Giới luật
Giới luật và Phật giáo ngày mai
Thích Tông Lân
11/11/2010 22:42 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bài viết chủ yếu đứng trên góc độ giới luật, thảo luận sự ảnh hưởng đối với vấn đề thịnh suy của Phật giáo. Nhìn từ hiện tại thực tế sinh hoạt của Tăng đoàn, chúng ta ôn lại quá khứ, dự đoán cho sự phát triển trong tương lai, suy nghĩ về chúng xuất gia đối với trách nhiệm giữ gìn trọng trách thiêng liêng này.


I. Tự luận

Sau khi giác ngộ, đức Thế Tôn tuỳ theo căn cơ đã giảng dạy các pháp môn khác nhau, nhằm đem lại lợi ích cho chúng sinh, sách tấn khích lệ hàng đệ tử, cùng thể ngộ pháp tính, đồng chứng Niết-bàn, và phú chúc cho Tăng đoàn trọng trách giữ gìn “chính pháp tồn tại mãi trong nhân gian”.

Nên sau khi Như Lai nhập diệt, sứ mệnh này của Tăng đoàn vô cùng quan trọng, không một ai khác có thể thay thế được.

Do đó, bài viết chủ yếu đứng trên góc độ giới luật, thảo luận sự ảnh hưởng đối với vấn đề thịnh suy của Phật giáo. Nhìn từ hiện tại thực tế sinh hoạt của Tăng đoàn, chúng ta ôn lại quá khứ, dự đoán cho sự phát triển trong tương lai, suy nghĩ về chúng xuất gia đối với trách nhiệm giữ gìn trọng trách thiêng liêng này.

II.  Ý nghĩa của giới luật

Đức Thế Tôn thi thiết giới luật có mười điều lợi ích. Từ đó, chúng ta có thể đi sâu tìm hiểu ý nghĩa hàm chứa trong những điều này, để hiểu biết một cách rõ ràng  hơn tinh thần của giới luật. Căn cứ “Tứ Phần Luật”, Đức Phật dạy: Vì chư vị Tỳ-kheo chế giới, có mười điều lợi ích:

1. Nhiếp phục Tăng chúng.

2. Nhằm triệt để nhiếp phục Tăng chúng.

3. Muốn cho Tăng chúng an lạc.

4. Nhiếp phục những người không biết hổ thẹn.

5. Để cho những người có tàm quý được cư trú yên ổn.

6. Những người không tin khiến họ tin tưởng.

7. Những người đã tin tăng thêm lòng tin.

8. Muốn dứt hết pháp lậu hoặc ngay trong hiện tại.

9. Những lậu hoặc chưa sinh không thể sinh khởi.

10. Muốn cho chính pháp được tồn tại lâu dài.

Từ mười lợi ích của việc chế giới như trên, chúng ta có thể phân chia thành năm ý nghĩa chính:

1. Cho sự tu chứng do đoạn trừ phiền não của hiện tại và vị lai. (ý nghĩa 8 và 9)

2. Vì sự thanh tịnh an lạc do người vi phạm được điều phục. (ý nghĩa 4 và 5)

3. Làm Tăng trưởng thiện căn cho người đã và chưa sinh niềm tin. (ý nghĩa 6 và 7)

4. Giữ gìn chúng Tăng thanh tịnh an lạc hòa hợp.( ý nghĩa 1, 2 và 3)

5. Chính pháp được trường tồn. (ý nghĩa 10)

Thông qua việc phân tích như trên, chúng ta càng hiểu rõ một cách chính xác hơn bản hoài chế giới của đức Thế Tôn, không chỉ vì sự sống chung hòa hợp thanh tịnh tu hành chứng đạo của Tăng đoàn, mà còn hộ trì đến thiện căn huệ mạng của tất cả chúng sinh.

Hơn thế nữa, trong tam vô lậu học (giới, định và tuệ), nhân giới sinh định, nhân định phát tuệ; trong đó vô lậu huệ học có: vô ngã, tinh không, duy thức, Như Lai tạng v.v… vô lậu định học bao gồm: bát định, diệt tận định, Pháp Hoa định, Thủ Lăng Nghiêm định tất cả đều là đệ tử xuất gia và tại gia cùng học tập tu chứng. Nhưng chỉ có tam quy, ngũ giới, bát quan trai giới, thập giới, sáu pháp, cụ túc giới mới phân biệt vạch định rõ ràng luân lý, thân phận nam nữ xuất gia cũng như tại gia.

Do đó, người viết nhận thấy giới luật bao gồm 6 hàm ý.

1. Biểu hiện sự khác biệt giữa người xuất gia và tại gia (vì giới thể khác nhau).

2. Làm tư lương cho quá trình tu tập, hộ trì giới luật trang nghiêm thanh tịnh, thì hành giả sẽ giảm thiểu chướng ngại.

3. Khế hợp pháp tánh hướng đến việc tu chứng Niết-bàn.

4. Có kỷ cương ràng buột, Tăng đoàn sống chung hòa hợp.

5. Cửa ngõ tăng trưởng thiện căn của quần chúng.

6. Chính pháp viên mãn cửu trụ.

III.   Ôn cố tri tân

Căn cứ vào ý nghĩa của giới luật được thảo luận ở trên, chúng ta bắt đầu suy nghĩ các hiện tượng Phật giáo xưa và nay, để làm tấm gương soi sáng cho Phật giáo ngày mai.

1. Các bậc điển hình mô phạm ngày xưa

Phật giáo từ Ấn Độ truyền bá đến các quốc gia, trải qua bao nhiêu đời Tổ Sư hoằng hoá như: Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, La-thập v.v… họ đều là một đời tôn sư, làm Tăng cách mô phạm cho cõi trời người trong muôn thuở.

Do đó, chúng ta thử truy cứu nguyên nhân nào đã hình thành nên các bậc thánh nhân này. Đứng từ hai góc độ chủ quan và khách quan để nhìn lại vấn đề, ai ai cũng đều công nhận, về mặt chủ quan thì căn cơ của cổ đức cao, chúng ta miễn thảo luận, nhưng về mặt khách quan, chúng ta có thể kết luận được năm điều mà sự thật lịch sử đã ghi lại như sau:

a. Tu đạo kiên cố: dù cho gặp gian nan trắc trở nhưng vẫn một lòng kiên trì vì mục đích tu chứng thánh đạo.

b. Giới phẩm thanh bạch: dù oai quyền uy hiếp hay danh lợi dụ dỗ vẫn nghiêm trì tịnh giới.

c. Cư sỹ tôn sùng: mọi người tôn trọng lễ kính, có địa vị tâm linh cao trong lòng xã hội.

d. Môi trường giáo dục: núi rừng sông nước ruộng vườn đều an tịnh, trưởng dưỡng đạo tâm, nuôi dưỡng thánh thai xuất thế.

Suy nghĩ tường tận năm nhân tố này, chúng ta có thể suy nghĩ đến hiện tại: giới đức của Tăng đoàn, vận mệnh của đạo pháp.

2. Hiện tượng ngày nay

Nhìn lại Phật giáo Bắc truyền hôm nay, có rất nhiều Phật sự, hoằng pháp bố giáo, nhiều bậc lãnh đạo hướng dẫn quần chúng làm phúc thiện vang danh, Phật giáo trở nên phổ cập hoá hơn xưa, nhưng tại làm sao vận mệnh thanh tịnh của giáo pháp hết sức mỏng manh?

Cũng vậy nhìn từ thực tế, chúng ta có thể nhận định khái quát những nguyên nhân chủ quan và khách quan như sau:

a.    Sức tu đạo yếu: nhiều loại phiền não chướng ngại thân tâm, gây trở lực tu hành chứng đạo.

b.    Giới luật ít chú trọng: phá hoại phong cách kỷ cương của Tăng đoàn.

c.    Thiếu hiểu biết về Đại-thừa: tự cho mình là người hành đạo Bồ-tát, khinh chê giới luật Thanh Văn, thực thi những việc không đúng với tinh thần của Phật giáo Đại-thừa.

d.    Người đồng tu phạm hạnh ít thường xuyên nhắc nhở sách tấn lẫn nhau.

e.    Thông tin ô nhiễm: thông tin đồi trụy dần dần xâm nhập đến chốn tòng lâm làm Tăng đoàn bị ảnh hưởng.

f.    Cư sỹ cơ hiềm: cư sỹ hỷ báng gây xôn xao dư luận trong quần chúng, Tăng đoàn bị mang tai tiếng.

