Nơi đây, trẻ đến học, ăn, ở miễn phí và các cô giáo cũng đến
dạy không có lương. Ðiều duy nhất gắn bó mọi người với nhau, ấy là tình
thương, lòng nhân ái, và những nụ cười vô tư của trẻ thơ.
Nơi đây, hiện nay là tổ ấm, là gia đình, cũng là lớp học của gần 130 em học sinh từ mẫu giáo đến hết lớp 5.
Theo sư trụ trì chùa Lộc Thọ là Thích nữ Diệu Ý thì lớp học tình
thương này có từ năm 1994. Các em học sinh từ thành phố Nha Trang, huyện
Diên Khánh, thị xã Cam Ranh... đến chùa học tập.
Hoàn cảnh của các em đa dạng và phức tạp: Có em cha mẹ bỏ nhau, có em
là con rơi của những cuộc tình vụng trộm, có em trí tuệ kém bị gia đình
bỏ rơi, không nơi nương tựa... Như em Nhi, năm nay đã 16 tuổi nhưng
sinh ra bị dị tật bẩm sinh, trí tuệ kém phát triển nên bị cha mẹ bỏ rơi.
Em được cô giáo Kiều Oanh mang về nuôi và dạy dỗ.
Mỗi buổi sáng gần 130 em học sinh ở đây đều xếp hàng đọc kinh Phật.
Những bài kinh dạy con người ta sống thiện, sống có ích với đời và yêu
thương nhau hơn.
Nhìn những em nhỏ với các bộ quần áo đủ mầu sắc được mọi người quyên
góp, đang hăng hái say mê ê a đọc bài mà chúng tôi không khỏi rưng rưng
cảm động.
Tâm sự với tôi, cô Kiều Oanh, người đã gắn bó với ngôi trường nhỏ bé này
gần chục năm tâm sự: Các em học ở đây rồi sau chuyển ra trường ngoài,
vậy mà cũng có em từng đậu đại học. Ðó là minh chứng, là thành quả mà
những người gắn bó cả đời với ngôi trường như sư Thích nữ Diệu Ý, cô
Kiều Oanh luôn mong đợi...
Các em trưởng thành cũng đã về lại nơi mái ấm này, rồi lại cùng các
cô chung tay giúp đỡ các em nhỏ có chung hoàn cảnh như mình ngày xưa.
Ngoài những em bị cha mẹ bỏ rơi thì những ngày hè này có thêm nhiều em
từ những gia đình khó khăn, quá nghèo được gửi vào đây để vừa học chữ,
vừa có cơm ăn. Ðó là hoàn cảnh của bốn chị em Trâm, Trinh, Tâm, Ngọc
Anh. Tuy khó khăn nhưng những nụ cười thì luôn ngập tràn mọi nơi.
Ða phần các chi phí sinh hoạt cho các em là dựa vào lòng hảo tâm của
khách thập phương đến chùa Lộc Thọ. Mọi người thường mang cho các em đồ
ăn, rau quả, gạo...
Nếu ngày nào thiếu quá thì trụ trì ra chợ mua thêm. Trụ trì Thích nữ
Diệu Ý cũng cười vui nói với tôi rằng, nếu đi chợ ở đây thì có nhiều
người bán đồ ăn cho nhà chùa mà không lấy tiền. Trước đây trường chỉ có
hai phòng nhỏ bằng gỗ lán tạm bợ, năm 2004 may mắn được một số Việt kiều
về giúp đỡ đã xây được nhà kiên cố, vừa để làm nơi ăn ngủ cho các em
luôn.
Ở đây có bốn cô giáo là cô Trâm, cô Oanh, cô Hạnh, cô Trinh. Tuy làm
không lương nhưng các cô rất tận tình chăm sóc dạy dỗ các em, không chỉ
mang đến những con chữ, mà còn những bài học làm người lương thiện. Vì
các em có hoàn cảnh đặc biệt nên việc dạy và chăm sóc cũng khó khăn hơn.
Cùng chung sức với các cô còn có một số sư nữ của chùa.
Rời xa lớp học đặc biệt này, vọng lại vẫn là những tiếng đọc bài i a xen
trong lời giảng ấm áp của các cô giáo tình nguyện. Nơi đây là một nơi
sâu lắng đầy tình người, đầy lòng nhân ái, nơi gặp gỡ giữa đạo và đời,
nơi mà hàng trăm đứa trẻ đã lớn lên, thành người và mãi mãi không bao
giờ quên.
Theo: Nhân dân