Xã hội dù phát triển đến đâu, công nghệ và phương tiện dù hùng mạnh đến
mức nào thì con người vẫn luôn thấy nhỏ bé, yếu đuối trước vũ trụ vô
thường. Ở những phần không thể nắm bắt, con người chỉ biết dựa vào thế
lực thần linh quyền năng tuyệt đối, độ lượng, khoan dung. Vì vậy mà từ
xa xưa người ta đến cửa chùa mong được cất bớt gánh tội chốn dương trần
để được siêu thoát khi về cõi chết, hoặc hoá giải những tai ương trong
cõi nhân sinh. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)
Lễ phật trở thành truyền thống tâm linh suốt ngàn năm lịch sử.
Ngày nay, khi cuộc sống thêm nhiều cạnh tranh, trông gai và khó nhọc thì
người ta càng thấy thân phận mình mong manh, cuộc sống mình thiếu thốn,
nhân tâm mình nặng nợ… khiến cửa chùa có biết bao nhiêu kiểu cầu xin
với những tham vọng, ước muốn, lo sợ, ăn năn của người đời.
Mặc cả với thánh thần
Phủ Tây Hồ ngày đầu năm “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Nam
thanh, Nữ tú lẫn ông già, bà cả, kẻ sang người nghèo, người già khăn vấn
áo chùng, thanh niên áo khoác quần tây, trẻ con má hồng áo đỏ đều hoan
hỉ với hương nhang, vàng mã, hoa quả và ăm ắp ước vọng trần thế đem đến
cửa thánh thần. Đoạn đường vào phủ dài hàng km, những hàng quán chất
ngất hàng mã, tiền vàng, hương nhang, hoa quả, chuông khánh, tràng hạt,
sách bói toán, áo quần, cơm phở, cốm, xôi, bánh kẹo… cửa thiền từ sáng
sớm đã rộn rịp đông đúc người vào khấn lễ, cầu xin đấng trời phật trông
xuống rộng lòng ban cho kẻ mọn một năm mới đầy đặn tài lộc, tiền duyên,
công danh hoan lộ…
Người đàn ông có sắc vóc tầm thước, tóc xịt gôm mượt bóng, tay đeo nhẫn vàng choé lầm rầm khấn vái: “Xịt…
xịt… xịt… con nam mô a di đà phật, con lạy chín phương trời, lạy mười
phương đất… Hôm nay, ngày… con là… có hương nhang, lễ vật bao gồm… đến
cửa thánh cầu mong các ngài trị cho vợ con chừa thói ghen ngược, bắt nạt
chồng, xin cho lão trưởng phòng bị giáng chức để con lên thay… các ngài
linh thiêng cứ phù hộ cho con được toại nguyện, con xin đáp tạ hậu hĩnh”.
Chẳng biết những lời khẩn cầu của người đàn ông đó có được toại nguyện
hay không nhưng cứ xem thái độ và những lời nói ra miệng đó thì biết
rằng người này đến cửa phật chẳng phải để sửa mình mà chỉ với mục đích
cầu xin, đổi chác… Ừ thôi thì cõi nhân sinh vốn chỉ tồn tại được bởi
những ham muốn và hy vọng dù tốt hay xấu như vậy. Nhưng có những điều
ước lại hết sức kỳ cục, kểu đã xin thì xin cho bõ, thế là người ta đến
nơi thanh tịnh này để xin cả những điều rất nực cười như xin cho con
Lu (chó) khỏi ốm, xin cho Sếp bị lật ghế, xin cho nhà hàng xóm bị mất
trộm, xin xem được bản quy hoạch đền bù đất đai của nhà chồng, xin cho
con trai tỉnh táo “lìa mặt” được con “quỷ dữ” (bỏ vợ)… Lại có người thì “xin
cho năm nay chồng con nhận được công trình cải tạo đoạn đường km số 2
đến km số 8 của huyện X, hay xin người giúp cho bộ hồ sơ giấy tờ đất thổ
cư (từ đất nông nghiệp chuyển sang). Có chị xin người bắt “anh ấy” giải quyết “dứt điểm, rõ dàng” với mụ vợ nhà quê…
Nhiều người thỉnh cầu thì cứ lấm lét nhìn người lạ không muốn cho người
bên cạnh nghe trộm, lại có người khấn rất to, cứ như sợ phật không nghe
thấy thì không phù hộ cho. Tất cả những lời khẩn cầu đó đều được ra giá
với trời phật là “sẽ đáp tạ hậu hĩnh”. Đó là một mâm đầy hương hoa,
bánh kẹo, xôi oản, rượu thuốc, tiền vàng… Có mâm vài trăm nghìn, có mâm
vài chục nghìn… người người đội những mâm lễ đầy ặc đó trên đầu hân hoan
vào cửa phật và hy vọng lễ hậu thế sẽ được trời phật phù hộ cho những
lời thỉnh cầu nhanh chóng thành sự thật.
