|
Đức Phật đản sanh |
Tinh thần tự chủ
Nhìn lại hành trang của đức Phật, yếu tố tự chủ nổi
lên như một đặc tính xuyên suốt. Điều này thực sự cần thiết cho người
đời, không nhất thiết phải là tín đồ Phật giáo, để tham khảo nhằm hoàn
thiện hơn cuộc sống của mình. Trong lịch sử Việt Nam, các giai đoạn gian
khó của dân tộc đều được tiếp cận và xử lý bằng tinh thần tự chủ, cả
trong các thời kỳ dựng nước và giữ nước. Điều đó có dấu ấn và phù hợp
với tinh thần Phật giáo. Tương tự như vậy, trong giai đoạn hội nhập quốc
tế hiện nay, tinh thần tự chủ của dân tộc càng phải được nhấn mạnh và
phát huy. Chúng ta sẽ tự tin hơn, nếu biết cách tìm hiểu và khai thác
cái vốn quý báu ấy từ truyền thống Phật giáo nước nhà, để ứng dụng cho
các yêu cầu của thời cuộc hôm nay và mai sau.
Phát huy trí tuệ
Bên cạnh điểm chung với các tôn giáo khác là hướng
con người đến điều thiện, Phật giáo có đặc điểm riêng là chủ trương rèn
luyện trí tuệ song song với việc phát triển lòng từ bi. Với Phật giáo,
rèn luyện trí tuệ là để có cái biết chân thực (như thị), từ đó, người
thực hành Phật pháp được khuyến khích tham gia vào mọi hoạt động xã hội
với khả năng trí tuệ của bản thân cùng với lòng từ bi lan tỏa khắp cộng
đồng. Truyền thống đại thừa tiếp cận với con người như một thực thể được
biểu hiện trên hành trình nhân – quả.
Phật giáo đại thừa đã nâng con người vượt ra khỏi sự
thụ động trước hoàn cảnh (báo thân), tạo cơ sở để nhập thế giúp đời (hóa
thân) và không xa rời bản sắc lý tưởng cao đẹp (pháp thân). Trên tinh
thần đó, những lý thuyết về luân hồi, trầm luân trong các cõi, hứng chịu
những nghiệp báo, trải qua các phiền não… chính là trạng thái mất bản
sắc do thiếu trí tuệ. Đây là một giá trị quan trọng hoàn toàn có thế vận
dụng cho quá trình xây dựng và phát triển một nền kinh tế tri thức với
hàm lượng chất xám trong mọi hoạt động sản xuất trở thành yếu tố tiên
quyết cho sự thành bại của đất nước.
Đoàn kết
Phật giáo luôn khuyến khích phải tiếp cận với thực tế
cuộc đời để thực hành những phương pháp của Phật. Đây chính là lý do để
tổ chức tăng già (Sangha) – tập thể những người tu – ra đời và phát
triển. Do vậy, trong vận hành thực tế của các cộng đồng tu sĩ Phật giáo,
yếu tố đoàn kết rất được chú trọng. Đây là một giá trị quan trọng mà
việc nghiên cứu, ứng dụng vào cuộc đời đã trở thành bài học cho nhiều
trang sử của nhiều dân tộc.
Một trong những tinh thần đoàn kết cơ bản của Phật
giáo thể hiện qua quan niệm “lục hòa” trong sinh hoạt tăng già. Đó là:
Thân hòa đồng trụ (cùng hòa đồng khi ở chung), Khẩu hòa vô tránh (miệng
nói cùng hòa hợp nhau, không gây gổ, không nói những lời dữ, lời nặng
nề, không tranh hơn thua với nhau), Ý hòa đồng duyệt (ý của những thành
viên trong cộng đồng hòa hợp, vui vẻ với nhau), Kiến hòa đồng giải
(những thấy biết của mình, chúng ta cùng đem ra giải thích để huynh đệ
cùng hiểu, cùng thông cảm với nhau), Giới hòa đồng tu (chúng ta cùng giữ
giới hạnh với nhau, không dám sai phạm để cùng an vui tu tập),
Lợi hòa đồng quân (có được lợi thì cùng chia đồng đều
nhau, không được người nhiều, kẻ ít). Đây là những nền tảng để xây dựng
một khối đoàn kết chặt chẽ, nhỏ thì từng gia đình, lớn thì từng tổ
chức, cộng đồng, quốc gia… đều có thể ứng dụng để kiến tạo một môi
trường sinh hoạt chung, giúp nhau vì sự tiến bộ và giải quyết mọi vướng
mắc trên tinh thần hòa hợp, chia sẻ.
Nhìn lại lịch sử, ba bài học này từng góp phần làm
nên nhiều giá trị của dân tộc Việt Nam. Và trong tương lai, chắc chắn
những giá trị này sẽ tiếp tục được phát huy trên bình diện mới để phát
triển đất nước.
Lam Điền ( ANTĐ)