Một
số thầy phong thủy cho rằng, nhìn từ trên cao, đất Thanh Lang tựa như
khuôn mặt người nhìn nghiêng hướng về phía Tây. Mà theo quan niệm của
người Á Đông thì hướng Tây là hướng của Đức Phật, hướng của sự giải
thoát và siêu độ. Chính vì lẽ đó mà vùng đất này rất thịnh duyên để
khởi phát nghiệp tu hành.
Người ta gọi Thanh Lang là “đất Phật sống”, bởi chỉ với 4 thôn đã có
tới hơn 150 người xuất gia học Đạo. Các nhà tu hành sau khi đã có phẩm
hàm hoặc đã học qua các khóa đào tạo của các trường Phật giáo đều quay
trở lại góp phần xây dựng quê hương. Đó nét độc đáo mang nhiều bí ẩn
của vùng quê thuần Việt này
Nhà 7 người, có 6 người đi tu
Trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Lang là căn cứ
kiên cường của bộ đội địa phương. Nơi đây từng xảy ra các trận đánh
chống càn ác liệt mà nổi tiếng là trận chiến phá bốt Liên Minh (cầu
Liên Minh). Cũng tại xã này, vào 13/2/1967, không lực Hoa Kỳ đã ném bom
tàn phá và huỷ diệt khu đình làng cũ, nơi có xưởng của Bộ đội Công
binh lắp ráp tên lửa SAM 2 của Quân đội nhân dân Việt Nam, có trường
học cấp I và cấp II. Trận ném bom này đã làm chết 28 dân thường và 1
chiến sỹ, làm bị thương nhiều người, phá huỷ hầu hết các khí tài quân sự
cùng hàng trăm ngôi nhà và trường học.
Tuy nhiên, chỉ 35 năm sau thời bom đạn ấy, Thanh Lang
đã hoàn toàn thay đổi. Ngày nay, tất cả các con đường dẫn đến thôn xóm
đều đã được bê tông hóa. Những dãy trường học, trạm xá, khu vui chơi
và những ngôi nhà cao tầng khang trang rải rác khắp khuôn viên làng như
tô đậm thêm sự phát triển của làng thuần nông này. Theo ông Phạm Văn
Cảnh – Phó chủ tịch UBND xã Thanh Lang: Phong trào xuất gia tu học theo
đạo Phật ở làng phát triển rầm rộ nhất là từ 1990 đến 2003. Thời điểm
cao điểm nhất có tới hơn 10 người xuất gia trong một năm. Hiện toàn xã
chỉ có 4 thôn nhưng đã có tới hơn 150 người xuất gia, trong đó nữ giới
chiếm đa số. Người trẻ nhất hiện nay vào khoảng 26 tuổi và người già
nhất là xấp xỉ 60 tuổi. Hầu hết những người này đều có phẩm hàm hoặc đã
học qua các khóa đào tạo của các trường Phật giáo.
Chùa Hồng Nô – một ngôi chùa mới được các nhà tu hành là con em xã Thanh Lang góp phần xây dựng lại.
Người xuất gia đầu tiên ở làng là Thượng tọa Thích
Thanh Đạt ở thôn Lang Can 1 (hiện là Viện trưởng Học viện Phật giáo
Việt Nam tại Hà Nội) và sư thầy Thích Đàm Lan ở thôn Lang Can 3 (hiện
đang trụ trì chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội). 10 năm trở lại đây làng vẫn
có người tiếp tục xuất gia nhưng ít hơn trước. Những người xuất gia ở
Thanh Lang chủ yếu tu ở các chùa trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng và Bắc
Ninh, còn ở Hải Dương lại chiếm tỉ lệ rất ít.
Điều đặc biệt có những gia đình, gần như cả nhà cùng
xuất gia tu tập. Chẳng hạn, gia đình cụ Đĩnh ở thôn Lang Can 3 có 7
người con thì có tới 6 người xuất gia; gia đình cụ Nguyễn Phúc Phiếm ở
thôn Lang Can 1 có 6 người con thì có tới 5 người; gia đình cụ Nguyễn
Thị Xinh thôn Lang Can 2 có tới 2 người con và 3 người cháu cùng xuất
gia…
Mẹ con chưa bao giờ cùng mâm
Ở Thanh Lang, gia cảnh bà Quách (tên thật Nguyễn Thị
Xinh) ở thôn Lang Can 2 là được nhiều người biết đến hơn cả. Bà Quách
kể, bà có 2 người con, 1 cháu gái ngoại, 1 cháu gọi bằng bá và 1 cháu
gọi bằng cô đều đi tu từ khi còn rất trẻ. Con trai duy nhất của bà là
sư thầy Thích Thanh Ngọc (thế danh là Phan Nhật Ngọc, SN 1974), hiện là
Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Kim Thành và trụ trì chùa Phúc
Thành. Chị gái Thích Bảo Quyên (thế danh là Phan Thị Thu, SN 1968), trụ
trì chùa Phù Đậu.
Bà Quách kể: “Trước khi đi, thầy Ngọc có viết mấy chữ
để đầu giường tôi dặn rằng: “Con đi không về thì mẹ đừng tìm”. Tôi lật
gối lên nhận được thư thì lòng dạ xót xa, cuống cuồng đi tìm khắp. Tìm
mãi mới ra được tung tích, nhưng khi đến nơi thì thầy đã bỏ sang chùa
khác. Lần cuối cùng, tôi tìm để thuyết phục thầy trở lại nhà nhưng
không gặp. Tôi đành bấm bụng: “Thôi thì nếu con mình đã không thích ở
nhà với cha mẹ mà muốn đi tu thì cũng đành chịu. Giữ người ở chứ ai giữ
được người quyết đi bao giờ? Ấy thế mà khi biết tin thầy đã xuống tóc,
tôi khóc nhiều lắm. Cứ mỗi lần nhìn vào góc giường thầy nằm, nhìn vào
cái cây thầy trồng, nhìn lên bức ảnh thầy treo…tôi lại không khỏi ngậm
ngùi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, âu đó cũng là cái duyên, cái nghiệp của
thầy và của chúng tôi.
Bây giờ, thỉnh thoảng thầy cũng có về thăm tôi. Thầy
cũng có ý muốn đón tôi lên ở hẳn với thầy trên chùa nhưng tôi không đi
vì tôi ở nhà quen rồi. Những dịp lễ lớn thầy cũng có cho người về đón
tôi xuống chùa nhưng mẹ con chưa bao giờ ăn với nhau cùng mâm. Sợ mẹ
tuổi già ở nhà một mình đơn côi gối chiếc nên thầy có xin cho tôi một
đứa bé. Thầy nuôi ở chùa được tháng rưỡi thì đưa về đây. Đến giờ cháu
đã lên ba”, bà Quách nói.
Các con đường dẫn vào thôn xóm Thanh Lang đều đã được bê tông hóa.
Đi tu như một nhu cầu
Ông Tăng Bá Hoành - Chủ tịch UBND xã Thanh Lang khẳng
định: “Tất cả các trường hợp đi tu ở Thanh Lang hoàn toàn là do nhu
cầu tâm linh và niềm tin tôn giáo của cá nhân. Gia đình hay làng xã
không hề có tác động nào đến hành động ấy. Và đại đa số những người
xuất gia này khi đã gửi gắm cuộc đời mình nơi cửa Thiền đều không lấy
làm hối tiếc trước quyết định của mình dù có nhiều người đi tu từ khi
còn rất trẻ”.
Theo nhiều bậc cao niên ở thôn Kim Can và Lang Can
thì đã từng có một vài thầy phong thủy khi hay chuyện làng đã tìm về
nghiên cứu thế đất, long mạch…Một số thầy phong thủy cho rằng, nhìn từ
trên cao, đất Thanh Lang tựa như khuôn mặt người nhìn nghiêng hướng về
phía Tây. Mà theo quan niệm của người Á Đông thì hướng Tây là hướng của
Đức Phật, hướng của sự giải thoát và siêu độ. Chính vì lẽ đó mà vùng
đất này rất thịnh duyên để khởi phát nghiệp tu hành(?).
Riêng cụ Nguyễn Phúc Phiếm (81 tuổi) thì chia sẻ: Gia
đình cụ có 6 người con trong đó có 5 người xuất gia theo Phật hoàn
toàn do nhu cầu của mỗi người. “Nhà tôi vốn có truyền thống theo đạo
Phật. Thế nên, từ khi còn bé, sống trong cùng một mái nhà, các thầy đã
sớm thấm nhuần được các giáo lý của đức Phật và đã khởi tâm đi tu để
tìm cầu sự giác ngộ. Nhà tôi có tất cả 2 thầy tăng, 3 thầy ni… đều đi
tu từ rất sớm và hoàn toàn tự nguyện.”, cụ Phiếm nói.
Trên thực tế, trong rất nhiều gia đình có con cháu xuất gia ở Thanh
Lang, không phải gia đình nào cũng ủng hộ việc con mình đi tu. Đại đa
số các trường hợp đều có chung đặc điểm: Xin vào một ngôi chùa lạ nào
đó tu tập, sau khi đã xuống tóc, chính thức trở thành một nhà sư thì họ
mới trở lại thăm gia đình hoặc thông báo cho gia đình biết chuyện mình
đã trở thành người nhà Phật. Lúc này, tất cả các thành viên trong gia
đình đều phải thuận theo sự đã rồi.
Theo lẽ thường, khi đã gửi gắm cuộc đời mình vào chốn thiền môn thì
người tu hành sẽ nương vào tiếng kệ lời kinh để mong cầu sự giải thoát,
cắt đứt mọi duyên nợ trần tục và lánh xa cuộc sống phàm trần. Thế
nhưng những người xuất gia ở Thanh Lang, sau khi đã viên thành việc
Đạo, nhiều người đã quay trở lại đóng góp và xây dựng quê hương bằng
những việc làm hết sức thiết thực, ý nghĩa...
Theo Đình Chung - GĐN