Những câu chuyện đầy phàm tục ấy ra đời cũng bởi những niềm tin mù
quáng đến nực cười. Người ta cho rằng chỉ cần hương nhang lễ hậu là có
thể đổi thay thế sự, biến trắng thành đen, muốn gì được nấy. Cửa chùa là
chốn thanh bần. Vào chùa là để soi mình ra sao, xem tâm mình đã thanh,
lòng mình đã sạch chưa rồi để mà sửa mình, để mà sống cho tốt hơn, cho
cao quý hơn. Thế nhưng không ít người vào chùa chỉ để cầu xin lợi lộc,
công danh, tiền bạc… Những dục vọng thấp hèn được người ta mang cả vào
cửa phật để bày biện. Thôi thì vạn lời cầu xin, nghìn lời ước muốn.
Chẳng ai cấm được ước mơ. Lòng người thì vô hạn. Cả buổi sáng ở cửa Phủ
mà thấy quá ít người đến lễ Thánh với tấm lòng bạc hậu, chỉ thắp một nén
nhang, lời không, ý không… hay chỉ đơn giản là đến vãn cảnh chùa.
“Thiện căn ở tại lòng ta”
Con người chẳng thể sống nếu không có gì để bám, mà tư tưởng lại là
thanh vịn quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Đến cửa phật cũng là một
cách để tu sửa mình, để soi mình, đứng trước trời phật cao thiêng mà
ngẫm mình, mà rèn cho tâm mình thanh thản, mà sống cho thanh sạch, dẫu
có bần hàn. Cõi tâm linh cao thiêng ẩn chứa những điều mà con người
không nắm bắt được. Con người luôn được xem là trung tâm của vũ trụ, của
cõi nhân sinh. “Nhân chi sơ tính bản thiện”, mọi người khi sinh ra ai
cũng như ai, còn đức độ và tài năng phải do rèn luyện mà có, chứ tâm
không sáng, tài không cào thì dù có mang mâm lễ to bằng quả núi thì cũng
chỉ hư không mà thôi.
Có câu chuyện tiếu lâm thế này: Một người hỏi một vị thần, thưa Ngài, một nghìn năm đối với ta chỉ là một phút. Người kia hỏi tiếp, thưa Ngài, một nghìn đôla đối với ngài là gì? Thần đáp, một nghìn đôla đối với ta chỉ là một xu. Người kia bèn lập tức quỳ xuống và nói: Lạy Ngài, hãy rủ lòng thương ban cho con xin một xu mọn của Ngài. Thần bảo, được, hãy chờ ta một phút!
Cửa chùa là chốn thanh bần, người người đến đây để mong được tu dưỡng
tâm linh. Nay xã hội phát triển chóng mặt, thời đại kim tiền còn quá ít
chỗ cho những điều thanh sang, sạch sẽ, chốn cửa thiền nay cũng đón
nhận nhiều hơn những chuyện buồn vui trên trần thế. Danh lợi, dục vọng,
tiền bạc… những mưu cầu và toan tính để giành giật, để chiếm đoạt, để sở
hữu những thứ kg phải của mình… đang len dần vào cõi tâm linh nơi cửa
phật. Lời phật dạy đã được cụ Tiên Điền ghi lại:
“Thiện căn ở tại lòng ta - Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Chăm sóc linh hồn bằng sự kính lễ, bằng tâm niệm chân thành cũng là
cách để tự sửa mình. Tuy nhiên, nếu đem sự thành tâm, kính lễ ấy mà
chuyên chở những dục vọng “kính chẳng bõ phiền” mà chỉ thêm hoen ố cửa
thiền.
Nguồn:
Báo Thể thao