PG & Thời đại
Hà Nội: Đất nhà chùa thành... đất nhà riêng
29/10/2010 01:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hàng nghìn mét vuông đất thuộc quyền sử dụng của chùa Quang Ân, số 62 ngách 81/2 đường Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội bị bị TAND quận Cầu Giấy chia thừa kế cho một số cá nhân, biến ngôi chùa thành tài sản riêng. Bản thân gian "Tam Bảo" ở phía trong chùa cũng được hợp thức hóa thành... quyền sở hữu của cá nhân bằng cuốn sổ đỏ...

Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)


Chùa Quang Ân là khu di tích lịch sử cần đựợc bảo vệ

Nhà chùa thành... nhà riêng

Theo tấm bia cổ hiện còn lưu giữ tại chùa Quang Ân thì chùa có niên đại từ năm 1664. Phía trong ngôi chùa hiện còn lưu giữ nhiều vật quý có giá trị lịch sử như quả chuông đồng đúc vào năm Minh Mệnh thứ 7, các tấm bia hậu...). Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân pháp, chùa cũng là nơi ở che dấu hoạt động cách mạng của những chiến sĩ yêu nước.

Ngày 1/5/1956 ủy ban hành chính Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất số 43 cho ông Đỗ Vũ Hinh (hiện đã chết) gồm bảng sao kê 11 thửa ruộng đất ruộng, canh tác(!?).

Theo giấy tờ giao đất, ông Hinh và người dòng họ Đỗ Vũ của ông chỉ được trông coi, trồng cấy không có quyền sở hữu. Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất (GCNQSDRĐ) ghi rõ: ông Hinh không được cầm bán hoặc bỏ hoang. Phần đất này thuộc quyền quản lí của nhà chùa.

Tuy nhiên theo xác nhận của những người cao tuổi trong làng thì bản sao kê ruộng đất này thực chất chỉ có tất cả 10 mục, mục thứ 11 là  do "ai đó" đã viết thêm vào.

Theo quan sát của nhóm phóng viên, mục thứ 11 này ghi: Vườn chùa-275/2. Nét bút, chữ viết bằng mắt thường bất cứ ai cũng có thể nhận thấy nó hoàn toàn khác với nét viết của 10 mục trước và điều đáng nói là chính mục thứ 11 không biết "mọc" ở đâu ra này trùng với mục chú thích 275/2 ở mục 10. Vậy vườn chùa  lại đè chồng lên mảnh đất  ở mục 10?

Cụ Lại Đạt, 83 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên trưởng ban lịch sử phường Nghĩa Đô cho biết: “Đất nhà chùa có diện tích rộng khoảng 6240m2. Những năm đầu thập niên thứ 8 của thế kỉ trước, đất của nhà chùa bị con cháu nhà ông Hinh lấp liếm, chia chác bán mua, trao tặng dưới nhiều hình thức. Người dân đã lên tiếng với các cơ quan chức năng song các cơ quan có trách nhiệm không xử lý”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngày 14/8/2002, 158m2 đất gian "Tam Bảo" của chùa Quang Ân lại đựợc cấp sổ đỏ số 27058  đứng tên ông Đỗ Vũ Chi (con của ông Hinh).      

Chia thừa kế cả... đất chùa

Ngày `4/10/2004 anh Đỗ Chí Kiên, Đỗ Thanh Sơn, Đỗ Thanh Hà, Đỗ Tất Thắng (Con của bà Đỗ Thị Tý, cháu ngoại ông Đỗ Vũ Hinh) làm đơn khởi kiện đòi chia tài sản gồm 480m2 đất tại số 62, ngách 81/2 tổ 16, Lạc Long Quân của bà Tý giao cho con trai là anh Đỗ Văn Cường quản lí. (Phần diện tích đất này nằm trong diện tích của chùa do cụ Hinh cho bà Tý, nay bà Tý cũng đã mất thuộc quản lí của nhà chùa).

