Chiều 31-5-2010, trước ngày Tết Thiếu nhi, tôi có dịp đi cùng đoàn cán
bộ, nhân viên Uỷ ban biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) tới thăm chùa Bồ
Đề (Long Biên – Hà Nội). Sân chùa chiều hè những ngày này nắng hầm hập
dù mấy hôm trước đã có mưa. Một tiếng ru hời bất chợt vang lên xen lẫn
tiếng mõ khua “cốc cốc”: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước
trong nguồn chảy ra…”.
Những mảnh đời
“không biết Tết thiếu nhi”
Dẫn
khách đi về hướng có tiếng ru, sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ
Đề ngậm ngùi: “Ru thế, nhưng các cháu nào đã được hưởng công cha nghĩa
mẹ. Chùa bây giờ có 98 cháu thì có đến 47 cháu là trẻ sơ sinh, đứa nhỏ
nhất mới 4 ngày tuổi, đứa lớn nhất mới 3 năm tuổi. Hầu hết các em bị bố
mẹ bỏ rơi hoặc được các bệnh viện ở Hà Nội gửi tới chùa; nhiều em bị
HIV, bệnh não, bệnh hiểm nghèo… Có khi, cô gái trẻ là sinh viên năm thứ
nhất mang con đến quỳ trước cửa chùa xin nhà chùa nuôi con hộ. Có lúc,
11 giờ đêm, nhà chùa sắp đi ngủ thì nghe tiếng trẻ khóc oe oe ngoài
cổng. Có hôm, khách vãn chùa nườm nượp, vậy mà có ai đó bỏ trẻ con ở
lại ngay giữa đám đông, nằm bơ vơ trên chiếu Phật… Trường hợp cháu bé
gần đây nhất mới đến chùa 4 ngày cũng thật thương tâm. Mấy hôm trước Hà
Nội nóng như đổ lửa, cháu bé bị bỏ trước sân chùa nóng như rang, để
trong bọc quấn khăn… Các nhà sư mở ra mà không khỏi bàng hoàng. Cháu bé
quá nhỏ, chỉ nặng chừng hơn 1 kg, chân tay teo tóp, người thì đỏ rực
như con tôm luộc. Cạnh người cháu, có tới 10 ống xi-lanh đã bơm đầy
thuốc. Nhìn thấy chiếc tã quấn có dòng chữ “Bệnh viện phụ sản Hà Nội”,
các nhà sư gọi điện tới bệnh viện và biết được thân nhân của cháu. Thì
ra cháu là con một bà mẹ trẻ nhiễm HIV mới sinh tại viện trước đó ít
ngày, đã ra viện và bỏ đi. Cháu nhỏ quá, yếu quá, nhà chùa phải dùng
ống hút sữa chua đổ từng chút sữa “li ti”. Giờ sức khoẻ cháu đã khá
lên, đã o oe, cử động…
|
Giữa
ngày hè nóng 38-40 độ C, các em bé phải nằm chunng một giường. |
Đã
21 năm kể từ ngày đầu tiên sư thầy Thích Đàm Lan nhận đứa trẻ đầu tiên
tới xin nương nhờ cửa Phật. Giờ chùa Bồ Đề đã trở thành ngôi chùa đặc
biệt, ngôi chùa của những trẻ em “không gia đình”, trong đó rất nhiều
trẻ em bệnh tật, hoàn cảnh éo le. Trẻ em về nương nhờ cửa Phật ngày
càng đông mà khuôn viên chùa thì rất chật. Chúng tôi bước vào ngôi nhà
nhỏ hai tầng, phòng nào cũng chật như nêm bởi đồ trẻ em, đồ ăn, đồ
chơi, giường tầng… đan xen. Gian phòng chật nhất có tới 10 đứa trẻ sơ
sinh nằm chen chúc trong 3-4m2. Có lúc, trên một chiếc
giường, 4 em bé sơ sinh nằm thiêm thiếp…
Không
chỉ có trẻ em mà cả những phụ nữ lang thang, cơ nhỡ, những mảnh đời bất
hạnh; các cụ già không nơi nương tựa cũng về đây xin được cưu mang.
Chẳng còn cách nào khác là phải giúp họ bằng cách tạo việc làm cho họ…
tự giúp nhau. Nhà chùa thuê chính những phụ nữ cơ nhỡ chăm sóc các cháu
nhỏ, cứ một “mẹ” trông 2 em, trẻ sơ sinh trả công 1 triệu đồng một
tháng, trẻ lớn hơn trả 600 nghìn đồng. Tiền thuê người bảo vệ 2 triệu
đồng/tháng; thuê người nấu cơm 2 triệu đồng/ tháng. Tất cả đều trông
nhờ vào sự hảo tâm của du khách thập phương.
Những “người mẹ”
xây lòng nhân ái từ cay đắng
Từ
năm 1989 đến nay, có rất nhiều trẻ em đã được chùa Bồ Đề cưu mang. Lớn
lên, các em được đi học tại địa phương và nhiều em đã trưởng thành, xây
dựng gia đình riêng. Có em trở thành thợ may ở Long Biên. Lại có em vào
miền Namrồi
lấy chồng nước ngoài. Trước khi cưới, vợ chồng em ra chùa xin chùa
bảo lãnh, làm thủ tục xuất ngoại. Anh chồng ngoại quốc đến thăm chùa ứa
nước mắt cảm động khi thấy tình cảnh của vợ năm xưa, cứ nắm tay sư thầy
không ngớt “Thank you” và hứa sẽ có ngày trở lại. Sư thầy Đàm Lan cho
biết, 21 năm qua, thầy đã lưu giữ hàng trăm kỷ vật liên quan đến đời
riêng của những đứa trẻ, mong ngày bố mẹ chúng quay về tìm con, nhưng
chỉ có duy nhất 2 người về tìm lại con mình.
Chùa
tĩnh lặng nhưng tình người không tĩnh lặng. Kiều Thu Hường, em bé bị
bỏ rơi từ những ngày đầu tiên nay đã trở thành chị, thành “mẹ” của
những đứa trẻ mới về. Những phụ nữ cơ nhỡ, thân phận éo le về chùa
nương nhờ cửa Phật cũng đều trở thành những người mẹ “tình nguyện”.
“Lương” mà nhà chùa trả 600-1 triệu đồng thật ra chẳng đáng là bao mà
họ gắn bó với nhau chính nhờ sợi dây tình người. Cứ 10 mét vuông kê ba
giường, chỉ còn lại một lối đi nhỏ. Chị Nguyễn Thị Nga quê ở Thái Bình
mới ngoài 30 tuổi nhưng nét mặt u uẩn một nỗi buồn sâu kín ngồi lặng
lẽ. Phải đến khi đứa bé khóc thì chị mới giật mình và vẻ buồn biến mất,
thoăn thoắt thay tã, pha sữa cho con. Mình chị chăm 3 đứa. Cạnh chị là
rất nhiều phụ nữ khác. Cứ một võng, một giường là một “mẹ” và 2-3 đứa
con thơ ốm yếu. Họ lặng lẽ sống trong một không gian rất hẹp, rất nóng
và rất…buồn nữa.
|
Đoàn
cán bộ Uỷ ban Biên giới Quốc gia tặng quà cho trẻ em chùa Bồ Đề nhân
ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6-2010. |
Cô
gái Dương Thị Đông, quê ở Bắc Giang, mới 26 tuổi nhưng đã vào chùa ở 5
năm, hẳn có nhiều chuyện buồn chôn giấu trong tim nhưng khi tôi hỏi
chuyện, em chỉ say sưa kể về những đứa “con” của mình. Em chính là
người dũng cảm, tình nguyện nhận chăm sóc nhiều trẻ em bị nhiễm HIV.
“Ban đầu, em cũng sợ lắm, phải mua găng cao su về tắm cho các con. Khi
mụn nhọn trong người các con vỡ ra hôi thối, em rất sợ. Nhưng dần dần,
em đã quen và càng yêu thương các con. Em có thể tắm cho các con mà
không cần dùng bao tay nữa sau khi được học tập biện pháp chăm sóc trẻ
nhiễm HIV” – Đông tâm sự. Đông cũng chính là người tình nguyện chăm sóc
em bé 4 ngày tuổi nhỏ nhất chùa hiện nay. Phụ giúp Đông, có thêm một
người “mẹ” trẻ khác, cô bé Trương Thị Xuân, cũng là trẻ em được chùa
nuôi từ nhỏ, nay đang học lớp 11.
Chuyện của những
người khách
Đoàn
khách mấy chục người đến chùa hôm nay, chẳng mang nhiều hoa quả, hương
nhang như đi vãn chùa mỗi lần mà khệ nệ những mì tôm, chiếu trúc, cá
khô, nước mắm… Toàn những thứ rất cần cho “ngôi chùa trẻ em”. Đồng chí
Nguyễn Hồng Thao, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Quốc gia dẫn đầu đoàn
xúc động nói với chúng tôi: “Là cơ quan công tác gắn với địa bàn biên
giới, miền núi, hải đảo nhiều hơn ở thành phố, năm nào, Uỷ ban cũng cử
các đoàn công tác tới thăm, động viên các cháu thiếu nhi miền núi nhưng
đây là lần đầu tiên chúng tôi đến thăm chùa Bồ Đề. Khi chúng tôi đi đến
các tỉnh miền núi, rất nhiều trẻ em nghèo khổ, không hề có “ngày Tết
thiếu nhi” và ngay ở thành phố lớn, vẫn có nhiều trẻ em không được vui
Tết thiếu nhi, cần được sự giúp đỡ cả về trước mắt và lâu dài”.
Chị
Kiều Thị Hằng Phúc, Chủ tịch Công đoàn Uỷ ban Biên giới Quốc gia “bật
mí”: Chúng tôi đã từng đưa con em mình đi nhiều khu du lịch, giải trí
nhân Tết thiếu nhi. Lần này, đến với chùa Bồ Đề là một lần tiền trạm để
tới đây, cả cơ quan sẽ tổ chức cho con em tất cả cán bộ, nhân viên tới
thăm chùa. Để các con, các cháu hiểu biết nhiều hơn về xã hội, về những
cảnh đời bất hạnh. Giáo dục cho các con, các em lòng nhân ái cũng quan
trọng như cho chúng đi vui chơi, giải trí”.
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật
Giáo Việt Nam Net)