Hầu
hết kháng sinh - "kho vũ khí chống lại nhiễm khuẩn" - đang dần dần vô
tác dụng, do vi khuẩn đã nhờn thuốc nghiêm trọng. Hôm nay, lần đầu tiên
Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra cảnh báo con người có nguy cơ quay trở
lại thời kỳ trước khi có kháng sinh.
Bị hắt hơi, sổ mũi, ho, đầu đầu..., người bệnh đều có
thể dễ dàng mua được thuốc chữa bệnh, kể cả kháng sinh mà không cần đơn
ở bất kỳ hiệu thuốc nào. Tình trạng người dân tự "kê" thuốc cho mình
và người thân, dược sĩ làm thay công việc kê đơn của bác sĩ tại Việt
Nam khá phổ biến.
Không những thế ngay cả bác sĩ cũng kê đơn sai. Nắm
bắt tâm lý người bệnh khi bị bệnh đều muốn khỏi thật nhanh, một số bác
sĩ, đặc biệt là phòng khám tư đã kê kháng sinh liều cao, đắt tiền. Bệnh
sẽ khỏi nhanh nhưng nếu bệnh chỉ nhẹ mà đã dùng kháng sinh thế hệ mới,
liều cao thì sẽ đến lúc vi khuẩn nhờn thuốc.
Cũng chính vì thế, Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.
Theo một báo cáo
mới đây của Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), việc kê đơn thuốc tại nước ta
còn nhiều bất cập. Trong đó, khảo sát tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội
cho thấy, số thuốc được kê trung bình một đơn là 7,06 loại, nhiều đơn
có tới 10-20 loại. Đáng chú ý, kháng sinh được sử dụng ở rất nhiều đơn
thuốc, có khoa thuốc kháng sinh được sử dụng ở 100% bệnh nhân.
Tình trạng kết hợp nhiều kháng sinh cũng rất phổ biến:
gần 42% có đơn thuốc dùng đến bốn loại. Trong khi đó, theo đánh giá
của Hội đồng thuốc và điều trị thì có một nửa số thuốc kháng sinh trong
những đơn này là không cần thiết.
Ngoài ra, kết quả kiểm tra tại một số trạm y tế cũng
cho thấy việc chẩn đoán, kê đơn, sử dụng thuốc thường do y sĩ thực hiện
và theo công thức: kháng sinh-hạ sốt-vitamin. Liều chỉ định thường cao
và kéo dài, có khi còn kê 2 kháng sinh, không tương ứng với tình trạng
bệnh được chẩn đoán.
Theo một kết quả nghiên cứu khác ở 19 bệnh viện ở Hà
Nội, TP HCM và Hải Phòng trong 2 năm từ 2009-2010 cho thấy, 4 chủng vi
khuẩn thường gặp (acinetobacter spp, pseudomonas spp, e.coli,
klebsiella) đều là những vi khuẩn đã kháng lại nhiều loại kháng sinh.
Sự kháng thuốc cao đặc biệt ở nhóm cephalosporin thế hệ 3, 4 với tỷ lệ
kháng 66- 83%, tiếp theo là nhóm kháng sinh aminosid và fluoroquinolon
tỷ lệ kháng xấp xỉ trên 60%.
Thực trạng nhiều loại kháng sinh không còn hiệu quả điều trị ngày
càng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Cũng
vì thế, chủ đề ngày Sức khỏe thế giới (7/4) năm nay là Chống kháng thuốc: Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, việc coi kháng sinh như một loại thuốc "thần dược" chữa được tất cả các loại bệnh
nhiễm trùng, sử dụng kéo dài, lạm dụng trong điều trị đã tạo điều kiện
cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc. Do vậy, nhiều loại
kháng sinh đã bị kém hoặc không còn tác dụng trong điều trị.
"Gần đây, nhiều nhà khoa trên thế giới đã liên tiếp
thông báo ghi nhận sự xuất hiện gene kháng thuốc của vi khuẩn đối với
một số loại kháng sinh nhóm carbapennem, một nhóm kháng sinh thế hệ
mới, đã dấy lên sự lo ngại về sự biến đổi mạnh mẽ của các loại vi khuẩn
siêu kháng thuốc", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo ông, tại Việt Nam một số nghiên cứu cũng
phát hiện một số loại vi khẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Một số kháng
sinh thông thường như: penicillin, tetracycline, streptomycine... gần
như không còn tác dụng với nhiều loại vi khuẩn.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, bà Margaret Chan
đã đưa ra lời cảnh báo về khả năng quay trở lại thời kỳ trước khi thuốc
kháng sinh được phát triển nếu không có một hành động toàn cầu ngay
lập tức để giải quyết vấn đề kháng thuốc đang ngày càng trầm trọng.
Sự phát triển khả năng kháng thuốc của vi khuẩn là một
quá trình tự nhiên sớm muộn cũng sẽ xảy ra với mọi loại thuốc. Thế
nhưng, quá trình tự nhiên này ngày càng xảy ra nhanh hơn và được củng
cố bởi chính sự lạm dụng một cách bừa bãi của con người.
"Kho 'vũ khí' điều trị của con người đang co hẹp dần.
Tốc độ mất đi những loại thuốc thiết yếu đó nhanh hơn tốc độ phát triển
các loại thuốc thay thế rất nhiều. Trong thực tế, hệ thống cung ứng
nghiên cứu và phát triển các loại thuốc kháng sinh mới gần như đã cạn
kiệt", bà Chan nhận định.
Các chuyên gia khuyến cáo, kháng sinh được ví như của
"của để dành" để dùng trong những trường hợp thực sự nguy cấp vì thế
không nên lạm dụng nó. Khi có bệnh nên đi khám chứ không tự ý uống
thuốc, đặc biệt là kháng sinh. Khi uống cần tuân thủ 4 quy tắc: đúng
chỉ định, liều lượng, thời gian và cách dùng.
Theo Nam Phương - VNE