Trong bản án số 08/2006/DSST ngày 23 và 26/6/2006 của TAND quận Cầu Giấy về việc chia di sản thừa kế, TAND quận Cầu Giấy đã chấp nhận chia tài sản của bà Tý.

Tuy nhiên, ngày 30/10/2006 TAND TP Hà Nội có bản án số 254/2006/DS-PT. Bản án ghi rõ: "...Chùa Quang Ân là một di tích lịch sử và cách mạng. Vì vậy cần phải đựợc bảo vệ theo đúng Luật di sản văn hóa đã đựợc ban hành.

Với tất cả những chứng cứ do hai bên xuất trình và đối chiếu với các tài liệu có trong hồ sơ do Tòa án cấp sơ thẩm thu thập được. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy chưa có đủ cơ sở để kết luận nhà đất đang tranh chấp tại số 62, ngách 81/2 tổ 16 phường Nghĩa Đô là di sản thừa kế của bà Tý để lại" và đã quyết định hủy toàn bộ án sơ thẩm giao lại cho TAND quận Cầu Giấy giải quyết.

Vợ chồng anh Đỗ Văn Cường, cũng thừa nhận rằng: Đất của bà mẹ để lại là nằm trong diện tích đất của nhà chùa mà từ trước đến nay vợ chồng anh vẫn quản lí, chăm nom ngôi chùa và sẵn sàng trả lại đất này cho nhà chùa để tiến hành tu bổ, sửa chữa nâng cấp ngôi chùa. Bản thân anh Cường đã làm đơn gửi TAND quận Cầu Giấy xem xét chứng thực, đối chiếu, kiểm tra lại thực hư mục 11 ở GCNQSDRĐ của ông Hinh tại sao TAND quận không thực hiện?  

Trao đổi với phóng viên về xung quanh vấn đề tranh chấp đất đai, mua bán bất hợp pháp diện tích đất chùa Quang Ân, ông Nguyễn Thắng Lợi, sống ở khu vực này hơn 50 năm, hiện là Bí thư chi bộ cụm dân cư cho rằng: Người dân sống ở khu vực này đều biết, diện tích đất của gia đình ông Chi, Bà Tý đều là đất của nhà chùa. Bản thân vợ chồng anh Cường cũng rất có thiện chí khi sẵn sàng trao trả đất. Việc quận Cầu Giấy cấp sổ đỏ cho ông Chi biến khu "Tam Bảo" nhà chùa thành nhà riêng là hòan toàn sai. Còn diện tích đất của bà Tý cũng là của chùa mà TAND quận cũng đồng ý đem ra chia tài sản thừa kế thì...không còn gì để nói. Tổ dân cư cũng theo dõi rất sát sao vụ việc này, đã nhiều lần kiến nghị lên phường, quận nhưng đều chưa nhận đựợc trả lời chính thức".

Theo Luật sư Vũ Văn Đảng, VP Luật Sư Vũ Đảng: Trong việc tranh chấp đất đai ở chùa Quang Ân, đương sự xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất là "sổ mục kê" (bảng sao kê khai). Ở đây, theo quy định tại khoản 14 điều 4 của Luật Đất Đai thì sổ mục kê đất đai không phải là sổ địa chính. Vì thế không có căn cứ để chứng minh đó là tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân và không thể đem chia ra thừa kế.

Xung quanh vụ tranh chấp, mua bán đất đai ở chùa Quang Ân còn rất nhiều điều mờ ám. Ai là người cả gan "bật đèn xanh" cấp sổ đỏ cho gia đình ông Chi, biến "Tam Bảo" nhà chùa thành nhà riêng? Vì sao TAND quận Cầu Giấy biết, đó là đất của nhà chùa quản lí nhưng vẫn đem ra xử chia tài sản? Mời quý vị độc giả tiếp tục theo dõi trên Tamnhin.net ở các kỳ tiếp theo.

Nguyên Dương – Bá Mạnh(tamnhin.net)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch