| Chùa Tây Phương. |
| |
Sân chùa biến thành chợ
Chùa Tây Phương được coi là miền đất cực lạc của đức phật; là cõi tâm linh ẩn chứa những bí ẩn linh thiêng. Được xây dựng trên núi Ngưu Lĩnh Sơn (núi con trâu) - nơi địa linh non sông đất nước ta. Hàng năm có hàng vạn khách trong và ngoài nước đến hành hương vãn cảnh. Để tận dụng tiềm năng ấy người dân ở đây đã không ngần ngại dựng lều mở quán, bày bán la liệt đủ các mặt hàng không thiếu một thứ gì. Lên tới bậc 238 trước cổng chùa, chúng tôi tiếp tục nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của những bà chủ quán trên đỉnh chùa. Tất thảy lao vào mời chào, lôi kéo vào quán ngồi để thưởng thức món quà quê mà chỉ ở đây mới có. Nhiều người từ chối bảo đã ăn uống ở dưới chân núi rồi thì nhận được câu trả lời rất hợp tình hợp lý không ai có thể từ chối: “Ở dưới chân núi làm sao nhiều lộc bằng ngồi ngay tại sân chùa được, đến cửa phật mà không ăn lộc chùa thì phải tội”. Không đợi khách phải yêu cầu ăn uống thứ gì, chủ hàng cứ đếm đầu người bật nước, bóc bánh rất tự nhiên vô tư mời khách. Hàng hoá, đồ uống ở đây không quá đắt nhưng nhiều người không khỏi khó chịu trước sự nhiệt tình đến thái quá của họ. Khi được ngồi yên vị không bị ai quấy nhiễu, tôi có dịp nhìn quan sát khung cảnh xung quanh chùa. Thật không thể tin nổi, với diện tích rộng chưa đến 500 m2 của sân chùa mà có tới gần 20 quán dựng lên. Những quán hàng này được dựng lên bởi những vật dụng hết sức đơn sơ. Chỉ là những mảnh nilông, bao tải may vá víu căng lên trên nhờ bốn cọc tre. Nhìn vào không ai dám nghĩ đằng sau là ngôi chùa nổi tiếng được Nhà nước xếp hạng, được nhiều người biết đến. Đâu rồi chốn linh thiêng? Vào chùa không còn có cảm giác được đắm mình trong không gian yên ắng, yên tịnh. Thay vào đó là những tiếng ồn ào gọi nhau í ới , mời chào nài nỉ mua hàng của những cô cậu nhí bán hàng rong. Mời không được chuyển sang trâm trọc, chế giễu khiến không ít chàng trai lâm vào tình cảnh bối rối xấu hổ trước mặt bạn gái. Những câu đại loại như: “Trông đẹp trai thế mà không ga lăng, tiếc 10 nghìn mua cho quà lưu niệmcho bạn gái..." thường được đem ra sử dụng buộc khách phải mua hàng. Nhiều trường hợp táo bạo hơn, thản nhiên thò tay vào túi móc ví tiền khi khách bảo hết tiền. Có người nổi cáu định dạy cho một bài học vì thói tự tiện thì ngay tức khắc bị một tốp vây quanh đồng thanh nói: “Trước cửa phật không được nói dối. Nếu không sẽ bị trời chu đất diệt…”. Đằng sau chùa có mấy cây khế khá sai quả chỉ cần thấy khách nhìn chăm chú là các cậu leo tót lên cây hái liền mấy quả đưa cho về làm quà, rồi xin 5-10 nghìn tiền công. Nhìn cảnh ấy không ai là không ngán ngẩm, chán nản. Đó là chưa kể đến kiểu xin lộc cúng của khách, ăn ngay tại chỗ vứt vỏ khắp nơi, biến sân chùa thành một bãi chiến trường với đủ giấy, rác thải. Ai nấy ra về với một khuôn mặt thất thểu, ảo não vì thất vọng. Đi chùa mà cứ như là đi chợ mua sắm lỉnh kỉnh tay xách, nách mang nào chuồn chuồn, hình nhân, bánh kẹođặc sản ở đâu cũng có bán. Chỉ có những bà chủ quán là vui vì hôm nay bán được nhiều hàng. Chứng kiến cảnh ấy không riêng gì tôi mà tất cả mọi người đều đặt ra câu hỏi: Tại sao Ban quản lí văn hoá, di tích lịch sử tỉnh Hà Tây vẫn để tình trạng trên xảy ra? Đây là ngôi chùa có diện tích mặt bằng không quá rộng và phức tạp, việc giải toả những gian hàng và tình trạng bán hàng rong không phải là khó thực hiện. Để sớm trả lại không gian linh thiêng vốn có của ngôi chùa được mệnh danh là miền cực lạc của phật, là chốn linh thiêng của cõi tâm linh. Để các vị La Hán không phải đau theo nỗi buồn của nhân thế nữa.
Lan Hương |