PG & Thời đại
Nghịch lý đời người: Sống thọ và sát sinh!
28/01/2012 14:36 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Có người sống thọ là một phúc lớn vì thế các gia đình thường làm tiệc mừng tuổi các cụ. Tuy nhiên nghịch lý ở chỗ ai cũng muốn sống lâu nhưng lại không quý mạng sống của những sinh vật khác.


Giết gà mổ heo chỉ để mừng vì sống thọ

Tính đến đầu năm 2012, ông Hoành lên tuổi 80, các con ông ngỏ ý muốn tổ chức lễ thượng thọ nhưng ông Hoành không đồng ý vì cho rằng bày vẽ ra làm gì cho tốn kém.

Thế nhưng mưa dầm thấm lâu, ngày nào cô con dâu cũng tỉ tê thuyết phục, nào là để có dịp cho con cháu báo đáp công ơn, nào là để người ngoài nhìn thấy gia đình mình luôn gia giáo, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo...

Nể lời cô con dâu cả, ông Hoành đồng ý nhưng với điều kiện lễ thượng thọ của ông được tổ chức vui vẻ là chính, không được bày vẽ phô trương mâm cao cỗ đầy.

Ngày đó cũng tới, ngôi nhà của ông Hoành trở nên nhộn nhịp, khá đông người đến chung vui. Trên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Phật, hoa quả được bày biện trong rất đẹp mắt. Hòa lẫn lời chúc mừng là lời các bài hát về công cha nghĩa mẹ…

Ông Hoành hôm nay khoác bộ đồ mới màu đỏ đúng với phong tục thượng thọ của quê hương và ngồi trang trọng trong bàn tiệc. Bữa tiệc liên hoan được nàng con dâu cả đạo diễn với những thức ăn “giản đơn” gồm các món dê bóp, heo sữa, gà quay, bồ câu hầm...

Mọi người nâng ly, luôn miệng chúc mừng vui vẻ, ai cũng có chuyện để góp vui, tạo nên không khí ồn ã. Còn phía cuối gian bếp, tiếng những người giúp việc bếp núc hối thúc nhau, tiếng heo kêu, gà quác… náo cả một góc vườn.

Khi khách về hết, ông Hoành chống gậy ra vườn. Những lúc vui hay buồn ông vẫn thường một mình rảo bước ngắm buồng chuối, luống rau, bầy gà, con lợn. Nhưng hôm nay ra tới bên ngoài ông giật mình khi nhìn vào chuồng lợn, chuồng gà trơ lại nền trống.

Ông Hoành hoa mắt, tay chân bủn rủn, chẳng lẽ ngày vui mừng thọ của ông lại được đánh đổi bằng sự sống của chú ủn mới nuôi chưa đầy hai tháng, đàn gà giò đang lớn?

Mừng thọ cần tránh việc sát sanh


Các gia đình thường tổ chức tiệc mừng Thượng thọ cho các cụ (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Không thích việc sát sinh trong lễ Mừng thọ, nhiều cụ khuyên con cháu nếu có tổ chức thì nên làm chay (không có thịt - PV) hoặc vào chùa tổ chức.

Việc mừng thọ tại chùa, đối với chư Tăng, Ni được gọi là lễ Khánh tuế, còn đối với các cụ lớn tuổi được gọi là lễ Chúc Thọ. Lễ này thường được làm tập thể hoặc cá nhân, tổ chức đầu năm, trong các ngày lễ lớn hay trong điều kiện thuận lợi nhất mà chùa có thể thực hiện.

Tại buổi lễ các cụ được ngồi trang trọng ở những chiếc ghế bố trí sẵn. Sau đó chư Tăng/Ni và Phật tử cùng nhau làm lễ chư Phật, tụng kinh Vô Lượng Thọ, kinh Dược Sư, thắp đèn bổn mạng, cắt bánh mừng thọ, tặng tràng hoa và chuỗi niệm Phật, nghe Pháp về lợi ích của việc tu hành…

Các cụ cùng con cháu, nghe các bài hát về công ơn của cha mẹ như bài Ơn nghĩa sinh thành, Huyền thoại mẹ… Kết thúc bài hát những người con của mỗi cụ mang món quà quý giá nhất của mình đến dâng lên tri ân các đấng sinh thành.

Chia sẻ về ý nghĩa lễ Chúc thọ, Ni sư Thích nữ Huệ Dâng, trụ trì chùa Long Phước (quận Bình Thạnh cho rằng: “Đức Phật từng dạy, muốn báo hiếu cho ba mẹ đầy đủ và ý nghĩa nhất thì ngoài việc kính yêu, hết lòng chăm lo phụng dưỡng, chúng ta cần phải biết hướng các đấng sinh thành làm điều lành, kính tin Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng - PV)… Việc làm này đem lại sự an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai của người thân”.

“Không thể mừng thọ của bản thân mà lại bắt các loài vật khác phải chết cho sự sống lâu của mình. Vì thế những người con làm lễ Chúc Thọ cho cha mẹ cần tránh sát sinh, có như thế mới mong đáp đền công ơn này” - Ni sư Huệ Dâng chia sẻ.


Nhiều cụ thích vào chùa làm lễ Chúc thọ để tránh việc sát sinh.

Cụ bà, Nguyễn Thị Quế (81 tuổi, quận Bình Thạnh) đã bật khóc khi cô con gái quỳ dưới gối bày tỏ những lời yêu thương sâu thẳm. Đó là niềm vui của bà khi tuổi về chiều được các con quan tâm, chia sẻ, báo hiếu công đức dưỡng sinh.

“Được các con đưa lên chùa dự lễ mừng thọ, bác quả thật phấn khởi lắm. Chúng ta đều muốn được sống lâu, sống tốt vậy tại sao lại đi giết gà, vịt, heo… để mừng cho bản thân. Làm lễ tại chùa vừa nhẹ nhàng, thanh tịnh lại được chung vui cùng nhiều cụ, có chư Phật chứng minh và quý thầy chúc phúc” - cụ Quế cười nói.

Đối với dân tộc Việt Nam, việc mừng thọ nhằm thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc lớn tuổi.

Lễ Thượng thọ được tổ chức từ lúc 60 tuổi gọi là thượng thọ lục tuần, lúc 70 tuổi là thượng thọ thất tuần, lúc 80 tuổi là thượng thọ bát tuần, 90 tuổi là thượng thọ cửu tuần và tròn 100 tuổi thì ăn mừng lớn - gọi là bách tuế hay bách niên chi lão.

Tùy hoàn cảnh mỗi gia đình mà tổ chức chứ không có quy định bó buộc. Những gia đình có điều kiện có thể làm lễ tế sống.

Ngày nay hình thức mừng thọ đã thay đổi ít nhiều, nhưng thường là con cháu mua nhiều tặng vật mừng cha mẹ, gọi là đồ dưỡng già như là chăn, áo ấm... và tổ chức tiệc ăn mừng trọng thể tại nhà hàng hoặc nơi nào thuận lợi nhất.

Khoảnh khắc hiếu thảo tại lễ Chúc thọ trong chùa

Để tránh việc sát sinh để mừng tuổi của mình, nhiều cụ khuyên con cháu tổ chức làm lễ tại chùa.

Có mấy ai đã từng đặt những câu hỏi: “Mình đã làm gì cho cha mẹ được vui? Mình đã làm gì để cha mẹ tự hào? Mình đã quan tâm chăm sóc cha mẹ chu đáo về đời sống vật chất lẫn tinh thần hay chưa?...”

Chính vì thế việc tổ chức mừng thọ là cách giáo dục, răn dạy con cháu bổn phận ăn ở có trước có sau với người đời với xã hội.

Một số hình ảnh mừng thọ của các cụ tại chùa Long Phước (quận Bình Thạnh - TPHCM)

Quý ni sư được thỉnh (mời vào - PV) vào chứng minh cho buổi lễ mừng thọ
Cả đạo tràng (tất cả - PV) trang nghiêm làm lễ mong cho các bậc lớn tuổi sống lâu, hạnh phúc bên con cái
Cha mẹ ngồi trên, con cháu quỳ dưới nhất tâm cầu nguyện chư Phật gia hộ
Sư thầy trụ trì thắp đèn bổn mạng trong buổi lễ
Ni sư Thích nữ Huệ Dâng cắt bánh mừng thọ
Tặng tràng hoa vạn thọ và chuỗi đeo tay mong các cụ sống lâu trăm tuổi
Dù tóc con đã lấm tấm pha sương nhưng tấm lòng người con với mẹ vẫn là mãi mãi
Chút quà nhỏ của con cháu gửi tặng mong cha mẹ sống lâu
Lễ mừng thọ là dịp để tạo duyên lành cho những người làm con có dịp thể hiện tình cảm với cha mẹ

Theo Hoài Lương - KH&ĐS

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch