PG & Thời đại
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma kêu gọi thế giới
Sophia Stril-River Hoang Phong chuyển ngữ
02/07/2011 23:29 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lời giới thiệu của người dịch : 

Kêu gọi thế giới là tựa của một quyển sách vừa được phát hành tại Pháp (ngày 12 tháng 5 năm 2011), tường thuật lại cuộc tranh đấu bất-bạo-động của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma hơn nửa thế kỷ nay nhằm giải thoát cho quê hương Tây Tạng của Ngài. Ngài kêu gọi thế giới ủng hộ cuộc tranh đấu của Ngài chống lại một trong những tệ trạng bất công khả ố và lộ liễu nhất trong thời đại chúng ta : đấy là tội ác diệt chủng đối với dân tộc Tây Tạng và sự hủy diệt nền văn hóa ngàn năm của quê hương đó. Khí giới của Ngài vỏn vẹn chỉ có "lòng can đảm, công lý và sự thật". 

Quyển sách đưa ra một góc nhìn về con người của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma khác hơn là chúng ta thường thấy, bởi vì chúng ta vẫn thường nhìn Ngài một cách ích kỷ xuyên qua những lợi lạc tâm linh mà Ngài mang lại cho mỗi người trong chúng ta. Thế nhưng khi nhìn lại thì biết đâu chính đấy cũng là một cách chứng tỏ ngoài bổn phận đối với xứ sở và sự sống còn của dân tộc, Ngài còn gánh vác một trọng trách lớn lao hơn nữa: đấy là sự an bình trên địa cầu và sự tồn vong của nhân loại.

Tác giả là bà Sofia Stril-Rever, một chuyên gia về tiếng Phạn và cũng là một trong các thông dịch viên của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma. Bà là một trong số những người đã sáng lập ra hội Tibet Compassion International (TCI) và ngôi chùa Tatsang trên đất Pháp. Hiện bà dạy thiền và Du-già Man-tra tại ngôi chùa Menla Ling tại Pháp.

Phần mở đầu do bà Sofia Stril-Rever viết sẽ được chuyển ngữ dưới đây nhằm mục đích giới thiệu quyển sách.

Lời Mở Đầu

Nhân danh nhân loại


Lòng nhiệt tình của người dân Ấn Độ đối với vị "Phật sống"

            Ngày 24 tháng 4 năm 1959, từ sáng sớm một đám người thật đông đã chen chúc nhau trước nhà ga Mussoorie (1) và dọc theo con đường núi ngoằn ngoèo dẫn về thủ đô Delhi. Dưới chân dãy Hy-mã-lạp sơn với những đỉnh núi như đâm thủng cả nền trời cao, là một khu rừng sồi cổ thụ rợp bóng và quanh năm xanh mát. Khu rừng thuộc một thị trấn mà trước đây từng làm nơi nghỉ mát cho các vị vương công (Raj) người Anh. Sau này các gia đình người Ấn giàu có biến các nhà nghỉ mát và các biệt thự nơi đây thành khách sạn, và một trong số các khách sạn nổi tiếng nhất là khách sạn Savoy xây cất theo kiểu Gô-tích (một kiểu kiến trúc thuộc cuối thời Trung cổ Âu châu), và đấy cũng là nơi lui tới của du khách hạng sang từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh nơi sang trọng đó, bất ngờ xuất hiện một vị tân khách ngoại hạng đang mở ra một trang lịch sử mới cho thế giới. Vị tân khách ấy chính là Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, quốc vương của một Quốc gia đang bị chính quyền Trung Quốc xâm chiếm, và đấy cũng là Quốc gia thần quyền cuối cùng trong thời đại chúng ta. Tại nơi này Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cư ngụ trong một trang viên thoáng mát dưới quy chế của một người tỵ nạn. Khu trang viên do một nhà doanh nghiệp dành riêng cho Ngài, vị này trước đây cũng đã từng tài trợ cho các cuộc tranh đấu của Mahatma Gandhi.

            Nước Ấn từ nghìn xưa vẫn là nơi phát sinh ra những triết thuyết tự biện đã thấm sâu vào tâm thức con người. Và cả đến ngày nay, người ta cũng không lấy làm lạ khi trông thấy trên đất nước này những người phụ nữ và nam giới từ bỏ con đường thế tục để bước vào thế giới của nội tâm: đấy là những người khổ hạnh khoác lên thân xác "manh áo của không gian" (tức là không ăn mặc gì cả): đấy là các vị ẩn tu (sadhu) sống trong cảnh cô đơn và giá rét của núi rừng; hoặc đấy là những vị hiền nhân hay muni (tịch tĩnh) rong ruổi trên vạn nẻo đường hành hương đưa họ về những nơi thiêng liêng, họ ban phép lành cho những đám người mà họ gặp trên đường; hoặc đấy là những người du-già (yogi) thuyết giảng về thiền định trong những nơi an cư hẻo lánh (ashrams) ; hoặc cũng có thể đấy là những vị Bà-la-môn (Brahmane)thực thi những nghi lễ vào buổi sáng lúc hừng đông hay những khi chiều xuống. Dân tộc Ấn Độ là một dân tộc luôn hướng về những giá trị của hiện thực tâm linh, với tấm lòng nhiệt tình bao la đó họ đã đón rước vị Đạt-Lai Lạt-Ma mới vừa hai mươi ba tuổi đời như là vị "Phật sống", sau hơn hai ngàn năm trăm năm nhập vào niết bàn đang quay về với họ và với quê hương sinh thành...

           

 
Vị lãnh đạo tâm linh 
(tôn giáo) và tạm thời(chính trị) của nước Tây Tạng trốn khỏi Lhassa đang bị chiếm đóng bởi quân đội Trung Quốc, và ngay sau khi vừa vượt sang được biên giới trong vùng lãnh thổ Đông-Bắc (2) vào ngày 31 tháng 3 năm 1959, thì tin Ngài đã đến được Ấn tức thời được loan truyền từ làng này sang làng khác. Thế rồi, hàng đoàn người mang lễ vật, nào hoa, nào hương, nào thức ăn đủ loại kéo nhau đi tìm Ngài. Vị lãnh đạo tôn giáo sau này có nhắc lại trong hồi ký những xúc động của mình khi nhìn thấy lòng nhiệt tình của người dân Ấn Độ dâng trào, tương tợ như những đợt sóng trên mặt của cả một đại dương nhân loại mênh mông. Chuyến xe lửa chở Ngài thỉnh thoảng phải dừng lại vì những làn sóng người tràn lên cả đường rầy trước đầu xe: "Hàng trăm và hàng nghìn người chen lấn nhau đón mừng tôi, họ hô to : "Dalai-Lama Ki Jai ! Dalai-Lama Zindabad !" (tiếng hindi có nghĩa là Đức Đạt-Lai Lạt-Ma vạn tuế ! Đức Đạt-Lai Lạt-Ma muôn năm !). Trên lộ trình của tôi xuyên qua ba thành phố lớn (3), nhiều lần tôi đành phải bước xuống toa xe để hòa mình với những đám người mênh mông. Cuộc hành trình giống như trong một giấc mơ kỳ lạ"(4).

            Từ khi Ngài lưu trú tại Mussoorie, sự xôn xao trong dân chúng ngày càng gia tăng, và nhiều tiếng đồn lan truyền khắp nơi về những chuyện thật lạ thường xảy ra chung quanh Ngài. Một nhà báo người Ấn là Mayank Chhaya lúc đó tuy còn ấu thơ thế nhưng vẫn nhớ mãi các câu chuyện mô tả các khả năng thần kỳ của vị quốc vương lưu vong mà người ta thường kể cho nhau nghe. Chẳng hạn các câu chuyện cho biết Ngài thực thi thật hoàn hảo các nghi thức Tan-tra của Kim cương thừa, và nơi vương quốc của Ngài mọc lên ngọn núi thiêng Kailash của thần Shiva. Người ta lại còn gán cho Ngài có con mắt tâm linh thứ ba mang bản chất siêu nhiên và Ngài chỉ cần nháy mắt một cái là có thể phát lộ một sức mạnh tàn khốc có thể hủy diệt trong chớp mắt các đạo quân Trung Quốc. Nhiều người hồi hộp mong chờ rồi đây giây phút khủng khiếp đó sẽ đến.

            Ba năm sau khi Ngài đến đây thì vào tháng 10 năm 1962 xảy ra một cuộc tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, và các ảo vọng như vừa kể trên lại bùng lên. Một số người quả quyết rằng Đức Đạt-Lai Lạt-Ma nhất định sẽ phục thù Mao Trạch Đông. Nếu có sự yêu cầu của thủ tướng Ấn Độ tức là nhà thông thái Jawaharlal Nehru (5) thì Ngài sẽ không ngần ngại sử dụng sức mạnh phát sinh từ sự tức giận tàn phá của mình để đánh tan các đạo quân Trung Quốc. Tại các khu bình dân trong vùng Mussoorie, nhiều người bán rong bày nhan nhản khắp nơi hình ảnh của vị lạt-ma lãnh đạo xứ sở của Nóc nhà thế giới, làm phông cho chân dung của Ngài là quang cảnh ngôi đền Potala với chiếc cầu vồng bên trên. Người ta nói với nhau là bức ảnh ấy mà đem treo giữa nhà thì sẽ xua đuổi được ma quỷ hung ác và giúp tránh khỏi mọi tai họa. Ngoài ra dân chúng trong thị trấn nhỏ bé đó không bao giờ bỏ qua một cơ hội nào có thể giúp họ nhìn thấy tận mắt Đức Đạt-Lai Lạt-Ma.

            Hai tháng sau khi đến đây và cứ vào mỗi thứ năm trong tuần Ngài tiếp đón quan khách viếng thăm tại khách sạn Savoy. Trong ngôi vườn của khách sạn, Ngài ngồi xuống bên dưới một chiếc lọng được dựng lên vội vã. Nhiều người quả quyết chỉ cần một lần được đến gần Ngài là cũng đủ để giúp cho mình khép lại vĩnh viễn cánh cửa của vòng tái sinh bất hạnh để vượt lên một cõi hiện hữu cao hơn.

            Năm 1959 là năm đánh dấu lần đầu tiên vị lãnh đạo tối cao của xứ Tây Tạng tiếp xúc với thế giới và cũng là dịp đầu tiên để thế giới tiếp xúc với Ngài. Thế nhưng thật ra đấy chỉ là một dịp lỡ hẹn. Báo chí đặt xuống hàng thứ yếu sự kiện Trung Quốc xâm chiếm bất hợp pháp quê hương của Ngài, và chỉ đăng tải các bài phóng sự mang tính cách kỳ thú và hấp dẫn về Ngài. Mặc dù Đức Đạt-Lai Lạt-Ma không ngừng đả phá các loại mê tín, thế nhưng tính cách thần kỳ vẫn nhan nhản, mang lại những thứ tín tưởng thiếu nền tảng vững chắc. Chẳng hạn như trong số báo Paris-Match (một tạp chí khá nổi tiếng và cũng khá bình dân của Pháp) phát hành ngày 28 tháng tư 1959 đã hình dung ra một vị "Jeanne d'Arc Tây Tạng" (Jeanne d'Arc là vị nữ anh hùng mang sứ mạng thiêng liêng có tính cách tôn giáo trong lịch sử Pháp) đã dẫn dắt và giúp cho vị giáo chủ (theo ý nghĩa của Thiên chúa giáo) vượt thoát những ngọn đèo cao nhất thế giới. Tờ tạp chí lại còn ví Ngài như một nhà phù thủy biết cách sai khiến các thần linh nhân từ bảo hộ cho mình. Thế nhưng vấn đề nóng bỏng trong giai đoạn này lại là sự tồn vong của xứ sở Tây Tạng. Vấn đề mang tính cách chính trị đó đã bị che lấp bởi mọi thứ huyền thoại và dị đoan. 

Sự giao tiếp giữa một xứ Ấn Độ hiện đại và một nước Tây Tạng nghìn năm

            Ngày 24 tháng 4 năm 1959 là một ngày thật trọng đại, vị Thủ tướng uy tín của Ấn Độ từng sát vai với Gandhi để tranh đấu dành lại nền độc lập cho nước Ấn, đã thân hành đến Mussoorie để chính thức tiếp xúc với Đức Đạt-Lai Lạt-Ma. Đây là cuộc hội kiến đầu tiên từ khi vị quốc vương lưu vong xin tỵ nạn chính trị tại Ấn.

            Nehru vẫy chào đám đông đang hoan hô ông. Đám trẻ con đứng hàng phía trước vừa hét to Chacha Nehru Zindabad ! (Cha Nehru muôn năm !), vừa ném hoa vào ông khi ông đi ngang. Nehru đứng ở hàng ghế sau của chiếc xe hiệu Dodge, bên cạnh là vị bộ trưởng ngoại giao là ông Subimal Dutt. Chiếc xe hơi Hoa kỳ với hai bên hông phình to lăn bánh thật chậm trên đường cái. Một chiếc xe khác chạy phía sau chở viên sĩ quan tùy tùng và các người hộ vệ. Một đoàn ngựa chực sẵn dưới chân con đường dốc trải đá đưa thẳng lên ngôi biệt thự Birla House. Nehru cưỡi một con ngựa trắng thủng thẳng đi trước, đám người hộ vệ cưỡi ngựa đi thụt lại phía sau. Khi họ đến nơi thì đã có vị lãnh tụ Tây Tạng chờ sẵn ở bờ thềm, bên cạnh Ngài là viên nội giám thân tín Phala. Vị này là một nhà sư lớn tuổi, lưng đã còng, và lúc nào cũng ở bên cạnh Đức Đạt-Lai Lạt-Ma trong các cuộc tiếp xúc quan trọng. Trước đây chính ông đã tổ chức cho Đức Đạt-Lai Lạt-Ma trốn khỏi kinh đô Lhassa.

            Trước mặt các nhà báo và nhiếp ảnh gia đến từ khắp nơi trên thế giới và đang chen nhau phía sau một hàng rào an ninh, Nehru bước tới để gặp Đức Đạt-Lai Lạt-Ma. Vị Thủ tướng Ấn Độ tuân theo nghi thức giao tiếp của người Tây Tạng, vì thế đã cùng với Đức Đạt-Lai Lạt-Ma trao khăn katha tượng trưng cho sự chào mừng, katha là chiếc khăn lụa trắng biểu tượng của "đại phúc hạnh". Thế nhưng vị nguyên thủ quốc gia Ấn Độ không chịu cúi xuống để Đức Đạt-Lai Lạt-Ma quàng khăn lên cổ, vì thế Ngài chỉ quàng vào hai tay ông (6).

            Đấy chỉ là phần nghi thức sơ bộ của một cuộc hội kiến kéo dài suốt bốn giờ. Hai vị mỉm cười và siết tay nhau thật lâu trước mặt báo chí. Cả hai ăn mặc đúng theo truyền thống của mình. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma mặc chiếc áo cà-sa màu vàng nghệ và nâu đỏ của những người tu hành trên Nóc nhà thế giới. Nehru phô trương bộ quần áo gọi là achkan tiêu biểu cho một người đã từng tranh đấu kiên trì, gồm áo vét màu xậm, cổ đứng (theo lối cổ áo của quan lại Trung Quốc) và một chiếc quần trắng gọi là churidar, ống quần bên dưới bó sát vào bắp chânđầu thì đội một chiếc mũ trắng viền cao nhưng không có vành, đấy là một dấu hiệu biểu trưng cho sự đoàn kết giữa những người từng tranh đấu cho nền độc lập của xứ sở (7).

           

 Thay mặt cho một nước Ấn hiện đại, dân chủ, đã thoát khỏi ách bảo hộ của người Anh, Nehru đứng ra tiếp đón vị lãnh đạo của nước Tây Tạng thần quyền(théocratie - theocracy) bị Trung Quốc dưới chế độ Mao tống khứ. Chẳng qua chỉ vì trước đây nước Tây Tạng tự thu mình từ hàng nhiều thế kỷ trong sự cô lập rạng rỡ của mình, thế rồi vào thế kỷ XX, bỗng dưng phải hứng chịu ngọn roi của người cộng sản mà trước đó xứ sở này chưa hề được trải qua một giai đoạn chuyển tiếp nào.

Bốn mươi sáu tuổi đời chia cách hai vị lãnh đạo. Ngoài khác biệt tuổi tác còn có sự khác biệt về văn hóa và lý tưởng triết học. Trong lứa tuổi sáu mươi, Nehru là một người từng trải sau các cuộc tranh đấu chống lại chế độ thực dân, ông được đào tạo tại Anh quốc và đã thấm nhuần tất cả những thứ khéo léo và tinh vi trong nền văn hóa cũng như chính trị của xứ này, và chính ông đã có lần tuyên bố một cách khôi hài rằng mình là Nguyên thủ Quốc gia người Anh cuối cùng trên đất Ấn. Nehru đã nhiều lần nếm mùi tù ngục và trải qua những lúc hiểm nguy đến tánh mạng trong thời gian tranh đấu, và sau đó thì đứng ra cai trị xứ sở kể từ năm 1948. Về phía Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thì Ngài được giáo dục trong khuôn phép của một người tu hành và các cấp bậc thâm sâu của phép thiền định. Chính Ngài cũng thú nhận là biết rất ít về thế giới tân tiến ngày nay. Thế nhưng phía sau những bức tường thành cổ kính của ngôi đền Potala cũng có một người đã tìm đủ mọi phương tiện sẵn có để giải thích cho Ngài về các thứ "khoa học của người phàm tục", đấy là một nhà mạo hiểm người Áo tên là Heinrich Harrer đã trèo lên đến tận Lhassa vào năm 1946. Năm năm bên cạnh Heinrich Harrer đã gợi lên cho Đức Đạt-Lai Lạt-Ma sự ham muốn hiểu biết về lịch sử, địa lý, khoa học và kỹ thuật.

Nếu Nehru và nhà Lãnh đạo tinh thần Tây Tạng cùng thừa hưởng chung một số giá trị nào đó từ một nước Ấn Độ Phật giáo, thì quan điểm của mỗi người về thế giới có vẻ khó mà hòa hợp với nhau. Cái thái độ ban ơn của người làm chính trị không lọt khỏi con mắt của nhà tu hành : "Nehru xem tôi như một thanh niên non dại, thỉnh thoảng còn phải cần rầy la" (8). Trên thực tế thì lại khác, khi tiếp xúc với vị đại diện Hoàng gia Anh quốc tại thủ đô Delhi, vị Nguyên thủ Ấn Độ đã thổ lộ với vị này là ông cảm thấy "một mối thiện cảm rất lớn đối với những người Tây Tạng", và đồng thời cũng không quên nói thêm rằng : "thế nhưng đấy là những người thật khó để giúp đỡ, bởi vì họ hoàn toàn mù tịt về thế giới tân tiến ngày nay và một phần cũng vì phong tục của họ nữa ! Đức Đạt-Lai Lạt-Ma có thể là người khá nhất trong số họ, ông ta là một thanh niên còn trẻ, khả ái, thông minh, nhất là giỏi trên mọi mặt, thế nhưng dù sao thì cũng còn quá ngây thơ và khó nắm bắt".

Lẽ tất nhiên là có sự khác biệt giữa cá tính của hai người. Sự khác biệt đó bùng nổ vào ngày 24 tháng 4 năm 1959. Vị lãnh tụ Tây Tạng tuyên bố : "Cho đến phút cuối cùng trước khi rời khỏi Tây Tạng tôi vẫn cố gắng bảo vệ hòa bình", và Ngài còn phát biểu thêm là sẽ quyết tâm giữ vững lý tưởng nhất định không để cho tình trạng tắm máu xảy ra. Các lời tuyên bố của Ngài khiến cho Nehru nổi trận lôi đình. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma còn nhớ rõ biến cố đó và đã thuật lại trong hồi ký của mình là Nehru không nén được cơn thịnh nộ và môi dưới của ông run lên bần bật. Vị Nguyên thủ quốc gia đầy kinh nghiệm liền ban cho vị quốc vương trẻ tuổi một bài học chính trị bằng cách khẳng định là không thể nào yêu cầu các đạo quân Trung Quốc rút lui duy nhất bằng con đường ngoại giao. Sự thuyết phục đơn thuần không thể đem ra sử dụng để đối đầu với sức mạnh quân sự của Mao Trạch Đông. Nehru phán quyết một cách dõng dạc: "Chúng ta phải nhìn thực tế trước mặt. Dù có ước mong đi nữa thì tôi cũng không thể nào đem dâng một đất nước thanh bình cho dân tộc Ấn nếu họ không động đậy gì cả. Tương tự như thế, cả thế giới này không thể biếu không sự tự do cho Tây Tạng, ngoại trừ chỉ còn cách phải hủy diệt toàn bộ cấu trúc của thể chế Trung Quốc. Chỉ có một cuộc chiến tranh thế giới, và tôi muốn nói đấy là một cuộc chiến tranh hạt nhân, mới thực hiện được điều đó !" (9).

Đức Đạt-Lai Lạt-Ma bị Nehru kiềm chế

Nhiều sự bất hòa xảy ra khiến cho cuộc hội kiến trên đây trở nên căng thẳng. Từ khi đến Ấn, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma vẫn thường xuyên gánh chịu đủ mọi thứ phiền toái. Vừa vượt được sang biên giới tại ngôi làng Tawang (11) dưới chân dãy Hy-mã-lạp sơn, vị lãnh đạo tôn giáo liền gởi ngay một bức điện tín cho Nehru xin được tị nạn chính trị. Vị Bộ trưởng ngoại giao trả lời là ông cựu Tổng lãnh sự P.N. Manon của Ấn trước đây tại Lhassa sẽ đến ngay để tiếp xúc với Ngài. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cũng mừng vì trên mảnh đất tỵ nạn đầy khó khăn này lại được gặp một người mà mình đã quen biết từ trước.

Các hồ sơ được giáng loại không còn giữ tính cách tối mật của CIA cho thấy có bản tường thuật về cuộc thảo luận đầu tiên trên đây (12).  Sau khi thông báo sự chấp thuận cho phép vị quốc vương và các người tùy tùng được tị nạn, thì vị cựu tổng lãnh sự Manon đưa ra  các lời nhắn nhủ của Nehru, theo đó thì vị Thủ tướng Ấn Độ bày tỏ sự kinh hoàng của ông trước biến cố xảy ra cho Tây Tạng và xác định mối thiện cảm của ông đối với Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, và đồng thời ông cũng mong muốn được tiếp kiến Ngài trong một ngày rất gần đây. Nehru cũng bày tỏ thêm sự lo ngại của ông đối với dân tộc Tây Tạng. Dầu sao đi nữa thì vỏn vẹn cũng chỉ có sự nâng đỡ tinh thần như trên đây, vì Nehru gạt sang một bên vấn đề bảo vệ nền độc lập của Tây Tạng và ông chỉ thừa nhận sự tự trị của vương quốc này trên dãy Hy-mã-lạp sơn bên trong lãnh thổ của Trung Quốc. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma phản kháng một cách mãnh liệt quan điểm này.

    Từ khi xứ sở bị xâm lăng vào ngày 7 tháng 10 năm 1950 cho đến lúc này , Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đều nghe theo các lời cố vấn của Nehru. Ngài nỗ lực thực hiện một nền tự trị thật sự cho người dân Tây Tạng trong khuôn khổ của một Hiệp định gồm mười bảy điểm (13), ký kết vào ngày 23 tháng 5 năm 1951 tại Bắc Kinh. Thật ra thì người Trung Quốc cũng không tôn trọng Hiệp định bất tương xứng này vì các điều khoản tự trị tối thiểu dành cho người dân Tây Tạng đã trở nên vô nghĩa. Vào tháng 3 năm 1959, vì tánh mạng bị hăm dọa nên vị lãnh đạo tôn giáo đành phải phải bỏ trốn. Kể từ lúc đó Ngài mới bắt đầu ý thức được sự thiếu thiện chí của người Trung Quốc và quyết tâm tố cáo bản Hiệp định mười bảy điểm, đồng thời đòi hỏi phải tái lập sự vẹn toàn lãnh thổ cho Tây Tạng. Ngoài ra Ngài cũng chuẩn bị một bản tuyên cáo báo chí theo chiều hướng như vừa kể để nêu lên quyết định thành lập một chính phủ lưu vong.

    Menon (tức vị cựu Tổng lãnh sự ở Lahssa) khẩn cầu vị lãnh đạo tinh thần không nên tuyên bố như thế vì sẽ đi ngược lại với những lời yêu cầu dứt khoát của Nehru. Thế nhưng Đức Đạt-Lai Lạt-Ma không thể chấp nhận một sự tự trị đơn giản của Tây Tạng bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma còn nói thêm là nếu như sự hiện diện của Ngài trên đất Ấn gây ra khó khăn cho chính quyền Ấn Độ và nếu Nehru không sẵn sàng ủng hộ cuộc tranh đấu dành lại độc lập cho Tây Tạng, thì Ngài sẽ từ chối không nhận quy chế tị nạn nữa và sẽ tìm một nước khác đón nhận Ngài. Trước sự quyết liệt của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, Menon không biết làm gì hơn là gửi ngay một điện tín cho Bộ ngoại giao, Bộ ngoại giao liền trả lời là chỉ chấp nhận một bản tuyên cáo ngắn và không được nêu lên trong đó việc bác bỏ Hiệp định mười bảy điểm, và cũng không được tuyên bố thành lập chính phủ lưu vong. Menon còn đề nghị thêm là khi soạn thảo phải dùng chủ từ ở ngôi thứ ba để làm nhẹ bớt đi tác động của bản tuyên cáo. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma được sự hỗ trợ của các thành viên trong hội đồng nội các của mình liền phản kháng lại và nhất định phải dùng chủ từ ở ngôi thứ nhất, thế nhưng Menon vẫn quyết liệt không chấp thuận.

      Sau cùng thì bản tuyên cáo cũng không thể tránh được những sự tròng tréo kín đáo bên trong Bộ ngoại giao Ấn Độ, vì bản tuyên cáo đầu tiên này đã bị Bộ ngoại giao sửa chữa ngoài ý muốn và đi ngược lại với chủ đích của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma trước khi đem ra công bố cho báo chí (14). Tuy thế bản tuyên cáo Tezpur (một thành phố nhỏ phía bắc tiểu bang Assam, nằm bên bờ sông Brahmapoudre) vẫn được công bố vào ngày 18 tháng 4 với chủ từ ở ngôi thứ ba, thế nhưng không thấy có sự phản kháng nào (của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma). Bản tuyên cáo thật ngắn gọn cho biết sự trốn chạy của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã xảy ra trong bối cảnh như thế nào, và nhất là nêu lên tính cách không xác thực trong các lời tố cáo của người Trung quốc, có nghĩa là vị quốc vương không hề bị bọn đế quốc Anh hay bọn bành trướng chủ nghĩa Ấn Độ bắt cóc mà do chính Ngài đã bỏ trốn.

    Ngày 20 tháng 4, Bắc kinh phê phán bản tuyên cáo trên đây là "một thứ tài liệu thô kệch, lý luận què quặt, gồm toàn những chuyện láo khoét và bừa bãi". Tính cánh đích thực của bản tuyên cáo bị bác bỏ vì cách sử dụng chủ từ ở ngôi thứ ba. Hơn nữa, bản tuyên cáo lại do chính quyền Ấn Độ phổ biến, sự tròng tréo ấy không tránh khỏi bị lên án (15). Trên thực tế, sự ra đi của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã làm cho Trung Quốc phải bối rối. Sự kiện đó cho thấy việc giải phóng Tây Tạng trong hòa bình chỉ là chuyện bịa đặt nhằm mục đích che dấu sự xâm lược và chiếm đóng một Quốc gia có chủ quyền. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đòi hỏi quyền được tố cáo những sự cáo buộc đó. Bất chấp sự cấm đoán của chính quyền Ấn Độ, Ngài soạn thảo một bản tuyên cáo ngắn xác nhận chính Ngài là tác giả của bản tuyên ngôn Tezpur và chịu trách nhiệm về tất cả các lời lẽ trong đó. Sau đấy thì Ngài yêu cầu được quyền tự do tiếp xúc với các Bộ tư pháp của các nước Tây phương và các cơ quan truyền thông quốc tế để thành lập một chính phủ lưu vong và xin cho người Tây Tạng được phép tị nạn và số người xin không bị giới hạn. Sau đó thì chính quyền Ấn Độ dùng xe lửa đưa Ngài trở về Mussoorie và dự trù tổ chức một buổi hội kiến giữa Ngài với Nehru.

Những chuyện được thua trong cuộc đàm phán giữa Nehru và Đức Đạt-Lai Lạt-Ma

    Vị Nguyên thủ Quốc gia Ấn Độ nhất định không vì tiền đồ của xứ Tây Tạng mà phải thay đổi các đường hướng ngoại giao và phải hy sinh các mối liên lạc với Trung Quốc. Nehru chỉ muốn bảo đảm một nền tự trị mang tính cách vĩnh viễn cho vương quốc này trong vùng Hy-mã-lạp sơn mà thôi. Thật ra thì thực chất của thể chế tự trị đó vừa rỗng tuếch vừa không mang một khía cạnh chính đáng nào trên bình diện quốc tế. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma nhắc lại các mối liên hệ lịch sử với Ấn Độ vì Ấn Độ là cường quốc duy nhất có thể đưa ra các bằng chứng về chủ quyền của Tây Tạng. Ngay cả trước khi Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng, Nehru vẫn duy trì sự liên lạc ngoại giao với quốc gia này và ông bênh vực chủ trương cho rằng nếu những người Tây Tạng chấp thuận thương thảo thì như thế sẽ dễ dàng cho cộng đồng thế giới đứng ra ủng hộ họ. Dưới con mắt của ông thì nền độc lập của Tây Tạng là một "chủ đích không thể thực hiện được" (16).

    Subimal Dutt (Bộ trưởng ngoại giaohiện diện trong buổi hội kiến đó đã tìm cách bênh vực cho ý kiến trên đây bằng cách mang ra bàn thảo các vấn đề luật pháp quốc tế (để đánh lạc hướng), và đấy cũng là sở trường của ông. Đồng thời ông cũng chống lại ý kiến của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thành lập chính phủ lưu vong. Theo ông Ấn Độ sẽ không thể chính thức thừa nhận chính quyền đó vì chủ quyền Quốc gia Tây Tạng không được chứng minh rõ rệt. Tiếp tục dựa vào luật pháp, vị công chức cao cấp này cố tình làm cho Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thối chí không nghĩ đến việc kêu gọi Liên Hiệp Quốc với mục đích tố cáo sự đàn áp và các cuộc tàn sát do người Trung Quốc gây ra. Chẳng qua vì Tây Tạng trước đây chỉ thừa hưởng nền độc lập như một sự kiện hiển nhiên (de facto - tức có nghĩa là trên thực tế) và sau đó đã trở thành một vùng tự trị dưới sự quản lý của Bắc kinh đúng theo Hiệp định mười bảy điểm, vì thế lời kêu gọi Liên Hiệp Quốc của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma sẽ không thể chấp nhận được. Tóm lại Đức Đạt-lai Lạ-ma không có thẩm quyền để kêu gọi Liên Hiệp Quốc, cũng không được yêu sách một nền độc lập cho một lãnh thổ đã lọt ra khỏi quyền lực của mình. Vị Bộ trưởng ngoại giao còn kết luận thêm như sau: "Quyền lực tâm linh là một chuyện, quyền lực tạm thời lại là một chuyện khác" (17).

      Sau này, Subimal Dutt thú nhận trong hồi ký của ông là cuộc đàm thoại trên đây đã tạo ra một "tác động lạ lùng đối với bản thân Nehru, vì suốt ngày hôm ấy ông tỏ ra băng khoăn và luyến tiếc một cái gì đó" (18). Đối với Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thì lại khác, trước những sự bài bác thẳng thừng trên đây "Ngài vẫn ăn nói một cách thật trầm tĩnh, không tỏ ra một mảy may chua chát đối với bất cứ ai, mặc dù phải chịu sự bực mình cả về thể xác lẫn tinh thần" (19). Nửa thế kỷ sau, vị lãnh tụ Tây Tạng nhắc lại cuộc hội kiến ngày 24 tháng 4 năm 1959 trên đây trong dịp Ngài nhận lãnh huy chương của Tổ chức tài trợ Quốc gia vì Dân chủ (Fondation Nationale pour la Démocratietại Hoa-thịnh-đốn vào tháng 2 năm 2010. Ngài thú nhận buổi hội kiến hôm ấy quả đúng là một bài học (cho ngài) về dân chủ và lòng khoan dung. Vào cái tuổi hai mươi ba, Ngài đã phải gánh chịu sự tức giận và các cách đối xử nặng tay của Nehru. Tuy nhiên, nếu vị nguyên thủ Quốc gia (Ấn Độ) không chấp nhận quan điểm của Ngài và cũng đã bày tỏ điều ấy một cách thẳng thắn , thì ít ra ông ấy cũng đã chấp nhận sự đối thoại. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cũng nói thẳng với Nehru là chủ quyền của dân tộc Ngài đang bị chà đạp. Ngài nêu bằng chứng cho thấy trước hết người Trung Quốc vi phạm vào sự vẹn toàn lãnh thổ của Tây Tạng, và sau đó mới cam kết tôn trọng nền tự trị của quốc gia này. Thế nhưng Nehru vẫn giữ nguyên lập trường của ông. Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đã sử dụng chiêu bài chính trị quá khéo léo khiến Nehru tin rằng Trung Quốc chỉ muốn thực hiện kế hoạch hiện đại hóa trong hòa bình xứ Tây Tạng hậu tấn và phong kiến. Trong giai đoạn hậu bán thế kỷ XX này, Ấn Độ tự cho mình nắm giữ vai trò quan trọng nhất làm trung gian giữa Tây phương và khối cộng sản, thế nhưng sự tranh chấp với Pakistan đã giới hạn không ít khả năng xoay xở của mình, và đấy cũng chính là một yếu tố mà những người Trung Quốc chộp ngay để đưa vào kế hoạch chung của họ. Ba tuần lễ sau khi tiếp kiến với Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, thì đúng vào ngày 16 tháng 5 năm 1959 Đại sứ Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc tìm cách vận động với Subimal Dutt để phản đối việc xin tị nạn của vị lãnh tụ Tây Tạng. Ông ta cảnh giác vị Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ: "Các ông đâu có đủ sức để tự đối đầu với cả hai mặt trận, có đúng thế không?" Mối hăm dọa giúp đỡ Pakistan về quân sự trở nên rõ rệt hơn.

    Tại Lok Sabha (hạ viện của quốc hội Liên bang Ấn Độ), nhiều nghị sĩ đã phản đối Nehru về thái độ quá dè dặt của ông đối với vấn đề Tây Tạng. Các vị lãnh tụ khối xã hội thay nhau kéo đến trước sứ quán Trung Quốc để bày tỏ mối cảm tình (đối với Tây Tạng) của họ. Họ cảm thấy bị lường gạt vì trước đây đã lỡ tin vào thiện chí của đảng Cộng sản (Trung Quốc) và cho rằng việc quản lý Tây Tạng của chính quyền Trung Quốc chỉ mang tính cách hình thức, và Tây Tạng sẽ tiếp tục giữ vai trò một Quốc gia trái độn cho toàn vùng trung tâm Á Châu. Ngày 22 tháng 4, một ngàn người biểu tình ném trứng thối và cà chua vào chân dung của Mao Trạch Đông khiến cho Bắc Kinh nổi trận lôi đình. Chính phủ Dehli được yêu cầu phải chấm dứt ngay "mọi hoạt động phạm pháp chống lại Trung Quốc của bọn phản động Tây Tạng dưới sự giúp sức của bọn bành trướng chủ nghĩa Ấn Độ" (20). Cách trả lời của Nehru mang nặng tính cách tình cảm hơn là khía cạnh chính trị, ông ta nêu lên "cảm tình của ông đối với người Tây Tạng, dựa trên sự xúc cảm và các lý do nhân đạo, cũng như cảm tính về một sự ràng buộc họ hàng phát sinh từ những mối dây liên hệ về tín ngưỡng và văn hóa lâu đời" (21). Thế nhưng trên phương diện chính trị thì Nehru vẫn tiếp tục cố gắng bảo vệ mối bang giao thân thiện Trung Quốc - Ấn Độ mệnh danh là Hindi Chini Bhai Bhai. Mối bang giao thân thiện này luôn luôn được tôn trọng cho đến ngày quân đội Nhân dân Giải phóng tràn vào biên giới Ấn tức là ngày 20 tháng 10 năm 1962.

      Cuộc tiếp xúc ngày 24 tháng 4 năm 1959 đã báo trước những gì sẽ xảy ra trong nửa thế kỷ sau đó. Nếu dân chúng Tây Tạng vẫn tiếp tục dành cho Đức Đạt-Lai Lạt-Ma sự ủng hộ thật nhiệt tình, thì chính quyền Ấn Độ cũng như các cường quốc Tây phương lại không hề chấp nhận Ngài là vị nguyên thủ đại diện cho một Quốc gia hoàn toàn có chủ quyền. Hơn nữa cho đến nay, chưa có một bộ tư pháp (chancellerie - chancellerycủa một quốc gia nào thừa nhận chính phủ lưu vong Tây Tạng. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma mất hết chủ quyền chỉ vì lý do tình trạng rắc rối (imbroglio) về lập pháp trong bối cảnh của thời kỳ chiến tranh lạnh. Kể từ năm 1959 trở đi, Ngài đành trở thành một vị đại diện cho một xứ sở tượng trưng cho quyền lợi riêng tư của Trung Quốc trên phương diện địa lý chính trị. Thế nhưng sự tranh đấu của Đức Đạ-lai Lạt-ma thật ra chỉ mới bắt đầu mà thôi. Ngài chống lại tất cả mọi phía để bênh vực chính nghĩa của dân tộc Ngài. Sống lưu vong và tỵ nạn, không quân đội, thế nhưng Ngài không phải là một người trắng tay, vì Ngài tuyên bố vào ngày 10 tháng 3 năm 1960 như sau: "Khí giới của chúng tôi chính là lòng can đảm, công lý và sự thật". Phương châm đó biểu trưng cho phần số của Ngài và cho cả dân tộc Ngài, nó luôn luôn mang tính cách hiện đại. Thật vậy Ngài đã áp dụng phương châm đó trong một cuộc chiến bất-bạo-động thật gương mẫu. Sự chiến thắng trên phương diện đạo đức đã mang lại cho Ngài vị thế của một nhân vật đứng hàng đầu, một phát ngôn viên của lương tâm thế giới, được nhiều người nghe theo nhất. Và ngày nay trên khắp các diễn đàn quốc tế, Ngài đứng ra thuyết giảng cho những đám đông người yêu chuộng sự can đảm, công lý và sự thật. Chế độ kiểm duyệt của Ấn Độ, tình trạng chủ quyền quốc gia Tây Tạng bị bác bỏ, chính phủ lưu vong không được chính thức thừa nhận, sự thờ ơ của các cường quốc và kể cả sự lèo lái của Hoa Kỳ với mục đích biến chính nghĩa Tây Tạng thành một chiêu bài chống cộng..., tất cả những thứ ấy không làm nao núng được quyết tâm của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma.

Mang lại hòa bình hay vinh quang cho sự thật

        Kể từ năm 1961, cứ mỗi năm Đức Đạt-Lai Lạt-Ma lại đọc một bài diễn văn tưởng niệm cuộc nổi dậy vào ngày 10 tháng 3 năm 1959. Ngày hôm ấy dân chúng thủ đô Lhassa vùng lên, dùng thân mình để làm tường thành che chở cho vị quốc vương của họ mà sinh mạng đang bị quân đội chiếm đóng Trung Quốc đe dọa. Các lời diễn văn tưởng niệm đều do chính tay Ngài và vị Samdhong Rinpoché soạn thảo, vị này là một chiến hữu đồng hành của Ngài từ những giây phút đầu tiên và hiện giữ chức vụ Thủ tướng. Sự kiện đó cho thấy Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cân nhắc từng chữ một trước khi khi soạn thảo bài diễn văn. Trong lịch sử chưa hề có một trường hợp nào tương tợ: những bài diễn văn của một vị nguyên thủ Quốc gia lưu vong được đọc lên mỗi năm và vẫn còn tiếp tục đã từ hơn nửa thế kỷ để tưởng niệm cuộc kháng chiến của một dân tộc đánh mất quê hương. Những bài diễn văn ấy không phải chỉ mang tính cách hình thức mà thật ra rất sâu sắc, biểu trưng cho một cuộc chiến kiên trì với mục đích xóa bỏ một trong những bất công lộ liễu nhất trong thời đại chúng ta.

      Tôi đã từng đến viếng Dharamsala (nơi thiết đặt chính phủ lưu vong Tây Tạng) vào buổi sáng của những ngày kỷ niệm vào mùng 10 tháng 3  để cùng chen vai với người Tây Tạng. Họ tỏ ra thật đăm chiêu khi nghe nhắc đến cái "đêm thật kinh hoàng của ngày hôm ấy", hoặc "sự bạo ngược và đàn áp" đối với dân tộc đang hấp hối của họ. Vào những ngày tưởng niệm ấy, tôi đã được nghe những lời nói thiêng liêng buộc chặt Đức Đạt-Lai Lạt-Ma với dân chúng Tây Tạng. Sự đoàn kết của họ chung quanh vị lãnh đạo tâm linh là một sự kiện lịch sử. Trước khi người Trung Quốc xâm lược, vương quốc Tây Tạng bị phân tán, các tỉnh thuộc vùng phía đông tranh chấp quyền hành với trung ương Lhassa. Thế nhưng khi phải chống lại những kẻ chiếm đóng thì toàn dân lại sát cánh với vị quốc vương của họ. Cứ vào mỗi dịp kỷ niệm ngày mùng 10 tháng 3, tôi lại có cảm giác là những lời lẽ đó tuy vang lên từ một nơi rất xa xôi bên ngoài xứ sở thế nhưng hình như vẫn thấm sâu vào lòng dân tộc Tây Tạng đang đoàn kết để bảo vệ sự tự do của mình.

    Mỗi lần cứ đến ngày 10 tháng 3, thì tôi lại cảm thấy cả một mối dây thiêng liêng nối liền Đức Đạt-Lai Lạt-Ma với nhân loại. Thật thế Ngài chiến đấu để dành lại công lý cho dân tộc Ngài, thế nhưng cái chính nghĩa ấy chính ra lại mang tính cách toàn cầu. Từ những ngày đầu của cuộc sống lưu vong và mặc dù bị Nehru hăm dọa, Ngài vẫn nhất mực kêu gọi lương tâm của các quốc gia trên thế giới. Ngài hướng dẫn một dân tộc đã đánh mất quê hương trên đường tranh đấu tìm lại chủ quyền, nhưng không phải vì thế mà mọi người không nhận ra ngay tức khắc Ngài là một xướng ngôn viên của nền hòa bình thế giới. Mỗi năm vào dịp kỷ niệm ngày 10 tháng 3, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma không chỉ ngỏ lời với người dân Tây Tạng mà đúng hơn là với tất cả chúng ta. Tiếng nói của Ngài mang âm hưởng của những lời tâm sự. Trong giai đoạn đầu của cuộc đời chính trị người ta cấm Ngài không được phép nói đến chữ "tôi", thế nhưng trong từng lời phát biểu của Ngài bàng bạc một sự chủ quan rõ rệt, khiến cho các bài diễn văn trở nên dễ hiểu và thấm đượm những nét tâm tình sâu xa. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma phát biểu với tư cách một con người nói với một con người, những con người như chúng ta. Các bài diễn văn của Ngài tỏa ra một tình nhân ái khiến mọi người phải xúc động và đồng thời hàm chứa những suy tư thật sâu sắc và mang lại nhiều cảm ứng đối với thế giới này. Các bài diễn văn ấy thường được đọc lên trong những buổi thuyết giảng vào dịp lễ Đầu Năm âm lịch. Ngài trình bày sự chuyển động của guồng máy chính trị từ hơn nửa thế kỷ nay đã nghiền nát các ước vọng dân chủ của cả hai dân tộc Tây Tạng và Trung Quốc, với một sự trong sáng vượt bực tương tợ như khi Ngài thuyết giảng về những gì thật tinh tế trong các phép thiền định. Xuyên qua những lời phát biểu của Ngài người ta nhận thấy rằng Phật giáo không hề ngần ngại khi phải đối đầu với những thách đố của hiện thực.

