Từ lúc ánh sao mai tỏa sáng, Đức Thế Tôn chứng đắc Vô Thượng
Bồ Đề nơi vườn Lộc Uyển, thuyết Tứ Thánh Đế độ năm anh em Kiều Trần Như,
Phật Pháp Tăng Tam Bảo hiện hữu trên thế gian trải qua hơn 2500 năm tồn
tại và phát triển. Phật Giáo đã trở thành một trong ba tôn giáo lớn
trên Thế Giới và có sự ảnh hưởng rất lớn trong xã hội loài người từ văn
hóa tinh thần đến vật chất, đây là thành quả vĩ đại của hành trình hoằng
hóa, không ngại khó khăn không từ khó nhọc của nhiều thế hệ Tăng già
Phật Giáo những người con ưu tú của Đức Thế Tôn.
Tất cả những ai là con của đức Phật, muốn trở thành thành viên chính thức của Tăng đoàn Phật Giáo nếu như chỉ “Thế phát nhiễm y”
thì chưa đủ mà phải trải qua một quá trình tu tập được sự chứng nhận
của Tăng đoàn, thọ lãnh những Giới Pháp của Phật thì mới cụ túc điều
kiện trở thành Tăng sĩ Phật Giáo chính thống, dự vào hàng Tăng Bảo thọ
sự cung kính cúng dường của Nhơn Thiên, quá trình đó được tôn xưng là Đại Giới Đàn hay là Tam Đàn Đại Giới.
Phật Giáo Đông truyền, bấy giờ nước Việt
Nam chúng ta đang nằm trong ách đô hộ của nhà Hán sau đó nhà Ngô, Lưỡng
Tấn, Nam Bắc triều, tiếp đến là Tùy và Đường. Dưới ách đô hộ vô cùng hà
khắc và tàn ác của phương bắc xuyên suốt 1000 năm, Dân Tộc ta vẫn kiên
cường bất khuất đấu tranh cho sự tồn vong của dân tộc, nền độc lập tự
chủ của nước nhà, song song với hành trình giành độc lập cho Dân Tộc,
ông cha ta cũng không ngừng tiếp thu những giá trị văn hóa, triết học,
nghệ thuật, kiến trúc, tôn giáo của Trung Quốc để phục vụ cho quá trình
xậy dựng đất nước sau này. Đương thời Phật Giáo là Tôn Giáo chính của
Dân Tộc Việt Nam, đồng hành, tham mưu, cố vấn, cho hành trình giải phóng
Dân Tộc Việt, cho nên hầu hết các bậc cao Tăng của Phật Giáo đều dồn
hết tâm, trí, lực cho công việc này, đây là nguyên nhân chính cho Văn
hóa Phật Giáo Trung Quốc có mặt hầu hết trong các lĩnh vực triết học,
văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, nghi quỹ, hành trì tu tập của Phật Giáo
Việt Nam và sự ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Văn hóa Phật Giáo Trung
Quốc trong Đạo Phật Việt Nam.
Phật Giáo khi mới truyền vào Trung Quốc,
hơn 100 năm sau mới có người Trung Quốc xuất gia làm Tăng Ni, nhưng chỉ
phủi tóc cho khác biệt với người đời, bấy giờ Phật Giáo Trung Quốc chưa
có nghi thức Giới Đàn để truyền giới. Đến năm 250 đời Tào Ngụy Tề Vương
niên hiệu Gia Bình thứ 2, ngài Đàm Ma Ca La đến Kinh đô Lạc Dương thấy
Tăng chúng không thọ trì Giới Pháp và theo sự thỉnh cầu của Tăng Đoàn ở
Lạc Dương, Ngài tại chùa Bạch Mã, tuyển chọn và phiên dịch những phần
trong bộ: “Tăng Kỳ Giới Bổn”
đây là bộ luật thuộc Đại Chúng Bộ, để dùng trong việc truyền giới và
thỉnh các vị Phạm Tăng lập Pháp Yết Ma Giới Đàn truyền giới cho Tăng
chúng, đây cũng là Giới Đàn đầu tiên của Phật Giáo Trung Quốc, là cội
nguồn của Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền và từ đây Tăng Đoàn Phật Giáo
Đông Phương được thành lập.
Đời Đông Tấn niên hiệu Hàm Khang ( 335- 342 ) Sa Môn Tăng Kiến người nước Nhục Chi thỉnh được bộ giới bổn “ Tăng Kỳ Ni Yết Ma ” phiên
dịch thành Hán ngữ vào năm Thăng Bình thứ nhất tại Lạc Dương, nhưng bộ
Luật này nội dung không đầy đủ và không phù hợp với thực tế cho sự phát
triển của Phật Giáo Trung Quốc bấy giờ, cho nên ngài Đạo An một vị cao
Tăng Phật Giáo đời Đông Tấn đương thời cho rằng: “nói rằng có 500 giới
điều, nhưng không biết là còn nữa hay không ? lấy việc đó làm lo lắng.
bốn Bộ đều không đủ, cho nên việc hoằng hóa có nhiều chỗ khiếm khuyết…”
bởi vậy nên ngài Đạo An bắt đầu đề xướng việc nghiêm túc hành trì giới
luật, đồng thời chiếu theo những bộ Luật hiện hành, dựa theo đó định ra “Tăng Ni Qui Phạm” làm phép tắc cho Tăng Đoàn hiện thời. Nội dung gồm 3 phần:
- 01.Hành hương, định tọa, phép trì kinh, thuyết giảng
- 02 . Sáu thời hành trì, hành đạo, ẩm thực, xướng tụng Kinh Pháp
- 03 . Các Pháp Bố Tát, can ngăn, Sám Hối.
Các Pháp tắc của ngài Đạo An chế ra trong “Tăng Ni Qui Phạm”
có ảnh hưởng rất lớn đối với nền Phật Giáo Đông Phương nói chung và
Phật Giáo Trung Quốc nói riêng. Cho đến ngày nay những Pháp tắc này vẫn
còn nguyên giá trị của mình, mặc dầu có sự thay đổi cho phù hợp với thời
gian và hoàn cảnh. Phật Giáo Đông Phương Tăng Ni có chung họ Thích, đây
cũng là chủ trương của ngài Đạo An. Về sau ngày càng nhiều các bộ Kinh
Luật được phiên dịch. Những bộ Luật của đương thời Tăng Già Phật Giáo Ấn
Độ hành trì được truyền vào Trung Quốc như: “Tứ Phần Luật”, “Thập Tụng Luật”, “Ngũ Phần Luật”..v.v.
Năm bộ Luật Phật Giáo đều đủ và được phiên dịch, có cả Tăng Ni chuyên
nghiên cứu tu trì Giới Luật và là những tác nhân để hình thành Luật Tông
sau này.
Đời Tấn Vua Mục Đế năm thứ nhất niên hiệu Bình Nguyên ( 357 ) Ngài Tăng Kiến cung thỉnh ngài Đàm Ma Yết Đa căn cứ theo “Tăng Kỳ Ni Yết Ma” và “Giới Bổn” lập Giới Đàn truyền Giới tại Lạc Dương. Bấy giờ có Ngài Đạo Trường căn cứ vào “Giới Nhân Duyên Kinh”
cho rằng Ngài Đàm Ma Yết Đa Kết Giới và Truyền Giới không hợp pháp.
Ngài Đàm Ma Yết Đa xuống sông Tứ, kết bè lập Giới Đàn truyền Giới, có Ni
Tịnh Kiểm và chư Ni Chùa Trúc Lâm ở Lạc Dương gồm 4 vị, lễ Đại Tăng cầu
thọ Giới Cụ Túc tại giới đàn này. Đây là Giới Đàn truyền Giới cho Ni
chúng đầu tiên, sau này thường gọi là “Thuyền Thượng Thọ Giới”. (Bảo Xướng “Tỳ Kheo Ni Truyện” quyển 01 ).
Nam Triều, thời đại Nhà Lương, dưới sự
tôn sùng Phật Pháp của Vua Lương Võ Đế, việc thọ Đại Thừa Bồ Tát Giới
rất thịnh hành, vì Vua Lương Võ Đế tự xưng mình là Bồ Tát Giới Đệ Tử.
