1. Đặc điểm tư duy người
Việt Nam ta trong truyền thống là hướng nội.
Hướng ngoại là thiên về nghiên cứu thế
giới vật chất bên ngoài. Hướng nội là thiên về nghiên cứu thế giới tinh
thần bên trong. Thiền tông đã đề xuất chủ trương “dĩ tâm truyền tâm”. Do
đạo Phật quan niệm vạn vật đồng nhất thể, nên bản thể vũ trụ cũng tiềm
ẩn trong mỗi con người. Bởi vậy khi làm cho bản thể trong mỗi cá nhân
hoà đồng với bản thể vũ trụ, thì ta và thế giới hoà làm một. Muốn đạt
được điều đó thì phải có trí tuệ hay Phật học gọi là Bát Nhã. Nhưng để
đi đến cái đó, mỗi người phải tự khai mở tâm mình, “hãy tự thắp đuốc lên
mà đi”, mà bước đầu là phải có sự biến đổi về mặt đạo đức theo hướng
thiện. Điều này hợp với người Việt với truyền thống nghiêng về trau dồi
tâm tính, đạo đức luân lý hơn là học hỏi trau dồi tri thức hiện đại.
Điểm này khiến người Việt trong cuộc sống
đề cao cái tâm, lối sống tình cảm. Cách suy nghĩ và lối sống mang nặng
màu sắc tình cảm, một mặt giúp nhân dân ta trong những thời hoạn nạn,
thiên tai, địch hoạ... nhưng nó cũng làm hạn chế sự tiến bộ của khoa học
- kỹ thuật.
2. Đặc điểm tư duy người Việt là
chú ý nhiều tới các quan hệ.
Cùng một sự vật, hiện tượng chúng ta
thường hoặc quan tâm đến cấu trúc, bản chất hoặc nghiên cứu những mối
liên hệ, quan hệ với những sự vật , hiện tượng khác. Đương nhiên phương
Đông chú trọng mối quan hệ nhiều hơn. Xuất phát từ “dịch”, “vô thường”,
người phương Đông cho rằng không có gì là trường tồn, đứng yên mà vạn
vật luôn vận động, biến đổi không ngừng. Vì vạn vật sinh sinh, hoá hoá,
sắc sắc, không không nên cái ta thấy được chỉ là những mối liên hệ thấp
thoáng giữa các trạng thái của sự vật trong quan hệ với những sự vật
khác.
Để chỉ những mối liên hệ, Phật giáo có
luật nhân quả. Nhân quả là chỉ mối quan hệ phổ biến mọi sự vật, hiện
tượng. Không có cái tôi độc lập, không có thế giới tác rời “cái tôi,
không có “cuộc sống” tách rời - tất cả những cái đó là những tương tác
chặt chẽ và chỉ bị tách rời nhau trong tưởng tượng. Do vậy mà người
phương Đông, Việt Nam theo đạo Phật thường để ý nhiều đến mối quan hệ,
chủ yếu cảm tính, đạo đức nên nhiều nhìn nhận sai lệch, có tính chủ quan
duy ý trí. Do đó, cuộc sống người Việt Nam thường chú ý nhiều đến quan
hệ họ hàng, làng xóm, xã hội sao cho khôn khéo, tế nhị.
Chiều sâu ảnh hưởng của Phật giáo.
Tư duy người Việt có thêm 1 loạt khái
niệm lấy từ Phật giáo. Những khái niệm đó góp phần làm tăng những khái
niệm mang tính triết lý của người Việt, khiến tư duy người Việt mang
tính khái quát hơn, trừu tượng hơn. Ngoài ra, ảnh hưởng của Phật giáo
lên cách tư duy còn thể hiện ở quan niệm về sự phát triển của vạn vật
qua 4 giai đoạn: sinh (ra đời, xuất hiện) , trụ (tồn tại, hiện hữu), dị
(phát triển, tiến hoá, biến đổi) và diệt (tử, chết, biến mất), còn ở con
người đó là sinh, lão, bệnh, tử. Đó là sự phát triển tự nhiên, tất yếu
của mọi sự vật, hiện tượng, mọi sự sống.
Các khái niệm “vô thường”, “vô ngã” cũng
ảnh hưởng nhiều tới hệ tư tưởng phong kiến Việt Nam. Theo quan niệm nhà
Phật thì mọi sự vật, hiện tượng là sự kết hợp động của những yếu tố,
động (Pháp), bởi vậy chúng luôn vận động không ngừng. Phật giáo đóng góp
1 cách nhìn nhận thế giới động, phù hợp với sự phát triển sự vật.
Áp dụng triệt để luật vô thường vào việc
phân tích con người, Phật giáo cho rằng người là kết hợp động của 5 yếu
tố - ngũ uẩn, bởi vậy con người không có cái gọi là bản ngã mà là vô
ngã. Cách nhìn này đã khiến con người sống một cách không sợ và vị tha.
Khi quan sát thế giới bên ngoài, Phật
giáo đã nhìn ra một mối quan hệ phổ biến, cơ bản giữa các sự vật, hiện
tượng – đó là mối quan hệ nhân – duyên - quả. Thuyết này là sự phản ánh
khái quát rút ra từ thế giới hiện tượng, đặ biệt là khi xem xét sự phát
triển của tự nhiên. Cách nhận thức hợp lý này đã cung cấp cho người Việt
một cách suy nghĩ mang tính chất nhân quả để nhìn con người, cuộc sống,
vạn vật: “nhân nào, quả nấy”,”gieo gió, gặp bão”, “ở hiền gặp lành”....
Các học giả đều cho rằng chưa có một học
thuyết, một tôn giáo nào phân tích thế giới nội tâm, trong đó có tư duy
sâu sắc như Phật giáo. Theo Phật học thì tư duy, ý thức của con người
tựa như một dòng sông của ý niệm tuôn chảy không ngừng. Trong một sátna(
thời gian búng ngón tay), tâm ý ta đã trải qua 960 lần chuyển niệm,
trong thời gian một ngày đêm, nó trải qua 13 ức triệu niệm. Dưới dòng
sông tuôn trào này, ở nơi sâu thẳm vô hình đâu đó là A lại da thức (Tạng
thức) – nơi tàng trữ mọi mầm mống của vũ trụ. Tuy khó hình dung nhưng
Phật giáo đã cung cấp cho ta một cái nhìn động về tư duy, ý thức. Phật
giáo chỉ cho ta rằng muốn có tư duy, suy nghĩ đúng thì điều kiện cần là
phải tập trung tư tưởng.
Tư tưởng, tư duy, ý thức của con người
giống như ngọn đèn. Nếu cứ để bình thường thì toả sáng 4 phương, nhưng
nếu biết tập trung toàn bộ ánh sáng vào một điểm, hội tụ chúng lại, thì
điểm này trở nên rất sáng và mạnh. Vai trò của Thiền đối với tư duy cũng
giống như việc tập trung ánh sáng vậy. Nó là một phương pháp khoa học.
Phật giáo còn dạy muốn suy nghĩ thật
khách quan cần phải có cái tâm bình tĩnh, tỉnh táo. Tâm nhảy nhót như
khỉ vượn, bị thiêu đốt bởi tham lam, hận thù, si mê, tâm đứng ở nhị
kiến, thích và không thích, yêu và ghét, thì nhận thức không thể nào
khách quan được. Tâm như vậy giống như mặt nước hồ qua trận cuồng phong
làm nổi sóng, vẩn đục và không thể nào thấy được những viên cuội dưới
đáy sông.
Muốn cho tâm được yên tĩnh, tỉnh táo thì
việc đầu tiên là nên nghĩ và làm những điều thiện. Đạo Phật hướng người
Việt tới việc suy nghĩ về làm những điều thiện, làm lành lánh giữ. Trong
các loại nghiệp của con người có 3 loại nghiệp quan trọng nhất là thân,
khẩu, ý. Trong đó Phật giáo coi nghiệp ý (về tư duy, suy nghĩ) là quan
trọng nhất. “Tổng vệ sinh”, “làm sạch” tư duy vừa là công việc khẩn
thiết vừa là công việc thường xuyên từng giờ, từng phút với mỗi Phật tử.
Tư tưởng từ bi bác ái, chủ trương khuyến thiện trừ ác, hỷ xả, cứu khổ,
cứu nạn là những tư tưởng lôi cuốn đông đảo người Việt và trở thành lòng
thương người, tính nhân đạo của họ. Chính vì quan tâm cứu vớt con người
trước bất công đau khổ nên người Việt đã tiếp thu và nhiệt tình ủng hộ
đạo Phật.
Đạo Phật cũng đóng góp một khía cạnh
phương pháp nhận thức quan trọng – đó là mối quan hệ giữa vật chất và ý
thức, tinh thần và tự nhiên hay tâm và vật. Một mặt thì tâm và vật không
tách rời nhau. Không có vật thì cũng chẳng có tâm. Ngược lại, không có
tâm thì vật như thế nào ta cũng không biết. Sở dĩ có vật là vật do ta đã
quẳng cái tâm vào đó rồi.
Mặt khác, không chỉ có vật chất, giới tự
nhiên, vật luôn vận động mà ý thức, tinh thần, tâm cũng luôn vận động.
Hai cái luôn vận động như vậy, cậy làm thế nào để nắm bắt, nhận thức
được cái thứ hai. Đứng trước vấn đề này Phật giáo đã đưa ra giải pháp
như đã trình bày là tập trung tư tưởng, giữa cho tâm yên tĩnh, tỉnh táo.
Như vậy ở đây Phật giáo dùng cái tĩnh trong sáng được tập trung cao độ
để nắm bắt cái động, “dĩ biến bất biến ứng vạn biến”. Đây là một vấn đề
khá lý thú so với nhận thức thông thường
Theo: Chungta.com