Việc xây những ngôi chùa ở Trường Sa, không chỉ là sự quan
tâm của Đảng và nhà nước ta về một Trường Sa đầy đủ như đất liền, mà
còn minh chứng một chân lý, ở nơi đảo thiêng ấy, những chiến sĩ Trường
Sa vẫn được tự do tín ngưỡng, cầu mong cho biển đảo yên bình, thế giới
hòa bình, quốc thái dân an.
Đoàn đại biểu "Góp đá xây Trường Sa” viếng chùa Trường Sa Lớn
Tôn giáo đồng hành cùng biển đảo
Với ý nghĩa cao nhất là điểm tựa tâm linh của quân dân huyện đảo,
bắt đầu từ năm 2008, Đảng và Nhà nước ta đã cho triển khai xây dựng chùa
trên quần đảo Trường Sa. Việc triển khai xây dựng 3 ngôi chùa ở 3 đảo
Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn vừa là sự quan tâm của Đảng và Nhà
nước đến đời sống tinh thần, vừa khẳng định chủ quyền có tính lịch sử
bền vững của dân tộc, và đáp ứng nguyện vọng của quân dân Trường Sa.
Ngay từ những năm 2003, trên những chuyến tàu hải trình ra thăm quân,
dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Bộ Tư lệnh Hải quân đã mời các
tăng ni phật tử, trụ trì một số chùa ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh ra
Trường Sa để nghiên cứu địa linh, hướng chùa và những công việc cần
thiết của chốn thiền môn.
Ba ngôi chùa ở Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn có quy mô xây
dựng thoáng đãng, đón được tia nắng sớm nhất lúc bình minh. Nếu chùa
Song Tử Tây tọa lạc trước ngọn hải đăng cao vút, thì chùa ở Trường Sa
lớn nằm cạnh đường băng, còn chùa Sinh Tồn sát bên 7 hộ gia đình dân cư
sinh sống. Có một điều đặc biệt của ba ngôi chùa ở đây là sảnh chính
diện đều hướng về Thủ đô Hà Nội. Theo đại đức Thích Đức Hỷ ở chùa Sinh
Tồn, việc đặt sảnh chính diện hướng về Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa thiêng
liêng là hướng về cội nguồn dân tộc, đồng thời đó cũng như lời tri ân
của quân dân huyện đảo Trường Sa đối với nhân dân Hà Nội. Bởi những ngôi
chùa được hiện diện ở Trường Sa, phần lớn được xây dựng từ kinh phí từ
Hà Nội, do nhân dân Thủ đô tự nguyện quyên góp.
Nói về sự có mặt của các ngôi chùa ở Trường Sa, đại đức Thích
Nghĩa Giác, trụ trì chùa Trường Sa Lớn cho biết "Một quần đảo có chủ
quyền của Việt Nam thì việc xây dựng chùa trên mảnh đất Trường Sa là một
điều tất yếu khách quan. Lịch sử đã chứng minh, tôn giáo, nhất là phật
giáo luôn đồng hành cùng với sự phát triển của dân tộc. Chùa Trường Sa
là điểm tựa tâm linh của cán bộ chiến sĩ, nhân dân sinh sống ở đây và
cả những ngư dân ra khai thác đánh bắt hải sản trên vùng biển này, ở
đâu có người dân sinh sống ở đó có cuộc sống tâm linh hướng thiện, mà
chùa là biểu hiện của cuộc sống tâm linh hướng thiện ấy”.
Nhà sư cùng khách đi thăm Trường Sa thả hoa
tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa trên vùng biển Cô Lin
Đó là linh hồn Tổ quốc
Giữa biển mênh mông nơi chân trời Tổ quốc, mỗi sớm bình minh và
khi hoàng hôn buông xuống, tiếng chuông chùa ngân nga như tiếp thêm cho
quân dân Trường Sa sức mạnh về nội lực tinh thần, để những người lính ở
đây thêm vững vàng tay súng canh giữ chủ quyền Tổ quốc. Có một điều
đặc biệt, là giờ thỉnh chuông của ba ngôi chùa ở Trường Sa Lớn, Song Tử
Tây và Sinh Tồn đều bắt đầu từ lúc 4h 30 phút sáng, và 6 giờ chiều. Lý
giải về điều này, đại đức Thích Đức Hỷ ở chùa Sinh Tồn cho biết:
"Tiếng chuông chùa lúc 4g30 phút mỗi sáng khi giấc ngủ căng tròn và
bình minh bắt đầu hừng hực một ngày mới, đó không chỉ là tiếng chuông
thức tỉnh lương tri con người hướng về nguồn cội, mà còn là tiếng
chuông báo hiệu một ngày mới an lành. Tiếng chuông lúc 6 giờ tối như
khép lại sau một ngày làm việc, lòng người hướng thiện, chính nghĩa”.
Hạ sĩ Nguyễn Anh Tài, phân đội 12,7 ly ở đảo Sinh Tồn, quê ở Cam
Ranh, Khánh Hòa chia sẻ: "Em ra đây được 4 tháng rồi. Cứ sáng chủ nhật
em lại đến chùa cầu nguyện. Có một điều lạ kỳ là khi đến chùa bao ưu
phiền tan biến hết, chỉ còn lại sự quyết tâm và ý chí kiên cường. Hành
trang của em bây giờ không chỉ là kiến thức, sức khỏe và những gì nhìn
thấy, mà quan trọng hơn là tinh thần thép, sự bền gan dũng cảm. Đó là
sức mạnh nội sinh được xây đắp từ lòng hướng thiện, mà chùa là điểm tựa
để em rèn luyện sức mạnh nội sinh ấy. Mỗi khi nghe tiếng chuông chùa
ngân nga, em cảm thấy Tổ quốc mình thiêng liêng và đẹp vô cùng. Em càng
thêm thấm thía câu nói, đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà ta hãy hỏi
đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Ba ngôi chùa ở đảo Trường Sa hiện nay không chỉ là công trình tâm
linh của quân dân huyện đảo, là biểu hiện sinh động của văn hóa quê
hương và tình thương giống nòi, mà còn là điểm hẹn văn hóa thuần khiết
nhất của triệu triệu con tim trên khắp mọi miền đất nước, để mỗi khi đặt
chân đến Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn mỗi người như thấy
trong tim mình có linh hồn Tổ quốc. Đại đức Thích Giác Hỷ chia sẻ: "Ai
đã một lần đặt chân đến Trường Sa thì không thể không đến viếng chùa.
Đến đây mọi người không chỉ tìm thấy sự thanh thản an bình, mà còn thấy
linh hồn Tổ quốc thiêng liêng nhất, rõ nét nhất”.
Theo: Đại đoàn kết