Bộ trưởng Nội vụ Pháp Claude Guéant tuyên bố muốn ngăn cấm mọi biểu hiện tôn giáo tại chốn công cộng (AFP)
Trong một tuyên bố chung được nhật báo
Công giáo La Croix đăng tải vào hôm nay, các lãnh đạo Công giáo, Tin
lành, Chính thống giáo, Hồi giáo, Do thái giáo và Phật giáo tại Pháp đã
đồng thanh bác bỏ cuộc tranh luận này.
Tập hợp trong cơ chế gọi là Hội đồng
Giới chức Trách nhiệm Tín ngưỡng tại Pháp CRCF, các vị lãnh đạo tôn giáo
đã nhấn mạnh đến hệ quả tai hại của việc này và tự hỏi : « Trong tình
hình hiện nay, liệu có cần đến một cuộc tranh luận về chủ nghĩa thế tục
hay không ? ».
Theo các chức sắc như Đức Hồng Y André
Vingt-Trois, đại diện Công giáo, Mục sư Claude Baty, đại diện Tin lành,
Đại tu sĩ Gilles Berheim của đạo Do Thái, Mohammed Moussaoui, đại diện
Hồi giáo, « tranh luận luôn luôn là dấu hiệu của sức sống lành mạnh. Đối
thoại cũng luôn luôn là một điều cần thiết. Thế nhưng liệu một đảng
chính trị, dù đó là đảng đa số đi chăng nữa, có phải là cơ chế tốt để tự
mình tiến hành tranh luận hay không ? »
Hồi giữa tháng Hai, Tổng thống Pháp
Nicolas Sarkozy đã khuyến khích đảng cánh hữu UMP của ông khởi động một
cuộc tranh luận về chủ nghĩa thế tục và vị trí của Hồi giáo trong xã hội
Pháp. Ý tưởng này lập tức được đảng UMP thực hiện, và đảng này lên kế
hoạch để tổ chức vào ngày 05 tháng 4 tới đây một cuộc tranh luận về "chủ
nghĩa thế tục, vị trí các tôn giáo, đặc biệt là Hồi giáo".
Cộng đồng Hồi giáo (từ 5 đến 6 triệu
người tại Pháp) đã bày tỏ ngay thái độ quan ngại của mình về cuộc tranh
luận vốn đã bùng lên gay gắt trong giới chính trị, kể cả trong các chính
khách thuộc phe đa số đang cầm quyền. Một số lãnh đâọ cánh hữu cho đấy
là dấu hiệu cho thấy là Tổng thống Sarkozy đang "hữu hóa". Họ lo ngại
rằng chủ trương này hợp pháp hóa thành phần cực hữu, vừa khẳng định đà
vươn lên trong cuộc bầu cử địa phương.
Ngay từ tuần trước, Giáo hội Công giáo
Pháp đã tỏ thái độ bất đồng tình khi Đức ông Bernard Podvin, phát ngôn
viên Hội đồng Giám mục Pháp cho rằng : "Cảm giác của chúng tôi là cuộc
tranh luận đó mang dấu ấn quá đậm của một lịch trình tranh cử". Mục sư
Tin Lành Claude Baty, và Đại tu sĩ Do thái giáo Gilles Bernhiem cũng
cùng một suy nghĩ, và không ngần ngại cho rằng cuộc tranh luận đó hoàn
toàn « không lành mạnh».
Theo RFI