta không nên bỏ qua yếu tố này. Mọi thứ tùy
thuộc vào khả năng cha mẹ am hiểu và ứng dụng giáo pháp trong đời sống
của họ, tạo ra một lối sống theo Phật giáo, và không chỉ nói suông mà
chẳng thực hành.
Sự hỗ trợ bên ngoài
Cùng với sự noi gương, những nhân tố bên ngoài đóng
vai trò rất quan trọng trong thời thơ ấu của các em. Vì vậy, không một
gia đình Phật tử nào mà không có một tượng Phật, hoặc tối thiểu là một
bức tranh Phật.
Một ý kiến tốt là mỗi trẻ em nên có một hình tượng
Đức Phật nho nhỏ, để trước hình tượng này các em có thể dâng cúng hoa
hương. Nhưng vấn đề cốt yếu là chúng ta phải biết rằng các em không phải
chỉ biết thờ cúng hình tượng, mà còn tôn kính Đức Phật như một vị thầy
vĩ đại nhất của nhân loại. Vì vậy, mặc dù chúng ta không nên phát triển
bất cứ hệ thống nào của những lễ nghi, nhưng không nên quên một vấn đề
rằng, một buổi lễ đơn giản sẽ mang đạo Phật đến gần hơn trong tâm thức
của các em.
Mặc dù những yếu tố triết lý của đạo Phật cốt yếu cho
người trưởng thành thì hầu như quá sâu sắc nên các em không thể lãnh
hội được. Nhưng khi những yếu tố bên ngoài trợ giúp cho các em hướng đến
lối sống Phật giáo, chúng ta có thể sử dụng một số nghi lễ đơn giản.
Trẻ em thích cái đẹp bị nhãn quan kích thích và sự dâng cúng theo định
kỳ về hoa tươi, hương trầm, đèn sáng… giúp trẻ em phát triển những thói
quen tốt như sự tôn trọng và kính ngưỡng.
Vận dụng những lễ hội
Trẻ em luôn luôn vui thích những lễ hội, trẻ em Phật
giáo có thể được phép tham gia ngày lễ Uposatha (ngày tăng trưởng sự
thanh tịnh, ngày chư Tỳ kheo tụng giới bổn) một lần hoặc hai lần mỗi
tháng.
Ngày trưởng tịnh này nên tạo ra khác hơn với những
ngày thường, khác hơn ngay cả đối với ngày chủ nhật thông thường. Vì
không thể luôn luôn sử dụng ngày đầu tháng (trăng non) hoặc ngày trăng
tròn, các bậc cha mẹ có thể chọn ngày chủ nhật gần với ngày Uposatha
nhất và sử dụng ngày đó như là một ngày lễ.
Vào ngày này phải dừng lại mọi công việc thường nhật
để dành thời giờ cho lễ Uposatha, và mỗi người phải nên nghiêm túc giữ
giới. Các bậc cha mẹ nên dạy con em của họ giáo lý hoặc sự suy tư nhận
thức của họ về giáo pháp. Ở đây, làm thế nào để vấn đề này có thể thực
hiện một cách tốt đẹp?
Như đã chỉ ra trước đây, điều này tùy thuộc vào lứa
tuổi của các em. Trong bài viết này tôi sẽ nói về những em ở độ mười
tuổi. Các bậc cha mẹ có con tuổi nhỏ hơn có thể đơn giản hơn một số vấn
đề để dạy con em mình và các bậc cha mẹ có con em ở độ tuổi lớn hơn mười
có thể giảng giải giáo lý ở cấp độ sâu hơn một tí.
Tùy thuộc vào khả năng và những năng khiếu tiếp thu
của các em, tuần tự cha mẹ có thể đọc một trong những truyện cổ Phật
giáo hoặc một câu chuyện nào đó rút ra từ Jataka, những câu chuyện tái
sanh của Đức Phật. Không có lý nào những câu chuyện hay như vậy lại bị
lãng quên, vì tính chất đạo đức của câu chuyện được nhấn mạnh và những
yếu tố phi đạo đức được giảng giải một cách cẩn thận và thích hợp.
Những câu chuyện này sẽ giới thiệu cho các em cách
suy tư của người Ấn Độ cùng những khái niệm về nghiệp, sự tái sanh… Và
từ đó một sự hiểu biết về nghiệp và sự tái sanh đòi hỏi tối thiểu về sự
phân tích bằng tri thức, những quan điểm có thể được giảng dạy cho các
em. Thực tế, toàn bộ giáo lý Đức Phật có thể dạy cho trẻ chỉ khi nào
chúng ta có thể trình bày giáo lý trong phương thức thích hợp.
Tránh không giảng dạy cho các em về giáo lý của Đức
Phật là một sai lầm lớn, và một điều không mấy thích hợp là một số Phật
tử quá đặt nặng vào vấn đề như ăn chay, trong khi đó lại quên đi không
hướng dẫn cho con em họ một sự giáo dục Phật giáo.
Lịch sử Phật giáo
Thêm vào những câu chuyện Jataka đã đề cập ở trên,
nên kể cho con em chúng ta về đời sống của người dân trong thời của Đức
Phật, bối cảnh xã hội thời đó, nền tảng lịch sử của Phật giáo Nguyên
thủy, tổng quan về lịch sử Phật giáo, và làm thế nào "Bánh xe Chánh
pháp" đã chuyển đến toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ và các quốc gia khác.
Giáo dục Phật giáo, một trách nhiệm
Ở các tôn giáo khác, giáo dục niềm tin cho trẻ em
được biểu hiện rõ nhất và chiếm một vị trí vượt trội. Thế thì tại sao
niềm tin này lại không được chú trọng trong Phật giáo? Điều này có thể
trả lời rằng đạo Phật mang tính triết lý hơn là tôn giáo. Nhưng đạo Phật
là một phương cách sống và chúng ta phải trao truyền cho con em chúng
ta.
Nếu vị trí của Phật giáo trong thế giới hiện đại
không được ưu thế như nó đã có trước đây, là vì chúng ta đã xao lãng vấn
đề giáo dục giáo pháp cho con em chúng ta. Tôi biết rõ ràng rằng chúng
ta rất cần sự thiết lập một hệ thống giáo dục Phật giáo, vấn đề này đã
được bàn thảo ở nhiều nước Phật giáo.
Ở các quốc gia phương Đông, một Phật tử gia nhập vào Tăng đoàn, không
chỉ "tu tập để tự giải thoát cho chính mình" mà còn phải duy trì truyền
trao Chánh pháp. Trong khi ở hầu hết các quốc gia phương Tây, không có
những phái đoàn truyền giáo thịnh hành như Phật giáo phương Đông, những
người Phật tử tại gia ở phương Tây phải thi hành sứ mạng "Như Lai sứ
giả" để trao truyền Chánh pháp. Dạy giáo lý đạo Phật cho con em chúng ta
là một phần của trách nhiệm truyền giáo đó.
Sự giải thích giáo pháp
Trong khi phát triển nhận thức về những lời dạy của
Đức Phật, tâm thức của các em sẽ tuần tự phát triển. Những bậc cha mẹ có
thể đọc một số bài kinh dễ hiểu cho các em, chẳng hạn như những bài
kinh liên quan đến năm giới và những điều mà một người Phật tử tại gia
phải làm và không nên làm. Tất cả những điều này đều trong phạm vi sự
hiểu biết của các em. Thêm vào đó, một số bài kệ dễ hiểu từ kinh Pháp Cú
có thể được đọc: "Tất cả mọi người ai cũng sợ trước những hình phạt,
tất cả ai cũng sợ chết. So sánh những người khác với chúng ta, vì vậy
đừng giết cũng đừng bảo người giết (PC.129)". Hay "Tránh xa tất cả những
điều ác, thực hành tất cả những điều lành, thanh lọc tư tưởng của chúng
ta - Đây là lời dạy của chư Phật (PC.183)".
Đạo Phật không quá phức tạp như một số các bạn thường
nghĩ, quan trọng là, trong mỗi trường hợp nên được đưa ra một phương
cách giáo dục Phật giáo phù hợp.
Học thuộc lòng
Khi các em học thuộc lòng những bài học một cách dễ
dàng chúng ta có thể cho chúng học năm giới và quy y Tam bảo. Đó là ý
kiến tốt cho những em học thuộc lòng một số bài kệ trong kinh Pháp Cú
bằng tiếng mẹ đẻ của chúng.
Một đứa trẻ càng thuộc nhiều kinh điển thì nó càng
tăng trưởng lợi ích từ nguồn kiến thức này khi nó có thể hiểu ý nghĩa
sâu hơn. Điều này không có nghĩa rằng một đứa trẻ phải học những câu mà
nó không hề hiểu gì về ý nghĩa của chúng, nhưng sự hiểu biết về những
điều đơn giản như đã nói sẽ lập thế đứng vững vàng cho các em khi trưởng
thành.
Ôn lại những gì đã học
Những ngày Uposatha (ngày Rằm, mùng Một) các bậc cha
mẹ thường đi chùa, là những ngày rất quan trọng cho trẻ em đọc tụng lại
những bài kệ mà chúng đã học, và cũng là ngày để các bậc cha mẹ giải
thích những lời dạy của Đức Phật cho các em.
Nhưng phải cẩn thận đừng để vượt quá sức của các em,
đặc biệt trong những trường hợp này, không nên cho các em tập trung
trong những khoảng thời gian quá dài.
Quán sát trực tiếp
Trong khi tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài, chúng ta
có thể dạy các em quán sát bản chất tự nhiên và nhìn cuộc sống như thật
nó đang hiện hữu. Chúng ta cần để các em tiếp xúc với thế giới sinh động
bên ngoài.
Chúng ta nên dạy các em thực hành tâm từ bi. Những em
nhỏ thường tàn nhẫn đối với thú vật vì không hiểu những gì chúng đang
làm. Ở đây mọi thứ đều tùy thuộc vào các bậc cha mẹ, cảnh giác những
điều này đúng lúc và làm cho trẻ em hiểu những gì chúng đang làm.
Các bậc cha mẹ Phật tử phải rất thận trọng hướng dẫn
các em tránh những hành động tàn nhẫn với thú vật. Trẻ em Phật tử luôn
luôn tôn trọng một con thú như một mạng sống và không xem như một nguồn
thức ăn.
Chúng ta nên dạy các em cách giúp một cụ già mang một
cái rổ hoặc đẩy một chiếc xe kéo. Bé trai hoặc gái phải cứu một con
kiến khi nó bị rơi vào một vũng nước, hoặc mang vài con cá đến chỗ nước
sâu khi nó đang chờ chết trong một ao nhỏ không đủ nước…
Có nhiều cơ hội ở đó, ngay cả một đứa trẻ có thể biết
rằng nó đang thực hành Phật pháp theo gương của cha mẹ.
Đạo Phật là đạo Từ bi
Đạo Phật là đạo từ bi, và chúng ta đừng bao giờ quên
dạy vấn đề này cho các em. Đức Phật đã dạy giáo pháp vì lòng từ bi cho
thế gian. Từ bi đã tạo ra thương yêu, một phần trọng tâm của lời dạy Đức
Phật, vì thế chúng ta không nên xao lãng yếu tố này.
Không những chỉ dạy các em về lòng từ, tâm bi, hoan
hỷ và cảm thông. Tâm xả cũng là điều quan trọng cần trao truyền nhưng
khó hơn để các em nắm bắt.
Chúng ta không nên phác họa con đường thực tập cho
con em chúng ta quá khó, vì điều này sẽ làm chúng chán nản.
Tìm hiểu tính cách của các em
Đức Phật đã dạy giáo pháp cho nhiều hạng người, lẽ
tất nhiên, Ngài thấu hiểu tâm lý, tính cách và hoàn cảnh của họ. Chúng
ta phải cố gắng tìm hiểu tính cách của các em để có thể dạy chúng giáo
pháp trong một phương pháp có hiệu quả nhất.
Không nên phó thác các em cho các quyền lực siêu
nhiên mà phải đặt chúng dưới sự chăm sóc của chúng ta.
Các bậc cha mẹ cần hướng dẫn con em của họ làm quen
với lời dạy của Đức Phật. Nếu cha mẹ không thể dạy Phật pháp cho con em
của họ, thì ai có thể làm được công việc vô cùng quan trọng này?
Sự phòng hộ đối với các chủ thuyết
Để giữ tâm thức các em khai mở trước nguồn sáng của
giáo pháp, chúng ta phải cẩn trọng chú ý để các em không rơi vào những
mạng lưới của chủ nghĩa vật chất hoặc rơi vào niềm tin siêu nhiên ở một
vị Thượng đế toàn năng.
Trẻ em Phật tử châu Âu đang lớn lên trong một môi
trường với các chủ thuyết của chủ nghĩa vật chất và niềm tin Ky-tô giáo,
chúng ta phải giải thích cho chúng về sự khác nhau giữa Phật giáo và
Ky-tô giáo một cách chi tiết, cũng như đạo Phật và bất cứ các triết lý
khác.
Chúng ta phải chỉ ra sự phi thường đặc biệt về giáo
pháp của Đức Phật như con đường Trung đạo giữa các chủ thuyết ấy.
Trách nhiệm bản thân
Trách nhiệm bản thân là một điểm trọng tâm của đạo
Phật và các bậc phụ huynh cần nhấn mạnh tầm quan trọng của nó nhiều lần,
đối với một tâm thức hồn nhiên các em sẽ hiểu vấn đề đó.
Mỗi buổi tối, cần hướng dẫn các em ngồi yên quán xét
lại tất cả những gì mà chúng đã làm trong ngày. Nếu các em thấy rằng sự
suy tư, nói năng và hành động không hợp với giáo lý thì sẽ tránh các sai
lầm này trong lần sau.
Vào buổi sáng, các em có thể bắt đầu một ngày mới
bằng sự phản chiếu trở lại tình huống của các em. Bằng cách này các em
sẽ có thể phát triển những năng lực trong tâm thức, làm trong sạch thân
tâm bằng sự luyện tập những ý nghĩ, lời nói và việc làm tốt, có ích.
Hoàn toàn chịu trách nhiệm bản thân là đặc điểm của
tâm thức trưởng thành, và khi nào các em phát triển phẩm chất này, tự nó
sẽ chứng minh sự hướng dẫn chắc chắn và an toàn nhất qua cuộc sống.
Còn nhiều vấn đề nữa phải được quán sát bởi các bậc
phụ huynh Phật tử trong mối quan hệ với con cái của họ. Các bậc phụ
huynh Phật tử không chỉ có quyền ảnh hưởng đến con em của họ trong lối
suy tư theo con đường Phật pháp, mà còn chính trách nhiệm của họ phải
làm như vậy.
Món quà có giá trị nhất cho thế giới là món quà giáo
pháp. Các bậc cha mẹ Phật tử phải hiến tặng món quà tinh thần này cho
con em của họ.
Nguyên tác
Dr.Helmuth Kalr; Thích Minh Diệu lược dịch (giacngo.vn)