Theo đó, các món chay không còn hạn hẹp ở mức là những thức
ăn, đồ uống đạm bạc kiểu cơm trắng, rau dưa, đậu phụ, muối mè… như suy
nghĩ một thời. Món chay bây giờ được nâng lên tầm nghệ thuật ẩm thực
chay với đủ cung bậc cao thấp, cầu kỳ, tinh túy không khác gì các món
mặn ngon hấp dẫn người thưởng thức trên một bàn yến tiệc sang trọng.
Trong cõi tâm linh
Có vô vàn lý do khiến số người ăn chay mỗi ngày lại đông dần thêm.
Theo triết lý “Tứ diệu đế” của nhà Phật thì 4 chân lý diệu kỳ: khổ –
tập – diệt – đạo hướng con người ta đến giá trị sống hướng thiện và
nhân bản. Muốn thoát khổ phải từ bỏ mọi ham muốn thái quá trong cuộc
sống, muốn vậy phải thực hành đạo. Một trong nhiều phương cách giúp con
người đạt tới chân lý trên là ăn chay. Ở góc độ tâm linh, không chỉ
bậc tu hành ăn chay trường mà phật tử cùng những người có tâm hướng về
Phật cũng thường thực hành ăn chay theo nhiều mức độ thời gian: tuần,
tháng, năm. Có người ăn chay 3 tháng/năm, có người ăn chay 1 tháng vào
dịp rằm tháng 7, lại có người ăn tháng đôi ngày mồng 1 và rằm … tùy
điều kiện và tâm nguyện của mình. Người ta tự hiểu rằng ăn chay để
tránh sát sinh, để hành thiện và tích đức. Ăn chay đã trở thành một
việc hiển nhiên. Chị Ngọc Định, giáo viên trường Võ Thị Sáu kể rằng,
nhóm bạn chị thường ăn chay vào các ngày rằm và mồng 1, riêng tháng 7-
mùa vu lan báo hiếu mẹ cha, mùa xá tội vong nhân, chị tuyệt nhiên không
ăn mặn bữa nào suốt tháng. Còn như anh Minh Lê có bà và mẹ anh là
những phật tử, từ nhiều năm nay, thực hành ăn chay vào dịp tuần rằm trở
thành nếp sống trong gia đình, vì vậy với anh, điều này cũng thành
thói quen; đó cũng là những ngày anh hay đi lễ chùa. Đến cửa Phật theo
anh tâm phải tịnh, sạch và không sát sinh bằng cách ăn chay. Chị Thu
Hà, chủ tịch hội đồng quản trị công ty dệt Phước Long, chị Lan Hương –
một cán bộ tài vụ thường ăn chay vào các ngày tuần rằm. Bác sĩ Kim
Hưng (nguyên giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM đã thực hành ăn chay
trường từ nhiều năm nay). Việt Nam có khoảng 10 triệu người theo đạo
Phật, số người thực hành ăn chay như chị Ngọc Định, anh Minh Lê, chị
Thu Hà và bác sĩ Kim Hưng… hẳn không ít, và những người ăn chay theo
chế độ ổn định như trên tất sẽ rất nhiều.
Cơm chay thập cẩm được chế biến với nhiều loại rau, củ, quả.
Và… cuộc sống đời thường
Ngày nay kinh tế phát triển, bữa ăn của nhiều gia đình sung túc với
đủ sơn hào hải vị theo ý thích; nhưng câu châm ngôn “ bệnh từ miệng mà
ra” dường như là 1 lưu ý nhỏ trong vấn đề ăn uống và sức khỏe. Đây cũng
là câu được chị Mai – một công chức ở Q.1 rất tâm đắc. Chị nghĩ rằng
giới văn phòng khá hiểu biết về chuyện ăn uống và tập luyện. Ăn nhiều
thịt cá, đạm động vật dễ khiến cơ thể nhiễm bệnh tật. Nhất là ngày nay,
có không biết bao nhiêu loại hóa chất độc hại được người ta đưa vào
quá trình chăn nuôi gia súc, trồng trọt và sản xuất rau quả… Từ thuốc
kích thích tăng trưởng vật nuôi cây trồng, đến bảo quản thực phẩm rau
quả, ngừa dịch bệnh vv… những thứ mà lượng tồn dư lại trong cơ thể con
người ắt sẽ để lại hậu quả xấu cho sức khỏe về lâu dài. Bớt thịt cá,
thêm rau trái vào bữa ăn hàng ngày giúp cơ thể thanh tịnh cũng là cách
giữ cho mình mạnh khỏe và…lâu già. Bởi thế, là chủ bếp gia đình, chị
Mai thường tổ chức những bữa cơm chay thanh đạm cho cả nhà vào các ngày
tuần rằm. Và khi có dịp, chị lại cùng bạn bè đến nhà hàng, quán chay
để tránh món mặn, vừa tìm thấy sự thanh thản tâm hồn trong không gian
gợi một chút thiền ở nhà hàng, lại vừa được thưởng thức món ngon của
các đầu bếp chay tài hoa. Theo chị, với sự phong phú của thực đơn chay,
lượng dinh dưỡng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết của cơ thể.
Rau cải và nấm rơm là nguyên liệu chính cho món chay này.
Chàng trai trẻ Tuấn Minh – một học sinh trung học khoe rằng, cậu hay
theo mẹ lên chùa, có dịp trò chuyện cùng bạn bè của mẹ, đặc biệt là ni
cô Mỹ Lộc ở chùa Định Huệ cùng Đại sư Giác Hoàng ở Tịnh xá Trung Tâm
(Q. Bình Thạnh), được ăn cùng các sư và ni cô nhiều bữa cơm chay, cậu
rất phục tài chế biến của đầu bếp bởi dù vắng bóng thịt cá mà các món
ăn vẫn rất ngon miệng. “Cảm giác nhẹ bụng và chút tin tưởng rằng tránh
được sát sinh khiến em thấy vui. Vả lại, cũng có lợi cho sức khỏe: da
bớt mụn trứng cá và không hề thấy ốm yếu…”- Minh hồn nhiên khoe.
Trong cuộc sống hiện đại, những căn bệnh hiểm nghèo: ung thư, tiểu
đường, tai biến, béo phì, gout…dường như ngày càng phổ biến khiến con
người không khỏi lo lắng cho sức khỏe của mình, phải chăng vì thế mà có
nhiều người ăn chay để tránh chất béo, ngừa cholesterol cho cơ thể.
Thực tế ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM… dễ tìm thấy rất nhiều
quán chay, nhà hàng chay trên các con phố từ khu trung tâm tới vùng
ven. Vào những ngày rằm, mồng 1 thì không ít nhà hàng mà khi tới đó bạn
phải ngạc nhiên bởi sự đông đúc, tấp nập khách. Thậm chí đến Thuyền
Viên (Q. Bình Thạnh), Hoa Đăng (Q.1)… vào giờ cao điểm, có đôi lúc bạn
phải đợi chờ khá lâu hoặc ra về vì… hết chỗ, dù số lượng khách được
phục vụ ở đây đã lên tới con số hàng trăm người. Thế mới biết ăn chay
thu hút đông đảo người như thế nào và nhận xét ăn chay đang trở thành
trào lưu quả là không ngoa!
Đậu phụ tẩm bột rán được chế biến khéo léo, trông rất hấp dẫn.
Phong phú thực đơn
Không thể nói thực đơn chay
nghèo nàn và kém hấp dẫn hơn thực đơn mặn. Từ nguồn nguyên liệu chính
là rau củ quả vốn giàu hàm lượng dinh dưỡng sẵn có: vitamin, flavonoid,
caroten, giàu chất antioxydans – những chất cần thiết cho cơ thể, ít
acid béo bão hòa, ít cholesterol… các đầu bếp chay bằng đôi bàn tay
khéo léo của mình đã tạo ra hàng trăm món ngon với đủ hương vị cuốn
hút, màu sắc hấp dẫn và độ bổ dưỡng chẳng thua gì các món ăn được chế
biến từ nguyên liệu heo, gà, cá, tôm, cua, trứng…Đến nhà hàng chay, bạn
có thể tìm được món ăn mình ưa thích trong menu hàng trăm món được
giới thiệu, từ bình dân, cao cấp đến đặc sản…từ cách chế biến thuần túy
Việt đến phong cách ẩm thực Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ… Thậm chí nhà
hàng Organic ở Q.1 khai trương chưa lâu nhưng nổi tiếng với các món Mì
Spaghetti sốt kem lá quế, Mì Udon sốt kem nấm, Nui đút lò, Carry
Organic…theo phong cách Ý, Pháp rất cuốn hút thực khách.
Ngoài món ăn, đồ uống chay cũng khá đa dạng. Trong các điều trì giới
của người ăn chay cần kiêng kỵ loại thức uống chứa cồn như bia rượu,
nhưng menu thức uống của các nhà hàng chay vẫn đáp ứng được nhu cầu
thưởng thức của thực khách. Ngoài thức uống thông thường được chế biến
từ những loại hạt như: đậu nành, mè, đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen, đậu
ván… và rau trái đủ loại, thì nhiều nhà hàng còn phục vụ loại bia chay
mà hương vị và độ ngon không kém gì loại bia thường. Người viết bài đã
từng đôi lần được dùng cơm chay cùng đại sư Thích Thanh Phong – trụ trì
chùa Vĩnh Nghiêm, và được thưởng thức món bia chay ở Việt Chay. Sư
thầy cho biết, quan niệm ăn chay không dừng ở sự tâm linh, dành cho
người tu hành khổ hạnh và cần tịnh tâm, thức ăn chay giờ được chế biến
công phu, cầu kỳ, thậm chí nhiều món được nâng lên mức nghệ thuật, đáp
ứng được khẩu vị của đủ mọi tầng lớp, đối tượng trong xã hội nên không
chỉ hấp dẫn về hình thức, ngon về chất mà còn rất bổ dưỡng cho cơ thể.
Trong thế giới ẩm thực vô cùng phong phú, chay là một thế giới riêng đa
màu sắc của những món ăn mà bàn tay tài hoa, khéo léo của người chế
biến tạo nên với đủ cung bậc, khó lòng đong đếm được.
Phở chay Hà Nội
Những không gian đẳng cấp
Các nhà hàng quán chay được mở ra để đáp ứng nhu cầu của thực khách
ngày càng tăng. Ở TP.HCM, địa bàn quận nào cũng có. Chỉ cái nhấp chuột
nhẹ vào Google bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên với danh sách dài những nhà
hàng quán chay ở khắp các quận: 1, 3, 5, Bình Thạnh, Phú Nhuận… Ở đó,
bạn có thể tìm được địa chỉ mình ưa thích, bao gồm cả bình dân và cao
cấp. Thậm chí bạn muốn thưởng thức một không gian theo phong cách Á, Âu,
Việt… hoặc đầy màu sắc tâm linh mang đậm nét thiền, hay phảng phất
chút huyền bí Tây Tạng cũng có thể tìm được ở Sài Gòn. Một số nhà hàng,
quán chay có từ nhiều năm như Thuyền Viên (Q.Bình Thạnh), Giác Đức
(Q.3), Việt Chay (trong khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm)… lúc nào cũng đông
khách, ngày thường cũng như tuần rằm. Không gian được bài trí đơn
giản, thân thiện, giá cả phải chăng, những nơi này đã trở thành điểm ẩm
thực quen thuộc của khá nhiều người. Họ ghé ăn tại chỗ hoặc gọi món
mang về nhà.
Một người bạn ở Hà Nội có dịp vào TP.HCM công tác được tôi mời đi ăn
cơm chay. Chút ngỡ ngàng thoáng qua trên gương mặt bạn khiến tôi hiểu
có thể bạn không mặn mà lắm với lời mời mà đang hình dung tới những món
ăn đạm bạc, khổ hạnh của một người mộ đạo, hoặc dễ dãi trong ăn uống
như tôi, lại ăn trong quán nhỏ xô bồ nào đó. Song, bước vào không gian
mát lạnh của Hoa Đăng, trong ánh đèn vàng ấm cúng tỏa ra từ những chiếc
đèn hoa sen hướng Phật, hàng trúc thanh cảnh bên lối vào, những bộ
salon, bàn ghế êm ái, lại được sự ân cần, cởi mở của nhân viên phục vụ
cùng 1 menu phong phú món ăn…, bạn không khỏi ngỡ ngàng. Để rồi sau khi
thưởng thức, sự hài lòng thỏa mãn xen lẫn thán phục còn vương trên
gương mặt tươi vui.
Dừng
chân ở Organic, thưởng thức món chay theo phong cách Á hoặc Âu trong
kiến trúc hài hòa kiểu Pháp của ngôi biệt thự sang trọng, hẳn khách sẽ
thấy thư thái tâm hồn trước mọi ồn ào phố thị bị lùi lại phía sau. Ngon,
lạ miệng nhưng quả thực không gian phảng phất chút tĩnh lặng nơi cửa
thiền mà ấm áp, thân thiện của các nhà hàng chay khiến cảm giác ngon
miệng tăng thêm, đúng là “ăn không gian và uống cả không gian”, thật
đẳng cấp!
Nguồn: Tạp Chí Thời Trang Trẻ