Chúng tôi hân hạnh giới thiệu một công trình nghiên
cứu mới nhất của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn về ăn chay và loãng xương. Đây
là một hợp tác giữa Đại học Y Phạm Ngọc Thạch và Viện nghiên cứu y khoa
Garvan (Úc). Công trình nghiên cứu vừa công bố trên Osteoporosis
International và lập tức gây chú ý của báo chí thế giới, từ Úc, Âu châu,
Mỹ và New Zealand. Đây là bản lược dịch của bản tin trên báo tiếng Anh.
Một nghiên cứu so sánh sức khỏe xương giữa một nhóm gồm
105 nữ tu sĩ Phật giáo và 105 người ăn mặn tại Thành phố Hồ Chí
Minh cho ra một kết quả ngạc nhiên: người ăn chay có mật độ xương
như người ăn mặn.
Công trình nghiên cứu hợp tác giữa Bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan thuộc
Đại học Y Phạm Ngọc Thạch và Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn thuộc Viện
nghiên cứu Y khoa Garvan (Australia). Kết quả của nghiên cứu mới
được công bố trên tập san y khoa quốc tế
Osteoporosis International vào ngày hôm nay.
“Ở các nước phương Tây, có khoảng 5% dân số ăn chay, và đối với
những người này, đây là một tin vui,” Giáo sư Nguyễn nói như thế.
“Ngay cả người ăn chay thuần túy, tức chỉ ăn thực vật và trái cây,
xương của họ cũng tốt như xương của mọi người khác.”
“Sức khỏe xương của người ăn chay, nhất là người ăn chay thuần
túy như tu sĩ Phật giáo, từng là mối quan tâm của giới y khoa, bởi
vì họ ăn ít lượng đạm và calxi so với cộng đồng người ăn mặn.”
“Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ ra rằng mặc dù các tu sĩ ăn
chay quả thật có lượng đạm và calxi thấp, nhưng mật độ xương trong
cơ thể họ hoàn toàn chẳng có khác gì so với những người ăn thực
phẩm với nhiều chất đạm động vật.”
“Lượng calxi mà các tu sĩ Phật giáo trong nghiên cứu của chúng
tôi rất thấp, chỉ khoảng 370 mg mỗi ngày (trong khi đó lượng cần
thiết là khoảng 1.000 mg). Họ cũng ăn ít lượng đạm, trung bình chỉ
khoảng 35 g mỗi ngày, so với người ăn mặn là 65 g.”
Giáo sư Nguyễn và Bác sĩ Thục Lan chọn các tu sĩ Phật giáo tại
Việt Nam, thay vì những người ăn chay theo cách của người phương
Tây, để tìm hiểu ảnh hưởng của chế độ ăn chay vì các tu sĩ chỉ
thuần túy ăn chay trong một thời gian rất dài.
“Còn người phương Tây ăn chay có sử dụng trứng và có khi cá hay
hải sản, cho nên nghiên cứu ở những người này có thể kết quả sẽ
không rõ ràng như nghiên cứu trên nhóm ăn chay thuần túy,” Giáo sư
Nguyễn giải thích.
“Các nữ tu sĩ Phật giáo được mời tham gia vào công trình nghiên
cứu hiện đang tu tại 20 chùa viện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Người
ăn mặn có cùng độ tuổi với người ăn chay được mời tham gia cũng là
những cư dân chung quanh chùa trong Thành phố.”
Mặc dù Giáo sư Nguyễn và Bác sĩ Thục Lan không kêu gọi mọi người
nên ăn chay, nhưng họ chỉ ra rằng một chế độ ăn uống với nhiều rau
quả có tác dụng tích cực đến sức khỏe của xương.”
Họ cũng lưu ý rằng nghiên cứu này chưa đo lường nồng độ vitamin
D, cũng là một yếu tố quan trọng cho việc duy trì sức khỏe của
xương.
http://news.smh.com.au/breaking-news-national/good-bone-health-news-for-vegetarians-20090417-a9jg.html
Theo: ykhoanet.com