Suy nghĩ lại những hiện tượng được đề cập ở trên, tuy nhiên trong số đó vẫn có những vị đầy đủ thiện căn, am hiểu giới luật, hành trì và tôn trọng giới đức thanh tịnh, là chỗ hy vọng cho vận mệnh của Phật giáo.

Tóm lại, lấy kinh nghiệm huy hoàng của quá khứ, hấp thu thực tế trân quý từ  hiện tại, kỳ vọng tốt đẹp trong Phật pháp ngày mai.

IV. Ý kiến đóng góp

Đối với sự quan tâm, hoài bão, nỗ lực, phụng hiến cho phật giáo là thiên chức của mỗi vị đệ tử Phật, Phật pháp có hưng thịnh hay không cũng chính là kết quả phấn đấu của một tập thể cùng chung chí hướng. Ở đây, người viết trình bày một số phương pháp thích nghi với các nhân tố hiện tại, mạo muội bày tỏ đôi lời, kỳ vọng góp phần vào tiếng nói chung của việc hưng thạnh Phật pháp.

1. Lý tưởng thuần chính

Lý tưởng là chủ đạo cho tất cả hành vi, việc làm, có được lý tưởng thuần khiết chính xác, thì sau đó mới đủ khả năng triển khai một số nhân duyên phụ như (phương pháp, điều kiện, kết quả v.v…).

Nếu Tăng đoàn có cường điệu bốn điều lý tưởng này, hay nó trở thành mục tiêu chung cho mọi người, thì cơ hội nắm bắt, cải biến một số hiện trạng tiêu cực có thể thực hiện được. Bốn khoảng mục đó như sau:

a.  Niết-bàn - bản hoài của người xuất gia

Khế hợp pháp tính, hướng đến Niết-bàn” là mục tiêu cho quá trình tu tập của người xuất gia, luôn luôn tâm niệm, tự mình đối với ngoại cảnh cảnh rèn luyện, hình thành cho bản thân tính tự giác, tự phát, tự ái, tự hành trì giới luật.

b. Giới luật - cơ bản cho hành giả

Từ việc đức Thế Tôn giáo giới Tỳ-kheo năm hạ về trước, y chỉ Hòa Thượng học tập giới luật, và vị nào phế bỏ Tỳ-ni thì bị khiển trách, có thể thấy được tầm quan trọng của giới luật trong việc tu hành.

Đứng từ góc độ “thích nghi với căn cơ chúng sinh mà đưa ra một số quy định phù hợp”, chúng ta có thể chấp nhận cá nhân hoặc Tăng đoàn đặc biệt đề xướng một số phương pháp tương xứng. Nhưng không nên quá đề cao “thần tượng hoá vấn đề này và cho đó là cứu cánh”, mà phải phù hợp với bảy chúng cùng nhau tu học.

Do đó Thái Hư Đại Sư khẳng định: “giới luật là cơ bản của ba thừa”, đã nói lên được tính tiêu chuẩn của giới luật mà Đức Thế Tôn quy định.

c.    Tỳ-ni - suốt đời phụng hành

Giới luật của Thanh Văn vốn suốt đời phụng hành, nếu không phải do “tác pháp xả giới (tâm ý muốn xả), mạng chung xả, nhị hình sinh xả (bán nam bán nữ), đoạn thiện căn xả (phạm trọng tội, diệt tẩn)”, theo nguyên lý thì đương nhiên suốt đời tuân thủ hành trì.

Nhưng đức Thế Tôn trong kinh Di Giáo có dạy: “tiểu giới có thể xả”, do vậy chúng đệ tử sau này do vì tâm tính phiền não nặng, thầy bạn khuyến dụ, áp lực của nhân tố kinh tế chính trị, hay thiên tai hoạn nạn v.v… trăm ngàn lý do để việc thọ học giới luật có tính cởi mở, làm cho giới luật bị tổn thương.

Như cây đại thọ, gốc rễ lá cành tươi tốt, bởi vì cá nhân, đoàn thể do sự yêu ghét ham thích khác nhau hoặc cắt, sửa, hay chắp ghép v.v… đã làm cho thay đổi hình dáng thậm chí dẫn đến cây ấy khô héo tàn tạ.

Nếu như người xuất gia đều chấp nhận giới luật của Thanh Văn là suốt đời tuyệt đối thọ trì phụng hành, khi đối diện vấn đề của thời đại hoặc phiền não phát sinh, cần phải dùng trí huệ để uyển chuyển thiện xảo linh hoạt vận dụng sao cho phù hợp với ý nghĩa của giới luật (II. Ý nghĩa của giới luật).

d.  Thanh Văn - Nền tảng của Bồ-tát.

Phật giáo Bắc truyền thuộc Đại-thừa Phật pháp, xưa nay vốn ngưỡng mộ tinh thần Bồ-tát đạo, lòng mang hoài bão chí khí của “người tu hành Đại-thừa”, phát thệ nguyện học hạnh “sen mọc giữa bùn, không nhiễm ô trược”, nhưng ngược lại khi nhập thế tuỳ tục thì đánh mất giới luật của Thanh Văn, hoặc dùng giới Bồ-tát mà xem thường huỷ bỏ giới luật Thanh Văn.

Nhưng họ không hiểu bậc sơ học “Bồ-tát Thanh Văn (chỉ người thọ trì giới Bồ-tát và giới Thanh Văn)” vẫn còn ưu lo nhập thế lợi tha bị sẽ có một số hành động “khác với oai nghi của Thanh Văn” sẽ bị cơ hiềm, huống gì người không hiểu biết gì mà tuỳ thế tục, làm sao tránh khỏi ưu lo về thân tâm bị tổn hoại?

Nếu như giới Bồ-tát sử dụng luật nghi Thanh Văn để làm nền tảng, trong lòng mang hoài bão từ bi đầy đủ trí huệ, phát triển theo con đường lý tưởng “tự lợi lợi tha song toàn, Đại Tiểu hai thừa hoàn mỹ”, tức có khả năng quán chiếu, kiện toàn thứ lớp tu đạo từ Thanh Văn đến Bồ-tát, để được Tăng trưởng lợi ích, viên mãn hạnh nguyện, kiến lập quốc độ Đại-thừa, vang danh hành giả Bồ-tát.

Phật giáo Bắc truyền cần thống nhất lý tưởng, cùng chung nhận thức, khi chuyện tôn trọng đạo đức ngày bị mai một. Thì tư tưởng “tự mình làm hòn đảo cho chính mình”, đem đến cho chúng ta niềm tin triển vọng tươi sáng vào ngày mai, nếu chúng ta đều chấp nhận thọ trì lý tưởng “suốt đời phụng hành giới luật Thanh Văn làm cơ sở, tiến đến tu tập giới Bồ-tát, cuối cùng quy hướng về cứu cánh tịch diệt”, thì tự nhiên sẽ có hiệu quả khả quan.

2. Bồi dưỡng nhân tài chuyên nghiên cứu về giới luật

Nếu muốn “hoàn thiện tự lợi, lợi tha”, nên thiện xảo linh hoạt vận dụng giới luật Đại Tiểu thừa, vừa phù hợp với giáo pháp và thích nghi với các vấn đề của thời đại, nên nhất định phải đào tạo bồi dưỡng nhân tài đủ khả năng nghiên cứu và hiểu biết chính xác Luật tạng, để đưa ra các quy định hoặc phương hướng đáp ứng được với nhu cầu thực tế. Muốn đạt được điều này, phải phối hợp với giáo sư, giáo trình, phương pháp nghiên cứu, thư viện v.v… môi trường giáo dục hòan chỉnh.

Môi trường giáo dục sẽ thảo luận sau (IV.5 Môi trường giáo dục), trước tiên thảo luận bộ phận thuộc giáo trình, thư viện: Phật giáo Bắc truyền tuy lấy “Tứ Phần Luật” làm căn bản, nhưng khi tiến hành nghiên cứu có thể kiểm duyệt thảo luận về sự hưng thịnh và mai một các bộ luật của bộ phái khác và sự thành tựu của cổ đức khi áp dụng các bộ luật này v.v…, rất hữu ích trong khi nghiên cứu lựa chọn bổ sung một số vấn đề còn khiếm khuyết của từng bộ luật.

Cung thỉnh các bậc đạo cao đức trọng, mời chư vị hành trì giới luật, có đức hạnh phẩm chất, lấy hiện tồn Tam tạng kinh điển làm căn bản, tham khảo thành quả nghiên cứu hiện đại, một cách tổng thể có kế hoạch, thiết kế xây dựng giáo trình và học trình, dung hợp pháp tánh, tâm tánh, chỉ trì, tác trì, nghi thức vv… tiến hành nghiên cứu, sau khi học tập hoàn thành. Một số nhân tài được đào tạo, trong tương lai trở thành bậc am hiểu giới luật, đáp ứng cho Tăng đoàn trong lĩnh vực chuyên môn này.

3. Xây dựng chế độ đúng theo giáo pháp

Giáo đoàn theo sự thay đổi của thời gian, người còn kẻ mất, thế hệ này kế thừa thế hệ trước, do đó nên củng cố đạo phong của Tăng đoàn, vĩnh viễn truyền trao mạng mạch Phật giáo, vì vậy giáo hội phải hình thành chỗ dựa vững chắc theo thế kiền ba chân: thống nhất lý tưởng, đào tạo nhân tài, xây dựng chế độ đúng theo giáo pháp.

Dưới đây, người viết lược thuật một số vấn đề trọng yếu về việc xây dựng chế độ đúng theo giáo pháp, xin các vị cùng nhau tham khảo:

a. Phương hướng của Tăng đoàn: phương hướng của Tăng đoàn có liên quan mật thiết đến vấn đề phát triển các vụ việc của hai chúng (Tăng tục), lấy mục đích lý tưởng của Tăng đoàn làm trung tâm, duy trì chế độ, thống lãnh đại chúng, thúc đẩy Tăng đoàn phát triển.

b. Pháp môn tu hành: pháp môn tu hành là nơi ỷ thác huệ mệnh của tất cả đệ tử Phật, học tập những phương pháp hành trì cụ thể từ Kinh Luận.

c. Nhiếp Tăng độ chúng: nhiếp Tăng độ chúng, quy định tiếp độ từ người tại gia trở thành xuất gia.

d. Nhân sự hành chánh: nhân sự chức trách, thăng tiến chức vụ hay đổi thay nơi hành đạo, Tăng đoàn giao lưu qua lại v.v… phân phối điều hành cho người thích hợp đảm trách vụ việc, cùng nhau vì mục đích làm quang minh Phật pháp.

e. Kinh tế tài vụ: tiền phụ cấp, y phục, ẩm thực, khánh điếu v.v… thu chi quản lý, hộ trì cho Tăng chúng được yên tâm an lạc tu học.

f. Khen thưởng xử phạt: khen thưởng khích lệ người có công lao có thành tích, xử phạt kẻ vi phạm để cho hối cải, duy trì được chân lí chính nghĩa.

g. Phúc Lợi của Tăng đoàn: phúc lợi như nghỉ hưu, thối chức, đi học các trường lớp v.v… để cho càng phát triển tiềm năng của họ.

h. An dưỡng của chư Tăng: về chuyện đau ốm bệnh tật hay hậu sự v.v… chu đáo không làm họ lo lắng, khiến giữ vững chính niệm chánh tri khi tuổi về chiều.

i. Xây dựng Tăng đoàn đúng theo giáo pháp: không những ngăn chặn những điều không tốt (III.2 hiện tượng ngày nay) mà còn phát huy nhiều ưu điểm.

4. Tổ chức nhân sự chuyên trách giới đàn

Tổ chức chuyên môn phụ trách truyền giới, thường tổ chức giới đàn, chọn thỉnh chư vị thuần thục am tường giới luật của Đại Tiểu Thừa, luật sư của hai bộ Tăng Ni, như pháp như luật kiết giới, vấn nạn, thọ giới, giáo thọ v.v…, nghiêm cách chấp hành tam quy, năm giới, mười giới, sáu pháp, giới cụ túc, Bồ-tát giới, trong thời gian thọ giới nên chú trọng việc giảng giải và thực hành rất thực tế, khiến tăng cường sự hiểu biết thêm tinh thần và ý nghĩa của giới luật cho giới tử.

Do đó, chư vị thâm sâu am hiểu Tỳ-ni, tổ chức giới đàn, không những có khả năng kiện toàn giáo hội mà còn:

a.    Thống nhất lý tưởng.

b.    Nâng cao phẩm chất việc truyền giới.

c.    Tổ chức giới đàn do các bậc thâm hiểu am tường giới luật chuyên trách, không những có khả năng kiện toàn chế độ của Tăng đoàn mà còn:1. thống nhất quan niệm về giới luật, 2. thăng hoa phẩm chất truyền giới, 3. kiểm soát quy định thời gian thọ và học giới, và có chung uy tín năng lực bảo vệ phật giáo.

5. Môi trường giáo dục

Tô Đông Pha từng nói: “khê thanh tận thị quảng trường thiệt, sơn sắc vô phi thanh tịnh thân”(tiếng suối lời chân thật, cảnh non thanh tịnh thân). Nói lên khả năng trợ đạo của hoàn cảnh, đề xướng tất cả ngoại cảnh đều thuộc lãnh vực giáo dục. Thiết lập môi trường đa nguyên giáo dục. Người viết lược thuật một vài nhân tố chủ yếu, xin cung cấp cho quý vị để cùng nhau tham khảo:

a. Luân lý trong sinh hoạt: đi đứng nằm ngồi, nói năng động tĩnh, giao tiếp v.v… đều là hiển bày thân ngữ giáo.

b. Hoạt động công tác Phật sự: văn hoá, giáo dục, từ thiện, tụng kinh bái sám v.v… các loại hoạt động, quá trình chuẩn bị và thực hiện có khả năng kích thích quần chúng phát tâm ngưỡng mộ Phật pháp .

c.  Quy hoạch kiến trúc: chánh điện, tổ đường lầu các, phòng ốc, hành lang vườn hồ v.v… như luật mà phối trí, như vậy về khách quan, sẽ hướng dẫn được tín chúng đối với tam bảo có chính kiến, biết tôn ty trật tự .

d.    Đồ vật thiết bị: chuông mõ, bàn ghế, giường tủ, v.v… một số thiết bị tương quan, bố trí điều hòa làm sao để có ẩn ý giáo dục, lời thuyết pháp không cần ngôn ngữ.

e.  Văn hoá tuyên truyền: tranh ảnh, lời cảnh tỉnh, kệ chú, pháp ngữ v.v… văn hoá tuyên truyền này đều là hoá thân của chư Phật hiền thánh.

Thông qua áp dụng lời dạy của Đức Phật và chư vị tổ sư trong sinh hoạt. Tăng đoàn nếu như không có điều kiện tiếp xúc Kinh điển, hay qua sự hướng dẫn của  thầy bạn, sống trong môi trường này, mỗi ngày mắt thấy tai nghe, dần dần huân tập, như vậy môi trường giáo dục cũng có tác dụng tương đối lớn, thanh tịnh hoá hoặc thâm sâu hoá phong cách và lý tưởng của người tu học.

V. Kết luận

Năng lực tu học của chư Tăng Ni được biểu hiện trên hai phương diện: một “hiểu biết” và hai “chứng ngộ”. Nội tâm chứng ngộ Phật pháp (pháp tánh, Niết-bàn), nương vào sự hiểu biết ý nghĩa của Tam tạng giáo lý (Kinh, Luật, Luận), sự hiểu biết Tam tạng giáo lý quý là ở nội tâm thật chứng Phật pháp.

Chúng ta sống trong Phật giáo hôm nay, thọ dụng thành quả của cổ đức đã kiến lập, nên trong thời đại hoàng kim bình an này phải lấy lý tưởng đó để báo tạ ân đức.

Người viết nhận thấy rằng: từ năm phương pháp “chấn hưng giới luật”, chúng ta có thể dự đoán được bốn điều mà tương lai có thể đạt được:

1. Tầm quan trọng và ý nghĩa tu hành của Tăng đoàn.

2. Như pháp thích ứng các nhân tố thời đại.

3. Tạo thành phong cách tu học, phát huy tác dụng hiển chính phá tà.

4. Kế tục tiên hiền, dẫn dắt hậu tiến, trước báo tứ trọng ân, sau cứu tế tam đồ khổ, mở bày tương lai tươi sáng của Phật pháp.

Do đó, giới luật đối với Tăng đoàn có mối quan hệ rất quan trọng, không chỉ là chuyện cá nhân tu hành mà còn liên quan đến mạng mạch Phật pháp, nên người viết đầu thành kính thỉnh đồng đạo vì đạo hộ giáo, vì lòng thương xót chúng sinh mà nỗ lực hành trì!

Thích Quán Như (dịch)

Theo: Tập san “Phật Tạng” kỳ thứ 18, p. 18~25

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch