Nghiện ma túy là một căn bệnh khá phổ biến trong xã
hội ngày nay. Căn bệnh này đã gây ra cho bản thân người nghiện và người
thân trong gia đình cũng như cộng đồng xã hội rất nhiều khổ đau và hệ
lụy.
Nghiện ma túy được xem là một sự rối loạn phức tạp và
biểu hiện rõ qua việc thôi thúc người nghiện tìm kiếm và sử dụng ma
túy. Người nghiện ma túy thường có cảm giác thèm muốn ma túy không thể
nào cưỡng lại được. Sự thèm muốn đó xâm chiếm hết cả tâm trí, khiến cho
họ phải tìm mọi cách để thỏa mãn, dù cho người bệnh biết rõ những hậu
quả nguy hại đối với bản thân và những người xung quanh.
Nghiện ma túy là một chứng bệnh thuộc về não, vì việc
lạm dụng ma túy dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc và chức năng của
não. Mặc dù lúc ban đầu, hầu hết những người dùng ma túy là do họ tự ý
muốn thử, chứ chưa hề bị cảm giác thèm muốn thôi thúc. Nhưng khi đã sử
dụng nhiều lần, dẫn đến thay đổi cấu trúc, chức năng trên não thì việc
lạm dụng ma túy sẽ khiến cho người nghiện mất khả năng tự chủ, không còn
sáng suốt để đưa ra những quyết định đúng đắn nữa.
Chính vì ma túy gây ra những biến đổi trong cấu trúc
và chức năng của não, ảnh hưởng đến hành vi và thái độ của người nghiện,
cho nên, để có thể chấm dứt việc sử dụng ma túy đối với một người
nghiện quả là điều không đơn giản; nó không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào ý
chí của cá nhân nữa, mà cần phải sử dụng đến các loại thuốc, các liệu
pháp thích hợp để điều chỉnh lại chức năng, cấu trúc của não, làm cân
bằng sự hoạt động của não bộ.
Những dấu hiệu và ảnh hưởng của sự nghiện ma túy
Nghiện ma túy thường có những ảnh hưởng tiêu cực đến
tâm sinh lý của người nghiện, và chúng biểu hiện cụ thể qua những biến
đổi vật lý cũng như những dấu hiệu bất thường trong quan hệ ứng xử. Cụ
thể, người nghiện ma túy thường có triệu chứng tăng cân hoặc sút cân đột
ngột, ngủ nhiều, răng có vấn đề, có nhiều dấu chích ở trên cơ thể, bị
nhiễm trùng da, có triệu chứng ho kéo dài và nhiều khi ho ra máu, mũi và
họng cũng bị bệnh, đôi mắt đỏ ngầu và chuyển động lạ thường, hay bị
nhầm lẫn, thiếu sự định hướng, hay bị rùng mình, dễ nổi cáu, sự phản
ứng, vận động và nói năng chậm chạp. Người bị nghiện ma túy thì các tế
bào hồng cầu giãn nở, khiến cho huyết áp cao hoặc thấp đột ngột, thở
nặng nề, thỉnh thoảng bị sốt, nhịp tim gấp, chức năng vận động bị tổn
thương.
Nghiện ma túy còn dẫn đến những biến động về cảm xúc
và tâm trạng của người nghiện. Họ thường có những hành vi bạo lực, nhiều
hoang tưởng, hay tức giận vô cớ, hoảng hốt, trầm cảm, đôi khi phấn
khích quá đỗi hoặc trầm lặng khác thường, có khi nói nhiều.
Trên phương diện hành vi, người nghiện thường làm
việc kém hiệu quả, không quan tâm đến gia đình, con cái, và thậm chí
không quan tâm cả đến dáng vẻ bề ngoài của chính họ, thường xuyên đến
trễ hay vắng mặt ở nơi làm việc, trường học, công sở và những nơi mà
người đó tham gia trong các hoạt động xã hội, thường mượn tiền hoặc ăn
cắp tiền, thay đổi trang phục một cách kỳ lạ (chẳng hạn như mặc áo dài
tay để che đậy những dấu tiêm chích) và có những hành vi bí mật như kéo
dài thời gian cô lập hoặc khóa cửa khi ở trong phòng.
Việc nghiện ma túy thường khiến cho người nghiện suy
nhược cơ thể, suy sụp tinh thần và đạo đức bị tha hóa, đánh mất lương
tri, dám làm những việc bất nhân bất nghĩa, miễn sao có được tiền mua
thuốc để thỏa mãn cơn nghiện. Nguy hại hơn là người nghiện ma túy rất dễ
mắc bệnh AIDS, bệnh ung thư gan do dùng chung kim tiêm, do sự tiêm
chích không đảm bảo vệ sinh. Chính vì vậy mà nghiện ma túy gây ra những
hậu quả bi đát và thảm hại cho chính người nghiện và thân nhân trong gia
đình, cũng như cho cộng đồng xã hội.
Những nguy cơ và nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy
Con đường đến với việc nghiện ma túy thường bắt đầu
từ việc thử nghiệm. Người ta có thể thử dùng các chất ma túy vì tò mò do
bạn bè của họ đang sử dụng ma túy, hoặc xem việc sử dụng ma túy như là
một cách để giải sầu, để xóa bỏ, để chạy trốn những vấn đề rắc rối trong
cuộc sống.
Giai đoạn đầu, các chất ma túy dường như có thể giúp
giải quyết các vấn đề khó khăn của cuộc sống, hoặc làm cho cuộc sống tốt
đẹp hơn, chính vì lý do này mà người đó sử dụng ma túy ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, càng ngày việc sử dụng ma túy càng trở nên quan trọng và
càng khó từ bỏ. Những hậu quả để lại trên phương diện tâm sinh lý và
trên phương diện xã hội do sự lạm dụng ma túy gây ra trở nên càng tồi tệ
hơn so với những rắc rối lúc ban đầu mà người đó muốn giải quyết hoặc
muốn né tránh.
Xét về nguy cơ, nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy,
việc một cá nhân bị rơi vào tình trạng nghiện ma túy hầu như không phải
xuất phát từ một nguyên nhân đơn lẻ mà là sự tổ hợp của nhiều tác nhân
khác nhau, cụ thể gồm: yếu tố sinh học, môi trường xã hội và lứa tuổi
hoặc là giai đoạn phát triển của cá nhân.
- Yếu tố sinh học: khuynh hướng thích sử dụng các
chất gây nghiện của các gien di truyền mà mỗi cá nhân thừa hưởng là nguy
cơ khiến cho một số người dễ bị nghiện ma túy hơn những người khác,
chẳng hạn như cha mẹ của họ là những người lạm dụng các chất gây nghiện.
Thêm vào đó, đặc điểm giới tính, chủng tộc và sự có mặt của những rối
loạn tâm lý cũng có thể làm tăng nguy cơ lạm dụng ma túy và dẫn đến
nghiện ngập.
- Môi trường xã hội: Môi trường xã hội mà cá nhân
sinh sống cũng góp phần không nhỏ đến việc nghiện ma túy. Môi trường xã
hội ấy gồm cả hoàn cảnh gia đình, quan hệ bạn bè, tình hình kinh tế xã
hội và chất lượng cuộc sống nói chung. Những nhân tố như là áp lực từ
bạn bè đồng trang lứa, có bạn bè là những người sử dụng các chất gây
nghiện, hoặc quá gắn bó với bạn bè, bị lạm dụng tình dục hoặc lạm dụng
sức lao động, bị stress do những vấn đề trong cuộc sống, sự thiếu quan
tâm của cha mẹ, hoặc là cha mẹ bất hòa, ly dị,… có thể gây ảnh hưởng lớn
đến việc lạm dụng ma túy và dẫn đến nghiện ngập ở tầng lớp thanh thiếu
niên. Tình trạng kinh tế xã hội thấp kém, các chất gây nghiện có mặt
tràn lan trong xã hội, những quy chuẩn sai lệch tồn tại trong xã hội và
chúng kích thích việc sử dụng các chất gây nghiện cũng góp phần không
nhỏ trong việc nâng cao nguy cơ sử dụng ma túy và nghiện ma túy.
- Sự phát triển của cá nhân: những nhân tố môi trường
và gien di truyền ảnh hưởng tương tác với các giai đoạn phát triển quan
trọng trong đời sống cá nhân và tác động đến nguy cơ nghiện ma túy.
Nguy cơ nghiện ma túy đối với lứa tuổi thanh thiếu niên tăng gấp đôi so
với những lứa tuổi khác. Mặc dù việc sử dụng ma túy đối với bất kỳ lứa
tuổi nào cũng đều có thể dẫn đến nghiện, nhưng nếu người nào bắt đầu sử
dụng ma túy càng sớm thì quá trình dẫn đến lạm dụng ma túy càng nghiêm
trọng hơn. Và do đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, những khu vực điều
khiển sự đưa ra quyết định, đánh giá và tự làm chủ bản thân ở trên não
đang trong giai đoạn phát triển, cho nên chúng thường khiến cho người
trẻ thích phiêu lưu mạo hiểm, bao gồm cả việc thử dùng ma túy.
Đấy là những nguyên nhân, những yếu tố dễ đưa người ta đến với việc sử dụng ma túy, lạm dụng ma túy và rồi bị nghiện ngập.
Các biện pháp giúp đỡ
Một trong những ảnh hưởng nguy hiểm của việc lạm dụng
ma túy và nghiện ma túy là người nghiện thường từ chối, không thừa nhận
sự thực mình đang lạm dụng hoặc đang bị nghiện ma túy. Sự thôi thúc sử
dụng ma túy mạnh đến độ khiến cho người nghiện tìm đủ mọi cách để hợp lý
hóa sự nghiện ngập. Người nghiện có thể đánh giá thấp lượng ma túy mà
họ đang sử dụng, sự tác động của ma túy đối với cuộc sống của họ và đánh
giá không đúng về cả mức độ làm chủ bản thân trong việc sử dụng ma túy,
họ nghĩ rằng họ đang làm chủ được mọi ý nghĩ và hành động của bản thân.
Sự từ chối này là một cơ chế phòng vệ thuộc về vô
thức. Cái giá phải trả của sự từ chối có thể rất cao, bao gồm cả việc
mất đi những mối quan hệ thân thiết, quan trọng trong cuộc sống, mất
việc, kinh tế gia đình suy thoái, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời
sống tâm lý của bản thân. Nghiện ma túy là một vấn đề phức tạp, ảnh
hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Vượt qua được sự cám dỗ, thôi
thúc của ma túy đòi hỏi phải có những thay đổi lớn trong lối sống, trong
cách giải quyết các vấn đề chứ không đơn thuần là chỉ cần có sức mạnh
của ý chí.
Thừa nhận bản thân mình đang lạm dụng ma túy, hoặc
đang nghiện ma túy, nhận thấy rằng mình đang bị ma túy sai sử là điều
rất quan trọng. Đấy là bước đầu tiên trên con đường trở lại lối sống
bình thường, là dấu hiệu quan trọng trong quá trình phục hồi. Nó tạo nên
động lực mạnh mẽ, và sự dũng cảm vô song cho người nghiện trong việc
quyết tâm từ bỏ ma túy.
Sự hỗ trợ của người thân trong gia đình, của bạn bè,
của những người quen thân, của các chuyên gia tâm lý, các nhà hoạt động
xã hội, của những người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và của cộng
đồng xã hội có ý nghĩa thiết yếu đối với việc giúp đỡ người nghiện cai
nghiện và phục hồi nhân phẩm. Vì một khi người nghiện thừa nhận việc lạm
dụng và nghiện ma túy có nghĩa là họ phải đối diện với sự nghiện ma
túy, điều này dễ khiến cho họ sợ hãi và không đủ sức để vượt qua. Trước
hết là những người thân trong gia đình, cần phải hỗ trợ người thương yêu
đang bị nghiện của mình trong quá trình cai nghiện, phải cổ vũ tinh
thần cho họ, khuyến khích và động viên họ chứ đừng có khinh khi, bỏ mặc
họ, đẩy họ vào thảm cảnh của sự lạc lõng, cô đơn, vào hố sâu tội lỗi.
Bởi vì sự lạm dụng và nghiện ma túy là một căn bệnh
liên quan đến não, làm rối loạn nhiều hoạt động trên não cũng như nhiều
khía cạnh khác trong đời sống cá nhân, cho nên việc cai nghiện không
phải là một vấn đề đơn giản, không thể nào từ bỏ ma túy trong vòng một
vài ngày được, mà đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài, phải trải qua
nhiều giai đoạn phục hồi khác nhau. Những liệu pháp giúp cai nghiện cho
người nghiện cần phải được kết hợp nhiều yếu tố, nhiều biện pháp khác
nhau, tác động đến nhiều khía cạnh của người nghiện. Do vậy, cần phải
phối hợp các liệu pháp tâm lý với những biện pháp y học, sử dụng các
liều thuốc Đông, Tây y, thậm chí sử dụng cả những phương pháp vật lý trị
liệu trong quá trình cai nghiện cho người nghiện ma túy.
Phật giáo và vấn đề nghiện ma túy
Tất cả mọi người, dù ở thời đại nào, cũng đều muốn
tìm kiếm những thứ có khả năng làm cho cuộc sống thêm thú vị, thêm ý
nghĩa. Những thứ ấy có thể thuộc về vật chất và cũng có thể thuộc về
tinh thần. Trong những thứ con người tìm kiếm đó có ma túy. Ma túy có
thể được xem như là một thách thức lớn đối với cuộc sống bình thường của
chúng ta.
Theo quan điểm của Phật giáo, mỗi người đều bị sai sử
bởi hai sự thúc đẩy bản năng, đó là: sự ham muốn hoặc là sức hấp dẫn,
và sự ghê tởm hoặc ghét bỏ. Những sự thúc đẩy này còn được phản ánh rõ
rệt qua lòng ích kỷ. Chúng ta thường bị thôi thúc bởi sự ham muốn được
trải nghiệm những gì dễ chịu, đem lại khoái cảm và né tránh những gì đau
đớn, đem lại đau khổ cho bản thân. Chính hai động lực thúc đẩy này
khiến cho con người phải chịu không biết bao nhiêu khổ đau và hệ lụy,
phải mãi trôi lăn trong vòng luân hồi sanh tử.
Để có thể nâng cao khả năng làm chủ bản thân và ngăn
ngừa những hậu quả do động lực ham muốn và ghét bỏ gây ra, mỗi người
phải tuân theo những nguyên tắc sống, những chuẩn mực đạo đức nhất định.
Những nguyên tắc đạo đức căn bản nhất mà Đức Phật đã dạy cho tất cả mọi
người, nhằm giúp cho con người thoát khỏi khổ đau, có được nhiều an
vui, hạnh phúc trong cuộc sống không gì khác ngoài năm điều giới cấm.
Giữ gìn năm điều cấm giới này, cụ thể trong trường hơp này là giới thứ
năm, giới không được sử dụng các chất kích thích làm mất sự cân bằng tâm
trí, là hàng rào phòng vệ tốt nhất cho mỗi người đối với sự cám dỗ của
các chất kích thích: rượu, bia, á phiện, cần sa, hồng phiến, thuốc lắc,…
Nếu một người luôn luôn giữ gìn giới thứ năm này một cách nghiêm túc
thì sẽ không đụng đến các chất ma túy, không sử dụng ma túy và sẽ không
bị nghiện.
Trong chiến dịch bài trừ tệ nạn ma túy của xã hội thì
phòng ngừa là yếu tố quan trọng nhất. Đợi đến lúc người ta đã bị nghiện
rồi mới tìm biện pháp khắc phục, cai nghiện thì đấy chỉ là những giải
pháp mang tính cấp thời, không giải quyết vấn đề một cách triệt để. Qua
đây cho chúng ta thấy việc giáo dục cho mọi người giữ gìn giới thứ năm
mà Đức Phật đã dạy, khuyến khích mọi người cùng nhau thực tập giới này
là một việc làm hết sức ý nghĩa, góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn
và đẩy lùi tệ nạn ma túy, đẩy lùi số lượng những người nghiện ma túy
nói riêng và hạn chế bớt các tệ nạn, nghiện ngập nói chung ở trong cộng
đồng xã hội.
Bên cạnh chế định năm điều giới cấm, Đức Thế Tôn còn
dạy mọi người sống theo lối sống thiểu dục tri túc. Sống thiểu dục tri
túc có nghĩa là sống ít ham muốn, biết vừa đủ, tức là không sống một
cuộc sống chỉ biết hưởng thụ, chỉ biết tìm niềm vui, sự khoái cảm cho
riêng mình trong các thú vui vật chất, không chạy theo những dục vọng,
tìm cách thỏa mãn những ham muốn tầm thường của bản thân để rồi chà đạp
lên phẩm giá con người, đánh mất nhân cách đạo đức của mình, làm khổ
mình, khổ người. Ở đây chúng ta không nên hiểu nhầm rằng thiểu dục tri
túc là dạy con người trở về lối sống thiếu thốn, kham khổ của loài người
trong xã hội nguyên thủy, không phải khuyên mọi người sống khổ hạnh, ép
xác. Sống thiểu dục tri túc cũng không phải là từ bỏ sự mong muốn được
tiến bộ, được văn minh, được phát triển, không phải là từ bỏ tất cả mọi
hoài bão, mọi ước vọng. Nếu là những mong muốn, những ước vọng chính
đáng, lợi mình lợi người thì hoàn toàn hợp lý, không có gì phải ngăn
cản, không nên từ bỏ chúng. Mức sống và lối sống của mỗi người khác nhau
cho nên sự ít ham muốn và biết vừa đủ ở mỗi người cũng khác nhau, tùy
theo từng điều kiện hoàn cảnh của mỗi cá nhân, chứ không có một chuẩn
mực chung cho tất cả mọi người, miễn sao những mong cầu, những sự thụ
hưởng của mình không khiến cho mình phải đau khổ, phải lận đận lao đao
vì nó, và cũng không gây ra phiền não, khổ đau cho người khác. Như vậy,
lối sống thiểu dục tri túc cũng là một giải pháp hiệu quả cho việc phòng
ngừa các tệ nạn xã hội, trong đó có nạn nghiện ma túy.
Không dừng lại ở đó, ngày nay các chuyên gia tâm lý,
các nhà hoạt động xã hội, những người làm công tác hỗ trợ bệnh nhân cai
nghiện đã nhận thấy được vai trò quan trọng và hiệu quả đáng kinh ngạc
của sự áp dụng các pháp môn thiền định của Phật giáo vào việc ngăn ngừa
tệ nạn ma túy cũng như trong quá trình cai nghiện. Một kết quả mà mọi
người đều thừa nhận là người hành thiền thường có khả năng làm chủ cảm
xúc, làm chủ bản thân rất cao, họ luôn tỉnh táo trong việc đưa ra những
quyết định, xử lý tình huống, và luôn giữ được sự điềm tĩnh trong mọi
hoàn cảnh sống. Chính sự tỉnh táo, điềm tĩnh ấy mà họ hiếm khi có những
hành động hứng khởi, bốc đồng, hiếm khi đưa ra những quyết định sai lầm,
nhờ vậy mà nguy cơ sử dụng và lạm dụng các chất ma túy đối với họ hầu
như không có khả năng xảy ra. Không những thế, theo những nghiên cứu của
Chopra (1994) và Rossi (1993), thực tập thiền còn giúp nâng cao khả
năng của hệ miễn dịch và cung cấp thêm năng lượng, làm cho khí huyết lưu
thông, giúp cho cơ thể có khả năng thanh lọc các chất độc ở trong cơ
thể, bài trừ những hóa chất có khả năng tác động đến các chất dẫn truyền
thần kinh, khiến thay đổi tâm trạng của bản thân(1). Bởi
thấy được công năng của thiền định Phật giáo như thế cho nên hai chuyên
gia tâm lý người Australia, Radha Nicholson và Brendan Healy, đã xây
dựng một phương pháp điều trị cho người nghiện ma túy có tên là Bay
Approach, phương pháp này được xem là một phương pháp phục hồi hoàn hảo,
kết hợp giữa tâm lý liệu pháp và thiền định của Phật giáo(2).
Trong phương pháp Bay Approach, chánh niệm tỉnh giác và thiền minh sát
tuệ được sử dụng phối hợp để giúp người nghiện vượt qua những cơn
nghiện, những thôi thúc do thiếu thuốc gây ra. Phương pháp này đem lại
hiệu quả bởi vì nó nhắm vào sự phản quang tự kỷ và phân tích nội tâm.
Nicholson giải thích thêm: "Kết hợp với tâm lý liệu pháp, những phép
thiền định ấy khuyến khích mọi người có ý thức trách nhiệm với bản thân.
Trong quá trình đạt được sự tỉnh thức và sáng suốt, người nghiện thường
được thôi thúc để sửa đổi nhằm trở thành người tốt hơn"(3). Còn Kevin Griffin, tác giả của một phương pháp chữa trị có tên là Mỗi lần một hơi thở: Phật giáo và tiến trình 12 bước (One breath at a time: Buddhism and the twelve steps), thì
khẳng định rằng, sau khi được hướng dẫn thực tập thiền chỉ và thiền
quán, mọi người có thể tiếp tục thực tập các pháp thiền này trong đời
sống thường nhật của họ. Nếu họ thực tập thường xuyên thì sẽ chuyển hóa
được nhiều thứ tiêu cực trong cuộc sống và có khả năng kéo dài những kết
quả tích cực ấy(4). Qua đó cho thấy khả năng ứng dụng và
hiệu quả của thiền trong việc ngăn ngừa, chữa trị chứng nghiện ma túy
nói riêng, và các chứng nghiện ngập nói chung. Tuy nhiên, nói như thế
không có nghĩa thiền là một liệu pháp thần kỳ, không cần sự hỗ trợ hay
phối hợp với các liệu pháp khác. Để nâng cao hiệu quả điều trị chứng
nghiện ma túy, bên cạnh ứng dụng các pháp môn thiền định, cần phải có sự
phối hợp với các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như phối hợp với
vật lý trị liệu, các phương pháp vận động cơ thể, các liệu pháp tâm lý,
và sử dụng các thuốc Đông hoặc Tây y khi cần thiết để làm giảm hoặc dập
tắt cơn nghiện khi người nghiện không đủ khả năng để chống chọi với nó.
Ngoài ra, Phật giáo có thể đóng góp vào việc phòng ngừa tệ nạn ma túy
và chữa trị bệnh nghiện ma túy bằng cách giáo dục đạo đức, nhân cách
sống cho những người đến với cửa Phật, nhất là lớp trẻ. Quý vị Tăng Ni
trong lúc hoằng pháp có thể kết hợp việc hướng dẫn cho tín đồ Phật tử
cách ứng xử, giúp đỡ những người nghiện ma túy, để nếu lỡ trong gia đình
họ có người không may sa vào con đường nghiện ma túy, hoặc bà con lối
xóm có người nghiện ma túy thì họ biết cách giúp đỡ, nhằm động viên,
khích lệ tinh thần cho người nghiện, để họ có thêm nghị lực, thêm niềm
tin mà cố gắng chiến đấu với sự dày vò của cơn nghiện, để cai nghiện và
trở về với cuộc sống hiền lương. Phật giáo Việt Nam nên thành lập trung
tâm cai nghiện, phối hợp với các cơ sở y tế để giúp người nghiện cai
nghiện ma túy. Nếu Phật giáo có thể lập nên các trung tâm cai nghiện thì
đấy là một môi trường lý tưởng cho những người nghiện ma túy nào muốn
hoàn lương, quyết tâm cai nghiện. Ở đấy, người nghiện sẽ được chăm sóc,
nuôi dưỡng từ thể chất đến tinh thần. Với các phương pháp thiền chỉ và
thiền quán của Phật giáo, kết hợp với các hoạt động rèn luyện thể chất,
cộng với lòng từ bi, quan tâm chăm sóc của những người con Phật trong
Ban quản trị, chắc chắn những người nghiện sẽ có thêm dũng khí, có thêm
nghị lực và sự sáng suốt để cai nghiện, giúp họ sớm được hồi phục, trở
thành những con người có đạo đức, có năng lực phụng sự xã hội. Thực tế
thì trên thế giới đã có một số trung tâm cai nghiện của Phật giáo, những
trung tâm ấy hoạt động rất hiệu quả, đã giúp đỡ cho khá nhiều người
nghiện ma túy trở lại với cuộc sống bình thường, hòa nhập vào cộng đồng
để sống và cống hiến cho xã hội, chẳng hạn như Trường Cai nghiện Dragon
Tiger ở Ukraine, chùa Saphan ở thủ đô Bangkok, Thái Lan,… Hy vọng là ở
Việt Nam chúng ta sớm thành lập những trung tâm cai nghiện như thế để
giúp đỡ những người nghiện ma túy cai nghiện, sớm trở lại cuộc sống bình
thường. n
(1) Ronald Alexander
(2010), Mindfulness Meditation & Addiction: Causes for addiction and
how mindfulness meditation can help with them, www.psychologytoday.com
(2) Anastasia Stephens (2009), Meditation for addiction recovery, www.addictiontoday.org.
(3) Anastasia Stephens (2009), ibid.
(4) Anastasia Stephens (2009), ibid.
Quảng Trí ( Nguyệt San Giác Ngộ 177)
Tài liệu tham khảo
1. Ellen Thackery and Madeline Haris (2002), The Gale Encyclopedia of
mental disorders, Volumn I, Thomson Gale.
2. Ronald Alexander (2010), Mindfulness Meditation & Addiction:
Causes for addiction and how mindfulness meditation can help with them,
www.psychologytoday.com
3. Anastasia Stephens (2009), Meditation for addiction recovery,
www.addictiontoday.org.
4. Peter Morrell, A Buddhist view of addiction, www.homeoint.org
5. Melinda Smith and Joanna Saisan (2010), Drug abuse and addiction:
signs, symptoms and help for drug problems and substance abuse,
www.helpguide.org.
6. Mary Heath (1997), The benefits of Zen meditation in addiction and
recovery, www.viacorp.com.