PG & Thời đại
Phật giáo nhìn nhận vấn đề giàu nghèo như thế nào?
28/08/2013 22:17 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 Chúng ta làm thế nào để nhận định được đâu là nghèo khổ, đâu là giàu có, hoặc thế nào mới gọi đúng nghĩa của giàu-nghèo?

Đều mang thân phận con người, nhưng tại sao có người thì giàu có, còn có người thì lại rất nghèo khó? Chúng ta làm thế nào để nhận định được đâu là nghèo khổ, đâu là giàu có, hoặc thế nào mới gọi đúng nghĩa của giàu-nghèo? Có người thì nhà cao cửa rộng, xe hơi điều hòa, ăn sung mặc sướng, phúc lộc đầy đủ; có người thì cả đời bôn ba gian khổ, nhưng những thành quả đạt được trong công việc lại vô cùng nhỏ bé, chỉ có thể cung cấp được mấy miệng ăn đủ no cho cả nhà, hoặc tệ hại hơn có khi chỉ nuôi bản thân cũng không nổi.

Nguyên nhân ở đâu? Theo quan điểm của Phật giáo, đều là do quả báo thiện-ác kiếp trước của cá nhân mỗi người chiêu cảm, tạo ra. Luận về sự giàu-nghèo, người có tiền mặc dù cơm no áo ấm, không thiếu thứ gì, nhưng có lúc cảm thấy mệt mỏi vì công việc hàng ngày, cả ngày lẫn đêm không sao được an ổn; người không có tiền, mặc dù mỗi ngày chật vật, nhưng vẫn sống một cách nhẹ nhõm, an nhiên tự tại, điều này gọi là “nhân cùng chí bất cùng” (người tuy nghèo nhưng chí không nghèo). Cũng có nghĩa là, hạnh phúc niềm vui của đời người, giữa nghèo và giàu vốn dĩ không tạo nên điều kiện tuyệt đối.

Quan điểm của Phật giáo về vấn đề giàu nghèo, cho rằng nghèo và giàu vốn không có khoảng cách gì đối với danh dự của một nhân cách. Ví như dùng nước gột rửa những vật ô uế, bẩn thỉu, sau khi tẩy rửa xong, với trước khi tẩy rửa, thực ra không có sự khác biệt, điều này nói với chúng ta rằng, đời người mấy mươi năm, như mộng huyễn bào ảnh, nghèo-giàu, khổ-vui chỉ ở chỗ thể nhận từ trong nội tâm của chính mình mà thôi. Cho nên, có người mặc dù chỉ cơm canh đạm bạc nhưng không thể nào chôn vùi niềm vui bên trong của họ; có người giàu có một phương, nhưng vẫn cứ ưu sầu, phiền muộn. Nói sâu hơn một chút, rằng nếu trong tâm sẵn có tam thiên đại thiên thế giới, vậy thì, dù cho thân nghèo khổ không có mảnh đất cắm dùi, nhưng vẫn cảm thấy đầy đủ, sung túc!

Cuộc sống của Đức Phật có thể được coi là một minh chứng sống động và chuẩn xác nhất. Bốn mùa xuân-hạ-thu-đông, Ngài đều mặc một bộ áo phấn tảo (pamsukulika), vẫn cảm thấy thong dong tự tại, khoác lên mình chiếc áo vàng bạc quý báu, cũng chẳng thấy sự kiêu hãnh nào. Đã có thể cơm rau dưa muối, thì cũng có thể món ngon vật lạ; có thể ăn gió nằm sương, thì cũng có thể an trú nơi lầu hồng gác tía; có thể một mình ở sơn lâm, thì cũng có thể sống chung cùng đệ tử tứ chúng.

Đủ thấy, trái tim của Đức Phật đối với giàu sang nghèo hèn, khốn cùng hanh thông, hưng suy thành bại, đẹp xấu thiện ác vốn không vương vấn, bận lòng, cũng không theo đuổi dục trần của thế gian, chỉ là tùy duyên thích ứng với hoàn cảnh, môi trường! Đây chính là sự giàu có lớn lao nhất của Đức Phật.

Không chỉ Đức Phật, về sau ngay Đại sư Hoằng Nhất (1880-1942) của thời cận đại, cũng cho rằng trên thế gian này hầu như không có thứ gì khiến ông phải cảm thấy không tốt. Một chiếc khăn tay cũ mèm cũng được, món rau cải mặn chát cũng được, chạy bộ suốt cả ngày cũng được, sống ở trong một căn nhà lá nhỏ nhoi cũng được, trên thế giới này cái gì cũng có hương vị của nó, cái gì đối với ông cũng đều có chỗ đặc sắc tột cùng của nó. Đại sư Hoằng Nhất sống thiểu dục tri túc, người ngoài nhìn vào cho rằng ông nghèo nàn như thế, dứt khoát là đang chịu khổ sở, nhưng ông ấy trái lại cảm thấy tất cả đều rất tốt đẹp. Có một lần, Hạ Tôn nhìn thấy tình cảnh vui vẻ khi Đại sư Hoằng Nhất ăn củ cải dưa muối, bèn nói: “Củ cải dưa muối quả thật có hương vị. Có lẽ phải giống như con người của Đại sư Hoằng Nhất, mới có thể thưởng thức được một cách đúng như thật”.

Bây giờ tôi xin cử một việc đã minh chứng: Một người có tiền sống trong một ngôi nhà cao tầng, có rất nhiều thiết bị cao cấp hiện đại nhất, cuộc sống thật là sung túc, xa hoa. Bên cạnh nhà anh ta có một ngôi nhà nhỏ bé cũ rích rách nát, và có một đôi vợ chồng nghèo khó đang sống ở đấy. Đôi vợ chồng này mặc dù cuộc sống vốn không có khá giả gì, song vợ chồng sống với nhau hòa thuận, đầm ấm, đùm bọc, cuộc sống của họ tương đối vui vẻ. Nhưng trái lại, người có tiền sống ở trong nhà lầu xe hơi, luôn phải vì việc xã giao đối đãi của công ty mà cảm thấy phiền nhiễu, do vì ra sức bảo vệ, gìn giữ thanh thế, danh lợi mà hàng ngày cảm thấy không vui, trong lòng luôn cảm thấy lo âu, bồn chồn. Họ tự hỏi với chính mình: “Ta có tiền như thế, tại sao phải buồn phiền như thế. Người ta hàng xóm sát vách sống trong căn nhà rách nát tồi tàn, tại sao họ hạnh phúc như thế?”.

Có người bèn nói với anh ta: “Bạn muốn bán đi phiền não không? Chỉ cần đem ra hai mươi vạn đồng (Nhân dân tệ) đưa tặng cho nhà hàng xóm nghèo khó bên cạnh, thì họ lập tức sẽ phiền não”.

Hai mươi vạn đồng, đối với người có tiền của mà nói, thực sự là chả thấm tháp vào đâu. Vâng! Sau khi nghe lời người kia, anh ta hào phóng tặng cho đôi vợ chồng nhà nghèo khó bên cạnh. Đôi vợ chồng này tự dưng nhận được hai mươi vạn đồng, cảm thấy vui mừng khôn xiết. Nhưng, oái oăm thay, tối đến lại phiền não. Số tiền cần phải để chỗ nào đây? Trong ngăn kéo, tủ khóa? Không an toàn! Để xuống dưới gầm giường? Cũng không bảo đảm lắm! Dưới cái gối - cứ vậy suy đi nghĩ lại, suốt đêm trằn trọc không sao ngủ được. Qua mấy hôm sau, vì số tiền đó, họ lại cãi cọ nhau bởi không biết nên sử dụng như thế nào. Đôi vợ chồng suýt vì vậy mà đánh mất tình cảm bấy lâu nay; sau đó phản tỉnh, mới ngộ ra rằng tiền khiến cho họ đau khổ, cuối cùng họ đem tiền trả lại cho chủ nhân cũ.

Câu chuyện này nói với chúng ta rằng, danh lợi có lúc cũng có thể làm tăng thêm phiền não và nguy hại cho con người. Thuở xưa, khi nhận xét về đệ tử Nhan Hồi, Khổng Tử nói rằng: “Hiền tai Hồi dã, nhất đan thực, nhất biều ẩm, cư lậu hạng, nhân bất kham kỳ ưu, hồi dã bất cải kỳ lạc” (Nhan Hồi hiền lành thay, một giỏ cơm, một bầu nước, ở ngõ nhỏ, người khác không chịu nổi, còn riêng Hồi vẫn không thay đổi niềm vui); còn Đại Ca Diếp - đệ tử của Đức Phật, tu hành giữa nghĩa địa cũng cảm thấy bình thản an nhàn. Nhà thơ cổ đại Trung Quốc Đào Uyên Minh (khoảng 365-427) trong bài “Ẩm tửu” (Uống rượu) cảm tác: “Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến Nam sơn” (Cúc vàng hái dưới giậu Đông/ Núi Nam thơ thới đứng trông thỏa lòng)… Những ví dụ trên đây đều nói rõ nghèo giàu không thể lấy việc có hay không có tiền của để đo lường. Con người có thể nghèo, nhưng nội tâm không thể nghèo được. Nguồn năng lượng bên trong là nhiều vô cùng tận, lấy không bao giờ hết, dùng chẳng bao giờ vơi, điều quan trọng nhất chính là bạn có chịu khai thác, đào xới nó lên hay không? Nếu bạn chịu khai thác nguồn năng lượng bên trong, bạn mới là người giàu có thật sự. 

(Theo Ifeng.com)
Nguyễn Phước Tâm (NSGN).

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch