Tạo sao gọi là Phổ Môn? vì tự tính của mình phổ biến khắp hư không pháp giới, nên gọi Phổ Môn. Kinh này do Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch vào đời Diêu Tần (406). Sao gọi Tam Tạng? Tam Tạng gồm Kinh, Luật, Luận, nếu thông suốt Kinh điển gọi là Kinh sư, thông suốt giới Luật gọi là Luật sư, thông suốt Luận gọi là Luận sư. Ngài Cưu Ma La Thập thông suốt cả Kinh, Luật, Luận, nên gọi Tam Tạng Pháp sư. Pháp sư chuyên về dịch Kinh, sự dịch Kinh rất đúng với ý Phật, được nhà Vua đương thời kính trọng. Sư đã nói trước rằng: “Nếu tôi dịch Kinh sai ý Phật thì hãy đem lưỡi tôi cắt đi; còn nếu tôi dịch đúng ý Phật, sau khi tôi mất, tất cả đều có thể hoại, ngoại trừ cái lưỡi”. Sau khi Sư tịch, đem đi trà tỳ, tất cả đều thiêu rụi, chỉ còn lại cái lưỡi. Chứng tỏ các Kinh do Ngài dịch không sai.
Chính văn:
Lúc Phật đang thuyết pháp, Vô Tận Ý Bồ-tát từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch tay áo bên phải, quỳ gối chân phải, bạch Phật rằng:
- Thế tôn, do nhân duyên gì mà Quán Thế Âm Bồ-tát được gọi là Quán Thế Âm?
Phật bảo: “Nếu có vô lượng vô biên chúng sinh, đã chịu tất cả khổ, nghe được Quán Thế Âm Bồ-tát, nhất tâm xưng danh, thì Quán thế Âm Bồ-tát sẽ quán được âm thanh khiến giải thoát”.
Theo thế gian thì âm thanh phải dùng tai nghe, chẳng thể dùng mắt thấy, nhưng người kiến tính triệt để rồi lục căn hổ dụng, tức dùng mắt nghe được, dùng lỗ tai xem thấy. Chữ Quán là dùng con mắt để nghe âm thanh, ấy là sự dụng của tự tính, nên ba chữ Quán Thế Âm là chỉ về tự tính của mình, chứ chẳng phải thật có một vị Bồ-tát tên Quán Thế Âm.
Quán Thế Âm Bồ-tát, nghe được xưng danh đến cứu giúp: chẳng những thế giới này, kể cả hằng hà sa số vô lượng vô biên vi trần thế giới, hễ chúng sinh nào cầu cứu cũng sẽ được cứu. Ví như đài phát thanh hiện nay có làn sóng mạnh, dù máy Radio nhỏ, nếu bắt đúng theo làn sóng cũng có thể thâu được. Sức dụng Tự tính của mình cũng vậy, khắp hư không pháp giới, nếu sự tu của chúng ta quét trống rỗng tất cả, ngũ uẩn giai không, đến cái Không tướng hiện ra, tự tính tự hiện, tức tự tính mình cứu mình, chứ chẳng phải Quán Thế Âm Bồ-tát hay một người nào khác.
Phải biết Quán Thế Âm Bồ-tát là dùng con mắt để nghe chứ không phải dùng lỗ tai, nếu chúng ta dùng con mắt nghe được mới là Quán Thế Âm, đạt đến cảnh giới này tất cả khổ đều được giải thoát.
Ở trên đã nói, ba chữ Quán Thế Âm là tự tính của mình, mọi người đều sẵn đủ, sức dụng thần thông biến hóa chẳng kém hơn Phật, nên gọi Phật tính. Sở dĩ Phật phát huy ra hết mà chúng ta chỉ có thể phát huy được một ít, chưa bằng một phần triệu, do phát huy chậm nên gọi là nghiệp lực; nếu được phát huy hết, gọi là thần thông lực.
Sự biến hóa hiện nay của chúng ta chậm đến chính mình cũng chẳng thể biết được; ví như tóc, móng tay, tế bào… mỗi giây phút biến đổi, thân thể mỗi giây phút biến đổi, ngày đêm chẳng ngừng, nhưng tự mình chẳng hay. Hễ biến đổi một chặng thì nhân quả bằng tam thế: Kiếp trước tạo kiếp này, kiếp này tạo kiếp sau. Vì nhất thiết duy tâm tạo, do tâm lực tạo ra nghiệp lực.
Ví dụ tâm lực đến tột đỉnh là một triệu độ, nay tâm lực chúng ta chỉ có một độ, tham Thiền mãi tăng lên mười độ, rồi trăm độ, ngàn độ…. Hễ tâm lực tăng đến năm trăm ngàn độ (phân nữa tâm lực), lúc ấy có thể biến cái này cái kia, ấy gọi Thần thông lực. Nên Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm như họa sĩ tài ba, khéo họa đủ thứ thế giới, họa ra thiên đàng, địa ngục”.
Ở trong này nói đến “Trì danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ-tát”; chữ Trì này nhiều người lầm tưởng cho Tụng là Trì, mỗi ngày tụng Kinh Phổ Môn nói là trì Kinh Phổ Môn, mà chẳng biết Trì là phải Hành trì. Ví như hàng Tăng ni chúng ta phải trì giới, mỗi nửa tháng bố tát (tức tụng giới) một lần, nếu cho tụng giới tức trì giới là không đúng, phải theo giới thực hành mới gọi là trì. Trì Kinh cũng vậy.
Hễ hành trì đúng pháp thì đạt đến sự dụng như Quán Thế Âm Bồ-tát. Sức dụng của tự tính Automatic, không qua tác ý, đã đạt đến cảnh giới này thì vào lửa chẳng cháy, xuống nước chẳng chìm, muốn gì được nấy, bởi do nhất tâm mà thần lực được hiện ra, tất cả tai nạn đều được giải thoát. Do nhân duyên này nên gọi là Quán Thế Âm.
Nếu thực hành đúng pháp môn, khi tự tính hiện ra sức dụng thì bị dao chém đầu mà đầu chẳng bị đứt, dao lại gãy từng khúc; (Trước kia khi đọc đến đây, do chưa hiểu nghĩa này, cho rằng ấy là gạt trẻ con, nhưng nay thì tin được. Việc này giải thích ra thì vô lý, nhưng sự thật như thế). Những ma quỷ, la sát muốn ăn thịt người, hút tinh khí người, đều chẳng thể hại, Chẳng những không thể hại được, kể cả con mắt chẳng thể ngó thấy. Trong Thiền tông có một sự tích như sau:
Một vị Tổ sư đã kiến tính, làm Trụ Trì ở chùa hơn ba mươi năm mà Già Lam Bồ-tát không thể thấy mặt vị Trụ trì ấy, vì Sư luôn có một hào quang bao phủ. Một ngày kia, Bồ-tát hỏi vị Chủ sự trong chùa:
- Tôi muốn chiêm ngưỡng chân dung của Sư Trụ trì, ông có cách nào không?
ĐÁP: “Dễ thôi, ngày mai, lúc ăn quả đường, ông làm đổ thùng cơm thì thấy được”.
Già Lam Bồ-tát làm theo lời của vị Chủ sự, Hòa Thượng Trụ trì thấy vậy liền mắng:
“Cơm của thí chủ cúng dường, sao bất cẩn như thế!”. Ngay lúc la mắng, hào quang bị giảm xuống, Già Lam Bồ-tát mới có dịp đảnh lễ, nhưng sau đó hào quang của Sư lại phủ kín, chẳng thể thấy được nữa.
Mỗi người chúng ta đều có hào quang, chỉ cần tâm lực mạnh. Nên khi sức dụng của tự tính hiện ra, Bồ-tát còn chẳng thể thấy được, nói chi quỷ thần ư!
Chính văn:
Bất kể người có tội, bị gông cùm xiềng xích, tất cả khủng bố, tai ương, do nhất tâm xưng danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ-tát, đều được tan rã, được giải thoát.
Muốn đạt đến nhất tâm thì bình thường phải tu tập, lúc niệm phải nhất tâm, chẳng có một tạp niệm nào. Ví như tham Thiền, chỉ có một câu thoại đầu, không có biệt niệm, thì dụng của Tự tính được hiển hiện.
- Vô Tận Ý Bồ-tát, nếu chúng sinh ham dâm dục sẽ được hết dâm dục; ham sân giận cũng sẽ được hết, kẻ ngu si được trí huệ.
Nay đã có sự thật chứng tỏ, nhiều Phật tử sau một thời gian tham Thiền, đối với những ham thích trước kia như ăn mặc đẹp, đi chơi, ca hát v.v… đều tự nhiên bỏ. Tự tính của mọi chúng sinh sẵn đủ tất cả, chẳng kém hơn Phật, do bị tham, sân, si che lấp nên chẳng thể phát huy, như bụi che lấp ánh sáng của chiếc gương, nếu quét sạch bụi bậm thì ánh sáng của gương được hiện ra, quét trống bao nhiêu hiện ra sự dụng bấy nhiêu, tức dụng tức không, tức không tức dụng, không tới cực, dụng tới cực, hoạt bát vạn năng, vô lượng vô biên. Ánh sáng gương vốn sẵn đủ, chẳng phải do chùi mới thành gương. Tự tính của chúng ta vốn sẵn thần thông biến hóa như Phật, chẳng phải do tu mới thành.
Dụng của Tự tính có đại uy thần lực như thế, nên mới có thể lợi ích cho tất cả chúng sinh, và tất cả chúng sinh đều phải hướng vào tự tính mà ngộ, phải quét sạch tất cả chấp tâm của mình. Lúc tự tính hiện ra, chẳng cần dụng cũng được, vì đã tự do tự tại rồi! Nên muốn cầu nam được nam, cầu nữ được nữ, muốn gì được nấy, hễ còn một chút khổ là chẳng tự do tự tại vậy.
Phật bảo: Nếu có người thọ trì 62 ức hằng hà sa số Bồ-tát, công đức của người ấy, với phước đức của người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát bằng nhau không khác.
Tại sao nói số 62 mà chẳng phải 61 hay 60? Vì kiến chấp của chúng sinh có 62 thứ: Ấy là: Tứ cú x ngũ uẩn = 20. 20 x tam thế = 60. 60 + Hữu & vô = 62. Tất cả kiến chấp đều không ngoài 62 thứ này, nên lấy ước số 62 để đối trị 62 kiến chấp, chỉ cần một Quán Thế Âm là đủ rồi. Như trên đã nói, Tự tính vốn đầy đủ tất cả, cùng hư không, khắp pháp giới, tất cả đều chẳng ở ngoài tự tính. Nói “Tâm bao gồm hư không pháp giới” vẫn chưa đúng, vì cho tâm là tâm, hư không pháp giới là hư không pháp giới, là nhị; tự tính bất nhị, hư không pháp giới tức tâm, tâm tức hư không pháp giới; tự tính tức tâm, tâm tức tự tính, chẳng hai chẳng khác. 62 ức, nói ra rất nhiều, nhưng gom lại chỉ là bất nhị, chỉ là tự tính Quán Thế Âm mà thôi, cho nên công đức với phước đức bằng nhau.
Công đức và phước đức của thế gian dù có số lượng nhiều, nhưng lâu ngày cũng hết, còn công đức của tự tính thì chẳng thể hết, vì bất sinh bất diệt, bất tăng bất giảm. Cho nên, chư Phật chư Tổ chỉ muốn chúng ta được ngộ, khi ngộ rồi sức dụng của tự tính phát huy, nên phải thọ trì. Thọ trì là muốn quét cho sạch, nay quét chưa sạch thì năng lực ấy chỉ có thể gọi là tiềm năng, tức tiềm ẩn nơi tự tính.
- Nói 32 ứng thân của Quán Thế Âm Bồ-tát độ chúng sinh; chúng sinh nào cần Phật thân để độ thì hiện Phật thân, cần thân Bồ-tát để độ hiện thân Bồ-tát v.v… nói tóm lại chỉ là tùy theo căn cơ của mỗi chúng sinh mà độ như ngài Lục Tổ nói: “Tự tính tự độ”, Quán Thế Âm Bồ-tát tự tính tự độ, chúng sinh cũng tự tính tự độ; tự tính tự độ tức Quán Thế Âm Bồ-tát, chứ chẳng phải là người khác độ. Nếu người khác độ được thì đức Phật đại từ đại bi, đã độ hết chúng sinh rồi, đâu cần cực khổ mà tu !
Lúc bấy giờ, Vô Tận Ý Bồ-tát muốn cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát bằng sâu chuỗi Anh Lạc quý báu, lúc đầu Quán Thế Âm Bồ-tát không chịu nhận, và Vô Tận Ý Bồ-tát nói rằng:
- Hãy thương xót chúng tôi mà nhận lấy sâu chuổi.
Khi ấy Đức Phật cũng nói với Quán Thế Âm Bồ-tát rằng: “Hãy thương xót Vô Tận Ý Bồ-tát và tứ chúng cùng các cõi Trời, người, A-tu-la v.v… mà nhận lấy” Vì thế, Quán Thế Âm Bồ-tát đã nhận và chia sâu chuổi thành hai phần, một phần cúng dường Phật Thích Ca, một phần kia cúng dường Tháp Phật Đa Bảo.
Đây là hình dung cho Pháp Thí, nếu như chẳng nghe được pháp bố thí thì chẳng biết tu hành, chẳng thể lìa khổ, Vô Tận Ý Bồ-tát vì muốn chúng sinh cung kính Tam Bảo, vì ngài là đại diện đương cơ, thay mặt cho tất cả người nghe pháp, gồm tứ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nam nữ cư sĩ và thiên long bát bộ, cúng dường cho Quán Thế Âm Bồ-tát.
Tự tính thần lực của Quán Thế Âm Bồ-tát khắp thế giới Ta bà và vô lượng vô biên thế giới. Khi ấy, Vô Tận Ý Bồ-tát hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn, Phật tử do nhân duyên gì, hiệu Quán Thế Âm?
Phật bảo: Đức hạnh của Quán Thế Âm Bồ-tát khắp mười phương thế giới, tất cả Phật, Bồ-tát đều có đại nguyện sâu như biển cả, chẳng bị thời gian, số lượng hạn chế, chẳng thể dùng trí suy lường. Nay ta nói qua cho biết: Do nghe danh hiệu chẳng bỏ qua cái thân, tâm chẳng bỏ luống qua, đến khi tự tính được hiện ra thì tất cả khổ đều diệt.
Ở đây nói “Nghe danh hiệu thấy cái thân, tâm chẳng bỏ luống qua”, cũng như Kinh Lăng Nghiêm nói đến “Nghe” là phản văn tự tính, chứ chẳng phải thật nghe cái danh hoặc thật thấy cái thân, Tự tính chẳng có hình tướng, như Kinh Kim Cang nói: “Không có thân mới là đại thân”, nếu có hình tướng thì chẳng phải đại thân. Ví như hiện nay chúng ta tham thiền, nếu chẳng có vọng tưởng cũng chẳng có nghi tình là lọt vào vô ký không, tức là bỏ luống qua, đối với sự tu hành vô ích.
- Giả sử có người muốn hại mình, xô vào hầm lửa, do sức dụng tự tính sẽ hóa hầm lửa thành nước cam lồ, tất cả tai ương, ác thú, binh lửa v.v… đều do sức dụng tự tính mà được hóa giải, tất cả khổ sinh lão bệnh tử, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh … đều được tiêu tan.
- Đạt đến cảnh giới đó gọi là Chân quán, không còn dính líu gì cả, không có vọng tưởng, tất cả đều trong sạch, luôn cả trong sạch cũng không, gọi là Thanh Tịnh Quán. Lúc đó, trí huệ ấy là Bát-nhã, chẳng như trí huệ thế gian, chẳng bị hạn chế bởi số lượng, gọi là Quảng đại Trí Huệ Quán. Quán cái khổ của chúng sinh và đem lại sự vui mà tự tính của mình tự nhiên đạt đến vô-duyên-từ và đồng thể bi, tức chẳng có cái Ta để độ chúng sinh, chẳng có chúng sinh thọ nhận sự giúp đỡ của ta, ta và chúng sinh đồng một thể, gọi là Bi Quán và Từ Quán.
Năm thứ quán: Chân quán, Thanh tịnh quán, Quảng đại trí huệ quán, Bi quán và từ quán, đều là sức dụng của tự tính. Người thời nay thường nói “Từ bi bác ái”, tưởng Từ bi và bác ái giống nhau, kỳ thật là khác nhau như trời với đất; Bác Ái là chấp ngã, có cái Ta để ban bố cho đại chúng, còn Từ Bi là chẳng có ngã, chẳng có tự và tha: Chẳng có ta cho đại chúng và đại chúng thọ nhận sự Từ bi của ta.
- Bây giờ, chúng ta chưa đạt đến chỗ này, phải thường nguyện thường chiêm ngưỡng, ngày đêm tu hành chẳng gián đoạn, khi cấu bẩn của tập khí quét sạch, ánh sáng trong sạch của Tự tính hiện ra, như mặt trời khiến tan rã mây đen, tất cả tai ương, gió lửa bão táp đều tiêu, thế gian được sáng tỏ, mọi chúng sinh đều được thọ nhận mưa cam lồ, những phiền não trước kia được dập tắt. Ấy là do Diệu âm Quán Thế Âm, Phạn âm hải triều âm, cho nên phải thường quán.
Phạm là thanh tịnh, còn Hải triều âm là ngày đêm chẳng gián đoạn. Tự tính của mình cũng thế, mặc dù hiện nay là chúng sinh, nhưng tự tính từ xưa nay vốn như thế, chưa từng gián đoạn, dù đầu thai thành con trâu con chó vẫn không gián đoạn, nên phải quán Tự tính của mình. Nay chúng ta tham thiền là trở về tự tính của mình vậy.
Trì Địa Bồ-tát ở trong chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật rằng:
- Thế Tôn, nếu chúng sinh nghe Phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát, tự tại thần thông lực của Tự tính tự hiện khắp nơi mà công đức chẳng thiếu xót”.
Lúc Phật thuyết xong Phẩm Phổ Môn, trong chúng có tám mươi bốn ngàn chúng sinh được phát tâm Bồ-đề.
Tâm Bồ đề tức tâm Giác ngộ, tâm Giác ngộ tức tâm vô sở đắc, tâm vô sở đắc mới đến giác ngộ cao nhất, nếu còn sở đắc tức còn chấp ngã, chẳng phải tâm Bồ-đề, sẽ không đạt đến giác ngộ cao nhất.
Thiền sư Thích Duy Lực