Thiền sư Nhất Hạnh lý giải mối quan hệ giữa tâm linh và môi trường
Bài viết: "Thiền sư Nhất Hạnh lý giải mối quan hệ giữa tâm linh và môi trường" Nguồn: Làng Mai
02/12/2016 12:58 (GMT+7)


Thiền sư Nhất Hạnh nói để đối phó với những thách thức của môi trường, chúng ta cần có một cuộc cách mạng tâm linh.

Thiền sư Nhất Hạnh có 70 năm kinh nghiệm thực tập thiền và chính niệm. Từ Thầy tỏa ra một sự bình an và tĩnh lặng lạ thường. Đây là con người đang sống những gì mình nói, con người được giới phật tử coi như một vị Bồ tát, không ngừng tìm kiếm những cách thức tốt nhất để giúp người.

Ngay từ những ngày tháng trực tiếp sống và đối mặt với cuộc chiến thảm khốc tại Việt Nam, vị Thầy hiện đã 86 tuổi này đã phát nguyện cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp hòa bình và hóa giải xung đột. Năm 1967, mục sư Martin Luther King đã đề cử Thầy cho giải Nobel Hòa Bình vì theo mục sư “những ý tưởng của Thầy về hòa bình, nếu được áp dụng, sẽ dựng lên một lâu đài vĩ đại, bất hủ cho tiến trình hòa hợp tôn giáo, cho tình huynh đệ thế giới và cho nhân loại”

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi những năm gần đây, Thầy không chỉ chú trọng tới việc hòa giải xung đột trong mối quan hệ giữa người với người, mà còn hướng sự quan tâm tới hành tinh xanh của chúng ta – nơi nương náu của mọi loài.

Thầy, như hàng ngàn thiền sinh và đệ tử vẫn gọi, thấy rằng vì đời sống thiếu ý nghĩa, thiếu sự liên hệ mật thiết với nhau mà chúng ta trở thành con nghiện của chủ nghĩa tiêu thụ. Chúng ta cần phải nhận ra và ứng phó với những áp lực mà chúng ta đang gây cho Trái Đất nếu nhân loại muốn sống sót.

Điều mà đạo Bụt có thể đóng góp cho nhân loại là nhận diện những khổ đau ta đang gánh chịu và một con đường thoát khổ là trực tiếp đối diện, mà không phải tìm cách trốn tránh hay khỏa lấp bằng những công việc, mua sắm, giải trí hay chăm chút làm đẹp. Những ham muốn về danh vọng, giàu sang, quyền lực và tình dục chỉ có tác dụng tạo nên ảo giác về hạnh phúc mà không phải là hạnh phúc đích thực, kết cục chỉ làm trầm trọng thêm những cảm giác trống trải, xa cách.

Thầy lấy ví dụ câu chuyện của một tỷ phú, điều hành một trong những tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ. Ông này tới tham dự một khóa tu với Thầy, kể về những khổ đau, lo lắng và nghi ngờ của ông. Ông nghĩ rằng mọi người đến với ông chỉ vì muốn lợi dụng, nên ông chẳng có ai để làm bạn.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Làng Mai – một trung tâm thiền tập của Thầy gần Bordeaux, Thầy đã chỉ rõ tại sao chúng ta lại cần một cuộc cách mạng tâm linh khi phải đối mặt với vô số thách thức về tình trạng môi trường hiện nay.

Trong khi các chuyên gia khác chỉ tập trung nói về sự phức tạp và khó khăn của vấn đề, như sự hủy diệt của hệ sinh thái, nạn tuyệt chủng của hàng triệu loài sinh vật, thì Thầy nhìn xuyên suốt được vấn đề hóc búa này, và chỉ cần một "lát dao bén" của Thầy là có thể tháo gỡ được.

Vượt thoát ý niệm “môi trường”

Thầy nói rằng chúng ta phải vượt thoát ý niệm về môi trường, vì điều này khiến mọi người có cảm tưởng bản thân mình và Trái Đất là hai thực thể riêng biệt và trái đất phải phục vụ cho con người.

Chỉ khi ta công nhận con người và hành tinh này hoàn toàn là một và đồng nhất thì mới thay đổi được được tình trạng.

Thầy nói: “Bạn đang mang Mẹ Đất trong bạn. Mẹ Đất không ở bên ngoài. Mẹ Đất không chỉ là môi trường. Mẹ Đất là bạn. Nhìn bằng tuệ giác tương tức đó, chúng ta mới có thể thực sự truyền thông với Mẹ Đất, đó là hình thức cầu nguyện tối ưu nhất. Trong mối tương quan này, bạn có đủ tình thương, sức mạnh và sự thức tỉnh để thay đổi cuộc sống của bạn. Thay đổi, không chỉ là thay đổi những yếu tố bên ngoài ta. 

 
Trước hết, chúng ta cần có chính kiến – cái thấy đúng – để vượt thoát mọi ý niệm, kể cả ý niệm về có và không, về tạo hóa và tạo vật, về tâm và vật. Tuệ giác này rất cần cho sự chuyển hóa và chữa lành. Chúng ta sợ hãi, xa cách, hận thù, sân giận là do cái thấy sai lầm cho rằng chúng ta và Trái Đất là hai thực thể riêng biệt, Trái Đất chỉ là môi trường. Chúng ta coi mình là tâm điểm và muốn làm điều gì đó cho Trái Đất để chúng ta có thể sống sót. Đó là cái thấy nhị nguyên.

Vì vậy để cứu lấy Đất Mẹ, bạn hãy thở vào, ý thức về cơ thể bạn và nhìn sâu vào cơ thể để thấy rằng bạn là Trái Đất, và tâm thức bạn cũng là tâm thức của Trái Đất. Không chặt phá rừng, không làm ô nhiễm nguồn nước – chừng ấy chưa đủ.”


Đặt cho thiên nhiên một giá trị kinh tế là chưa đủ

Mùa xuân này Thầy sẽ tới nước Anh để hướng dẫn một khóa tu 5 ngày và một ngày hội thảo về chính niệm trong lĩnh vực giáo dục. Thầy nói hiện nay trong giới kinh tế và kinh doanh xuất hiện trào lưu cho rằng cách tốt nhất để bảo vệ hành tinh là đặt cho môi trường thiên nhiên một giá trị kinh tế, như vậy thì chẳng khác nào băng bột lên một vết thương.

Tôi không nghĩ là biện pháp đó đem lại hiệu quả. Chúng ta cần một sự thức tỉnh và giác ngộ thực sự để thay đổi cách suy nghĩ và nhìn nhận sự việc của chúng ta. Muốn thay đổi tận gốc thì thay vì đặt lên cho những khu rừng và thảm san hô những trị giá nào đó, ta phải thương yêu Đất Mẹ trở lại. 

“Trái Đất không thể được miêu tả bằng vật chất hay tinh thần. Vật chất và tinh thần chỉ là khái niệm. Thực chất chúng là hai mặt của cùng một thực tại. Cây tùng kia không chỉ là vật chất, bởi vì trong nó có chứa cái thấy biết của nó. Một hạt bụi không chỉ là vật chất bởi từng nguyên tử trong hạt bụi đều là một thực thể sống và có trí thông minh. Khi ta nhận ra những đức hạnh, tài năng và vẻ đẹp của Mẹ Đất, thì trong ta sẽ nảy sinh một cái gì đó. Cái đó là sự tương quan mật thiết giữa ta với Đất Mẹ, là tình thương của ta dành cho Đất Mẹ. Chúng ta muốn được kết nối, muốn tương quan, muốn được là một, đó là ý nghĩa của tình thương. Khi thương một người nào đó, ta muốn nói ta cần người đó, ta muốn nương tựa vào người đó. Ta làm tất cả vì lợi ích của Đất Mẹ và Đất Mẹ sẽ làm tất cả cho sự an vui của chúng ta.”

Trong giới kinh doanh, Thầy lấy ví dụ của Yvon Chouinard, người sáng lập và sở hữu của công ty may mặc Patagonia. Ông đã kết hợp giữa việc phát triển kinh doanh thành công với sự thực tập chính niệm và từ bi. Thầy khẳng định: “Làm giàu theo cách không tàn phá, đề cao công bằng xã hội, làm tăng sự hiểu biết, giảm thiểu khổ đau đang tồn tại quanh ta là điều ta có thể thực hiện được. Nhìn cho sâu, ta thấy ngay trong thế giới kinh doanh ta có thể mang lại nhiều hạnh phúc cho ta và cho người khác. Và như vậy thì công việc của ta có ý nghĩa.”

Thầy, người đã viết hơn 100 cuốn sách, chỉ ra rằng sở dĩ ta đánh mất sự tương quan mật thiết với nhịp điệu tự nhiên của Đất Mẹ là do rất nhiều căn bệnh thời đại gây ra và thậm chí là do ta đổ lỗi cho Đất Mẹ một cách vô thức mà ta không hề hay biết, cũng giống như ta hay đổ lỗi cho những khổ đau bất hạnh của ta là do cha mẹ gây ra.

Trong bài viết Lời Khấn Nguyện Đất Mẹ mới đây, Thầy viết “Trong chúng con, có những người oán hận Mẹ vì mẹ đã sinh ra họ và làm họ khổ, đó là bởi vì họ chưa có khả năng hiểu được Mẹ và chưa biết trân quý Mẹ.”

Chính niệm giúp ta thiết lập lại mối tương quan mật thiết giữa ta và Đất Mẹ

Thầy đưa ra rất nhiều bằng chứng để chứng tỏ chính niệm có thể giúp loài người tiếp lập lại mối tương quan mật thiết giữa mình với Đất Mẹ bằng cách sống chậm lại và trân quí tất cả những món quà mà Đất Mẹ hiến tặng cho ta.

“Rất nhiều người đau khổ cùng cực mà không biết là mình đang đau khổ. Họ cố gắng che đậy nỗi khổ đau bằng cách bận rộn. Nhiều người ốm đau bệnh tật chỉ vì họ xa lánh Đất Mẹ. Thực tập chính niệm giúp chúng ta tiếp xúc được với Đất Mẹ trong ta và sự thực tập này có thể giúp chữa lành bệnh tật. Quá trình trị liệu, chữa lành cho con người phải được tiến hành đồng thời với việc chữa lành cho Đất Mẹ. Đây là tuệ giác và ai cũng có thể thực tập được. Sự giác ngộ này đưa tới sự thức tỉnh cộng đồng. Trong đạo Phật, thiền là một sự thức tỉnh, thức tỉnh một sự kiện là trái đất đang lâm nguy, mọi loài sinh vật đang trong tình trạng nguy kịch.”

Thầy lấy một ví dụ rất đơn giản và bình dị, là việc uống một ly trà cũng có thể giúp chuyển hóa cuộc đời một con người nếu người đó thực sự để hết tâm ý vào việc uống trà.

“Khi có chính niệm, tôi thưởng thức ly trà sâu sắc hơn.” Thầy nói và rót cho mình một ly trà rồi chậm rãi nhấp ngụm đầu tiên. “Tôi có mặt hoàn toàn trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, không bị cuốn đi bởi sợ hãi, buồn đau, dự án, quá khứ và tương lai. Tôi có mặt cho sự sống. Khi ta uống trà, giây phút uống trà là giây phút mầu nhiệm. Ta không cần nhiều quyền lực, danh vọng hay tiền bạc để có thể hạnh phúc. Chính niệm có thể giúp ta hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Mỗi giây phút đều là giây phút hạnh phúc. Chúng ta hãy thực tập để những người khác theo đó cùng thực tập theo. Chúng ta hãy dành ra vài phút để thực chứng sự thực này.”

Cần phải xử lý cơn giận trong tự thân trước khi muốn trở thành một nhà hoạt động xã hội hiệu quả

Trong hàng thập kỷ qua, Thầy đã dày công phát triển dòng đạo Bụt Dấn Thân mà nền tảng là sự thực tập 5 nguyên tắc đạo đức – 5 phép thực tập chính niệm hay còn gọi là 5 Giới – rất rõ ràng và quan trọng đối với việc giải quyết công bằng xã hội.

Tuy nhiên, Thầy nhấn mạnh, nếu các nhà hoạt động xã hội và môi trường muốn làm việc có hiệu quả, trước tiên họ phải xử lý cơn giận trong họ. Chỉ khi nào phát khởi được tình thương và lòng từ bi đối với chính bản thân mình, ta mới có khả năng đối phó với những lực lượng mà ta qui trách nhiệm đang làm ô nhiễm biển và chặt phá rừng.

“Trong đạo Bụt có nói về hành động cộng đồng. Khi có một điều gì đó sai lầm đang diễn ra trên thế giới, chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng đó là chuyện của người khác, người khác làm mà không phải là ta. Nhưng qua cách sống hàng ngày của ta, ta cũng đang góp một phần vào sai lầm ấy. Nếu ta có khả năng hiểu ra sự thật này, rằng không chỉ ta đang khổ mà người khác cũng đang khổ thì đó đã là một tuệ giác. 

Khi thấy ai đó đang khổ, ta không muốn trừng phạt hay lên án người đó, mà ta muốn giúp người đó bớt khổ. Nhưng nếu chính ta đang đầy sợ hãi, giận hờn, vô minh và đau khổ thì ta làm sao giúp được người khác? Khi có hạnh phúc, ta nhẹ nhàng hơn, tươi cười hơn, ai cũng dễ chịu khi ở gần ta và ta có khả năng giúp đỡ người khác. Những nhà hoạt động và tranh đấu cần phải thực tập tâm linh để có khả năng nuôi dưỡng hạnh phúc, xử lý khổ đau và giúp người bớt khổ, như vậy công việc phụng sự thế giới của họ mới có hiệu quả. Nếu trong ta còn đầy giận dữ và bất mãn thì ta không thể làm được gì cả.”


Tiếp xúc “Bản môn”

Điểm chính trong bài giảng của Thầy là, trong khi sống và sinh hoạt trong thế giới tích môn (thế giới phân biệt, lưỡng nguyên), ta cần hiểu rằng hạnh phúc, an lạc của ta tùy thuộc vào việc nhận diện và tiếp xúc với “bản môn”. Điều này rất quan trọng. “Nếu ta có khả năng tiếp xúc sâu sắc với tích môn – một chiếc lá, một bông hoa, một viên sỏi, một tia nắng, một con chim, ngọn núi, dòng sông và chính thân thể ta – thì khi đó ta cũng đang tiếp xúc được với bản môn. Bản môn không thể được diễn tả là con người hay phi con người, là vật chất hay tinh thần, chủ thể nhận thức hay đối tượng nhận thức. Ta chỉ có thể nói rằng nó luôn luôn tỏa sáng và tự tỏa sáng. Tiếp xúc với bản môn, ta cảm thấy hạnh phúc, thoải mái như con chim tự do trên bầu trời, như con nai được tự do trên đồng cỏ. Ta biết rằng ta không cần phải tìm kiếm bản môn ở ngoài ta, bản môn luôn có trong ta và trong mỗi phút giây.

Trong khi tin rằng có một phương cách tạo ra mối tương quan mật thiết hơn giữa loài người và trái đất, Thầy cũng thấy được một hiểm họa thực sự đang xảy ra là con người vẫn tiếp tục lối sống tàn hoại và nền văn minh này sẽ tới ngày sụp đổ.

Thầy nói tất cả những gì chúng ta cần làm là thấy được rằng chúng ta không làm chủ được trước những phản ứng của thiên nhiên đối với những loài sinh vật khác. “Khi nhu yếu sinh tồn bị thay thế bởi lòng tham lam và ngạo mạn thì bạo động sẽ phát sinh và luôn đưa tới những hủy diệt không đáng có. Chúng ta đã học bài học rằng gây bạo lực cho con người và cho những loài sinh vật khác chính là ta đang gây bạo lực với chính ta, còn khi ta biết bảo hộ mọi loài thì ta cũng đang bảo hộ chính ta.”


Lạc quan trước nguy cơ thảm họa

Trong thần thoại Hy Lạp, khi Pandora mở hộp quà, tất cả tai họa được thoát ra ngoài và tràn xuống trái đất. Chỉ có một thứ còn sót lại, đó là “hy vọng”.

Thầy rất rõ ràng khi khẳng định duy trì niềm lạc quan là điều rất cần thiết nếu chúng ta muốn tìm một con đường thoát khỏi nguy cơ hủy diệt do khí hậu thay đổi thất thường, mà điều này sẽ dẫn đến những biến động tiêu cực lớn lao của xã hội.

Tuy nhiên, Thầy không ngây thơ để không nhận ra rằng những lực lượng hùng mạnh vẫn đang tiếp tục không ngừng trừng phạt chúng ta và đẩy loài người tới bờ vực thẳm.

Trong cuốn sách nổi tiếng viết về môi trường, cuốn "Hướng đi của đạo Bụt cho Hòa bình và Môi sinh"(The World We Have), Thầy viết: “Chúng ta đã tạo nên một hệ thống xã hội mà ta không làm chủ được. Ta để cho tiện nghi vật chất làm chủ đời mình. Để áp lực đè nặng và biến mình thành nạn nhân, nô lệ”.

Chúng ta tạo nên một xã hội mà người giàu càng giàu thêm và người nghèo càng thêm túng quẫn. Ta chỉ biết chăm chút lo cho riêng mình, và chỉ thấy những cái lợi trước mắt mà quên đi những hậu quả về sau, chúng ta ít khi để tâm đến số phận của người khác, đến tương lai của hành tinh mẹ của chúng ta. Chúng ta có khác gì những con gà đang bị nhốt trong chuồng và đang giành xé nhau một vài hạt bắp mà không biết rằng lát nữa mình sẽ bị giết làm thịt.
 

Các tin đã đăng: