Dạt dào tình mẹ
Sư cô Nhuận Tâm cho biết hầu hết các mẹ ở chùa đều có hoàn cảnh neo
đơn, khó khăn đến từ mọi miền đất nước: miền Trung, Tây Nguyên… Chị
Nguyễn Thị Hồng, 43 tuổi, quê ở Quảng Nam, kể chị không có gia đình, 4
năm trước chị tìm đến nhà chùa xin tá túc. Lúc đầu, chị chỉ định xin ở
lại chùa một thời gian nhưng khi nhìn thấy các em nhỏ thiếu tình
thương, chị đã quyết định gắn bó phần đời còn lại của mình ở đây.
Chị tâm sự: “Nơi đây đã cho tôi một mái ấm gia đình mà tôi hằng ao
ước. Nhờ quấn quýt bên các con mà tôi đã có được cảm giác của một người
mẹ. Những lúc các con bệnh, tôi phải thức suốt đêm để lo cho chúng.
Chăm sóc trẻ con cực lắm nhưng tôi rất vui”. Hiện tại, ngoài chăm sóc
chung cho tất cả các em, buổi tối, chị còn chăm 2 em nhỏ 4 tuổi và 11
tháng tuổi bị bỏ rơi.
Giống như chị Hồng, chị Lê Thị Dung, quê ở Thanh Hóa, cũng gắn bó với
mái ấm như một nhân duyên. Mồ côi mẹ từ tấm bé, cha lấy vợ hai, trước
khi đến với mái ấm, chị đã làm rất nhiều việc, lang bạt ở nhiều nơi.
Năm 2007, được một người quen giới thiệu, chị tìm đến và gắn bó với mái
ấm cho tới bây giờ. “Ở đây ai cũng coi bọn trẻ như con ruột của mình,
chăm sóc, lo lắng hết lòng. Tôi thực sự hạnh phúc khi nhìn các cháu lớn
lên từng ngày. Nhờ mái ấm này mà tôi cảm nhận được thế nào là tình mẫu
tử” - chị Dung chia sẻ.
Các bé ở chùa Từ Ân và “người mẹ thứ hai” của mình
Mong các em có một tương lai tươi sáng
Ngoài 7 mẹ sống luôn ở chùa để chăm sóc các em nhỏ sơ sinh, còn có
những người mẹ là các bà, các cô hằng ngày tới mái ấm phụ giúp nhà chùa
chăm sóc các em. Ngày nào cũng có 12 người tới giúp nhà chùa nấu
nướng, giặt giũ.
Bà Đinh Thị Cúc, 53 tuổi, nhà ở gần đó, ngày nào cũng vào chùa để
chăm sóc các em bé sơ sinh, phụ giúp việc lặt vặt trong chùa. Bà chia
sẻ: “Tôi tuổi đã cao, hằng ngày vào chùa làm công quả cũng coi như tích
phúc đức cho gia đình. Tôi coi lũ trẻ ở đây như con cháu mình”. Ở xa
nhất là bà Huỳnh Thị Từ, 60 tuổi, nhà ở tận TPHCM. Con cái bà đã yên bề
gia thất, từ khi chồng mất, bà thường xuyên đến phụ giúp mái ấm, khi
thì ở lại một tháng, khi thì nửa tháng. “Tôi thương các cháu ở đây lắm.
Hy vọng sau này các cháu sẽ có một tương lai tươi sáng”- bà Từ tâm sự.
Dạy trẻ đạo làm người
Người mà các em nhỏ nhắc tới đầu tiên là sư cô Thích Nữ Minh Hải, trụ
trì chùa. Năm 1990, sư cô lập ra chùa Từ Ân, 8 năm sau, sư cô xây dựng
mái ấm Từ Ân và bắt đầu nhận những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, không
nơi nương tựa về nuôi dưỡng. Tất cả các em đều được sư cô lo cho ăn
học đầy đủ.
Sư cô Nhuận Tâm cho biết các ngày lễ, Tết, sư cô Minh Hải đều tổ
chức các hoạt động cho các em vui chơi, ai cũng được sư cô chúc phúc,
tặng quà. “Thấy nơi ở của các em xuống cấp, mặc dù sức khỏe không tốt
nhưng sư cô vẫn cố gắng chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm kinh phí để xây
cho các em một chỗ tá túc đàng hoàng hơn. Sư cô chính là người mẹ thứ
hai của mái ấm này”- ni cô Nhuận Tâm chia sẻ. Còn sư cô Minh Hải thì
tâm sự: “Tôi luôn cố gắng để lo cho các em được ăn học thành tài, không
chỉ học kiến thức mà còn học đạo làm người. Có như vậy các em mới có
thể giúp ích cho xã hội”.
Mái
ấm Từ Ân tọa lạc trong khuôn viên chùa Từ Ân, tổ 16, ấp Mỹ Tân, xã Mỹ
Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài 75 em nhỏ, mái ấm
còn chăm sóc 6 cụ già không nơi nương tựa, trên 80 tuổi. Mái ấm mới
nhận nuôi thêm 3 em nhỏ sơ sinh bị bỏ rơi chưa đầy 10 ngày tuổi. Hiện
mái ấm có 6 em đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ở
TPHCM. |
Theo Hồng Nhung - NLĐ