PG & Thời đại
Tiệm sách Phật học miễn phí ở Sài Gòn
06/09/2014 15:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

3h chiều, tiệm sách Phật học của ông Nguyễn Ngọc Cần râm ran tiếng nói cười, người đến mượn, trả sách, sao chép đĩa kinh, có người ngồi bên ly trà nghe chuyện Phật pháp.


Tiệm sách nhỏ tọa lạc ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, cho đọc và mượn sách Phật miễn phí, không cần giấy tờ biên nhận, không thế tiền. Nhiều khách tới tiệm thắc mắc “Chú không sợ mất hoặc người mượn cố tình không trả thì sao?”. Chủ tiệm cười rất tươi bảo: “Không sao, vô thường mà. Nhất là số sách này tôi đã chọn lọc kỹ, nếu có lỡ mất thì cũng truyền tay được nhiều người khác, tôi chỉ mong có nhiều người đọc càng tốt”.

Ông Cần năm nay 57 tuổi, quê Long An, một người mê sách, mê triết lý Phật pháp. 5 năm trước, ý tưởng lập một nhà sách chuyên sách Phật pháp nhen nhóm khi ông muốn chia sẻ nguồn sách Phật chính thống xuất phát từ thực tế: "Nhiều người muốn tu tập nhưng tìm sai nguồn dẫn đến lãng phí thời gian".

Số tiền dành dụm tuổi già được ông Cần đầu tư vào tiệm sách, săn sóc tiệm như đứa con tinh thần. Ông Cần bảo: “Tiệm sách là niềm vui tuổi già, giúp tôi gặp được nhiều người, chia sẻ được với nhiều người”.

 Ông Nguyễn Ngọc Cần mở tiệm sách vì niềm đam mê dành cho sách và phật học. Ảnh: Hồng Vân.

Để có nguồn sách hay và quý, ông Cần chăm chỉ đi tìm và cẩn trọng chọn lựa. “Sách nhiều vô kể, khó ở khâu tỉnh táo chọn được sách tốt giữa một rừng sách bạt ngàn". Từ 5 năm nay, hễ nghe đâu có nguồn sách phù hợp, ông Cần không quản đường xa tìm đến thu thập. Vì thế, tiệm sách ngày một lớn hơn cả về số lượng và chất lượng so với những ngày đầu.


Ngoài nguồn sách Phật pháp, sách văn học của các tác giả uy tín, kinh điển, sách dạy kỹ năng sống được ông chọn lựa kỹ càng và bán với giá giảm 30% giá bìa. Ông giải thích: “Mình có lợi thế là mặt bằng của nhà, không thuê nên bán giá ưu đãi để nhiều người có cơ hội tiếp cận và mua được sách hay”. 

Diện tích tầng trệt của căn nhà được trưng dụng làm quầy sách có diện tích khá khiêm tốn, bề ngang vỏn vẹn 3 m2, nhưng người chủ đã rất khéo đóng các kệ để xếp và trưng bày sách dọc theo cầu thang. Hơn 3.000 cuốn sách các loại được trưng bày theo đề mục, tiện lợi cho việc tìm kiếm.

Người đến mượn sách, đọc sách được mời trà và kẹo đậu phộng miễn phí bên những chiếc bàn tre kê thấp. “Bên chén trà, mọi người thoải mái trao đổi chuyện Phật pháp, ngồi thiền và chia sẻ những cuốn sách hay, thân thiết như trong một gia đình lớn”, chị Trương Thúy Hà là khách quen từ hơn một năm nay nói. 

Ông Lê Anh Nguyên, 67 tuổi, quận Hóc Môn, TP HCM, vượt một quãng đường xa 30 cây số đến với tiệm sách. Đều đặn nửa tháng một lần ông nhờ con trai chở đến tiệm, mượn sách, sao đĩa kinh phật. "Bên ngoài đường có tấp nập thế nào, bước vào tiệm sách tự nhiên rũ bỏ hết bon chen, thấy tĩnh tâm, đây là nơi chốn lý tưởng để tìm về với sách'', ông Nguyên nói.

Ông Cần mang pháp danh Tuệ Trung, mỗi buổi sáng đều đến công tác tại hội người mù quận Bình Thạnh. Ở trung tâm chỉ có ông sáng mắt nên công việc nơi đây bận bịu và những người khiếm thị rất cần ông. Do vậy quầy sách chỉ mở vào buổi chiều, từ 15h đến 22h mỗi ngày.

 Tiệm sách là nơi gắn kết nhiều bạn đọc trong sở thích chung về Phật pháp. Ảnh: Hồng Vân.

Mong muốn của ông Cần là phổ biến Phật pháp đến càng nhiều người, để  những lời dạy của đức Phật được lan truyền rộng hơn. "Tôi mới biết đến đạo Phật 6 năm và cảm nhận triết lý Phật pháp đem đến sự nhẹ nhàng, thanh thản cho tâm hồn trong nhịp sống tất bật hôm nay".


Khánh Ly - Hồng Vân

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch