Lợi
nhuận có liên hệ mật thiết đến đạo đức, môi sinh, an ninh, văn hóa, xã
hội. Khó khăn hay thuận lợi tại nơi này, của người này sẽ ảnh hưởng đến
các nơi khác, người khác và công việc kinh doanh của DN. Nhân dịp xuân
Nhâm Thìn, PV có buổi mạn đàm với Thượng tọa Thích Thanh Quyết về vấn
đề lợi nhuận của người kinh doanh.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết giảng giải rằng, người kinh doanh tốt sẽ
biết điều hòa mối quan hệ giữa con người với con người, con người với
vũ trụ. Lợi nhuận của DN liên hệ chặt chẽ với thái độ hành xử của chủ
DN và các thành viên trong DN.
- Theo giáo lý nhà Phật phải điều hòa vấn đề lợi nhuận kinh doanh của doanh nhân, DN ra sao, thưa Thượng tọa?
Giáo lý Phật giáo mong cho mọi người được an lạc, hạnh phúc, mong cho
mọi người không có ai dối gạt ai, không có ai gây tổn hại ai, mong cho
mọi người che chở, bảo vệ nhau. Toàn bộ giáo lý nhà Phật đều nhằm mục
tiêu diệt khổ, hay nhằm vào mục tiêu mang hạnh phúc đến với mọi người.
Doanh nhân cũng là một con người, một công dân, vì thế hoạt động kinh
doanh không chỉ vì cạnh tranh và lợi nhuận, mà còn vì đất nước, dân
tộc, và rộng hơn đến toàn xã hội. Hoạt động kinh doanh và mục tiêu kinh
doanh của doanh nhân cần phát triển song hành, nhịp nhàng giữa mục
tiêu của bản thân, gia đình với toàn xã hội.
Để có lợi nhuận cao và có điều kiện phát triển mạnh DN, ngoài tính
năng động, chuyên môn giỏi… (năng lực kinh doanh), nhà DN cần có thái
độ chia sẻ với cán bộ, nhân viên. Từ chia sẻ lợi nhuận đến tinh thần,
xử sự thân tình với nhân viên như các thành viên của một gia đình thì
chắc chắn nhân viên sẽ dốc lòng làm việc giúp DN phát triển.
Với khách hàng, người kinh doanh bắt nguồn từ ý niệm đem lại lợi ích,
đem lại sự phục vụ, sản phẩm tốt cho người khác thì sẽ phát triển lâu
bền. Ngược lại, nếu kiếm lời bằng sự lừa dối khách hàng, bằng sự hủy
hoại môi trường, hay bằng sự bóc lột lao động thì khó có DN nào thành
công.
Với doanh nhân, DN cùng lĩnh vực kinh doanh mà cạnh tranh theo hướng
kích thích nhau vươn lên sẽ tốt hơn là triệt hạ. Doanh nhân cần tin
tưởng vào quy luật “nhân quả”. Giáo lý nhân quả – nghiệp báo của nhà
Phật đã chỉ ra, hãy đem điều thiện, đem lại an vui, hạnh phúc cho mình
và người. Điều ác (hay phi đạo đức) sẽ gieo rắc khổ đau cho mình và
người.
- Gần đây, mọi người đều nói rất nhiều tới văn hóa trong kinh doanh. Thượng tọa có nhận xét thế nào đối với vấn đề này ?
Văn hóa nói chung, văn hóa kinh doanh nói riêng là cả một quá trình
nhào nặn, chắt lọc để lựa chọn những tinh túy. Xã hội VN đã trải qua
hàng ngàn năm phát triển văn hóa. Tuy nhiên, trong kinh doanh, cơ chế
mở cửa mới vào VN được hơn hai chục năm nay. Từ một cơ chế bó buộc,
người kinh doanh như được cởi trói trong một môi trường rất thoải mái,
cởi mở để thỏa sức thể hiện tài năng và ý chí làm giàu, làm giàu cho
bản thân và cho xã hội. Tuy nhiên, sự mới mẻ này đôi khi rất dễ khiến
người kinh doanh lạc vào guồng quay của cơ chế thị trường. Và khi đã bị
cái guồng quay đó cuốn đi, chắc sẽ có người quên đi hoặc bỏ qua một số
tiêu chuẩn phát triển của xã hội.
Đây là những tiêu chuẩn về sự tôn trọng đối tác, khách hàng, những
nét văn hóa cộng đồng cùng phát triển… và cao hơn nữa là sự tôn nghiêm
của pháp luật. Với những người như vậy, cần sớm tĩnh tâm, nhìn nhận lại
mình. Giáo lý nhà Phật luôn đưa ra những quan niệm, tư tưởng khiến mọi
người được cân bằng.
Tìm lại sự đồng điệu trong hoạt động kinh doanh cũng chính là tìm lại
những giá trị cốt lõi trong văn hóa kinh doanh. Mặc dù, ở nhiều nơi,
với nhiều người, văn hóa kinh doanh chỉ là vấn đề vừa được đặt ra nhưng
cũng đã rất đáng quý. Nếu người nào đó chưa làm được, chưa thực hiện
tốt văn hóa kinh doanh thì đó cũng là mục tiêu mà họ đang hướng tới.
Bởi văn hóa kinh doanh xuất phát từ những giá trị đạo đức được hun đúc
từ hàng ngàn năm của người dân VN.
- Phát triển kinh doanh cũng như phát
triển kinh tế - xã hội thì mục tiêu cuối cùng là đem lại ấm no hạnh
phúc cho mọi người. Thông qua giáo lý nhà Phật, Thượng tọa nhận xét thế
nào về quan niệm này trong xã hội VN, hiện nay ?
Hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ các đức tính của con
người. Mỗi cá nhân là một sự phối hợp của các ước muốn, các tình cảm, ý
nghĩ và hành động. Nếu các yếu tố ấy được điều hòa thì cá nhân sẽ tồn
tại và thành công. Hạnh phúc là mục đích của mọi hành động, là sự có
mặt của các cảm giác thoải mái, và sự vắng mặt của khổ đau.
Hầu hết mọi người dân ở lứa tuổi trưởng thành vừa trải qua sự thiếu
thốn vật chất của thời kỳ bao cấp kéo dài. Chính vì vậy, nhu cầu về
hưởng thụ vật chất nảy sinh trong mỗi con người đều rất lớn. Không ít
người đã chạy theo nó như những quan niệm vô thức.
Giáo lý nhà Phật cho rằng, mọi người đều phải hiểu và nhận thức tốt
về khái niệm “tri túc” có nghĩa là biết đủ. Không ai có thể ăn một ngày
đến 4 - 5 bữa được. Nhu cầu về vật chất cứ lớn mãi thì người đó sẽ
không bao giờ thanh thản. Cho dù, nhiều người có được đầy đủ tiền tài,
danh vọng nhưng cuối cùng vẫn thấy khổ cực, vẫn thấy không được hạnh
phúc vì mình chưa đạt được như mong muốn. Có người thì bị chính vật
chất đó làm khổ.
Với
doanh nhân, doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh mà cạnh tranh theo
hướng kích thích nhau vươn lên sẽ tốt hơn là triệt hạ. Doanh nhân cần
tin tưởng vào quy luật “nhân quả”. |
Giáo lý nhân quả và nghiệp báo xác định rõ trách nhiệm của cá nhân về
mọi hành động của mình dẫn đến khổ đau hay hạnh phúc. Nhiều người, đặc
biệt là giới doanh nhân đã nhận thực được những tiêu chí của hạnh
phúc. Mang lại sự ấm no, hạnh phúc cho người khác thì bản thận mình
cũng cảm nhận được sự hạnh phúc. Đây chính là một nét văn hóa của người
Việt đã có từ hàng ngàn năm nay. Từ câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ
mở đầu lịch sử và văn hóa VN xem mối liên hệ tình cảm giữa các công dân
của đất nước như là tình anh em một nhà, cùng chung bào thai mẹ, gọi
là “tình đồng bào” đến mục tiêu phổ độ chúng sinh của nhà Phật đều là
những tiêu chuẩn văn hóa mẫu mực của con dân Việt.
- Phải chăng chính những quan niệm tư
tưởng văn hóa truyền thống trên đang khuyến khích, thôi thúc doanh nhân
VN hướng tới cộng đồng, làm từ thiện giúp đồng bào, thưa Thượng tọa ?
Tư tưởng làm từ thiện, bố thí đang phát triển rất mạnh mẽ trong giới
doanh nhân hiện nay. Nhiều doanh nhân kể cả thành đạt và chưa thành đạt
đều lấy việc làm từ thiện, bố thí là nguồn vui làm điều phấn đấu. Họ
làm từ thiện, bố thí không vì mục đích để được ca ngợi, được biết ơn mà
vì chia sẻ cho những người có hoàn cảnh khó khăn được bớt phần khổ
cực.
Điều này hoàn toàn phù hợp với giáo lý nhà Phật. Bố thí là một trong
sáu tiêu chuẩn của người tu hành đắc đạo, trong giáo lý nhà Phật. Theo
đó, người đi bố thí không phải là người đi cho, người đi ban ơn mà là
người kính dâng, kính tặng, kính biếu. Mong muốn của người bố thí là
được giúp đỡ, chia sẽ những người thiếu may mắn hơn mình, khó khăn hơn
mình.
Còn người được nhận bố thí phải có tấm lòng biết ơn, có thể là biết
ơn người giúp đỡ và biết ơn đức Phật. Phật giáo đứng vai trò trọng tài
phân chia phúc đức đến mọi người, mọi nhà. Qua đó, cả người bố thí và
người nhận bố thí đều cảm thấy chỗ dựa nơi cửa Phật.
Trong cuộc sống, không ai và không ở đâu giống nhau, bao giờ cũng có
người giàu, người nghèo, có nơi này nơi kia gặp khó khăn. Tư tưởng Phật
giáo cũng như văn hóa dân tộc đã hòa quyện vào nhau trong con người VN
từ hàng ngàn năm nay. Đó là tư tưởng luôn vươn lên nhưng cũng luôn
chia sẻ để mọi người mọi nhà cùng được ấm no, hạnh phúc, từ no đủ vật
chất, đến ấm áp về tinh thần.
- Thượng tọa có điều gì nhắn gửi tới doanh nhân VN trong năm 2012 ?
Một năm mới đã đến! Nếu nói tới phát triển kinh tế thì chắc các doanh
nhân có thể còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần đùm bọc “đồng
bào” cùng giúp nhau phát triển thì doanh nhân có thể vượt qua được khó
khăn không chỉ về kinh tế mà còn cảm thấy ấm áp từ sự chia sẻ trong
cộng đồng con dân Việt.
- Xin trân trọng cảm ơn Thượng tọa !
Theo Bá Tú - DĐDN