Giới Bồ Tát được truyền vào Trung Quốc từ Đời Ngài Cưu Ma La Thập. Hiện
nay trong Đại Tạng chép tay của Đôn Hoàng có bộ “Thọ Bồ Tát Giới Nghi Quĩ”
do ngài La Thập tuyển soạn. Năm 18 niên hiệu Thiên Giám (519) Vua
Lương Võ Đế vì muốn hoằng truyền Giới Luật phổ cập đến chúng Dân, nên
phát nguyện tự mình thọ Giới, nhưng sợ có chỗ kiến chấp hoặc là sai sót
nên ra lịnh cho Chư Tăng nghiên cứu đọc tụng hết thảy Kinh Điển Đại
Thừa, tạo Viên Thức Giới Đàn, ban Chiếu chỉ thỉnh Ngài Huệ Ước đăng Đàn
truyền Bồ Tát Giới, nhà Vua tự mình tạm thời cởi bỏ Long bào,đắp Cà Sa
đăng đàn thọ Giới. Thái Tử, Triều Thần, Đạo Tục Nam Nữ hơn 4 vạn người
đồng Thọ Giới. Đại Thừa Bồ Tát Giới được phổ biến lưu truyền,đây là cơ
sở của sự hình thành Tam Đàn Đại Giới. Phật Giáo Bắc truyền ăn chay khởi
nguồn từ Vua Lương Võ Đế thọ Bồ Tát Giới.
Từ đời Nhà Tấn đến Triều Đại Nhà Tùy,
Đường trong khoảng 300 năm do nhu cầu thọ Giới của Giới Tử, Luật Học
được phổ biến khắp nơi và rất nhiều Tự Viện lập Giới Đàn để truyền Giới.
như Ngài Pháp Thái đời Đông Tấn lập Giới Đàn tại Chùa Ngõa Quan ở Dương
Đô (Nam Kinh ngày nay ), Ngài Chi Đạo Lâm lập hai Giới Đàn ở Thạch
Thành và Ốc Châu (nay là Tỉnh Triết Giang ), Ngài Chi Pháp Tồn lập Giới
Đàn ở Thiệu Hưng, Ngài Trúc Đạo Nhất lập Giới Đàn ở Động Đình Sơn (nay
Ngô Huyện Thái Hồ Tỉnh Giang Tô ), Ngài Trúc Đạo Sanh lập Giới Đàn ở Ngô
Trung, Hổ Khâu, Ngài Tống Trí Nghiêm lập Giới Đàn ở Chùa Định Lâm (Nam
Kinh), Ngài Huệ Quán lập Giới Đàn ở Chùa Thạch Lương ( Thiên Đài Sơn),
Ngài Cầu Na Bạt Ma lập Giới Đàn ở Chùa Nam Lâm, Ngài Tăng Bác nhà Tề lập
Giới Đàn ở Vu Hồ , Ngài Lương Pháp Siêu lập Giới Đàn ở Nam Giản (Nam
Kinh), Ngài Tăng Hữu lập Giới Đàn ở bốn Chùa , Vân Cư, Thê Hà, Qui
Thiện, Ái Kính (Nam Kinh). đến Đời Đường, từ Du Châu (Trùng Khánh) cho
đến Giang Hoài (Giang Tô, An Huy ), gồm có 300 Giới Đàn, tất cả những
Giới Đàn này được xây dựng như thế nào hình thức ra sao nay không thể
khảo cứu được.
Nhà Đường niên hiệu Càn Phong năm thứ
hai (667) Ngài Đạo Tuyên Luật Sư lập Giới Đàn ở Chùa Tịnh Nghiệp, Trường
An mới bắt đầu định ra các phép tắc và hình dạng của Giới Đàn. theo “Giới Đàn Đồ Kinh”
của Ngài Đạo Tuyên. Giới Đài gồm có ba tầng, tầng thứ nhất cao 1,2 m
dài rộng mỗi chiều 8m, tầng thứ hai cao 0,9m mỗi chiều dài 7m, tầng thứ
ba cao 0,7m mỗi chiều 6m. Bốn mặt của Giới Đài trên dưới tạo hình Sư Tử
Tòa và điêu khắc hình tượng của Thiên Vương, Giới Thần, trên tầng cao
nhất phụng Đức Thích Ca Mâu Ni Phật hoặc là Đức Lô Xá Na Phật. chính
giữa Giới Đài để Bảo tọa của Tam Sư Hòa Thượng, tòa của thất vị Tôn
Chứng để hai bên, phía bên trái 3 tọa, phía bên phải 4 tọa. Giới Trường
không cần thiết phải xây dựng liêu xá phòng ốc, chỉ cần tùy xứ có cắm
tiêu kết Giới là thành. Theo “Tứ Phần Luật Hành Sự Sao”
của Ngài Đạo Tuyên trong quyển thượng có ghi: “Các Giới Đàn Nước ngoài
đa số đều ở ngoài trời, cũng như các Đàn Tế Giao của người thế tục”,
nhưng vì phòng mưa nắng, nên từ xưa đều kết Giới Trường ở bên ngoài và
truyền Giới bên trong Giới Đài. Từ Ngài Đạo Tuyên lập Giới Đàn qui định
hình chế của Giới Đài về sau tất cả các Giới Đàn thuộc Phật Giáo Bắc
Truyền, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đều theo thể chế này mà lập Giới
Đài truyền Giới, riêng Việt Nam không biết vì lý do gì, mà suốt 2000
năm khi truyền Giới chúng ta vẫn dùng nghi thức truyền Giới của Luật
Tông Chung Nam Sơn nhưng trên Nước Việt Nam từ Bắc vào Nam không thấy
một vết tích nào của việc lập Giới Đàn truyền Giới và cũng không thấy
một Giới Đài nào được xây dựng ở Việt Nam. Đây là một vấn đề hết sức
nghiêm túc mà thế hệ kế thừa của Phật Giáo Việt Nam cần phải để tâm, rất
nhiều Tăng sĩ nước ngoài vì thấy chúng ta không có Giới Đài nên họ cho
rằng khi thọ Giới chúng ta phải ra nước ngoài thọ Giới. Vì chúng ta
không có Giới Đàn hay một cơ sở đại loại để làm việc này. Theo quan niệm
của Phật Giáo Bắc Truyền Giới Đài là chứng nhân cho nhân cách của Tăng
Già, thể hiện tính thiêng liêng tôn trọng Giới Luật của Phật, sự thù
thắng khó được khó đắc của Giới Pháp, là tác nhân cho thành tựu Giới Thể
và từ nơi đây con người tiến đến quả vị Giải Thoát, hình thành một Tăng
sĩ chân chánh của Phật Giáo.
Chiếu theo Thanh Qui của Phật Môn, Giới
Đàn thường được mở hai mùa trong năm, đó là mùa Xuân và mùa Đông, vì
Giới Tử nếu thọ Giới vào mùa Xuân thì sau đó nhập Hạ An Cư tu hành trong
ba tháng Hạ, ngược lại nếu như thọ Giới vào mùa Đông thì kết Đông tu
trì thúc liễm thân tâm trao dồi Giới Đức. Giới Đài là hình tướng của
Giới Đàn, còn các phép tắc Yết Ma, nghi thức truyền Giới, nguyên tắc kết
Giới Trường, phép thỉnh Chứng Minh Sư, Thập Sư, Dẫn Thỉnh Sư, Dẫn Lễ
Sư.v.v… là nội dung của Giới Đàn.
Từ Đức Thích Tôn thành Vô Thượng Chánh
Giác, ngồi dưới gốc Bồ Đề thuyết Phạm Võng Bồ Tát Giới Kinh, độ năm anh
em Kiều Trần Như thành Tăng Bảo, Di Mẫu Đại Ái Đạo lễ phật thọ Bát Kỉnh
Pháp, cho đến Ngài Xá Lợi Phất truyền Giới cho Ngài La Hầu La… Cho thấy
Đức Phật rất trọng thị Giới Luật.[dĩ Giới vi Sư].
Phật Giáo truyền đến Phương Đông, thời nào cũng vậy các bậc Cổ Đức Cao
Tăng đều chú trọng việc khai Đàn truyền Giới, mỗi thời mỗi khác, ở Quốc
Độ này lại không như Quốc Độ kia, văn hóa, tập tục, quan niệm từng địa
phương có chỗ sai khác, để phù hợp cho việc truyền Giới ở từng Quốc Độ
nên các nghi thức truyền Giới được tu chỉnh nhiều lần, riêng về phần
Giới Bổn thì không có gì thay đổi. xuyên suốt hơn một nghìn năm tồn tại
và phát triển, thông qua nhiều đợt tu chỉnh và canh tân, nghi thức Giới
Đàn được tập thành và hệ thống thành một qui tắc chung áp dụng cho tất
cả các Giới Đàn của Phật Giáo Bắc Truyền gồm các bộ như: [Truyền Giới Chánh Phạm], [Tỳ Ni Chỉ Trì Hội Tập], [Hoằng Giới Pháp Nghi], [Truyền Thọ Tam Đàn Hoằng Giới Pháp Nghi], [Tỳ Kheo Thọ Giới Lục], [Tỳ Kheo Ni Thọ Giới Lục],[Nhị Bộ Tăng Thọ Giới Nghi Thức], [Yết Ma Nghi Thức], [Tăng San Tỳ Ni Giới Khoa], [Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu], [Giới Khoa San Bổ Tập Yếu], [Giới Đàn Tăng].v.v…
Đại Giới Đàn còn xưng là Tam Đàn Đại
Giới, Sơ Đàn truyền Sa Di Giới, Nhị Đàn truyền Tỳ Kheo Giới, Tam Đàn
Truyền Bồ Tát Giới. Sơ Đàn Sa Di Giới và Tam Đàn Bồ Tát Giới, đều truyền
Giới tập thể, riêng Nhị Đàn truyền Tỳ Kheo Giới, Giới Tử được chia ra
thành từng tổ, mỗi tổ ba người gọi là một Đàn và tuần tự thứ lớp đăng
Đàn thọ Giới. theo các Giới Đàn xưa trước ngày truyền giới , sơ đàn, nhị đàn, tam đàn,
đều phải có sự diễn tập cho thành thục các nghi thức đăng Đàn, nghi
thức này thường được gọi là diễn nghĩa Giới Đàn, sau đó mới chính thức
đăng Đàn truyền Giới.
Căn cứ theo[Truyền Giới Chánh Phạm]
Sơ Đàn truyền Sa Di Giới, hành nghi nhiều nhất, thông thường Giới Sa
Di được truyền trên Đại Điện hoặc ở Pháp Đường, khi truyền Giới gồm
những Pháp nghi như:
- 01. Pháp cung thỉnh Giới Bản hành nghi Sám Hối
- 02. Pháp Tịnh Đường tập Chúng, (tập hợp Giới Tử, phân ban, làm vệ sinh Giới Trường, thỉnh Tăng làm pháp tẩy tịnh)
- 03. Pháp thông khải Nhị Sư
- 04. Pháp thỉnh Giới Khai Đạo
- 05. Pháp kiểm Y Bát
- 06. Pháp phát lộ Sám Hối
- 07. Pháp trình tội xưng lượng.
Nhị Đàn truyền [Tỳ Kheo Giới], còn gọi là [Cụ Túc Giới], hay là [Đại giới],
Đàn Tràng trang nghiêm và long trọng nhất, truyền Giới được cử hành
trên Giới Đài, trong Tam Đàn duy chỉ có truyền Tỳ Kheo Giới mới đăng Đàn
truyền Giới. khi đăng Đàn truyền Giới hành trì các pháp như:
- 01. Pháp Giới Tử hành thông tiêu Sám Hối (lạy sám hối suốt đêm không ngủ )
- 02. Pháp diễn tập nghi thức truyền Giới
- 03. Pháp thỉnh Giới Khai Đạo
- 04. Pháp thông bạch nhị Sư
- 05. Pháp giáo Y Bát (giảng nói ý nghĩa của Y Bát, hướng dẫn việc đắp Y, trì Tọa cụ, dùng bình Bát Quá Đường)
- 06. Pháp trình tội phát lộ Sám Hối.
Tam Đàn truyền thọ [Bồ Tát Giới], còn gọi [Tam Tụ Tịnh Giới],
Tam Đàn truyền Giới thường cử hành trên Chánh Điện vì Đàn này Giới Tử
rất đông, xuất gia và tại gia đều có thể thọ Bồ Tát Giới , khi truyền
Giới cử hành các Pháp như:
- 01. Pháp thỉnh Giới Sám Hối
- 02. Pháp thông bạch nhị sư
- 03. Pháp thỉnh Giới Khai Đạo
- 04 Pháp khai thị khổ hạnh
- 05. Pháp thiêu hương cúng dường Phật.
Trên đây là những nghi thức chuyên môn
của phần truyền Giới của Giới Đàn còn về các nghi lễ hành nghi cung an
chức sự Đạo Tràng, khai Chung Bảng, Sái tịnh Khai Kinh, Kết Giới Trường,
Phổ Phật Cúng Ngọ, Quá Đường, hô Thiền, nghi Sám Hối, ngũ canh Tuần
Chiếu, chuyển Trống, thỉng Chuông, khai Trường Bảng, khai Thủy Bảng, đả
Ngư Cổ, nghi thức thỉnh Sư..v.v… Giới Đàn vừa là nơi tuyển người làm
Phật, đồng thời cũng là nơi tụ hội tất cả những đỉnh cao về tổ chức về
con người, văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ.v.v… của Phật Giáo và điều tối
quan trọng nhất là tục Phật huệ mạng, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.
Theo: DPNN