        "Phải tìm kiếm sự thật dựa trên các dữ kiện", Đức Đạt-Lai Lạt-Ma không do dự một chút nào khi vay mượn câu châm ngôn trên đây của Đặng Tiểu Bình đã phát biểu ngày ông đứng ra nắm giữ chức vụ tối cao của quốc gia vào tháng 11 năm 1978. Thế nhưng khi đã ngồi vào chỗ tột đỉnh của guồng máy cộng sản, thì cái khẩu hiệu ấy lại bị phủ lên trên bởi một sự thật khác, ấy là cái sự thật của Quốc gia, để rồi biến nó trở thành một phương tiện giải độc và lèo lái gian xảo với mục đích đánh lạc hướng dư luận. Ranh giới phân định thật hết sức rõ rệt. Thật thế, trái với những gì trên đây, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma ngày nay và Gandhi trước kia, cả hai không bao giờ biết nhân nhượng là gì khi phải tranh đấu cho sự thật, chỉ cần nhìn vào cuộc tranh đấu bất-bạo-động của họ thì sẽ thấy ngay. Họ chủ trương nguyên tắc theo đó nếu hành động gây ra thiệt hại cho người khác thì sự thiệt hại ấy sẽ quay ngược về mình, vì thế đối với họ không được tìm kiếm vinh quang bằng sự thiệt hại của đối phương. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma chưa bao giờ cho phép hận thù mang tính cách bè phái dành được chiến thắng. Ngài chỉ ước vọng "mang lại" hòa bình bằng cách hòa giải mọi khác biệt dựa vào tình huynh đệ và những mối dây thân thiện ràng buộc hai dân tộc Tây Tạng và Trung Quốc. Khí giới được đem ra sử dụng là "lòng can đảm, công lý và sự thật". Sự tranh đấu của Ngài không nhất thiết chỉ nhằm vào mục đích dành lại chính nghĩa cho dân tộc Tây Tạng và bảo vệ về bản tính của giống nòi. Thật vậy kể từ năm 1959 Ngài đã vượt lên trên sự đối nghịch Tây Tạng -  Trung Quốc bằng cách đề nghị một thẩm cấp xét xử thứ ba mà tùy theo lúc thì Ngài gọi đấy là "tập thể các quốc gia", hay "thế giới", hay "nhân loại". Nói lên điều ấy có nghĩa là Ngài muốn nêu lên một cái gì đó chính đáng và cao cả hơn, vượt lên trên quyền lợi hạn hẹp của một quốc gia. Nếu khẩu hiệu "Tây Tạng vì thế giới, thế giới vì Tây Tạng" được tung hô mỗi khi ngài tiếp xúc với đám đông quần chúng thì đấy có nghĩa là Ngài đã quyết tâm tranh đấu vì nhân loại.

        Quyển sách này ghi lại một số diễn văn đánh dấu những năm tháng đấu tranh chính trị của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma. Trong phần bình giải về bối cảnh liên hệ đến thời cuộc bấy giờ, tôi sẽ thẳng thắn nêu lên tất cả các ý kiến đối nghịch nhau về vấn đề Tây Tạng, vì sự đối nghịch đó phản ảnh trực tiếp sự mâu thuẫn của chính chúng ta. Nếu đã tự nhận là thành viên đứng ra bảo vệ nhân quyền trên bình diện toàn cầu và quyền tự do sinh sống cho mọi dân tộc, thì tại sao chúng ta lại thừa nhận một nước Trung Quốc với biên giới bao gồm cả Tây Tạng? Ngày nay cũng không còn phải là chuyện lạ khi người ta đọc thấy trên báo chí là Đức Đạt-Lai Lạt-Ma "sinh" ra tại Trung Quốc. Quả thật tình trạng chối bỏ cá tính của một dân tộc và tước đoạt quê hương của họ bất chấp pháp lý đã trở thành quá đáng, đến mức không còn phê phán được nữa! Hơn thế nữa, chúng ta tỏ ra thật hèn nhát - chưa hề thấy ai lên tiếng cải chính điều này - không dám hé môi nêu lên bất cứ một vấn đề nào có thể làm cho Bắc Kinh nổi giận, hầu bảo vệ mối bang giao song phương. Khi Hồ Cẩm Đào đến Paris vào tháng 11 năm 2010, báo chí đã đặt khía cạnh lôgic (sự hợp lý) của thị trường lên trên hết, bằng cách chạy tít trên trang nhất: "Đây là người đáng giá 20 tỉ euro" với hậu ý nhắc đến các giao kèo được ký dưới sự dàn cảnh rầm rộ của giới truyền thông. Thế nhưng cũng không phải vô cớ mà một số các nhà báo khác lại loan tin trên trang nhất: "Đấy là người đạt kỷ lục thế giới về con số tù nhân chính trị và số người bị xử tử" (22). 

        Sử dụng tấm bình phong của tình trạng khó khăn kinh tế để hợp thức hóa sự nhân nhượng của chúng ta đối với một kẻ độc tài chính là cách thực thi một thứ chính trị khinh thường cả những nguyên tắc do chính mình đưa ra. Quả thật là oái oăm, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma có vẻ vững tin hơn chúng ta rất nhiều về sức mạnh của dân chủ và đã đưa ra cho chúng ta những bài học về vấn đề đó. Ngày 7 tháng 6 năm 2009, trước mười ngàn người, Robert Badinter (23) đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đầy xúc động đối với Đức Đạt-Lai Lạt-Ma và ca ngợi cuộc chiến đấu bất-bạo-động của Ngài, một cuộc chiến đấu chỉ sử dụng khí giới của công lý và của sự thật để chống lại sự "diệt chủng văn hóa" do người Trung Quốc thực thi trên Tây Tạng (24).

        Lần lượt qua những trang sách này, nếu biết mở rộng lòng mình, chúng ta sẽ tìm thấy một sự say mê lớn lao khi nghe thấy giữa cái nóng bỏng của thời cuộc, tiếng kêu gọi của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma gióng lên những bất công mà dân tộc Ngài đã phải gánh chịu từ sáu mươi năm nay. Ngài nói lên những vấn đề thật chính đáng. Tại sao xứ Tây Tạng hội đủ những tiêu chuẩn của một Quốc gia có đầy đủ chủ quyền và đã từng ký các hiệp ước quốc tế, cũng như đã chính thức tuyên bố độc lập vào năm 1913, lại bỗng dưng bị tàn phá tan hoang và phải chấp nhận quy chế của một tỉnh lỵ Trung Quốc? Nếu chính quyền Lhassa chỉ đại diện cho một nền hành chính địa phương đặt dưới sự quản lý của trung ương Bắc Kinh, thì tại sao vào năm 1951 các nhà cầm quyền cộng sản lại buộc người Tây Tạng phải ký vào một bản hiệp định mang đầy đủ đặc tính của một hiệp ước quốc tế? Tại sao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc không cần đến một văn bản nào tương tự như bản hiệp định này để xác định các mối bang giao với các vùng tự trị khác ? Chẳng lẽ Tây Tạng là một trường hợp ngoại lệ hay sao?

          Ngày nay trên đất nước Trung Quốc, các nhà trí thức và các luật gia cũng đã bắt đầu lên tiếng tố cáo chính sách của đảng Cộng sản đối với Tây Tạng, bởi vì chính sách đó vi phạm Hiến pháp và một số lớn các công ước quốc tế về nhân quyền và sự tra tấn mà chính Bắc Kinh đã ký kết và phê chuẩn. Tại sao chúng ta lại không đếm xỉa gì đến các văn bản mà các nhà chức trách Trung Quốc cũng như các cộng đồng thế giới bắt buộc phải tôn trọng, và cứ để mặc cho xứ Tây Tạng hơn bao giờ hết trở thành "một địa ngục trần gian", đấy là những chữ vay mượn trong bài diễn văn của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đọc vào ngày 10 tháng 3 năm 2009? Thật vậy, quả đúng đấy là một "ngục tù không mái che", và trong ngục tù đó sự tra tấn dã man và án tử hình được đem ra áp dụng hàng ngày. Vậy thì nhờ đâu mà những nhà lãnh đạo Trung Quốc được đặc miễn không hề bị trừng phạt, trong khi đó Ủy ban quốc tế các luật gia (25) từ năm 1959 đã đưa ra một phúc trình xác nhận những hành động diệt chủng và các tội ác chống nhân loại của Trung Quốc?

      Thế kỷ XX là thế kỷ phi thực dân hóa. Năm 1990, Liên Hiệp Quốc khởi động dự án Thập kỷ quốc tế thanh toán chế độ thực dân (Décennie internationale pour l'éradication du colonialisme) và đưa ra một bản thống kê các quốc gia còn nằm trong thể chế thực dân. Mặc dù tất cả các đặc tính của một chế độ thực dân tiêu biểu đều hội đủ đối với trường hợp Tây Tạng, thế nhưng tại sao xứ sở này chưa bao giờ được ghi vào bản danh sách các quốc gia cần phải được phi thực dân hóa do chính Liên Hiệp Quốc thiết lập? Đồng thời cũng chẳng phải là đáng ngạc nhiên hay sao khi thấy xứ Tây Tạng cũng không được xuất hiện trong danh sách các quốc gia không tự trị (tức bị một nước khác quản lý) công bố vào năm 2008, và cũng không có tài liệu nào xác nhận Trung Quốc là cường quốc đứng ra giữ vai trò quản lý (26)?

         Quyển sách Kêu gọi thế giới sẽ tường thật lại các nỗ lực của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma trong việc tìm kiếm các giải pháp trong khuôn khổ luật pháp và sự thật. Nếu cái kim địa bàn luôn luôn quay về hướng bắc từ tính, thì những lời phát biểu của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma lúc nào cũng hướng về sự thật của bản thể con người và vũ trụ, không một mảy may sai lệch. Tôi vẫn hằng ước mong những lời phát biểu của Ngài được nhiều người nghe thấy trong số đó kể cả những người Trung Quốc. Số người này ngày càng đông và họ đã nhân danh Đức Đạt-Lai Lạt-Ma để gióng lên tiếng nói của họ. Quyển sách này sẽ nêu lên trường hợp của một số người ly khai Trung Quốc chẳng như Harry Wu, Wang Lixiong, Hu Jia, và một người chủ trương dân chủ là Wei Jingsheng cùng một người khác nữa là Liu Xiaobo vừa đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2010. Mục đích của tôi khi nêu lên các trường hợp trên đây là để chứng minh ảnh hưởng tác động từ những lời đối thoại mà nhà lãnh tụ Tây Tạng đã gởi gấm cho các tầng lớp xã hội dân sự Trung Quốc từ nhiều chục năm nay. Thật thế Ngài không bao giờ chấp nhận sự phân biệt giữa phe này với phe kia để gây ra sự chia rẽ. Trong lúc tìm tòi và nghiên cứu tôi luôn cố gắng tìm hiểu những gì ẩn nấp phía sau những góc nhìn của người Trung Quốc từ nửa thế kỷ nay.

           Một số người cũng đã từng hy sinh vì lý tưởng yêu chuộng sự thật mà Đức Đạt-Lai Lạt-Ma hằng bảo vệ. Đã có nhiều người Tây Tạng và Trung Quốc hy sinh đời mình vì lý tưởng đó trong các ngục tù kinh khiếp. Từ những nơi đau thương đó họ hướng về phía chúng ta để gào thét. Thế nhưng thế giới nào có nghe thấy tiếng kêu cứu của họ từ chốn lao tù và những nơi giam giữ này. Cứ mặc để cho tim họ gào lên để réo gọi những quả tim khác. Vào những thời gian khác và những không gian khác, cũng đã từng có những người khác, chẳng hạn như Elie Wiesel (người gốc Roumani, nhà văn, từng bị nhốt trong ngục Auschwitz và Buchenwald dưới thời Đức Quốc Xã) từng kêu gào trong ngục tù vì công lý. Tại Buchenwald lúc ấy ông vừa mười sáu tuổi và cứ ngỡ rằng trên thế giới nào có ai biết đến quốc xã là gì. Về sau này thì ông mới vỡ lẽ là thế giới biết rất rành rọt chuyện ấy thế nhưng vẫn cứ để cho nó xảy ra.

    Mặc dù bị người quyền thế bóp nghẹt, thế nhưng hình như tiếng kêu gọi chống lại bất công của những người ngay thẳng vẫn mang một thứ định mệnh lạ lùng nào đó. Những tiếng kêu gọi ấy du nhập vào lương tâm con người, và tôi đã từng nghe thấy tiếng kêu gào ấy vào một ngày tháng giêng năm 2008. Hôm đó Palden Gyatso (27) quàng lên người tôi chiếc áo cà-sa mà ông đang mặc để ôm tôi vào lòng. Một sự cảm thông trong câm nín, mãnh liệt và bàng hoàng. Trước khi tôi cầm bút để viết quyển sách này thì nó đã thể hiện như chính một con người. Việc viết lách đòi hỏi rất nhiều, không được phép nhân nhượng. Biết bao nhiêu đau thương dâng trào từ dòng lịch sử mà tôi sắp ghi chép lại.

  Đức Đạt-Lai Lạt-Ma tỏ ra hối tiếc là dòng lịch sử ấy không được mấy người biết đến. Quả đúng là Ngài có lý. Sau không biết bao nhiêu lần may mắn được dịp tiếp xúc, chia sẻ những xúc cảm và tâm sự, tôi cứ ngỡ rằng tôi đã hiểu được cái dòng lịch sử ấy. Tôi nghĩ rằng tôi biết tất cả, thế nhưng thật ra thì tôi lại chẳng hiểu gì hết. Lý do trước nhất là trước đây tôi vẫn tìm cách đứng ra ngoài những cảnh khiếp đảm đã xảy ra suốt nửa thế kỷ nay. Hình như những cảnh tượng đó trước kia rất xa lạ đối với tôi. Thế nhưng hôm nay cái bản chất nhân loại trong những cảnh tượng đó đang đâm nát tim tôi và để lại trên da thịt tôi những vết bầm tím ngắt. Những cảnh tượng nóng bỏng và rực sáng bùng lên như những tiếng sét chói lòa. Làm thế nào mà tôi có thể tránh khỏi những vết thương. Nhất định tôi phải bước lên cho đến đoạn cuối của con đường mặc dù phải chao đảo giữa hai thái cực, một bên là lòng hận thù cực mạnh đối với những người nhẫn tâm ra tay tra tấn và một bên là tình thương vô biên của những nạn nhân sẵn sàng tha thứ cho những người tra tấn họ. Đấy là hai thái cực tượng trưng cho sự độc ác và lòng nhân từ, sự đê hèn và lòng cao thượng, sự man rợ và tình nhân ái. Làm thế nào để tránh khỏi sự dằng co này?

  Trong một dịp tiếp kiến với Đức Đạt-Lai Lạt-Ma vào ngày 29 tháng 9 năm 2010, cái vết thương đó lại rách toạc ra khi tôi nhìn thấy gương mặt của Ngài im lìm trong đau thương. Ngài nhắc lại cảnh thảm sát thường dân vô tội vào những năm đầu tiên của thập niên 1950 do các đạo quân Nhân dân Giải phóng gây ra trong vùng phía đông Tây Tạng. Máy bay ném bom xối xả, kìa những người phụ nữ ôm chặt con mình vào ngực. Nhiều hài nhi sống sót vẫn cố nút vú trên xác mẹ. Những thân người thoi thóp. Tình thương phải chiến thắng trước cái chết. Phải đem tư duy thách đố với sự phi lý... Tiếng kêu thương của người Tây Tạng và của những người ly khai Trung Quốc đã ám ảnh tôi, lắm khi tôi cảm thấy tuyệt vọng, bực tức và hận thù. Thế nhưng tôi chợt hiểu vì sao Đức Đạt-Lai Lạt-Ma lại luôn luôn khuyên dạy phải giữ lấy niềm hy vọng, mặc dù Ngài vẫn nói lên cho mọi người biết là quê hương Tây Tạng của Ngài đang chết (27). Trong bối cảnh man rợ đó, niềm hy vọng có phải là chốn cuối cùng cho nhân loại ẩn náu hay chăng?

    Đồng thời tôi cũng học được một điều là không nên phán xét gì cả. Phải vượt lên trên những khác biệt bên ngoài, phải chấp nhận những gì không chấp nhận được. Đấy là cánh cửa mà tôi phải bước qua. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma bảo với tôi rằng: "Những đao phủ cũng là những con người. Phải lên án những hành động của họ, thế nhưng cũng phải biết đón nhận những nỗi niềm đau thương của họ và nhìn họ như anh chị em của mình" (29). Khi nghe Ngài nhân danh nhân loại,tất cả nhân loại, để nói lên những lời nói đó, thì tôi hiểu rằng cuộc đấu tranh chính trị của Ngài mở ra một con đường cho lương tâm vươn lên giữa một thế giới có quá nhiều con người (humain) vô nhân đạo (inhumain). Đấy cũng là thông điệp của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma khuyến khích chúng ta hãy sáng tạo thêm những con đường nhân bản mới.

Sophia Stril-River
(chùa Menla Ling, ngày 16 tháng 9 năm 2010)
Hoang Phong chuyển ngữ
(Bures-Sur-Yvette, ngày 22 tháng 6 năm 2011)
(Thư Viện Hoa Sen)

Ghi chú của tác giả Sofia Stril-Rever :

1- Một ga xe lửa  trong vùng trung bộ núi non của tiểu bang Uttarakhand thuộc miền bắc Ấn.

2- Vùng biên giới cực bắc giữa Ấn Độ và Tây Tạng, gọi là NEFA (North East Frontier Agency).

3- Siliguri, Ba-la-nại (Bénares) và Lucknow.

4- Le Dailai-Lama, Mon autobiographie spirituelle, do S. Stril-Rever ghi chép, Presse de la Renaissance, 2009, tr. 207.

5- Mayan Chhaya, Dalai-Lama. The Revealing Life Story and His Struggle for Tibet, New York, Doubleday, 2007, tr. 5.

6- Theo Universal-International Newsreels ngày 30 tháng tư 1959, dưới tựa đề The Dalai Lama Greeted by Nehru.

7- Trước đây Gandhi đội một chiếc mũ trắng không vành của những người "da đen" (négro) trong các ngục tù Nam Phi với chủ đích tự đồng hóa mình với họ. Sau đó trong giai đoạn đầu khi nước Cộng hòa Ấn Độ vừa được thiết lập thì các chính trị gia cũng đội loại mũ ấy nhằm mục đích vinh danh Gandhi. 

8- Dalai-Lama, Mon autobiographie spirituelleop. cit., tr. 210.

9- Ibid., tr 210.

10- Sarveppalli Gopal, Jawaharlal Nehru : A Biography. Luân đôn, J.Cap, 1984, tr.90.

11- Thuộc tiểu bang Arunachal Pradesh.

12- CIA, Teletyped Information Report, E79-0129, ngày 23 tháng tư 1959.

13- Xin nhắc lại các bối cảnh ký kết hiệp ước trên đây như sau : ngày 7 tháng mười 1950, 40 000 quân lính thuộc các lực lượng 16 và 18 của quân đội Nhân dân Trung Quốc vượt biên giới Hoa-Tạng tại tỉnh Kham. 8 500 người dân Tây Tạng dùng dao mác tìm cách chống trả, thế nhưng không đủ sức ngăn chận và quân lính Trung Quốc tiến đến ngưỡng cửa của kinh đô Lhassa. Trước biến cố xâm lược đó, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma lúc bấy giờ mới mười sáu tuổi đã phải đứng ra kêu gọi Liên Hiệp Quốc, thế nhưng đã không có một lời hồi đáp. Trước đó cuộc chiến tranh Triều tiên bùng nổ vào ngày 25 tháng sáu 1950 và cả thế giới dán mắt nhìn vào vĩ tuyến 38. Hơn nữa ngay lúc đó Mao Trạch Đông xua quân tăng cường Bắc Triều tiên với sự thỏa thuận và hỗ trợ vô điều kiện của Liên Bang Sô Viết. Chính phủ Tây Tạng bắt buộc phải tìm kiếm một giải pháp hòa giải cuối cùng, bằng cách gởi bốn vị chức sắc sang Bắc kinh vào ngày 7 tháng giêng 1951. Sau năm tháng thương thảo dưới áp lực của sự đe dọa tối hậu là sẽ san thành bình địa kinh đô Lhassa, họ không còn giải pháp nào khác hơn là phải ấn con dấu của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma làm giả tại chỗ lên Bản Hiệp định mười bảy điểm. Theo các điều khoản trong hiệp định này thì Tây Tạng phải trở thành một tỉnh tự trị thuộc vào lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma được giữ quyền hành lãnh đạo tâm linh . Chính quyền Trung Quốc tôn trọng không xen lấn vào các vấn đề nội bộ của Tây Tạng, chỉ có các vấn đề ngoại giao và an ninh quân sự là phải đặt dưới sự kiểm soát của Bắc kinh. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma bị cô lập trên phương diện chính trị sau khi từ chối không chịu di trú sang Mỹ theo sự nài ép của một số người thân cận của Ngài, và cả sự khuyến khích của Nehru, và đến ngày 24 tháng mười 1951 thì Ngài không còn kịp chứng duyệt Hiệp định mười bảy điểm nữa.

14- Warren Smith, Tibetan Nation : A History of Tibetan Nationalism and Tibetan Sino-Relation, New Delhi, Rupa, 2009, tr. 461.

15- New China News Agency, "Commentary on the-called Statement of the Dalai-Lama", ngày 20 tháng 4 năm 1959,Tibetan Nation, op. cit. trang 379.

16- Document du Foreign Office, cité in Tsering Shakya, The dragon in the land of Snows, London, Pimlico, 199, tr. 219.

17- Ibid. tr. 220.

18- Ibid. tr. 497.

19- Subimal Dutt, With Nehru in The Foreign Office. Calcutta, Minerva Publications, 1977, tr. 497.

20- Trích từ bài báo: "Deputies to the Second National People's Congress condemn the Imperialists and Indian expansionists", trong Concerning the Question of Tibet, Pekin, Beijing Foreign Languages Press, 1960, tr. 88.

21- Diễn văn của Nehru đọc trước Lok Sabha (hạ viện), ngày 27 tháng 4 năm 1959, trích trong Prime Minister on Sino-Indian Relations, New Dehli, Ministry of External Affairs, 1959.

22- La Laogai Reasearch Foundation (<www.laogai.org>) đã phản đối các lời viện dẫn của Trung Quốc về con số các nam và nữ tù nhân, các nhà chức trách Trung Quốc chỉ gọi là "tù nhân" những người đã bị tòa án kết tội phạm pháp và bị nhốt trong lao tù. Tất cả những người bị giam giữ trong những nơi khác hoặc không được xét xử thì "không phải là tù nhân", ngoài ra còn có những trại cải tạo bằng lao dịch và cả những trung tâm giam giữ khác nữa, chẳng hạn như dưới hình thức tạm trú, chờ điều tra hoặc các nhà giam quân đội. Xem bài phỏng vấn bà Marie Holzman trên mạng <appelaumondedudalailama.com>.

23- Chủ tịch Hội đồng soạn thảo hiến pháp, cựu bộ trưởng tư pháp dưới thời tổng thống F. Mittérand, và cũng là người tranh đấu và đưa ra đạo luật hủy bỏ án tử hình tại Pháp.

24- Diễn văn khai mạc của Robert Badinter tại Palais omnisport de BercyBercy, ngày 7 tháng 6 năm 2009 trước khi bắt đầu buổi diễn thuyết của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma về chủ đề "Đạo đức và Xã-hội".

25- Một tổ chức phi chính phủ mang quy chế cố vấn cho Hội đồng Kinh tế và Xã hội - ECOSOC - của Liên Hiệp Quốc, được thành lập năm 1952 tại Bá-linh mang mục đích kiểm soát sự tôn trọng nhân quyền trên toàn thế giới.

26- Mười sáu quốc gia không tự trị vào lúc bấy giờ gồm có : Anguilla, Bermuda, Gibraltar, Guam, các hòn đảo Cayman , các hòn đảo Falkland, các hòn đảo Turk-Caicos, các hòn đảo Virgin Islands của Hoa Kỳ và Anh Quốc, Montserrat, Nouvelle-Calédonie, Pitcairn, Sainte-Hélène, Miền Tây Sahara, các đảo Samoa của Hoa Kỳ và các đảo Tokelaou. Các cường quốc quản lý gồm có Hoa Kỳ, Pháp, Tân Tây Lan và Anh Quốc.

27- Một người tù chính trị Tây Tạng đã trải qua ba mươi ba năm trong các trại giam cải tạo và lao dịch Trung Quốc. Quyển sách về tiểu sử tự thuật của ông mang tựa đề Ngọn Lửa bên dưới tuyết băng (Le Feu sous la neige) cùng viết chung với nhà sử học Tây Tạng là Tsering Shakya (Actes Sud, 1977) là một quyển sách bán chạy nhất (best-seller) trên toàn thế giới và đã được thực hiện thành phim.

28- Lời tuyên bố tại Nantes (Pháp quốc) tháng 8 năm 2008.

29- Buổi tiếp kiến ngày 29 tháng 9 năm 2010.

(thuvienhoasen.org)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch