PG & Thời đại
Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội
26/08/2010 00:28 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ khi có mặt trên thế giới này, sự công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do là những ước vọng muôn đời của con người. Những ý niệm ấy được đặt trên nền tảng của đạo đức. Nếu thiếu đạo đức thì công bằng xã hội chỉ mang tính khái niệm nhiều hơn là một hiện thực. Liên quan đến vấn đề này, hơn 2500 năm qua, Phật giáo đã thể hiện được rất nhiều sự quan tâm thiết thực. Sở dĩ như vậy là vì mục tiêu của đạo Phật là kiến tạo cho đời sống nhân sinh những giá trị mang chất liệu của hạnh phúc, yêu thương, bình an và lợi lạc.


CB.jpg

Hoa rụng trong thềm chùa - Ảnh: XNA

Thế nhưng, với sự biến đổi vô cùng tận của các thực thể xã hội để rồi các hệ lụy khổ đau luôn song hành trong đời sống con người, Phật giáo đã, đang và sẽ làm được gì để góp phần giải quyết vấn nạn ấy? Từ trên nền tảng giáo lý đạo Phật ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống con người và xã hội nhằm định hình cho những nếp nghĩ, việc làm và hành vi xã hội, ngang qua những khía cạnh dưới đây của người viết, rất có thể sẽ làm sáng tỏ nhiều hơn về vấn đề này.

1.  Vai trò của đạo đức cá nhân

Trong xã hội công bằng, mỗi con người đều phải nỗ lực thực hiện đạo đức cá nhân, hoàn thành nhân cách bản thân, làm tròn bổn phận của mình. Mối quan hệ giữa A và B chỉ có giá trị bền vững khi và chỉ khi nó được thể hiện dưới biểu tướng của sự hỗ tương, bình đẳng và cùng có lợi. Đức Phật dạy: “Cha mẹ đối với con cái cần thực hiện 5 điều. Con cái đối với cha mẹ cũng thực hiện 5 điều. Chồng đối với vợ thực hiện 5 điều và vợ cũng phải thực hiện 5 điều. Thầy đối với trò thực hiện 5 điều. Ngược lại, học trò đối với thầy cũng như thế. Bạn bè đối xử với nhau cũng thực hiện 5 điều. Người lãnh đạo thực hiện 5 điều. Người giúp việc, tôi tớ, nhân viên cũng phải thực hiện 5 điều để đáp lại. Tu sĩ thực hiện 5 điều đối với tín đồ và ngược lại tín đồ cũng phải thực hiện 5 điều đáp lại.” (Trường Bộ. 16, Trung Bộ. 135, M. 31).

Trong các mối quan hệ xã hội ấy, nếu được duy trì bằng những giá trị đạo đức thì kết quả của xã hội sẽ khác xa những thực trạng của xã hội hiện nay. Và đặc biệt, đối với những mối quan hệ của nhà lãnh đạo luôn có một ảnh hưởng rất lớn đến cơ chế và tình hình xã hội. Cho nên, đối với những nhà lãnh đạo mẫu mực, Phật giáo đưa ra 10 tiêu chí đạo đức để quản trị một xã hội tiến bộ:

Nhà lãnh đạo không được lạm dụng tài sản công cộng, hết lòng vì sự phát triển của quốc gia.
Nhà lãnh đạo biết tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân.
Nhà lãnh đạo phải luôn luôn đem tài sản, lương thực, nhu yếu phẩm chia sẻ cho dân chúng.
Nhà lãnh đạo chỉ nhận những tài sản, của cải vật chất hợp pháp, thuế vụ công minh.
Nhà lãnh đạo luôn luôn giữ thái độ hòa kính, tôn trọng nhân dân.
Nhà lãnh đạo có đời sống lành mạnh.
Nhà lãnh đạo không được liên hệ với các tệ nạn xã hội.
Nhà lãnh đạo không nên hiếu chiến, hung bạo.
Nhà lãnh đạo xét xử phải công minh, không lạm dụng luật pháp để gây oan trái cho nhân dân.
Nhà lãnh đạo phải có đủ sức khỏe để lãnh đạo đất nước.

Nói cách khác, nếu người lãnh đạo đối xử với nhân dân bằng đạo đức thì tự thân quần chúng nhân dân sẽ tự đi vào quỹ đạo của tự giác, đó là điều căn bản nhất tạo thành một xã hội công bằng, bình đẳng, đạo đức, phát triển bền vững lâu dài, an vui, hạnh phúc tại thế gian (Tăng Chi Bộ Kinh, 46 - Dasa Raja Dhamma Jataka).

CB1.jpg

Mái chùa - Ảnh tư liệu

2. Vai trò đạo đức Phật giáo đối với quan hệ xã hội

Trên bình diện quan hệ đạo đức, giáo lý đức Phật đã khẳng định rằng, nếu 5 nguyên tắc đạo đức được thực hiện nghiêm túc thì các tiêu chuẩn của một xã hội công bằng sẽ được hiện thực hóa trong đời sống nhân sinh. Điều đó đồng nghĩa rằng, hạnh phúc là một hiện hữu thực sự chứ không phải là một lý thuyết để con người mơ ước nếu chúng ta thực hiện đầy đủ các điều kiện của nó.

Ở đời, ai cũng thích sống còn, ai cũng muốn được an vui hạnh phúc, ai cũng biết quý trọng những giá trị của bản thân. Chính vì thế, chúng ta cũng phải biết quý trọng những giá trị thuộc về người khác. Do đó, những hành động giết hại hay hủy diệt đời sống của một sinh linh cho đến gây hấn chiến tranh, hủy hoại hàng loạt, cần phải lên án và ngăn chặn một cách hiệu quả. Như khế kinh nói:

Ai cũng sợ gươm đao,
Ai cũng thích sống còn.
Hãy lấy lòng mình suy lòng người,
Chớ giết người, chớ bảo giết người,
Chớ tùy hỷ giết người.

(Pháp Cú, 5)

Mặt khác, ai cũng thích bảo vệ tài sản, của cải, vật chất của mình thì vì lẽ gì mình lại đi cưỡng đoạt, chiếm lấy của người. Thậm chí, những hiện tướng tiêu cực của tham ô, tham nhũng, lừa đảo, móc ngoặc... đã và đang là hiểm họa của rất nhiều nước trên thế giới. Chính vì không chế ngự được lòng tham mà người người lo sợ, nhà nhà đề phòng, đất nước nghèo nàn, xã hội lạc hậu. Tất cả hậu quả đó nhân loại chúng ta đã và đang phải gồng mình chịu đựng. Chỉ có điều, nếu chúng ta biết chiêm nghiệm lời dạy của người xưa: “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ” thì xã hội hiện nay đã không còn bóng dáng của khổ đau, nghèo đói.

Một vấn đề nữa cũng mang tính thời sự không kém, đó là hạnh phúc của gia đình. Đây là phạm trù có rất nhiều khái niệm và khía cạnh liên quan. Nhưng cơ bản nó vẫn được định giá trên các tiêu chí của tiết dục, chung thủy, anh em hòa thuận, vợ chồng ấm êm, con cái ngoan hiền… Chính vì thế mà sự loạn luân, quan hệ bất chánh, bất hòa và những thuộc tính tiêu cực khác sẽ là những tác nhân phá hoại các biểu thức của hạnh phúc và luôn được xem là trái với luân lý, đạo đức của xã hội cũng như cá nhân. Phật giáo với nguyên tắc thứ ba là đời sống gia đình lành mạnh đã trở thành tiêu chuẩn mẫu mực cho mô hình gia đình hạnh phúc. Với nguyên tắc ấy, các hành vi mang chất liệu độc hại cho đời sống hạnh phúc sẽ là đối tượng để chúng ta chuyển hóa. Ai cũng muốn bảo vệ gia đình, hạnh phúc cá nhân mình thì có lý nào lại nhẫn tâm phá hoại hạnh phúc của người khác. Nếu chỉ vì một sự thỏa mãn của dục vọng mà mình đi ngược lại với đạo đức, chà đạp lên luân lý, thì đó là một tội ác không chỉ với cá nhân mà còn đối với xã hội và cộng đồng.

Có thể nói rằng, con đường đi đến hạnh phúc có trăm ngàn nẻo, nhưng tôn trọng sự thật là yếu tố quan trọng đưa đến hạnh phúc vững bền. Thông thường, không một ai thích bị lừa dối, phỉnh gạt. Vì sao? Vì sai sự thật không bao giờ được chấp nhận là một phần của chân lý. Chân lý thì trước hết phải là sự thật. Giả dối chỉ là sự biểu hiện không nghiêm túc của một ý thức hình sin. Nó không thể là chất liệu cần thiết cho sự vững bền của hạnh phúc con người. Thế nhưng, trong thực tế của cuộc sống, sự giả dối được xem là một phần của hoạt động con người. Nó thường hiện hữu trong lời nói, hành động, ý nghĩ của chúng ta. Và với tỉ lệ càng cao bao nhiêu thì chỉ số hạnh phúc sẽ tỉ lệ ngược bấy nhiêu. Bởi vậy, nguyên tắc thứ tư của đạo đức Phật giáo đề cao sự tôn trọng sự thật chính là để bảo đảm sự tín nhiệm lâu dài và bền vững trong các quan hệ xã hội giữa con người với nhau. Như cổ đức nói: “Một lời nói chính xác thì được 10 ngàn người sử dụng, tin tưởng. Một lời nói không đúng thì không thành tựu các công việc trên thế gian này.” (Nhất ngôn trúng, vạn ngôn dụng. Nhất ngôn bất trúng, vạn sự bất thành).

Một yếu tố nữa liên quan đến hạnh phúc của con người, đó là sức khỏe. Ở đời ai cũng mong muốn mình được mạnh khỏe, tinh thần minh mẫn. Nhưng muốn được khỏe mạnh thì xa lánh các chất độc hại được coi là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất trong Phật pháp. Với nguyên tác đạo đức thứ năm là không sử dụng các chất kích thích, đời sống của người Phật tử thường được mặc định là thanh tịnh hoàn toàn. Bởi thế, người thực hành nguyên tắc này, các chất gây say xỉn, xì ke, ma túy, các chất hêroin… đều xem là độc tố không những làm cho con người phải hư hỏng mà còn trở thành sản phẩm xa xỉ, vô ích cho một đời sống hạnh phúc. Trong ý nghĩa công bằng ấy, mọi người sẽ an vui hạnh phúc, xã hội ổn định, minh mẫn nếu mỗi chúng ta tự thiết lập cho mình một đời sống lành mạnh hoàn toàn.  

3. Ý nghĩa của phúc lợi xã hội

Xuất phát từ lòng từ bi, không ái nhiễm, bình đẳng trong các mối quan hệ, đức Phật dạy phương pháp phân chia lợi dưỡng theo tinh thần lợi hòa đồng quân. Cách thức này không bình quân hóa tất cả mà là chú trọng ở sự chia sẻ dựa trên tinh thần yêu thương và cảm thông. Đứng về phương diện phúc lợi xã hội mở rộng trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, lương bổng, bảo hiểm, tiền thưởng, khen thưởng… thì mọi người đều sẽ được hưởng đồng đều bằng tình thương và bình đẳng. Trong đó, người có năng lực chia sẻ cho người yếu kém hơn để họ tự vươn lên bằng con đường của chính họ. Với tình thương đồng loại, cuộc sống của cả hai, người chia sẻ và người được sẻ chia, đều không bị chi phối bởi tham lam, sân hận, mà thay vào đó là những nỗ lực chuyển hóa nghiệp lực của cá nhân và cộng đồng. Người có khả năng sẽ hỗ trợ cho người yếu hơn vững tin trên con đường hướng về hạnh phúc, còn người yếu hơn sẽ nỗ lực trong công tác xã hội, hoàn thiện bản thân, phát triển tình người trong cộng đồng, gây nhân bố thí, tùy hỷ trước mọi thành tựu của người khác, đồng thời san bằng những bất ổn trên đường đời để cùng hướng về  một xã hội ấm no hạnh phúc, bình đẳng và công bằng, không có sự đàn áp, bóc lột nhau trong văn minh, tiến bộ, đạo đức được phát huy. Như ca dao Việt Nam có câu: “Ở đời muôn sự của chung. Nhường cơm sẻ áo sống cùng với nhau”.

 AA (8).jpg

Hương hoa súng đầu mùa - Ảnh: Giang Phong

4. Về phương diện nông nghiệp, công nghiệp và mậu dịch

Với tinh thần vô tham, bình đẳng và tình thương chan chứa trong mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp đều có sự tương quan bằng hình thức và phương pháp thực hiện chân chính, hợp lý, công bằng. Giới sản xuất công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp, giới nông nghiệp phục vụ lương thực cho công nghiệp. Mối quan hệ đó luôn thể hiện rất rõ sự bình đẳng, tương xứng, hợp lý trong cung - cầu chính đáng, hợp pháp, chân thật, bền vững. Vì mọi người đều thừa nhận giá trị sản phẩm phải được định lượng  tương xứng và hợp lý, không ai bị thiệt thòi, không bị ép giá, không có những rào cản trong mối quan hệ sản xuất và tiêu dùng. Như thế gian thường nói: “Của một đồng, công một nén…” Do đó, tất cả phải được tôn trọng lẫn nhau để cùng phát triển bền vững trong xã hội hiện nay. Như đức Phật đã dạy, khi mặc chiếc áo trên thân nên nghĩ công lao người dệt vải, hàng ngày dùng ba bữa, phải nghĩ sự cực khổ của người nông dân. Đó chính là nền tảng của mối quan hệ bình đẳng trong xã hội Phật giáo.

Về phương diện thực hiện lối sống lành mạnh, nghề nghiệp chân chánh thì có bốn yếu tố:
Đầy đủ các phương tiện, có trình độ, giỏi tay nghề.
Giữ gìn tài sản hợp pháp.
Kết thân, liên hữu mọi thành phần có thiện chí.

Đầy đủ chính mệnh.

Nói khác đi, giáo lý đức Phật cho rằng, Một đời sống đích thực luôn đi kèm với nếp sống lành mạnh, lựa chọn nghề nghiệp, tạo địa vị, sự giàu sang một cách chân chính và bằng sự nỗ lực tự thân cũng như đạo đức nhân bản. Do đó, Đức Phật dạy: “Chân chính về sinh hoạt và nghề nghiệp là nguyên nhân chủ yếu chấm dứt khổ đau đời này và những đời sau”. Đây là công năng của con đường Bát Chánh trong việc xây dựng xã hội công bằng, chân chánh, bình đẳng, dân chủ, tự do. Và điều đó cũng chính là nội dung của đoạn kinh sau:

Phương tiện tạo nghề nghiệp
Tích lũy nên giữ gìn
Người thiện nam, trí thức
Tự sống với chính mệnh
Tịnh tín, giới đầy đủ
Bố thí, lìa tham lam
Trừ bỏ con đường mê
Đời sau được an lạc
Nếu sống trong gia đình
Thành tựu các pháp ấy
Hiện tại được an ổn
Hiện tại sống Hỷ lạc
Đời sau cũng Hỷ lạc. (Tạp A Hàm, 91).

Như vậy, với nền tảng không mong cầu tư lợi, không chiếm đoạt của người, không lừa dối nhau, giáo lý Phật Đà đã định hướng rất rõ một con đường xây dựng xã hội, con đường đó chính là năm nguyên lý đạo đức và con đường Bát Chánh. Với con đường này, đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy một xã hội lý tưởng điển hình ở cõi Tây Ngưu Hóa Châu: “Chúng sinh cõi ấy đem súc vật đổi lấy cơm gạo, áo tiền, thuốc men, máy móc, y phục. Lấy thuốc men, vải vóc trao đổi cơm áo, súc vật một cách cân đối đồng đều, công bằng, hoan hỷ mậu dịch với nhau không có sự tranh chấp kiện thưa.” (Trường Bộ Kinh, số 30).

Tóm lại, bằng giáo lý thực tiễn được xây dựng trên tinh thần từ bi, bình đẳng, đạo đức nhân bản của con người, đạo Phật đã cải thiện đời sống tâm linh, làm bớt đi tham ái, sân hận, để thay vào đó là sự hỷ xả với nhau, thương yêu đùm bọc nhau, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm tri thức, những tài sản vật chất, phúc lợi xã hội, để cùng phát triển trong sự cân đối giữa trí tuệ và vật chất, thể xác và tâm hồn, hay giữa người với người trong cộng đồng xã hội.

Và như vậy, đạo Phật đã xây dựng cho con người một định hướng về xã hội thuần lương, chân thiện mỹ không những về một hình thái mà còn cả chất liệu an bình, giải thoát mang tính chân thật, vững bền và cứu cánh. Trong xã hội ấy, tham sân si, khổ đau, bất công sẽ không còn hiện hữu. Thật như đức Phật nói: “Nơi nào có tình thương, chân thật, bình đẳng, công bằng thì nơi ấy không có khổ đau. Vì nguyên nhân của khổ đau là tham dục đã bị đoạn trừ. Và chính đấy cũng là một thế giới hoàng kim, thiên đường, cực lạc tại nhân gian” (Trung Bộ Kinh).

Và cũng chính là tấm lòng từ bi, vô tham, vô sân, vô si mà hoa tình thương nở rộ trong lòng người và trên khắp mọi nẽo đường của xã hội công bằng, bình đẳng, hạnh phúc lâu dài, đời này và đời sau cho đến khi hoàn toàn giải thoát.

HT. Thích Thiện Nhơn (GNO)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch