Y học & Sức khỏe
Chọn lối ăn chay
Hoàng Thị Như Huy
06/10/2013 16:52 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Ăn chay theo quan niệm của đạo Phật là ăn thuần rau củ, đượ hình thành từ lời giáo huấn của Đức Phật: cấm sát sinh.

Tu sĩ ăn chay để hành đạo; vua chúa ăn chay để mưu cầu thái bình thịnh trị cho giang san; dân chúng ăn chay vì lòng từ bi, muốn tránh điều tội lỗi sát sinh, tích đức cho kiếp sau của mình…vì thế, nhất nhất họ không vì nhu cầu  ham muốn khoái khẩu của bản thân mà sát hại những sinh linh vô tội.

Kể từ khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, đến vùng châu thổ sông Hồng rồi theo quá trình mở cõi, lan tỏa xuống phương Nam, dòng chảy Văn hóa Phật giáo đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tâm linh của những cộng đồng dân cư theo đạo Phật. Họ đã chọn ăn chay theo các thời buổi nhị trai (mỗi tháng 2 ngày), tứ trai (mỗi tháng 4 ngày), lục trai (mỗi tháng 6 ngày), thập trai (mỗi tháng 10 ngày), nhất nguyệt trai ( một tháng trong năm, thường là tháng Bảy âm lịch), tam nguyệt trai ( ba tháng từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Bảy), hay thường trai (ăn chay quanh năm, kể từ lúc đã phát nguyện)…tùy tâm nguyện và mức chịu đựng sự kham khổ trong nhu cầu ẩm thực.

Nhưng bữa cơm chay đơn thuần của kẻ chơn tu luôn chỉ là cơm, rau, tương, muối, rất đạm bạc nhưng thanh khiết, tinh tế và không thiếu các chất dinh dưỡng từ những thực vật được dùng phổ biến như đậu tương, vừng , đậu lạc, nấm các loại, rau xanh, củ quả các loại…Nếu người nấu biết thường xuyên thay đổi thực phẩm và nấu nhiều kiểu khác nhau, sẽ tạo nên nhiều món ăn rất  ngon miệng và đẹp mắt. Những món cơ bản để làm nên mâm cổ chay gồm: nước tương, thỏi mì căn, giò lụa phù chúc, khuôn đậu phụ. Rau gia vị gồm cây poa rô, sả, kiệu…từ đó người đầu bếp khéo chế biến  thành ra hằng hà sa số món khác tùy lúc, tùy mùa, tùy sở thích người ăn.

Gần đây trên thị trường thực phẩm chay ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Saigon, Đà Nẵng, Hải Phòng…xuất hiện nhiều thực phẩm chay đóng gói đông lạnh từ Đài Loan, Hồng Kông…là sản phẩm hàng loạt do ngành công nghệ thực phẩm sản xuất. Mẫu mã thực phẩm do ngành công nghiệp làm ra  rất tinh xảo. Chỉ từ khối gluten của tinh bột, các khuôn máy ép đã tạo hàng loạt hình thù con cá, con tôm, con ốc, mực, vịt, gà ..rất đẹp mắt và giống thật. Người nấu chay chỉ biết đi mua để nhanh chóng biến thành món ăn trên mâm cỗ chay của mình. Vào tiệc, kẻ tấm tắc khen đẹp, kẻ lại chê bai, đàm tiếu: “Ăn chay mà cứ tơ tưởng tôm, cua, gà, vịt…”

Nếu muốn có cái đẹp trong món ăn, không nhất thiết phải bày biện những con cá, con tôm giả, mà sự tinh tế vốn không do bàn tay  khéo léo nặn nên. Cái đẹp thanh thoát của món ăn chay thuần Việt bao đời qua đã thể hiện ngay trong dĩa rau luộc xanh rì, miếng đậu phụ rán vàng mơ, quả cà chua nhồi màu đỏ thắm, đĩa nấm xào trắng bóc…mỗi thứ một ít bày biện trong đĩa bát sạch tinh, tạo nên mâm cơm đầy hương sắc tự nhiên của đất trời.

Riêng tôi, mỗi khi được mời đi hướng dẫn các đại tiệc chay phục vụ chư tôn quốc tế, các lễ hội chùa…tôi luôn cảm thấy dị ứng  khó chịu khi có ai đó yêu cầu mua những thức ấy. Bởi lòng tôi vẫn luôn mong muốn  làm những điều thật giản dị thiết thực cho những người quanh tôi. Từ lọn rau, bó cải mua về để nấu cỗ chay, ít nhiều tôi cũng góp phần  giúp được người trồng trọt bán ra những sản phẩm mà họ trồng trên những luống đất thấm mồ hôi chính họ; rồi thực khách ăn những món chay do tôi hướng dẫn nấu nướng sẽ được ăn những thực vật tươi sống hằng ngày rất dễ tiêu hóa, giàu sinh tố mà không bị nhiễm độc bởi những hóa chất bảo quản. Và trên tất cả là thuận lời Phật dạy: ăn chay là tâm thực, ý thực. Ta nghĩ đến cái gì khi ăn, tức là đang ăn cái ấy. Lẽ nào ngồi vào mâm cỗ, người tu hành lại đưa đũa gắp con cá, con ốc…dẫu cho chỉ là ốc chay, cá chay?

Từ những tâm nguyện ấy mà nhiều năm qua dù chưa là Phật tử, chưa vào chùa phát nguyện quy y tôi đã nhiều lần được chọn làm sứ giả đi phổ biến văn hóa ẩm thực chay của Phật giáo Việt Nam khắp mọi vùng đất nước. Những lần như thế, dù phải tất bật vất vả bên bếp lửa nóng hừng hực làm đẫm mồ hôi, nhưng để nấu nên những món ăn chay thuần Việt, bày ra mâm cỗ chỉ toàn hương vị cây lành trái ngọt quê hương, lòng tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình đã làm được điều Phật dạy, góp phần giúp bạn hữu khắp nơi chọn lối ăn chay thuần khiết cỏ cây, có lợi cho sức khỏe và giảm đi những hành vi sát sanh thô bạo trong đời.

TẠP CHÍ VĂN HOÁ PHẬT GIÁO SỐ 111 – VU LAN |  HOÀNG THỊ NHƯ HUY

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch